Friday, January 28, 2022

 Tiêu diệt chốt cầu 20 trên tỉnh lộ 8B

- 03 tháng 11, 2021 - 21:43

Từ trận đánh đồn Đạo Trung 31-1-1974…


http://cuuchienbinh.vn/tieu-diet-chot-cau-20-tren-tinh-lo-8b/


Từ sau khi quân ta tiến công và giải phóng Bù Bông ngày 4-11-1973, đoạn quốc lộ 14 từ Đắk Song đến Kiến Đức ta làm chủ hoàn toàn; do vậy việc đi lại từ Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức, địch chỉ dựa vào tỉnh lộ 8B. Đường 8B trở thành huyết mạch sống còn của địch. Và đồn Đạo Trung, trấn giữa đoạn đường từ Đắk Song về Gia Nghĩa, là “cái gai” đầu tiên ta phải nhổ.


Đồn Đạo Trung nay thuộc xã Nam BRang, huyện Đắk Song, là một chốt nằm cạnh cua hình chữ U sát tỉnh lộ 8B về phía đông, gần thị trấn Đức An tính từ Đắk Song đi Gia Nghĩa, cách ngã ba Thuận Hạnh nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh lộ 8B gặp quốc 14 chừng 8km, cách cầu 20 khoảng 4km.


Đồn Đạo Trung cao gần như nhất khu vực, về hướng tây có thể nhìn tới tận Bù Bông, còn hướng đông có thể khống chế các hoạt động trên dãy núi Nam Nung - nơi đặt các cơ quan giải phóng tỉnh Quảng Đức. Do chốt đặt ở khúc đường cua nên phía bắc địch nhìn thấy rất rõ mọi hoạt động của ta. Còn về hướng nam cũng dễ dàng phát hiện mọi thứ trong tầm mắt, địa hình phức tạp dễ thủ, khó công vì ba mặt dốc đường, hướng đông nam hơi thoai thoải, nhưng muốn đánh được thì quân ta phải vượt qua tỉnh lộ 8B, với đội hình đông người rất khó triển khai.


Bố trí của địch ở đây là Tiểu đoàn bảo an số 259 gồm 83 quân, chốt rải rác ở các quả đồi lân cận. Đồn Đạo Trung có một trung đội pháo binh trang bị hai khẩu 105 ly, một khẩu ĐK57, một khẩu cối 81. Bao bọc quanh đồn có 3 hàng rào đơn, 1 hàng rào mái nhà hẹp; giao thông hào chạy quanh chốt... Từ năm 1969, địch đã học được cách chống đặc công của ta nên chúng làm nhiều lô cốt giả, cần ăng-ten giả. Vào ban đêm, chúng bí mật kéo thêm một hàng rào đơn cắt ngang quả đồi giữa lô cốt giả và lô cốt thật, nếu điều nghiên không kỹ, khi ta đã cắt hết các hàng rào bên ngoài mà tấn công vào sẽ bất ngờ gặp hàng rào ban đêm chúng mới kéo ra; khi đó bộ đội sẽ bị kẹt ở giữa.


Muốn cô lập được thị xã Gia Nghĩa, Đắk Song, Đức Lập, quân ta phải tiêu diệt được Đạo Trung. Diệt được Đạo Trung sẽ hạn chế được rất nhiều việc địch bắn phá và đưa quân càn quét vùng giải phóng, nhất là khu vực núi Nam  Nung …


Đầu tháng 1-1974, Trung đoàn đặc công 429 cùng trinh sát Trung đoàn 271 ba lần đi trinh sát điều nghiên thực địa, vào chốt  kiểm tra kỹ cách bố phòng của địch; sau đó đắp sa bàn hướng dẫn các mũi tiềm nhập tấn công; ban ngày trinh sát đặc công đặt đài theo dõi các hoạt động của địch bên trong chốt.


Đêm 31-1, rạng sáng ngày 1-2-1974, Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 429 đặc công và Tiểu đòn 4 Trung đoàn 271 bộ binh phối hợp tiến công đồn Đạo Trung, nhưng do bị lộ ngay trên đường tiềm nhập, các mũi tiến công không phát triển theo kế hoạch. Mặc dù các chiến sĩ của 2 tiểu đoàn chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm xung phong, nhưng trận đánh không thành công. 39 cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trận.


…Đến chiến thắng chốt cầu 20 ngày 18-9-1974


Cuối tháng 6-1974, các đơn vị của Trung đoàn 271 thay nhau chốt các cao điểm để bảo vệ hành lang đường 14 đoạn Đắk Song - Kiến Đức. Riêng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 271  được điều về phía đông Bù Bông để huấn luyện và làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu của Trung đoàn.


Đầu tháng 8-1974, Trung đoàn 271 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 đi điều nghiên các vị trí địch trên tỉnh lộ 8B (đoạn từ Đạo Trung đi Gia Nghĩa), để tổ chức một số trận địa phục kích nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.


Từ Bù Bông cắt về đường 8B khá xa. Rừng núi điệp trùng, bộ đội phải đi một ngày mới tới. Tiểu đoàn 2 cũng không dự kiến đánh đồn Đạo Trung, vì biết rằng sau bị tập kích ngày 31-1-1974 địch đã tăng cường bố phòng và cảnh giác cao độ.Tiểu đoàn cử nhiều đoàn cán bộ, trinh sát, điều nghiên bám nắm địch và tổ chức đặt đài quan sát để theo dõi địch trên tỉnh lộ 8B cả ngày lẫn đêm, nắm cho được quy luật hoạt động của địch. Tuy vậy chỉ phát hiện được từng tốp lính khi đi bộ, khi có xe chở đi tuần tiễu. Thỉnh thoảng mới có một xe quân sự chở hàng. Nói chung địch hoạt động không có quy luật.


Địa hình phức tạp nên tổ chức trận địa mai phục cũng gặp nhiều khó khăn Trong khi ta đang tìm chỗ phục, thì bất ngờ từ đài quan sát, anh em phát hiện một đại đội địch được mấy chiếc xe GMC chở đến. Sau đó, chúng hành quân lên một quả đồi trọc sát mép đường, đào hầm, xây dựng trận địa chốt để bảo vệ cầu 20 trên tỉnh lộ 8B. Tiểu đoàn 2 quyết định chọn chốt này làm mục tiêu tiến công.



Chốt cầu 20 nằm ở phía nam đồn Đạo Trung, nằm sát cầu 20, phía tây tỉnh lộ 8B, cách đồn Đạo Trung khoảng 3km theo đường chim bay, khoảng 4km theo đường 8B. Chốt do một đại đội quân ngụy Sài Gòn hành quân dã chiến chiếm giữ. Chốt được rào bằng gỗ và có một hàng rào dây thép gai phía trong. Địch đã xây dựng hầm hào công sự, nhưng chưa xây dựng kiên cố. Địch còn ở trong nhà che bằng ni lông.


Chốt cầu 20 từ khi địch đóng quân đã được Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 271 giám sát hằng ngày và tổ chức trinh sát nhiều lần, sau đó lên sơ đồ tác chiến thông qua chỉ huy Trung đoàn. Lực lượng tác chiến của ta chủ yếu là Tiểu đoàn 2 được tăng cường 2 đại đội phối thuộc là Đại đội cối 16, Đại đội công binh 19 và 2 khẩu đội ĐKZ 82 của Đại đội 17. Tiểu đoàn phân công như sau: Đại đội 3 làm chủ công, trực tiếp sử dụng 2 khẩu đội ĐKZ 82 phối thuộc, đánh từ trên đỉnh đồi xuống, Đại đội 1 đánh hướng bên trái, từ sườn đồi vào, Đại đội 2 để 2 trung đội làm dự bị cho Tiểu đoàn, cho 1 trung đội chốt chặn, phục kích đánh địch từ hướng đồn Đạo Trung xuống chi viện cho chốt cầu 20. Đại đội 19 của Trung đoàn tăng cường chốt chặn, phục kích sẵn sàng đánh địch từ hướng Gia Nghĩa lên. Không sử dụng pháo cối chi viện cho đơn vị đánh chốt cầu 20, mà Tiểu đoàn dùng cả 2 đại đội hỏa lực là Đại đội 4 của tiểu đoàn và Đại đội cối 16 của Trung đoàn tăng cường để tập kích và kiềm chế pháo từ đồn Đạo Trung. Pháo mặt trận sẽ kiềm chế pháo từ trận địa địch ở núi Lửa.


Đêm 17-9-1974, Tiểu đoàn 2 vào chiếm lĩnh trận địa. Trong quá trình tiềm nhập, hướng Đại đội 3 có đồng chí Lê Thanh Hải, trinh sát Đại đội 21 dẫn đường đạp phải mìn, hy sinh, nhưng đơn vị tiếp tục chiếm lĩnh trận địa. Ban đầu, địch có nghi ngờ nhưng có lẽ nghĩ là thú rừng đạp mìn và không dám đi kiểm tra, nên quân ta vẫn giữ được bí mật.


Khoảng 5 giờ sáng ngày 18-9-1974, Tiểu đoàn 2 nổ súng tấn công. Mặc dù quân địch chống trả điên cuồng, chúng tập trung bắn trả cả vào 2 hướng cửa mở của quân ta; mìn ĐH.10 không quét được hàng rào gỗ, nhưng các chiến sĩ ta vẫn dũng mãnh xông lên đột kích từ 2 hướng như đã phân công. Bộ đội kiên trì hạ từng hỏa điểm địch bằng B.40, B.41 hoặc lựu đạn, thủ pháo. Lần lượt chiếm từng đoạn công sự… Ở mũi Đại đôi 3, khẩu đội ĐKZ của Đại đội 17 phối thuộc do đồng chí Nguyễn Hoàng Phương - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội làm Khẩu đội trưởng đã phát huy uy lực, bắn liên tiếp gần chục viên đạn, xóa sổ nhiều ổ đề kháng của địch. Sau trận này Phương được đơn vị đề nghị khen thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.


Sau 20 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 2 làm chủ trận địa. Toàn bộ đại đội địch 91 tên, một số bị tiêu diệt, số bị thương, 6 tên bị bắt sống, không một tên nào chạy thoát. Lính địch bị thương được quân ta băng bó rồi phóng thích tại trận địa.


Chốt bảo an cấp tiểu đội của địch ở ngay đầu cầu bị Đại đội 2 diệt ngay khi Tiểu đoàn 2 nổ súng tấn công Chốt Cầu 20.


Cùng lúc Tiểu đoàn 2 nổ súng tiến công chốt cầu 20. Đạn cối của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 và Đại đội 16 phối thuộc đồng loạt bắn chế áp pháo địch ở đồn Đạo Trung. Sau này ta được biết, tên sĩ quan chỉ huy pháo binh đồn Đạo Trung bị chết ngay từ loạt đạn đầu và do cối ta bắn cấp tập, chính xác nên pháo cối của đồn Đạo Trung hầu như không chi viện được gì cho bọn địch ở chốt cầu 20.


Một lực lượng bộ binh địch từ đồn Đạo Trung cơ động lên định chi viện cho chốt cầu 20 đã bị Đại đội 19 phục kích đánh phải tháo chạy.


Sau khi quân ta rút khỏi chốt cầu 20, Đại đội 2 triển khai bố trí đội hình dọc bìa rừng chân chốt. Mất chốt, địch dùng pháo các loại bắn dữ dội nhiều đợt vào gần khu vức chốt của Đại đội 2. Địch cho 2 xe tăng và đổ quân đến để giải vây, nhưng xe tăng địch không dám vượt cầu, vì sợ ta gài mìn. Chập choạng tối, địch cho quân cắt bìa rừng đánh tập kích vào khu vực chốt của Đại đội 2, nhưng bị nổ súng đánh trả quyêt liệt, địch không lên được phải rút lui. Ngay đêm đó vì trận địa chốt bị lộ, để bảo toàn lực lượng, Đại đội 2 được lệnh rút về tuyến sau để củng cố.


Bên ta, 10 đồng chí hy sinh trong trận đánh chốt cầu 20, gồm 5 đồng chí Đại đội 2 hy sinh trong trận đánh (Trần Văn Thắng, Nguyễn Huy Mão, Lê Sĩ Mão, Trần Văn Chuyên, Nguyễn Hữu Tư), 1 đồng chí hy sinh khi đi trinh sát (Nguyễn Thế Cải hy sinh ngày 3-9). Bốn đồng chí nữa của các đơn vị khác trong Trung đoàn hy sinh ở khu vực Đạo Trung là: Trịnh Xuân Lâm (Đại đội 19), Lê Thanh Hải (Đại đội 21), Phan Văn Thành (Đại đội 16) và Nguyễn Đình Vận (Đại đội 17).


Như thế, ngày 18-9-1974, Tiểu đoàn 2 tiến công chốt cầu 20 và chiến thắng giòn giã; đồng thời dùng cối tập kích đồn Đạo Trung, gây cho địch nhiều tổn thất, không dám cho quân ứng cứu chốt cầu 20.


Xuân Tảo, Hà Nội, ngày 19-8-2021


Chu Đức Tính - CCB Trung đoàn 271

No comments:

Post a Comment