Monday, June 6, 2022

Tướng Toàn Và Tôi ( Tướng Toàn trong mắt một sĩ quan tùy tùng) – Quế Chi Hồ Đăng Định.

Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn
(1932 – 2005)

Quế Chi Hồ Đăng Định

Lời Thưa Trước: Cuộc chiến tranh Nam Bắc đã qua gần 40 năm rồi, những vết thương chiến tranh theo thời gian đã bớt mưng mủ, những đau thương ngộ nhận lẫn hận thù ân oán cũng theo tháng ngày dần dần nhạt phai. Là một cựu sĩ quan của Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa, tôi quyết định viết lại những dòng hồi ức này, ngoài việc làm tròn lời hứa với Cố Trung Tướng Nguyễn văn Toàn thuộc “Bên thua cuộc”, cấp chỉ huy trực tiếp của mình, tôi cũng muốn nói lên những sự thật mà tôi có cơ duyên được biết về ông sau khi ông đã qua đời vì tuổi già và bệnh tật ở nơi xứ người vào năm 2005, bỏ lại đằng sau một đời đầy tai tiếng. Tuy đây chỉ là những dòng kỷ niệm, những hồi ức riêng tư, nhưng vì Tướng Nguyễn văn Toàn là vị Tướng đã từng giữ những chức vụ chỉ huy quan trọng các Đại Đơn vị của Quân Đội Miền Nam cho đến ngày tàn chiến cuộc, thế nên viết chi về ông cũng không thể không nhắc đến các nhân vât quan trọng khác trong chính quyền và Quân Đội Miền Nam. Ông đã từng giữ chức:

– Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh , bản doanh ở Quãng Ngãi  (1967)

– Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Vùng 2 Chiến thuật bản doanh ở Pleiku (1972)

– Tư Lệnh Quân Đoàn 3 Vùng 3 Chiến Thuật bản doanh ở Biên Hòa và kiêm Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh (1975).

 Vì vậy tôi viết lại đây những chuyện có thật, những nhân vật có thật dù còn sống hay đã qua đời vói tất cả tên thật và chức vụ đương thời của họ, tuyệt đối không thêm bớt. Riêng về những nhân vật liên quan đến đời tư của ông Tướng tôi xin được phép viết tắt tên của họ để tránh những hệ lụy không cần thiết cho tất cả mọi người.

Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về những dòng ký ức này và sẵn sàng đối thoại với những ai hoài nghi ngòi bút của tôi gian dối hoặc hư cấu. Huế ngày 29 tháng 9 năm 2014.

 Quế Chi Hồ Đăng Định

 1.-Vài dòng tiểu sử-

Từ hơn mười năm nay lòng tôi cứ mãi băn khoăn, nhiều đêm thao thức chỉ vì chưa làm tròn một lời hứa với một người anh, một vị chỉ huy cũ của mình: Cố Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn của Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa trước năm 1975. Năm 2003 , ông Tướng (cách gọi thân mật mà anh em chúng tôi, những người gần gũi ông thường dùng mỗi khi nhắc tới ông), đã từ thành phố West Covina miền Nam Tiểu Bang California bay lên thành phố Seattle, tiểu bang Washington miền Tây Bắc nước Mỹ thăm tôi. Cùng đi với ông là anh Hồ văn Châu, cựu Trung Tá thuộc cấp thân tín của ông và anh Võ văn Tùng, cựu Thiếu tá, vừa là thuộc cấp vừa là bạn thời thơ ấu của ông Tướng. Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của ông Tướng có phần suy sụp, hằng tuần phải vô ra bệnh viện đôi lần. Gặp lại nhau sau gần 30 năm xa cách, những kỷ niệm cũ, những hình ảnh xưa được bốn thầy trò, bốn anh em khêu gợi lại rõ ràng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Trong nổi vui mừng tái ngộ cùng niềm hưng phấn tột cùng, tôi đã buột miệng hứa với ông Tướng là sẽ viết lại những kỷ niệm này, sẽ kể lại hơn một ngàn ngày được làm việc dưới quyền ông Tướng và sống chung chan hòa trong tình anh em thân thiết từ Pleiku cho đến Sài Gòn-Biên Hòa cách đây gần 45 năm.

 Nhưng năm tháng cứ lạnh lùng trôi, lòng tôi vẫn cứ mãi ray rức, băn khoăn mà tôi vẫn không viết được chữ nào như lời đã hứa cả. Nguyên do một phần vì bận bịu mưu sinh trong đời sống hối hả với những yêu cầu cao của một xã hội văn minh như nước Mỹ; phần khác là vì không khí chính trị ở Hải ngoại vẫn đang còn sôi sục thắng thua, mà trong lòng người hải ngoại cũng còn quánặng nề, hận thù, ân oán cả thù lẫn bạn. Oái ăm thay ! Tướng Toàn là một trong những vị Tướng của Miền Nam mang quá nhiều tai tiếng. Nào là tham nhũng, ăn chơi trụy lạc, dâm ô, thậm chí có lần người ta buộc ông vào tội hiếp dâm nữa. Ngoài ra còn có một vài tờ báo ở Sài Gòn gán cho ông cái tội Tổ chức Hành Quân vào rừng lấy quế để xuất khẩu sang Hồng Kông và từ đó gán cho ông cái biệt danh: “Quế Tướng Công”. Có thể ông bị hàm oan nhưng ai biết? ai hay ? mà khổ thay những tai tiếng đó đã được phổ biến rộng rãi và lập đi lập lại nhiều lần trên báo chí Sài Gòn cũ, dù có hay không, đúng hay sai cũng đã tạo thành định kiến trong đầu đại đa số quân nhân cũng như trong dân chúng Miền Nam Việt Nam trướcc năm 1975. Giờ đây trước vong linh ông Tướng, tôi xin phép ông ( cũng là phần nào từ ý thúc dục của ông một năm trước khi ông qua đời tại California-Hoa Kỳ), được kể lại những điều mắt thấy tai nghe, những điều tôi được biết về ông Tướng trong hơn 3 năm cuối cùng của cuộc chiến Việt nam. Tôi không bao giờ quên những tháng ngày được làm việc dưới quyền ông và được ông đối đãi và thương mến như một người em thân thích. Luôn mang trong tim lòng quý mến và biết ơn ông nhưng với tinh thần Tôn Trọng LẼ PHẢI và SỰ THẬT, trong dòng Hồi Ức này nếu có những nhận định thẳng thắn hay tôi có viết về những điều không hoàn hảo của một Con Người sống giữa Trần Gian thì cũng xin Ông Tướng nơi chín suối mĩm cười tha thứ.

Tướng Toàn sinh năm 1932 , tuổi Nhâm Thân, là con thứ của cụ Nguyễn văn Chất, một công chức Sở Bưu Điện thời Pháp thuộc, nhà ở đường Hàng Me (nay là Phạm Ngũ Lão), gần Tòa Khâm Sứ Huế. Con Đường hàng Me này thời học sinh của chúng tôi nổi tiếng với những Người Đẹp Trà Mi – Kiều Mi – Nga Mi – Diệm Mi – Phố Châu – Như Mai v.v. mà chắc rằng những cậu học trò Huế năm nào, nay đã là những lão ông thất , bát tuần dù ở bất cứ phương trời nào e cũng chẳng thể nào quên đượcnhững giai nhân nổi tiếng một thời này. Tướng Toàn có 3 anh em ruột  (cùng một cha mẹ) là anh Nguyễn văn Liêm, kỷ sư điện Phú Thọ về sau là Trung Tá Truyền Tin, người em trai là Nguyễn văn Chân du học Pháp, cũng đỗ kỷ sư, lấy vợ đầm, ở lại bên Pháp luôn hơn 60 năm ni. Riêng Tướng Toàn từ thuở nhỏ còn đi học ở Trường Việt Anh là đã có ý thích sống đời quân ngũ, rất thông minh và cũng rất gan dạ. Theo lời những người bạn ông kể lại thì cậu học trò Toàn bắn Ná Cao su rất hay, cứ mỗi lần đi học về ngang qua Tòa Khâm là Cậu rút ná ra bắn vào những trái cây chín trong khuôn viên Tòa Khâm rồi liều lĩnh leo hàng rào sắt vào lượm chiến lợi phẩm mà quên đi sự nguy hiểm là mấy thằng lính Tây đen mặt rạch sẵn sàng bắn bỏ kẻ xâm nhập. Ông nhập ngũ khóa 3 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt nhưng vì bị bịnh nên ông lại phải trở về nhà và nhập ngũ lại khóa 5, sau khi tốt nghiệp ông được gửi đi học chuyên ngành Thiết Giáp tại Trường Thiết Giáp Saumur nổi tiếng (Pháp Quốc). Cụ Chất tuy là một công chức nhưng lại có thêm nghề tay trái là thợ chuyên môn về máy móc điện lạnh. Năm 1950, ba tôi ngoài việc kinh doanh iiệm ăn, bán dĩa hát , máy hát quay tay hiệu La Voix de Son Maitre (hình con chó ngồi bên cái Loa), ba tôi còn mở thêm nhà máy làm nước đá và Kem cây để cho các em nhỏ bỏ vào phích Cà Rem mang chạy đi bán khắp cả Thành Phố Huế và vùng Phụ Cận như Kim Long, An Hòa, An Cựu, Vỹ Dạ.v..v.. Thành ra mọi việc liên quan đến nhà máy nước đá và kem cây, các vấn đề điện nước chi trong Tiệm Ăn ba tôi đều giao cho Cụ Chất và hai người trở thành bạn bè của nhau từ đó.

2-Mùa hè đỏ lửa 1972 –

Mùa hè năm 1972, chiến sự vô cùng sôi động, cái mùa hè mà nhà văn Phan Nhật Nam đặt tên là Mùa Hè Đỏ Lửa, thì tôi đang làm Đại Đội Trưởng một Đại Đội Bộ Binh của Sư Đoàn 23 BB. Cả Sư Đoàn cùng Liên Đoàn II Biệt Động Quân , Lữ Đoàn II Kỵ Binh , Liên Đoàn 20 Công Binh, tất cả đang hành quân trong vùng rừng núi Chư Pao, cố mở đường khai thông Quốc Lộ 14 để giải tỏa thành phố Kontum đang bị vây khổn. Chiến trường quá khốc liệt và đẩm máu, thương vong rất nặng nề. Tiểu đoàn tôi có tất cả là 22 Sĩ Quan từ Chuẩn Úy tới Đại Úy thế mà vừa tử trận, vừa bị thương phải đưa về tuyến sau hết 17 người. Có Đại Đội ( ĐĐ) không còn sĩ quan chỉ huy vì chưa kịp bổ sung nên phải cử một ông Thượng Sĩ hay Trung Sĩ coi sóc tạm thời ĐĐ đôi ngày chờ đến hạn kỳ tiếp tế. Một sĩ quan tiền sát pháo binh, nhà thơ Lâm Hảo Dũng đã phải than thở “Chư Pao ai oán hờn trong gió, Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường” Một tấc đường là một chiếc khăn tang thế thì đoạn đường dài mấy cây số dưới chân đèo Chư Pao đó đã đếm được bao nhiêu ngàn chiếc khăn tang của cả hai bên lâm chiến? Tôi chỉ bị thương nhẹ nên không được tản thương về hậu cứ nên cứ yên tâm nằm chờ đợi cái giây phút cuối cùng của đời mình nếu chiến trường cứ tiếp tục đẫm máu hằng ngày như vậy. Một anh bạn tôi, Trung Úy Lê Minh Đức Đại Đội Trưởng ĐĐ I bị một viên đạn xuyên qua phần mềm bắp vế chân phải, không nguy hiểm đến tính mạng nếu được tản thương kịp thời. Sau khi được Thiếu Úy Quán, Sĩ Quan Trợ Y băng bó (làm ga rô buộc chặt vết thương tạm thời cầm máu ), Đức mắc võng nằm cạnh tôi chờ máy bay trực thăng tản thương (Medivac). Mười lăm phút sau tiếng cánh quạt trực thăng kêu phành phạch trên bầu trời, Đức vùng dậy, xách ba lô nằm lên băng ca để cho mấy cậu lính của tôi khiêng ra bãi đáp trực thăng (Landing Zone). Trời Cao Nguyên thực lạ lùng, nhiều khi bầu trời đang trong veo, bỗng chốc mây đen kéo đến hoặc sương mù đổ xuống dày đặc là bầu trời trở nên đen kịt hàng giờ. Quả nhiên mươi phút sau thì phi công trực thăng phi đoàn Thần Tượng thông báo cho mặt đất biết là do sương mù, trực thăng không đáp được, sợ hết xăng, hẹn sáng mai trở lại và nói lời tạm biệt. Đức buồn bã trở về nằm bên tôi, suốt đêm chàng hút thuốc liên miên, hết điếu này đến điếu khác,chàng kể chuyện tình yêu dang dở thời học trò, chuyện học hành thi cử lận đận thời sinh viên, những nhọc nhằn gian khổ đời lính chiến cho đến khi cả hai chúng tôi chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị giữa rừng khuya ầm ì tiếng súng, dưới ánh sáng lập lòe của những đóm mắt hỏa châu. Sáng sớm thức giấc nhìn bạn đang còn ngủ say tôi mừng thầm, nhưng khi lay bạn dậy để đón trực thăng thì mới hay Đức đã ra đi tự bao giờ trong giấc ngủ mê, trong chiếc võng sũng máu đông cứng một màu đen thẩm. Viên đạn oan nghiệt đã phạm vào một động mạch chủ mà ngoài mặt trận không có đủ phương tiện y khoa để mổ xẻ và cầm máu. Vẫn biết mỗi người có một số mệnh nhưng sao tôi vẫn không ngăn nổi giòng nước mắt tiếc thương tuôn trào, tiếc thương cho người bạn vắn số và cũng buồn thương cho thân phận của chính mình không biết ra sao ngày mai? Đang tuyệt vọng như một con thú rừng mắc bẩy mà không có cách chi thoát ra thì thực bất ngờ, tôi nhận được một công điện từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II ra lệnh cho tôi về trình diện Thiếu Tướng Tư Lệnh vừa mới nhậm chức. Về sau tôi mới biết là do sự vận động của em tôi, Đại Úy Hồ Đăng Xứng Đại Đội Trưởng ĐĐ Tổng Hành Dinh Q. Đoàn II đã xin thẳng với ông Tướng khi đưa tiển ông Tướng lên đường đi nhậm chức tại phi trường Đà Nẵng. Ngày đầu tiên tôi về trình diện Đại Tá Trần văn Cẩm, Tân Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II ( sau này là Chuẩn Tướng khi nắm giữ chức vụ Tư Lệnh SĐ 23 BB). Tôi được đưa về làm việc tại Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) Quân Đoàn II. Có một sự kiện đáng ghi nhớ trong khoảng thời gian ngắn ngủi làm việc ở đây là vào khoảng 7 hay 8 giờ tối môt ngày tháng 7 năm 1972, tôi nhận được một báo cáo từ căn cứ hỏa lực 41, nằm giữa đường Kontum-Pleiku, có một chiếc trực thăng rơi trong khu rừng gần căn cứ. Tôi liên lạc với Sư Đoàn 6 Không quân ở phi trường Cù Hanh, báo tin cho Cố Vấn Mỹ thì được biết đó là chiếc trực thăng của ông Cố Vấn Trưởng của  Quân Đoàn John Paul Vann và ông ta đã bị tử thương . Ông này là chuyên gia chống du kích chiến và tuy trong quân đội Hoa Kỳ ông chỉ mang hàm Trung Tá nhưng lại là một tay CIA hạng gộc. Là Cố Vấn Trưởng của một QĐ nhưng ông ta luôn luôn mặc thường phục, khi đi ra mặt trận thì khoác thêm cái áo giáp chống đạn. Ông ta rất can đảm và thường tự mình lái trực thăng khi nghe tin một tiền đồn nào đó đang bị tấn công, bay trên mặt trận và thả đạn dược hoặc các đồ tiếp tế cho đơn vị đang giao tranh. Ngoài việc là Sĩ Quan trực ở TTHQ, hằng ngày tôi còn có nhiệm vụ nhật tu (ajourner tiếng Pháp hay update tiếng Mỹ) bản đồ hành quân của văn phòng Đại Tá Tham Mưu Trưởng (TMT/ QĐ), chỉ rõ nơi đóng quân hoặc hành trình di chuyển của các đơn vị BẠN cũng như của ĐỊCH, chỉ rõ các cuộc đụng độ trong ngày.v.v… Một hôm, ông Tướng bước vào phòng TMT/QĐ, tôi được Đại Tá Cẩm giới thiệu lần đầu tiên với ông Tướng là anh của Đại Úy Xứng thì ông Tướng vui vẻ chào hỏi và ra lệnh cho tôi qua làm việc ở Văn Phòng Tư Lệnh (VPTL) của ông. Trước mắt tôi là một người đàn ông cao lớn, mập mạp, oai vệ, mắt một mí như người Đại Hàn. Ông Tướng nói một thứ tiếng Huế rặt, giọng nói sang sảng và chậm rãi và nụ cười khanh khách, rộng mở. Bên cạnh ông là người Sĩ Quan Tùy Viên người Tàu Chợ Lớn tên Đổ Đức, tốt ngiệp khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (sau tôi 4 khóa) , anh ta cũng to cao như ông Tướng. Có một hôm, Đức rãnh rỗi, cao hứng mặc thường phục, áo chim cò, quần Jean , ghé qua Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng trước mặt Tư Dinh Tư Lệnh, ngồi uống nước và xem khiêu vũ thì một vài sĩ quan tưởng lầm là ông Tướng ngồi đó nên len lén rút lui ra về; một vài người cứng cựa hơn thì đến chào Tướng Tư Lệnh cho phải phép khiến cậu Đức nhà ta cải chính rối rít rồi cũng bỏ chạy luôn. Công việc trong VPTL rất nhiều , tôi có nhiệm vụ đọc tất cả văn thư từ các Phòng Ban và các đơn vị trực thuộc QĐ đệ trình lên Tư Lệnh, rồi viết một phiếu trình nhỏ tóm tắt nội dung văn kiện để trình Tư Lệnh quyết định. Ông Tướng đọc rất nhanh rồi ký duyệt hoặc bút phê đôi dòng chỉ thị ngắn gọn và chính xác cho các đơn vị liên hệ thi hành. Nhiều khi tôi rất thán phục và thường nhủ thầm rằng các vị công chức tốt nghiệp Trường quốc gia hành chánh hay là vị nào dù cho có giỏi về hành chánh cách mấy đi nữa e cũng chỉ giải quyết sự việc nhanh gọn chừng ấy thôi.

3.-Tình Bạn -Tình Người –

Kỷ niệm đầu tiên mà tôi nhớ hoài là ông Tướng tỏ ra một người rất cứng cỏi, không hề sợ hải dư luận hoặc những lời đe dọa của một số con sâu trong làng Báo chí ở Sài Gòn trước năm 1975. Một số người đã lạm dụng Đệ Tứ Quyền  để phục vụ cho lợi ích cá nhân hay phe nhóm, họ đã giết danh dự, tên tuổi, uy tín của rất nhiều người bằng ngòi bút vu khống, bôi nhọ vô lương tâm của họ chỉ vì đồng tiền mà ông Tướng đã nhiều lần là nạn nhân của họ. Một buổi sáng mùa thu, Pleiku sương mù, văn phòng tôi tiếp một nữ phóng viên trẻ, có nhan sắc của một tờ nhật báo có tiếng ở Sài Gòn. Cô ta xin gặp Tướng Tư Lệnh để phỏng vấn tình hình chiến sự trong Quân Khu. Trong cuộc trò chuyện cô ta tỏ ra rất khôn ngoan, vừa có vẻ đòi hỏi QĐ cấp vé máy bay Hàng Không Viet Nam cho cô về lại Sài Gòn khi xong việc, vừa đưa ra cái mồi nhử là sẽ viết rất tốt về một vị Tướng đang cầm quân ngoài mặt trận. Nhưng cô ta cũng không quên nhắn nhe là cô ta cũng có thể phanh phui nhiều sơ sót, nhiều sai phạm của các đơn vị mà cô ta có rất nhiều tài liệu trong tay. Tuy rất bực mình nhưng tôi vẫn phải làm tròn nhiệm vụ tường trình cuộc nói chuyện của cô phóng viên kèm theo lời nhận xét của tôi với ông Tướng. Ông Tướng chỉ nói vắn tắt: “Nói với Đại Úy Lượng Phi hành đoàn trực thăng chuẩn bị bay lên Kon Tum. Không có thì giờ tiếp báo chí! Bảo cô ta ra khỏi Bộ Tư Lệnh ngay, nếu không thì cho Quân Cảnh chở cho cô ta tới bến xe đò rời khỏi Pleiku tức khắc.” Khi nghe tôi lập lại lệnh ông Tướng, cô phóng viên tái mặt, đúng dậy bỏ đi một mạch không nhìn lại một lần. Phải chăng vì tính thẳng thắn và cứng cỏi như vậy nên ông Tướng đã là nạn nhân của báo chí trong suốt cả cuộc đời binh nghiệp? Giữa chồng văn thư cao ngất hàng ngày, một hôm tôi đọc được một lá thư của một Thiếu Tá tên Long vừa ở tù Quân Lao Nha Trang ra và được phép trở lại phục vụ trong Quân Đội. Ông ta viết thư xin người bạn cũ nay là Thiếu Tướng Tư Lệnh QĐ giúp đỡ. Ông Tướng liền ra lệnh cho tôi: “Ông Thiếu Tá này là bạn cũ học cùng khóa với tôi đó! Anh nói với Trung Tá Phán Trưởng Phòng Tổng Quản Trị QĐ sắp xếp cho ông ta một công việc nào đó không quan trọng, không được giữ chức vụ chỉ huy.” Ông Tướng thường nói là người ta gõ cửa thì mình phải mở, nhưng việc chi cũng có giới hạn của nó. Hai tháng sau ngày nhậm chức, chiến trường tạm lắng dịu, ông Tướng bảo tôi: “ Anh gọi Đại Úy Tự phi công và phi hành đoàn máy bay Caribu C123 chuẩn bị máy bay đi Nha Trang. “Tôi phải xuống thăm Trung Tướng Đống một tí”. Trung Tướng Đống mà ông Tướng nói đây là Trung Tướng Dư Quốc Đống hiện giờ đang giữ chức Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang (CHT/THSQ/NT). Tướng Đống đã giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù (SĐND) nhiều năm mà SĐND lại là một đơn vị thiện chiến và gan dạ nhất của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, không biết có bất đồng chi với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên bị nghi ngờ, bị thất sủng, bị cách chức Tư Lệnh để ra Nha Trang coi sóc một Trường huấn luyện tân binh mà THSQNT 8 lại nằm trong lãnh thổ Quân Khu II , trực thuộc dưới quyền Thiếu Tướng Tư Lệnh QĐ II & QK II. Thành ra Trung Tướng lại dưới quyền Thiếu Tướng éo le như vậy. Cũng cần nói thêm Trung Tướng Dư Quốc Đống, Thiếu Tướng Nguyễn văn Toàn và Thiếu Tướng Nguyễn văn Hiếu là ba người bạn học cùng khóa 5 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Từ trên máy bay Caribu bước xuống phi trường nha trang nắng cháy, Tướng Toàn (2 sao) đã thấy Tướng Đống (3 sao) đứng dưới chân cầu thang máy bay cùng với tất cả Sĩ Quan cao cấp của Bộ Tham Mưu Nhà Trường dàn chào. Sau khi 2 vị Tư Lệnh chào nhau, Tướng Toàn bước tới bắt tay Tướng Đống và vui cười nói: “ Ô Trung Tướng ! Bọn mình là anh em, là bạn bè mà Trung Tướng làm chi nghiêm trọng rứa ?” Tướng Đống với nét mặt cứng cỏi, nước da sạm đen , trông rất ngầu, đúng là một vị tướng trận mạc, nhưng lại có một nụ cười rất hiền hòa từ tốn trả lời với một giọng miền Nam rất ấm : “Không ! Lễ nghi bắt buộc (protocol) mà toa (toi). Moa (moi) đi đón một ông Tư Lệnh Vùng và là Đại Biểu Chính Phủ nữa, đâu phải chuyện chơi! đâu có loạng quạng được !” Thế mới thấy những chính khách dân sự , không hề mặc áo lính thường chê những quân nhân , hay phe quân sự là những kẻ “Võ Biền”, hung hăng, thô lậu là qúa chủ quan và thiên kiến. Những quân nhân , đại diện là những Tướng Lãnh mà tôi đã từng biết, từng được gặp gỡ, họ cũng rất thông minh, rất hiền hòa và đối xử với nhau rất cao thượng (noble), lịch sự, rất thấu tình đạt lý. Tướng Đống lần lượt giới thiệu các Sĩ Quan trong BTM của mình với Tướng Toàn như là: “Đây là Đại Tá X Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Đây là Trung Tá Y Trưởng Phòng 1, Trung Tá A Trưởng Phòng 4 ….v.v và v.v” Đến trước mặt một ông Trung Tá, dáng người nhỏ thó, nói tiếng Huế nhỏ nhẹ như con gái thì Tướng Toàn quay sang nói với Tướng Đống:  “Ông Trung Tá Hoàng Công Thụ ni là bạn học của tôi đây ! Xin Trung Tướng cho ông Thụ lên Pleiku với tôi có được không?” Tướng Đống O.K. lập tức và ra lệnh cho Trung Tá Thụ chuẩn bị ba lô bay lên Pleiku với Tướng Toàn ngay chiều hôm đó. Lên đến Pleiku nhân lúc Phòng Tổng Thanh Tra QĐ chưa có người phụ trách, Ông Tướng giao cho ông Thụ chức vụ đó để chờ….thời. Nói là chờ thời vì sau này ông Tướng đã đặc cách ban cho ông Thụ một chức vụ mà mọi sĩ quan cấp Tá đều mơ ước: Chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng. Theo con mắt nhìn của tôi đây là một trong những sai lầm của ông Tướng. Dụng nhân cũng như dụng mộc, phải dùng người đúng chỗ, phải dùng gỗ đúng nơi. Ông Tướng đã vì tình riêng mà đề bạt, đã dùng người không có khả năng để giữ những chức vụ quan trọng như vậy trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Một người đã bị kỷ luật khi làm Quận Trưởng mà nay được đề bạt lên làm Tỉnh Trưởng , trong khi ông Tướng chỉ nghĩ giúp Bạn chơ không có một đồng xu trong cái áp phe (affair) này. Tôi còn nhớ như in 2 cuộc điện thoại, cuộc điện thoại đầu tiên từ chiến trường Gia Nghĩa tỉnh Quảng Đức. Ngay tại mặt trận, ông Tướng đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Thiệu nguyên văn như sau : “ Thưa Tổng Thống! vì chiến trường Cao Nguyên sôi động, tôi cần những sĩ quan có khả năng đánh giặc, tôi xin Tổng Thống thay 3 vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng 3 tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng và Darlak.” Tổng Thống Thiệu hỏi: “Anh muốn thay 3 ông cũ bằng 3 ông mới nào ?” -“ Dạ thưa Tổng Thống , tôi muốn xin cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật hiện ở Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh giữ chức Tinh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlak. Trung Tá Nguyễn văn Nghìn hiện là Trung Đoàn Trưởng Trung 4 Sư Đoàn 2 BB giữ chức Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Đức kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Đức. Trung Tá Hoàng Công Thụ Tổng Thanh Tra QĐ II làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Lâm Đồng” Ngay ngày hôm sau, cuộc điện thoại thứ hai gọi thẳng về tư dinh Tư Lệnh, hôm đó tôi đang ngồi trực điện thoại, nhận được điện thoại của ông Bửu Viên Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm xin gặp ông Tướng. Nội dung cuộc điện đàm như sau đây: “ Thưa Trung Tướng , Đại Tướng Trần Thiện Khiêm Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ đồng ý bổ nhiệm Đại Tá Luật và Trung Tá Nghìn làm Tỉnh Trưởng . Riêng trường hợp ông Trung Tá Thụ thì Đại Tướng chỉ thị cho tôi hỏi lại Trung Tướng vì ông Trung Tá này đã bị phạt vì không làm tròn nhiệm vụ khi giữ chức vụ Quận Trưởng”. Tướng Toàn trả lời một cách dứt khoát: “ Anh Viên thưa lại với Đại Tướng, Trung Tá Thụ là bạn của tôi. Tôi bảo đảm ông ta sẽ làm được việc.” Thế là 2 hôm sau công điện bổ nhiệm được ban hành và cả ba vị Sĩ Quan được đề cử lên đường đáo nhậm đơn vị mới. Dùng người cũng như chọn gỗ quý, người chỉ huy phải sử dụng, đặt để từng cá nhân vào những vị trí thích hợp đúng với khả năng của họ. Trong khi đất nước trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng mà ông Tướng vì tình bạn bè riêng tư lại giao phó cho những người không có khả năng chỉ huy, không có kinh nghiệm chiến trường, và không có tinh thần quyết chiến nếu không muốn nói là nhu nhược ra cầm quân thì làm sao có thể hy vọng họ hoàn thành nhiệm vụ được . Tôi xin đơn cử 2 trường hợp điển hình là 2 ông Tỉnh Trưởng Kontum và Lâm Đồng, chỉ vì tình đồng hương cũng như muốn nâng đỡ thuộc cấp và bạn bè mà ông đã tiến cử 2 ông “Trung Tá văn phòng” này. Một ông là Sĩ quan pháo binh được ông Tướng kéo về làm Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, suốt ngày sai lính chùi xe thiệt bóng loáng, chùi giày sáng như gương soi, ủi áo quần thẳng nếp sắc như dao vô ý đụng vào có thể đứt tay. Tối tối đi nhảy đầm bằng tiền của người khác, và về nhà gọi ngay cho bà vợ ở Đà Nẵng: ”Em ơi ! Anh vừa cho thằng Thượng sĩ X. mang về cho em cái bông xăng 2000 lít đó nghe! Khi mô hắn về tới thì em nhớ báo cho anh biết. “ Một phuy xăng 220 lít giá thị trường là 1 lượng vàng lá , 2000 lít tương đương với 9 phuy xăng là 9 lượng vàng tương đương với 9 tháng lương của một sĩ quan cấp úy như tôi . Số xăng này cũng do ông ta dựa oai hùm của ông Tướng để xin ở các đơn vị này đơn vị nọ trong QĐ. Ông Trung Tá kia thì cũng chẳng hơn gì, cũng không một ngày chiến trận, ốm o xo bại, nói không ra hơi, trông yếu ốm như một thư sinh trói gà không chặc, từng bị kỷ luật thế mà ông Tướng cũng chỉ vì tình bạn đã cho ông ta giữ chức Trưởng Phòng Tổng Thanh Tra Quân Đoàn. Cũng lợi dụng chức vụ xin đểu xăng, tôn, sắt, xi măng rồi cho xe chở về Sài Gòn cho vợ xây nhà, xây biệt thự . Chưa có chức vụ quan trọng mà đã tham ô nhũng lạm, thu vén riêng tư ghê gớm như vậy huống chi là chừ được giữ chức quan đầu một Tỉnh thì mặc sức mà tung hoành mà đục khoét công quỷ và tài nguyên quốc gia. Tôi viết những lời phê phán nặng nề này một cách có ý thức và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi muốn mỗi chúng ta, trong những ngày cuối đời phải nhìn lại con người mình, tỉnh táo soi lại lòng mình, nằm gát tay trên trán để nhớ lại những việc mình đã làm trong quá khứ. Cái gì hay thì có thể mỉm cười hãnh diện, biết sám hối những lỗi lầm lớn nhỏ chứ chúng ta không thể cứ mãi u mê, dối người và dối ngay cả chính mình, cứ mãi tự mãn tự hào với cái vòng nguyệt quế lấp lánh hào quang không có thật. Riêng cá nhân tôi, cũng nhiều đêm thao thức, ray rức, băn khoăn với nhiều hối hận mỗi khi lần tìm về quá khứ. Là một sĩ quan cấp nhỏ không có quyền hành chi, lại là một sĩ quan tác chiến không có cơ hội và môi trường để tham ô nhũng lạm, nhưng suy cho cùng thì bản thân tôi cũng đã phạm tội tuy vô tình và cũng xin thành tâm sám hối.

4.- Tham ô và nhũng lạm –

 Năm 1970 tôi là một sĩ quan Đại Đội Trưởng một Đại Đội Bộ Binh thuộc Trung Đoàn 45 Sư Đoàn 23 BB trú đóng ở Ban Mê Thuột nhưng đơn vị thường thường hành quân khắp 3 tỉnh Darlak, Pleiku và KonTum hàng tháng trời. Cứ mỗi 5 ngày thì được trực thăng chở đồ tiếp tế một lần gồm thức ăn, thuốc men, súng ống và đạn dược.  Ngày mai là ngày tiếp tế thì hôm nay ông Trung sĩ Hạ Sĩ Quan ẩm thực ở Ban Mê Thuột đã gọi điện thoại cho tôi: “Thưa Trung Úy (T/u), tuần trước thịt bò rồi kỳ này T/u thích ăn thịt gà hay thịt heo? Ngoài các nhật báo thường lệ T/u thích đọc Tuần Báo Điện Ảnh hay Sân Khấu? Nguyệt San Bách Khoa hay Văn hoặc Văn học? Bia lon thì lon của Mỹ hay bia chai Con cọp của VN?.v.v…… Trong khi đó, những người lính trong đại đội tôi chỉ có một khúc cá hố dù đầu hay đuôi, thêm một miếng thịt heo mở nhiều hơn thịt, cũng chỉ vừa đủ nhét vào một lon sữa Guigoz cùng với mấy lát hành, ớt, tỏi cùng với hủ chao đựng nước mắm. Tất cả hầm bà lằng dộng vào trong lon sữa, chế thêm nước mưa hay nước suối , kho lên, rồi chan nước cá ăn với cơm, hết gạo thì ăn cơm sấy. Và cứ thế ngày này qua ngày khác, hết nước thì lại đổ thêm nước mưa hay nước suối mà chan cơm chờ kỳ tiếp tế tới. Ăn uống như rứa mà hàng ngày phải lội bộ trong rừng sâu hàng chục cây số, trèo đèo lội suối, trên vai vũ khí và đạn dược, xẻng, cuốc, mùng mền cá nhân tất cả nặng hàng chục ki lô nặng oằn vai, người lính bộ binh như những con lạc đà nhẫn nhục thồ hàng băng qua sa mạc. Giờ đây nghĩ lại thấy quá tội nghiệp, thương vô cùng người lính bộ binh năm xưa. Tiền ăn của một người lính hàng ngày là 42 đồng rưỡi, thế mà họ chỉ nhận được một cái đầu cá hố , môt miếng thịt heo bằng hai ngón tay mở nhiều hơn thịt với mấy tép hành ,vài quả ớt , củ tỏi, với hủ chao nước mắm tất cả ước độ 10 đồng, vậy thì còn 32 đồng rưỡi đi đâu ? Vì sao ??? Vì HSQ ẩm thực đã lấy bớt 10 đồng bỏ vào túi riêng để bù lại số tiền mua chức này với ai đó mà tôi không được biết, cái chức tưởng là tầm thường này nhưng rất có giá vì vừa được sống an nhàn, an toàn ở Thành phố mà lại vừa có bổng lộc, có tiền mua vàng cho vợ cất nữa. Bớt thêm 10 đồng để tiếp tục cung phụng cho ai đó mà tiếp tục giữ chức, 10 đồng còn lại là dành cho gà vịt, thịt bò , thịt heo, bia bọt, báo chí cho Đại Đội Trưởng, người chỉ huy trực tiếp là Tôi nữa. Tuy chính mình không ra lịnh ăn bớt, ăn xén tiền ăn của lính, nhưng chính mình cứ làm thinh mà hưởng thụ nhởn nhơ, mà không hề biết, không hề chia sẻ nổi đau khổ của người lính là một điều không thể tha thứ. Giờ đây tôi chỉ xin cúi đầu nhận lỗi. Từ đó, nói chuyện tham ô nhũng lạm tôi nghĩ như là một thuộc tính của nền văn hóa đặc thù Á Đông. Ai có chức có quyền cũng mặc nhiên cho mình có quyền ăn của đút lót hoặc là những bổng lộc do chức quyền của mình mang lại. Vậy thì thử đặt câu hỏi xem có vị Tổng Thống, Thủ Tướng hoặc Đại Tướng Trung Tướng hay nói cách khác là có vị chức quyền quân sự hay dân sự nào dám cam đoan là mình không hề tham nhũng, không hề nhận tiền hối lộ dưới bất cứ hình thức nào trong khi mình còn tại chức không ? Anh không đích thân, không chường mặt ra nhận quà tặng, nhận tiền đút lót, nhưng vợ con anh hay đệ tử của anh nhận thì sao ? Anh có tội không ? Nói tóm lại không ai dám tự hào là mình trong sạch cả, vấn đề là tính nhân đạo hay vô nhân đạo mà thôi. Hơn nữa khi với quyền uy của mình , anh làm một hành động hợp pháp như ký giấy phép cho một công ty, một đơn vị kinh doanh nào đó , mang lại nhiều lợi lộc cho họ thì việc đền ơn đáp nghĩa như một sự tự nguyện là lẽ đương nhiên. Còn việc bán chức bán quyền, ra giá, o ép, thâm lạm công quỷ, đục khoét ngân sách, bán đứng tài nguyên quốc gia .v.v.. thì không có gì để bàn cãi nữa. Vậy thì kết luận lại là Tướng Toàn có tham nhũng không? có nhận hối lộ không? Tôi xin thẳng thắn trả lời ngay là có. Không có sao được, tôi chỉ đơn cử một sự kiện thôi. Nhân ngày sinh nhật của cháu Thịnh con trai đầu của ông Tướng tròn 12 tuổi (sinh năm 1960) thì một thương gia ở Sài Gòn đã gửi lên Pleiku một món quà sinh nhật đắt giá : một chiếc đàn Piano hiệu Yamaha của Nhật trị giá một triệu đồng , tương đương với 40 lượng vàng. Thành ra nói Tướng Toàn tham nhũng, ăn hối lộ cũng đúng nhưng có ông Tướng nào dám tuyên bố không tham nhũng? Hay như Báo chí Sài Gòn có lần tố Bà Vợ của Tướng Có, Tướng Phú đánh bài Tứ Sắc bằng tiền cấp giấy phép cho thanh niên trốn quân dịch. Hay là để mua một chức Tỉnh Trưởng mà có 3 ông Đại Tá chạy 3 đường: đường Bà Tổng Thống Thiệu , đường Bà Thủ Tướng Khiêm , đường ông Tướng Cố vấn Đặng văn Quang…

5.- Dâm Ô – Trụy Lạc và Hiếp Dâm-

Như đã nói ở phần đầu, ông Tướng có một thân xác cao lớn như người ngoại quốc, với một sức khỏe sung mãn của một người đàn ông 40 tuổi. Vì thế ông Tướng có một đời sống sinh lý sôi nổi, nên ở đâu ông Tướng cũng có tình nhân mà ta tạm gọi là Bồ Nhí. Bản doanh Sư Đoàn 2 đóng ở Quãng Ngãi hay ở Chu Lai thì vợ con ông vẫn ở Đà Nẵng, bản doanh Quân Đoàn 2 đóng ở Pleiku thì vợ con ông cứ ở Nha Trang, thậm chí bản doanh Quân Đoàn 3 đóng ở Biên Hòa thì vợ con ông vẫn ở Sài Gòn. Trước hết là vì ông Tướng muốn vợ con ông an toàn, xa vùng lửa đạn nhưng phần khác là ông Tướng muốn tự do tung hoành. Lên xe tăng thăm các đơn vị Tùng Thiết (Bộ Binh hành quân chung với Thiết Giáp Binh) đang đụng địch trong rừng, bay trên trực thăng chỉ huy mặt trận dưới đất, ngồi xe Jeep đi thăm các đơn vị dưỡng quân chờ bổ sung sau các trận chiến ác liệt, tôi kém ông 8 tuổi mà theo ông suốt ngày cũng mệt bở hơi tai, thế mà ông cứ phom phom, tỉnh bơ. Bước vào Tư Dinh là ông đã kêu Thượng Sĩ Lượng, Quản Gia lấy xe ra phố chở cô Ng, người tình “em Pleiku má đỏ môi hồng”, mà nếu cô Ng, bận thì Cô H, cô nữ sinh mơ ước được làm 13 “người tình của Tướng Lãnh” như trong Tiểu thuyết của nhà văn nữ Lệ Hằng, cũng được. Tuy nhiên, không thể vì ông Tướng có một đời sống tình dục mạnh và có vẻ dễ dãi như thế mà buộc ông vào cái tội hiếp dâm cô Lê thị Tiếc ở Quãng Ngãi. Theo như lời kể của nhiều sĩ quan ở SĐ 2 thời đó thì đây chỉ là một mưu mô, một đòn thù mà các phe nhóm và đảng phái thời đó dựng nên để hạ độc thủ ông Tướng hầu giành chức giành quyền mà thôi. Với chức quyền và tiền bạc ông Tướng được rất nhiều người đàn bà, nhiều người con gái sẵn sàng hiến thân với những mục đích khác nhau mà ông Tướng cũng không dám hoặc là không đáp ứng nổi. Có những cô sinh viên, ca sĩ , tài tử điện ảnh thích thú và tự nguyện làm người tình của Tướng Lãnh như tôi đã từng biết và thấy không cần thiết phải kể tên ra ở đây. Thế thì hơi sức đâu mà phải dùng võ lực để hiếp dâm một cô tiếp viên của Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng đã qua tay không biết bao nhiêu người đàn ông mà một ai đó đã sắp xếp đưa ông Tướng vào bẫy sập. Những điều vu khống đó thiếu sức thuyết phục, tuy được quảng bá trên báo chí Sài Gòn thời đó nhưng ông Tướng vẫn bình chân như vại, Ông Tướng thường nói mình không làm thì có chi mà sợ hãi , cần chi mà phải cải chính. Và người ta càng bôi lọ thì con đường tiến thủ của ông Tướng càng ngày càng thẳng tắp, lên cao. Hơn nữa nếu quả thật có vụ hiếp dâm đó thì không một ai có thể đỡ đòn cho ông Tướng, kể cả Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu cũng không thể nào bịt miệng binh sĩ, dân chúng và luật pháp. Nếu có chuyện hiếp dâm đó thì ông Tướng đã bị đưa ra Tòa Án Binh, bị lột lon và bi cho vào tù it nhất cũng cả chục năm. Đằng này, từ Chuẩn Tướng thăng lên Thiếu Tướng và sau đó là Trung Tướng Chỉ huy những Đại Đơn Vị của QĐVNCH.

6.- Chân dung người Sĩ Quan can trường-

Sau 3 năm ở Mỹ, năm 1994 tôi vào làm nhân viên xếp sách (Page) của Thư Viện Lake Hill thuộc thành phố Bellevue, tiểu bang Washington. Nhiệm vụ của tôi là xếp sách, trả lại chỗ cũ nơi cuốn sách đã được người đọc (Patron) lấy ra đọc rồi quẳng đâu đó trong thư viện. Hằng ngày nhìn các cô cậu sinh viên, học sinh đủ mọi dân tộc Đông Âu, Nga, Pháp, Tàu ,Việt, Somalia hay Congo nhưng nay đã là dân Mỹ, ngồi đọc sách hay đang mãi mê lướt trên máy vi tính hay ôm sách nằm ngủ ngon trên bàn học, trong ghế salon bằng da, hoặc ghế bọc nhung sang trọng, tôi cứ ước chi mình được trẻ lại và ôm sách đi học trên xứ sở tự do, giàu sang và thanh bình này thì hạnh phúc biết bao! Tôi thường lợi dụng thì giờ nhàn rỗi để đọc sách, tôi thích đọc các sách báo viết về chiến tranh Việt Nam và Hồi ký của các danh nhân trên thế giới. Tình cờ tôi đọc được một số báo rất thú vị viết về một vài Tướng lãnh miền Nam VN, trong đó có hình ảnh và bài báo viết về Tướng Toàn, sau khi đọc xong tôi đã chụp hình (photocopy) gửi về Cali cho ông Tướng. Bài báo viết về sự chọn lựa khó khăn nhân vật sẽ đảm nhận chức vụ Tư Lệnh QĐ II của Tổng Thống Thiệu vào mùa hè năm 1972. Cuộc tấn công đồng loạt và vô cùng dữ dội của Quân Đội Miền Bắc ở An Lộc, Kontum và Quảng Trị đã dồn Quân Đội Miền Nam vào một tình thế bị động, lúng túng. Riêng ở Cao Nguyên và toàn vùng 2 chiến thuật, tình thế rất nguy ngập, Đại tá Lê Đức Đạt Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB tử trận tại Tân Cảnh , tỉnh Kontum đã bị mất 3 quận phía Bắc, chỉ còn kiểm soát được 3 quận phía Nam, thành phố Kontum bị vây khổn, thành phố Pleiku cũng bị đe dọa tấn công. Trong khi đó tướng Ngô Du Tư Lệnh QĐ II không có bản lãnh và gan dạ của một tướng cầm quân ngoài chiến trường. Ông ta nhu nhược và nhút nhát đến nổi không dám lên Văn Phòng Tư Lệnh (Thành Pleime) làm việc vì sợ…..địch pháo kích, không dám bay trực thăng ra tiền tuyến vì sợ SA-7 (hỏa tiễn cầm tay của Liên Sô) bắn rơi. Trước tình thế nguy nan như vậy, Tổng Thống Thiệu muốn thay thế Tướng Ngô Du bằng một ông Tướng gan dạ, có tài cầm quân cũng như có khí phách để mong thổi một luồng sinh khí mới vào một đạo quân đã rã rời và kiệt sức vì cuộc chiến vô vọng và quá dài lâu, nhưng chưa tìm được người như mong muốn, vả lại không một ai muốn nhận cái gân gà khó nuốt đó cả. Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang mắc kẹt ở địa đầu giới tuyến Trị Thiên, lãnh thổ Vùng 2 lại quá rộng lớn, vừa rừng núi vừa đồng bằng bao gồm 12 tỉnh và Đặc khu Cam Ranh. Để bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy mà QĐ Miền nam chỉ có 2 Sư Đoàn 22 BB và Sư Đoàn 23 BB chống đỡ cọng thêm một Lữ Đoàn Biệt Động Quân, một Lữ Đoàn Thiết Giáp, với các Tiểu đoàn Địa Phương Quân trang bị vũ khí thô sơ, tinh thần và khả năng chiến đấu kém. Thế mà phải đối đầu với 5 Sư Đoàn chính quy của Quân Đội Miền Bắc cùng các đơn vị xe tăng tối tân với vũ khí cũng như pháo binh vượt trội, đó là chưa kể du kích quân của các Tỉnh Đội, Huyện Đội, Xã Đội nữa. Cuộc chiến rõ ràng không cân sức, nhất là sau khi ký Hiệp Định Paris, Quân Miền Nam không còn được sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ, cùng sự hạn chế, thiếu thốn mọi mặt kể cả vũ khí, đạn dược, xăng dầu .v.v. Tổng Thống Thiệu bèn hỏi ý kiến của ông Đại Sứ (ĐS) Martin, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và yêu cầu ông Đại Sứ đề nghị một vị Tướng giữ chức Tư Lệnh QĐ II. Khi nghe ông ĐS tiến cử Thiếu Tướng Nguyễn văn Toàn thì Tổng Thống Thiệu dãy nảy lên: “Ông Đại Sứ! Không được đâu! Tướng Toàn là người mang nhiều tai tiếng, giao phó cho ông ta những chức vụ quan trọng sẽ bị các Tướng Lãnh và dân chúng phản đối.” Ông ĐS Martin chậm rãi giải bày: “Thưa Tổng Thống! Tôi không bào chữa hay tranh luận về những lời đồn đãi hư thực đối với Tướng Toàn. Tôi xin kể cho Tổng Thống nghe một câu chuyện vui về lịch sử nước tôi. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ từ năm 1861 đến năm 1864, Đại Tướng Grant Tổng Tư Lệnh Bắc Quân là một người nghiện rượu, Trong văn phòng hay ngoài mặt trận luôn luôn có chai rượu Whisky bên cạnh. Đó là một tật xấu mà một vị Tướng cầm quân không nên có , nhưng ông ta lại là một vị Tướng tài ba lỗi lạc. Cứ mỗi lần nghe tin chiến thắng là Tổng Thống Lincoln ra lệnh gửi ngay ra chiến trường một thùng rượu Whisky tưởng thưởng vị Tướng tài ba. Tôi nghĩ rằng, giờ đây Tổng Thống cũng cần nghe tin chiến thắng”. Năm tháng sau khi nhận chức, Thiếu Tướng Toàn đã được Tổng Thống Thiệu vinh thăng Trung Tướng tại Mặt Trận vì đã giải vây được thành phố Kontum và đã giữ được Vùng 2 khỏi áp lực nặng nề của QĐBV. Ông Tướng khi cần thiết, dù ngày hay đêm vẫn bay ra tận tuyến đầu, ngay tận chiến hào, đến bên cạnh người lính đang ghìm súng dưới chiến hào, hỏi han, căn dặn, động viên, hứa hẹn, trấn an và khích lệ người lính: “Em cố gắng lên nghe, Quân Đoàn và anh luôn ở bên cạnh các em , dành cho các em tất cả sự yểm trợ cần thiết“. Một đêm nọ, được tin Quận Kiến Đức thuộc tỉnh Quảng Đức đang bị vây hãm, ông gọi tôi cùng bay trực thăng ra ngay trận địa và ra lệnh trực thăng đáp ngay xuống quận lỵ, nơi đặt Bộ Chỉ huy Trung Đoàn 53 BB, trước sự ngỡ ngàng và lo sợ xen lẫn mừng vui của Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Võ Ân và các sĩ quan tham mưu. Trung Tá Ân tỏ vẻ lo là rất nguy hiểm, sợ rằng không bảo đảm an toàn cho ông Tướng Tư Lệnh Vùng. Sau khi đã liên lạc thẳng với các cấp chỉ huy ngoài tiền tuyến, ông Tướng lên trực thăng ra về trong sự thán phục và tin tưởng của tất cả sĩ quan và anh em binh sĩ. Trong đêm tối yên ắng, trực thăng bay qua vùng rừng núi bao la giữa Quảng Đức và Pleiku tưởng chừng như vô tận. Nhìn xuống bên dưới là một khoảng không gian đen kịt, thỉnh thoảng đó đây, bập bùng ánh lửa của một vài buôn Thượng cô đơn nào đó giữa rừng già. Tôi tựa lưng vào thân máy bay thiu thiu ngủ nhưng thỉnh thoảng chợt giật mình thức giấc vì lo sợ, nếu có một quả tên lửa cầm tay SA-7 nào đó ở dưới đất bắn lên thì không khỏi tan xác. SA-7 là một loại hỏa tiển nhỏ có thể cầm tay của Liên Sô sản xuất mà tin tình báo cho biết đã được sử dụng trên chiến trường cao nguyên từ mấy tháng nay. À mà thôi! ông Tướng đã không sợ thì mình chỉ là tép riu, sợ chi? Mãi miên man suy nghĩ rồi rơi vào cơn mộng mị cho đến khi trực thăng đáp xuống sân Bộ Tư Lệnh QĐ tôi mới tỉnh giấc. Như thường lệ hằng đêm, ông Tướng có thói quen gọi điện thoại về Nha Trang hỏi thăm vợ con vào lúc 9 giờ tối, đêm nay về tới Tư Dinh lúc nửa đêm, ông Tướng vội vã cầm điện thoại hỏi thăm sức khỏe và giải thích sự chậm trể vì bận chuyến bay đêm. Khi bà vợ hỏi anh không sợ bị hỏa tiển địch bắn rơi hay sao, thì ông Tướng đã thành thực trả lời. Ai mà không sợ chết nhưng trách nhiệm và bổn phận của người chỉ huy mình phải chu toàn để lương tâm không cắn rứt. Giờ phút này đây , anh em binh sĩ, quan cũng như lính đang ôm súng, nằm dưới giao thông hào bên bìa rừng, xó núi mà minh lại ở nơi an toàn, trong chăn êm nệm ấm là điều không đúng, không phải rồi. Nếu mình không tỏ ra quan tâm tới họ, không chia sẻ phần nào nổi hiểm nguy với họ thì nói ai tin? làm sao chỉ huy? Những lời nói và suy nghĩ đó đủ để chứng tỏ tấm lòng và tư cách của người chỉ huy với người lính ở tuyến đầu. Tôi lại biết thêm sự gan dạ và ý thức trách nhiệm của ông Tướng khi nghe cựu Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn I (năm 1970), một người đàn anh, tâm tình với ông Tướng trước quan tài đang còn mở nắp và ông Tướng đang thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu : “Anh Toàn nì! Tôi với anh không bà con, không quen biết trước, rứa mà anh với tôi, suốt cuộc đời quân ngũ như có nợ nần chi nhau. Ràng buộc nhau từ cấp Úy đến cấp Tá cho dến Cấp Tướng. Tôi có giúp anh và anh cũng nhiều lần giúp tôi. Từ trong đáy lòng, khi mô tôi cũng mến phục anh về sự thẳng thắn, bộc trực và nhất là sự can đảm gan dạ của anh trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Nhớ năm 1955, hồi hai đứa mình còn trẻ, anh Thiếu Úy tôi Trung Úy, cùng nhau đem xe Thiết giáp đi đánh Bình Xuyên giữa thủ đô Sài Gòn. Một chiếc xe bị đứt xích vì trúng đạn địch, tôi ra lệnh anh cho lính lên sửa chửa hoặc cho kéo xe qua một bên đường để đoàn xe phía sau tiến lên. Giũa làn mưa đạn và tiếng súng nổ bốn phía , tôi chợt thấy một dáng người cao lớn đang đứng sổng lưng, hò hét chỉ huy toán lính kéo xe. Một phút sau , tôi mới nhận ra người ấy anh. Tôi giận dữ la rầy anh sao coi thường sinh mạng của mình như vậy thì anh từ tốn trả lời, mình mà không làm gương thì thằng lính nào dám xông ra, dám hy sinh ! Hình ảnh và lời nói của anh đã ghi sâu trong lòng tôi từ bấy đến nay. Anh đã làm tròn nhiệm vụ của một con người khác thường: Người Lính. Thôi hãy yên nghĩ ! Tạm Biệt ! Hẹn găp lại….”

Cũng cùng chung một nhận định với Tướng Lãm, Em tôi, Đại Úy Hồ Đăng Xứng, tốt nghiệp khóa 21 Sĩ Quan Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã thường tâm sự với thân nhân và bạn bè rằng em tôi suốt đời mang ơn ông Tướng, cái ơn cứu tử. Năm 1966, khi ông Tướng là Tư Lệnh SĐ2 BB thì em tôi là Đại Đội Trưởng Đại Đội Trinh Sát 4 (ĐĐT/ĐĐTS) của Trung Đoàn 4 ở Quãng Ngãi. Trong một cuộc hành quân đơn độc ĐĐTS bị địch bao vây, đơn vị đã ra sưc chống trả, cuối cùng hết đạn, kêu cứu khắp nơi mà không có đơn vị nào cứu viện, đành chờ chết hoặc buông súng đầu hàng. Bỗng nhiên, từ trên trời cao, một chiếc trực thăng xuất hiện và đáp ngay xuống thửa ruộng bên rừng dừa mà ĐĐTS của em tôi đang bị bao vây, ông Tướng bước xuống, ra lệnh cho các đơn vị trực thuộc đang hoạt động quanh vùng đó: “ Thẩm Quyền đang ở đây, dùng tất cả sức mạnh vào đón Thẩm Quyền”. Thế là chỉ trong phút chốc , các đơn vị đồng loạt tấn công rồi chẳng bao lâu các đơn vị đã bắt tay với nhau, chiến trường im tiếng súng. Cả ĐĐTS và em tôi thoát chết hay khỏi bị bắt làm hàng binh. Đúng là cái ơn cứu tử.

7.- Mỹ danh QUẾ TƯỚNG CÔNG-

 Cũng trong khoảng thời gian này, không hiểu vì lý do gì mà Nhật Báo Sống và sau này là Sóng Thần , Tuần báo Đời, tất cả đều ở trong hệ thống báo chí của phe nhóm nhà văn Chu Tử, xuất bản ở Sài Gòn đã cho đăng những bài báo nổ như tạc đạn, tố cáo Chuẩn Tướng Nguyễn văn Toàn tham ô nhũng lạm và gán thêm cho ông một mỹ danh : Quế Tướng Công. Nội dung những bài báo này tố cáo Tướng Toàn Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB đã tổ chức những cuộc hành quân vào rừng Trà My (Quảng Ngãi) lấy võ cây quế rồi dùng xe quân sự vận chuyển ra Đà Nẳng cho lên tàu xuất khẩu sang bán ở Hồng Kông. Quế là một đặc sản, một vị thuốc quý hiếm trong ngành đông y và cũng là một chất liệu quý hiếm dùng trong ngành mỹ phẩm. Những ai ngây thơ tin vào những bài báo có tính cách vu khống và mạ lỵ này là những người không biết chi về cơ cấu tổ chức của Quân Đội VNCH cả. Một ông Tướng địa phương làm sao có thể tự tung tự tác dùng quân đội để ăn cắp tài sản của Quốc gia, rồi đem bán bỏ tiền vào túi riêng mà không một ai ngăn chặn, trị tội và trong 21 năm tồn tại, Miền Nam là một xứ sở vô luật pháp hay sao ? Bất cứ dù là Hạ Sĩ Quan hay Sĩ Quan tốt nghiệp ở bất cứ quân trường nào cũng biết đến những danh từ nhu Bản Đồ Hành Quân – Hồ Sơn Trận Liệt, Tình Hình Địch và Bạn .v.v… Bất cứ một cuộc hành quân lớn nhỏ nào đều phải được báo cáo theo Hệ Thống Quân Giai từ dưới lên hoặc là do lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị từ trên xuống. Hằng ngày nơi đóng quân của các đơn vị Bạn và các hoạt động của các đơn vị Địch đều phải được báo cáo đầy đủ lên đến các cấp chỉ huy, mà các sĩ quan ở các Trung Tâm Hành Quân có bổn phận phải cập nhật ( update). Một Tiểu Đoàn hành quân, là do Trung Đoàn chỉ huy trực tiếp, Sư Đoàn có trách nhiệm báo cáo mọi diễn biến từng giờ, từng ngày cho Quân Đoàn, cho Bộ Tổng Tham Mưu và trong nhiều trường hợp Tổng Thống vị Tư Lệnh tối cao cần biết thì cũng được báo cáo rõ ràng. Đó là chưa kể đến các cơ quan tình báo dân sự và quân sự, các đơn vị quân đội Đồng Minh Hoa Kỳ, họ cũng cần biết để tránh đụng độ hoặc oanh tạc nhầm lẫn. Họ theo dõi rất sát các hoạt động của Quân Đội VNCH để cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo cáo thẳng về Tòa Bạch Ốc nữa. Nếu có một cuộc hành quân lấy quế xuất khẩu thì ông Tướng 1 sao Nguyễn văn Toàn không thể làm một mình để bỏ tiền vào túi riêng được, kể cả ông Tướng 3 sao Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I, hay ông Tướng 4 sao Cao văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng cũng không có khả năng làm. Theo thiển ý, nếu chuyện lấy quế xuất khẩu là có thật thì chỉ có một người có quyền ra lệnh, người đó là Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và nhà văn – nhà báo Chu Tử nên đội cái mũ làm bằng võ cây quế này cho Quế Tổng Thống. Nhiều lần ông Tướng tâm sự với anh em thân cận (entourage) là việc gì mình không làm, lương tâm mình không cắn rứt thì không cần thanh minh thanh nga chi cả, không cần cải chính, sự thật muôn đời là sự thật.

8.-Đàn Anh- Đàn Em – Thuộc Cấp và người Huế –

Tuy nắm trong tay những chức vụ quan trọng và đầy quyền uy nhưng Tướng Toàn luôn luôn giữ lễ với quý vị tướng lãnh đàn anh, thâm niên, lớn tuổi dù nay họ không còn chức còn quyền nữa. Được thông báo cựu Trung Tướng Trần văn Đôn nay là Nghi sĩ Quốc Hội lên Pleiku, ông Tướng ngoài việc ra lệnh lo liệu cho Cựu Tướng Đôn mọi tiện nghi, ông Tướng đích thân lái xe ra phi trường Cù Hanh đón niên trưởng, trân trọng và chân tình. Một lần tình cờ gặp nhau trong vũ trường Duy Tân Đà Lạt, trong cơn ngà ngà say và ỷ mình là đàn anh trong Quân Đội, Cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính, đã giải ngũ, cũng là nghị sĩ Quốc Hội, đã buông ra những lời cớt nhả, không lịch sự cho lắm với ông Tướng đương kim Tư Lệnh Vùng. Tướng Toàn vẫn vui vẻ nói cười với Tướng Đính rất lịch sự, một thưa Trung Tướng hai Thưa Trung Tướng, trong khi chính mình đang tại chức và Tướng Đính không còn ở trong Quân Đội nữa. Đối với đàn em hay bạn bè mà là người Huế nữa thì ông Tướng tìm mọi cách nâng đỡ hết mình đôi lúc quá đà, phạm sai lầm như trường hợp 2 ông Tá mà tôi đã đơn cử phần trên. Đi họp ở Phủ Tổng Thống ở Sài Gòn, được biết ý của Tổng Thống Thiệu là sẽ thăng cấp cho các Tư Lệnh Sư Đoàn từ Đại Tá lên cấp Chuẩn Tướng. Tướng Toàn về Pleiku xin với Tổng Thống Thiệu cho Đại Tá Trần Văn Cẩm, Tham Mưu Trưởng của mình ra nắm SĐ 23 BB, để chỉ ít lâu sau là thăng cấp Chuẩn Tướng. Nhận thấy Đại Tá Lê Trung Tường , thâm niên quân vụ, mang cấp Đại Tá quá lâu, ông Tướng tìm cách giúp đỡ, 8 tháng sau khi nhậm chức Tư Lệnh SĐ 23 BB, Chuẩn Tướng Cẩm lại được Trung Tướng Toàn kéo về Văn Phòng Tham Mưu Trưởng, giữ chức vụ cũ và đưa Đại Tá Tường ra giữ chức Tư Lệnh SĐ 23 để hy vọng lên Chuẩn Tướng. Quả nhiên 5 tháng sau, Đại Tá Tường được vinh thăng Chuẩn Tướng. Cả hai ông Tướng này đều là người Huế. Tính tình Tướng Toàn rất bao dung, vui vẻ và cởi mở, nụ cười khanh khách sảng khoái nên không khí làm việc dù trong Văn Phòng Tư Lệnh hay ở Tư Dinh khi mô cũng nhẹ nhàng dễ thở, trừ những giây phút căng thẳng nặng nề vì tình hình chiến sự nghiêm trọng. Tướng Toàn thích ăn ngon nhưng không phải là dân nhậu, thỉnh thoảng cũng nhâm nhi một ly rượu chát đỏ của Pháp hay một cốc nhỏ whisky để thả hồn mơ mộng theo khói thuốc xì gà Cuba. Đặc biệt là ông Tướng rất hòa đồng với thuộc cấp, trong những lúc thư giản, anh em chúng tôi , Trung uý, Đại úy hay Trung Tá, Đại Tá chi cũng dược ông Tướng cho ngồi ăn chung, chơi chung, xoa mạt chượt, đánh Domino, xập xám chi cũng được cả. Ông Tướng quan niệm, có làm thì phải có chơi để cho con người được thăng bằng và ngoài giờ làm việc chúng ta bình đẳng. Có lần Đại Tướng Cao Văn Viên lên thăm Cao Nguyên, tôi được tháp tùng và nghe ông Tướng nói với Đại Tướng Viên: “Thưa Đại Tướng, tuy cả nước có lệnh cấm mở Khiêu Vũ Trường, nhưng tôi vừa xin với Tổng Thống, Pleiku được đặc cách có cái Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng, để cho anh em binh sĩ, quan cũng như lính có chỗ xã hơi sau những ngày đối diện với chết chóc trong rừng sâu. Vui chơi đêm nay rồi ngày mai trở về đơn vị hăng say chiến đấu….và Tổng Thống đã chấp thuận”. Tướng Viên ậm ừ: “Ông cho thì cứ làm!” Ông Tướng hay đùa vui với thuộc cấp, có lần Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm (cũng người Huế) , Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB ở Qui Nhơn bay lên họp Quân Đoàn. Ông Tướng mời ăn cơm trưa thì Tướng Niệm từ chối vì ăn chay trường. Tướng Toàn hỏi đùa: “Ăn chay rứa có mèo mở chi không ?” -“Dạ thưa không !” “Rứa anh có đánh bài không?, có hút thuốc không ?” – “-Dạ thưa không !” Ông Tướng cười ha hả: “ Rứa răng anh không đi tu mà lại đi lính?” Tướng Niệm ấp úng trả lời lí nhí nghe không rõ, mặt đỏ thẹn thùng như con gái. Trong hơn một ngàn ngày làm việc với ông, tôi nhận thấy ông Tướng đã dành nhiều cảm tình và nâng đỡ rất nhiều cho người đồng hương, nhưng nói thế cũng chưa đúng hẳn vì những người gần ông nhất, thân tín nhất lại là người xứ khác. Như Trung Tá Hồ văn Châu, Trưởng Phòng 4 QĐ, đã di theo ông Tướng từ khi còn Chuẩn Úy cho đến khi mang lon Trung Tá là người Hội An Quảng Nam. Đại Úy Đỗ Đức, Sĩ Quan Tùy Viên, người xách cặp cho ông Tướng ngay khi mới ra khỏi Trường Sĩ Quan Thủ Đức là người Tàu lai Chợ Lớn. Trung Tá Y sĩ Lý Ngọc Dưỡng, Chánh văn Phòng Tư Lệnh lại là một người Bắc gốc Nùng Mông Cáy. Ngoài chức vụ chính thức, ông này còn là y sĩ riêng chăm sóc sức khỏe cho ông Tướng. Ông này lại có tài viết diễn văn và ăn nói rất hay nên lại được lòng ông Tướng dù anh em không thích vì ông ta sống không thực lòng như lời nói.

9.- Lời Tạ Lỗi Muộn Màng-

 Sau khi bị người Mỹ ép ký Hiệp Định Paris ngày 27/1/1973, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu ra lệnh cho các Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Tư Lệnh Vùng Chiến Thuật phải lên các đài phát thanh và truyền hình địa phương để giải thích cho Quân Cán Chính và dân chúng trong Vùng trách nhiệm hiểu tình thế nước nhà. Vì sao Miền Nam phải đặt bút ký vào Hiệp Định Paris? Vì sao từ lâu nay Tổng Thống nói 4 không mà nay đảo ngược hoàn toàn thành 4 có. Tướng Toàn gọi Bác Sĩ Dưỡng và giao cho ông ta soạn bài diễn văn cho ông Tướng đọc trên các đài truyền thanh và truyền hình Qui Nhơn, rồi sau đó sẽ phổ biến rộng rãi khắp 12 tỉnh Vùng 2 và Đặc Khu Cam Ranh. Khi ông Tướng được Bác Sĩ Dưỡng trình bản thảo bài diễn văn, ông Tướng gọi tôi vào phòng cùng nghe và góp ý. Sau một hồi nhập đề rồi lý giải quanh co, BS Dưỡng cao giọng kết luận : “ Lập Trường của Tổng Thống Thiệu là..…” , bỗng nghe tiếng đập bàn và ông Tướng la lớn: “Ê ! Ông BS có điên không? Trong 6 chữ quan trọng mà ông phạm đến 2 lỗi nặng nề !” Cả hai chúng tôi đều ngơ ngác vì chưa nhận ra lỗi chi thì ông Tướng đã phân tích: “Thứ nhất BS viết Lập Trường của Tổng Thống Thiệu, rứa thì Miền Nam còn có lập trường của ai nữa? của Thủ Tướng Khiêm của Tướng Toàn nữa hay răng? BS phải viết là Lập Trường của Chính Phủ Việt Nam Cọng Hòa mới chính xác, mới chứng tỏ sự vững chắc, sự nhất quán của Miền Nam chơ! Lỗi thứ hai là 3 chữ Tổng Thống Thiệu, đó là cách dùng, cách gọi xách mé của giới báo chí và đối lập (cũng như họ đã từng gọi là Tổng Thiệu…vv…), còn tui là thuộc cấp của ông ta, khi cần đề cập đến ông , tôi phải gọi đầy đủ tên họ và chức vụ một cách trang trọng là Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu mới đúng chơ !!! Nói tóm lạ, phải sửa câu văn trên là:” Lập Trường của Chính Phủ VNCH….” Thực là một phản ứng nhạy bén, thông minh và chính xác mà tôi không thể ngờ tới khiến tôi vô cùng cảm phục. Tôi thường nghĩ rằng, một người chỉ huy, một vị lãnh đạo ắt phải có một tài năng ưu việt nào đó, từ trường học, trường đời hay do thiên bẩm, hơn hẳn người khác mới có thể vượt lên cao, trên hẳn đám đông không ít người tài giỏi của đất nước chúng ta. Ông Tướng đã từ giả cõi trần ai tục lụy nhiêu khê này gần 10 năm rồi, tôi mới làm tròn được lời hứa năm xưa. Xin ông Tướng xem như là lời tạ lỗi muộn màng. Cầu mong ông Tướng mĩm cười yên nghĩ trên Đồi Hồng (Rose Hill) của thành phố Các Thiên Thần (Los Angeles) xinh đẹp của xứ Cờ Hoa Mỹ Quốc. Một thi sĩ Pháp đã viết câu thơ : “ Kẻ Lưu Đày ở đâu cũng cô đơn” (L’ exile’ partout est seul) nhưng tôi tin rằng ông Tướng dù lưu đày,  dù biệt xứ cũng chẳng cô đơn.

Quế Chi Hồ Đăng Định

 Nguồn: www.vietnamvanhien.net

No comments:

Post a Comment