Friday, April 2, 2021

 Nha kỹ thuật tại mặt trân Ban mê Thuột tháng 3/75 .

TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG
23/06/201700:00:00(Xem: 6524)
Nguyễn Anh Nguyên
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”
* * *
. . .
Thuộc thế hệ 7X sinh ra được vài năm thì nước mất nhà tan, cha bị đi “học tập cải tạo” mất mấy năm trời, mẹ phải bươn chải làm đủ việc để kiếm miếng ăn cho các con nên tuổi thơ của anh em tôi gắn liền với sự cơ cực của cả miền Nam ở thời kỳ đó. Cơm độn khoai lang, khoai mì, bo bo cứng ngắc và bánh bao nhân su su là các món ăn thường trực trong những bữa ăn của gia đình. Những ngày các Dì được lãnh tiêu chuẩn bột mì và bơ ký (thùng bơ to cả kg) ở Lâm trường là cả nhà hào hứng thưởng thức bánh bột mì chiên và bơ. Nhớ những lúc thèm quá, anh em tôi vẫn lén xuống bếp múc vài muỗng bơ ăn không cho đã miệng. Những câu chuyện mẹ kể cho anh em tôi về cuộc sống hạnh phúc trước đây, về cuộc đời binh nghiệp của cha ông và hành trình di tản kinh hoàng của ba mẹ và tôi trong cuộc “triệt thoái cao nguyên” vào tháng 03 năm 1975 vẫn in đậm trong ký ức trẻ thơ của tôi khó có thể phai mờ…
BA TÔI LÀ một sỹ quan Võ Bị Đà Lạt thuộc binh chủng nhảy dù (biệt danh Anh cả đỏ) của quân đội VNCH. Đầu năm 1975, đơn vị biệt kích dù (Lôi hổ) của ba thuộc Nha Kỹ Thuật đang đóng quân gần sân bay Buôn Ma Thuột chuyên thực hiện các nhiệm vụ nhảy toán vào hậu tuyến của địch để thu thập các tin tức tình báo và phản tình báo quan trọng. Các toán biệt kích dù thường được trực thăng UH-1H hoặc máy bay MC-130 Blackbird chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt có râu móc trước mũi (Fulton Skyhook Extraction System), cất cánh hành quân bí mật, thả toán vào địa điểm xác định và bốc toán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu và hoạt động của các toán biệt kích này có phần nào đó giống với các điệp vụ đầy táo bạo mà điệp viên James Bond 007 thường thực hiện trên màn ảnh rộng. Khác nhau là ở chỗ các chiến dịch của ba và các chiến hữu không diễn ra trên phim trường hay ngoại cảnh ở các địa danh nổi tiếng mà xảy ra trên các chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975).
Mùa Xuân năm 1975, mẹ đưa tôi lên Buôn Ma Thuột thăm và ở lại chơi với ba một thời gian và để em gái tôi ở lại Đà Lạt với ông bà Ngoại (Ông cũng là một sỹ quan cấp tá trong quân lực VNCH). Đây là một quyết định khá mạo hiểm và nhiều rủi ro trong tình hình chiến sự đang diễn biến ngày càng phức tạp. Dù ông bà Ngoại đã hết sức can ngăn nhưng có lẽ tình yêu thương, mong muốn được chia sẻ khó khăn và động viên tinh thần ba đã khiến mẹ tôi bất chấp nguy hiểm để đến cùng ba.
NGÀY 09-03-1975, tin tình báo cho biết là Buôn Ma Thuột có thể bị đánh vào ban đêm, nên chỉ huy trưởng ra lệnh cấm trại 100% quân số.Lúc chạng vạng tối còn có lệnh mỗi người đều phải buộc một khăn trắng vào bắp tay để nhận dạng nhau khi chiến sự nổ ra. Khoảng 07 giờ tối sau khi ăn chiều xong tất cả các đơn vị chiến đấu đều ra giao thông hào để trực chiến.Bộ chỉ huy thì chuyển xuống hệ thống phòng thủ chìm dưới mặt đất (gọi tắt là TOC) có đầy đủ các sỹ quan của bốn ban chiến đấu và nhóm truyền tin. Doanh trại của chiến đoàn biệt kích dù và doanh trại bên không quân nằm sát nhau nên có một mặt chung không phải phòng thủ, mỗi bên chỉ canh phòng ba mặt còn lại. Tựa lưng vào doanh trại phe ta cũng yên tâm hơn phần nào trong trường hợp bị bao vây tứ bề thọ địch.
Khoảng 02 giờ sáng ngày 10-03-1975, tiếng súng đồng loạt nổ bên phi trường L-19 (một loại máy bay quan sát, còn có tên gọi vui là Đầm Già) nhưng đa số là tiếng súng AK và tiếng bộc phá của quân Bắc Việt, còn tiếng súng chống trả của phe ta vang lên khá yếu ớt. Khoảng 10 phút sau lại có những tràng trung liên nồi của VC ở phía TOC và một hồi còi báo động từ trung tâm chỉ huy hành quân vang lên.Như vậy là ba mặt phòng thủ chính bên doanh trại Lôi hổ không bị tấn công mà VC đã đột nhập lặng lẽ vào phi trường L19, kéo trung liên đặt đối diện cửa lên của TOC và nổ súng tấn công. Tại đó sau khi địch rút quân vào sáng hôm sau, anh em thấy xác trung úy trưởng ban 3, trung uý trưởng ban 4 tử nạn gần chiếc xe Jeep. Có lẽ loạt súng trung liên đầu tiên đó đã tước đi sinh mạng của hai sỹ quan chỉ huy khi lên lấy xe đi kiểm tra phòng tuyến.
Quân VC tràn vào, len lỏi khắp nơi nổ súng và đánh bộc phá khắp bên trong doanh trại nhưng chúng lại không đánh ra ba mặt giao thông hào phòng thủ chính của bên biệt kích dù. Điện đóm thì bị đứt hết, đêm tối đen như mực.Cũng nhờ miếng vải trắng đeo trên bắp tay lúc chiều nên có thể phân biệt được quân ta hay quân địch ở khoảng cách phù hợp để nổ súng tiêu diệt.Súng đạn nổ lung tung khắp nơi vì quân VC có lẽ cũng không biết đánh vào đâu cho đúng chỗ. Lúc đó một nửa quân số bên biệt kích phòng thủ ngoài giao thông hào được lệnh chia thành những toán nhỏ tiến ngược vào bên trong doanh trại không quân tiếp viện cho đơn vị bạn chiến đấu, còn nửa kia vẫn nằm phòng thủ ở ba mặt của doanh trại biệt kích đề phòng địch đánh bọc hậu.Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng biệt kích dù thiện chiến, quân VC đã bị chặn đứng và đánh dạt dần về lại bên phi trường L19. Đến sáng thì ta chiếm lại và kiểm soát toàn bộ khu vực các doanh trại và sở chỉ huy.Lực lượng lôi hổ chỉ tổn thất 06 người (gồm hai sỹ quan kể trên), bên không quân thì mất quân nhiều hơn vài lần. Tang thương nhất là cả gia đình trung sĩ T. gồm vợ, các em gái và hai con tổng cộng 05 người núp dưới hầm trú ẩn bị VC liệng bộc phá xuống chết hết cả.
Khi súng đã im và chiến sự tạm lắng xuống, ba tôi mới có thời gian nghĩ đến vợ con đang ở sát bên bệnh xá cách TOC khoảng 100m, nằm trong vùng giao tranh tối hôm qua, nên vội trở về xem tình hình thế nào. Phòng ba mẹ tôi gồm có một phòng ngủ với chiếc giường đôi và một phòng khách có cửa sổ thông ra ngoài đường. Lúc chiều trước khi ra giao thông hào trực chiến, ba tôi đã xếp một cái giường sắt chồng lên cái giường mà mẹ và tôi nằm và dặn hai mẹ con chui xuống núp dưới gầm giường nếu nghe tiếng súng nổ. Về đến cửa nhà, ba tôi thấy có một tên VC chết nằm vắt ngang cửa sổ phòng khách. Theo lời kể của anh trung sĩ quân y ở phòng đối diện,khi nhìn thấy lúc tên VC cạy được cửa sổ định chồm ném bộc phá vào phòng ngủ thì anh nổ súng bắn chết, vì thế trái bộc phá rớt xuống và nổ ngay bên ngoài cửa sổ luôn.Nếu trái bộc phá được ném xuống sàn phòng ngủ, nơi mẹ và tôi đang núp dưới gầm giường thì chết là cái chắc. Nhìn lên trần nhà thì thấy mái tôn phòng khách đã bị bộc phá thổi tung nhưng phòng ngủ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một ít gạch đá văng trên chiếc giường sắt chồng bên trên mà thôi. Cám ơn Trời Phật, Ông Bà phù hộ cho mẹ con tôi sống sót trong trận chiến cuối cùng của ba. Cám ơn anh trung sĩ quân y đã nổ súng chính xác và kịp thời tiêu diệt tử thần bên ngoài cửa sổ. Không biết giờ anh (chú) đang ở đâu, còn sống hay đã mất để được gửi đến anh (chú) lời cảm ơn chân thành nhất.
Khoảng gần 10 giờ sáng, cấp chỉ huy thông báo Buôn Ma Thuột đã bị chiếm gần hết. Tình hình rất khó được cứu vãn khi không có quân tiếp viện, nhiều lực lượng tại Buôn Mê Thuột đã được lệnh triệt thoái theo đường số 07 về Nha Trang, Khánh Hòa. Chỉ huy Chiến đoàn gọi về gọi về Bộ chỉ huy xin lệnh về rút quân về Tổng Nha Kỹ Thuật ở Sài Gòn thì được lệnh phải cố thủ.Lúc đó số lượng phụ nữ và trẻ con trong doanh trại còn nhiều gấp mấy lần số sỹ quan, hạ sỹ quan và binh lính.Trước tình hình nguy cấp lúc đó,Thiếu tá Chiến đoàn phó giao nhiệm vụ cho ba tôi (lúc đó đang mang lon trung úy), thiếu uý B, một hạ sỹ quan quân y và hai binh sĩ dưới quyền đưa toàn bộ phụ nữ, trẻ con , vợ con các sỹ quan trong khu gia binh còn đang trực chiến mở đường băng qua chợ cây số 4 vào đồn điền SHPI của Pháp xin lánh nạn một thời gian.
Cả nhóm hơn cả trăm người (có khoảng 30 phụ nữ và hơn 60 trẻ em) bắt đầu đi lúc gần 03 giờ chiều. Đồn điền Tây cách doanh trại ba tôi đóng quân hơn 01km. Từ doanh trại đến đồn điền phải băng ngang qua chợ cây số 4 và một cái chùa, hầu hết là trảng trống, ba tôi và nhóm theo hộ tống vẫn mặc quân phục có mang vũ khí nhưng quân số quá ít nên phải len lỏi giữa đám phụ nữ và trẻ con, tay bồng thêm một trẻ em để ngụy trang. Có lẽ VC cũng thấy đoàn người, vì lúc đó họ đã kéo pháo phòng không tới sát đồn điền Tây, nhưng thấy toàn đàn bà con nít không nên họ không nổ súng. Nếu không nhanh trí bố trí quân len lỏi giữa đám đông thì chưa biết có đến được đồn điền hay không. Ở đồn điền, ba tôi và thiếu úy B liên lạc với chủ nhà xin sắp xếp chỗ ở và xin lương thực và thức ăn nấu cho mọi người ăn rồi nghỉ qua đêm.Sáng hôm sau những người có gia đình hay bà con ngoài Buôn Ma Thuột đều rời đồn điền về nhà hoặc tạm lánh về nhà bà con.
Sau hai ngày lánh nạn tại đồn điền SHPI, biết Buôn Ma Thuột đã bị chiếm và thấy tình hình không có gì khả quan cũng như không liên lạc được Bộ Chỉ huy ở doanh trại nên mạnh gia đình nào gia đình nấy tìm đường di tản. Câu chuyện di tản của thiếu úy B và gia đình ly kỳ mạo hiểm nhất trong số sỹ quan, hạ sỹ quan và các gia đình đã lánh nạn ở đồn điền SHPI.
Lúc ở đồn điền này, thiếu úy B tìm được một xe chiếc Jeep của cảnh sát,chú đã lên kế hoạch lấy cây lá che phủ ngụy trang bên ngoài xe, giả làm xe của bộ đội, tìm cách nhập vào đoàn công-voa của họ chạy về phía Nam. Trước khi đi thiếu úy B có rủ ba mẹ tôi và vợ một thiếu tá cảnh sát có hai con nhỏ cùng đi nhưng thấy kế hoạch đó nguy hiểm quá, hơn nữa xe Jeep cũng không đủ chỗ cho cả ba gia đình nên không ai đi theo. Trong suốt hành trình, xe Jeep của chú bị chận lại mấy lần, vợ con chú phải nằm sát sàn xe để trốn không bị phát hiện vì bộ đội không ai lại hành quân mà mang theo vợ con.Đi mấy ngày đêm thì đoàn xe tới Phước An, đầu đèo Phượng Hoàng (DakLak) thì đoàn xe VC phải tản ra vì gặp phải sự kháng cự của quân VNCH đang giữ đèo. Nhân cơ hội, chú B tìm cách tách đoàn, bỏ xe và tìm đường sang phòng tuyến quân ta. Lúc đó ở đầu con đèo này có một lữ đoàn lính Dù đang cố thủ nên gia đình thiếu úy B may mắn tìm đến được và ở lại với họ. Sau đó gia đình thiếu úy B theo đơn vị này băng rừng về tới Nha Trang (lúc đó chưa bị chiếm), được tàu Hải Quân chở hết về Sài Gòn và cả gia đình kịp thời di tản qua Mỹ trước ngày 30 tháng 04.Sự dũng cảm, quyết đoán và nhanh trí của chú B đã giúp gia đình chú thoát khỏi cảnh gia đình ly tán, tù đày và phải sống cuộc sống điêu tàn sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyên tắc “High Risk, High Return” (Tạm dịch: có gan làm giàu) có từ thời La Mã vẫn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc tưởng như ngàn cân treo sợi tóc và không còn gì để mất, kể cả mạng sống của mình và gia đình. Tuy nhiên rất nhiều gia đình đã không có được cơ hội và sự may mắn như vậy.
Sau khi thiếu úy B đi, ba mẹ tôi còn ở lại đồn điền thêm một ngày nữa để chờ tin. Đến sáng ngày thứ tư kể từ lúc rời trại thì được nghe dân báo là đơn vị đã rút đi và VC đã chiếm doanh trại, ba tôi mới bỏ quân phục, mặc đồ dân thường và đưa mẹ con tôi di tản. Ba mẹ cõng tôi chạy từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang, bám theo đường số 07. Lúc thì lội bộ, lúc may mắn thì quá giang các xe quân đội đi được vài đoạn đường. Nghe mẹ kể rằng ba tôi dùng khăn lông cột tôi vào người như cách gùi con của người Thượng để di chuyển cho nhanh, lúc mệt thì chuyển sang cho mẹ đỡ. Nhiều lúc mệt quá và đường dễ đi thì ba mẹ cho tôi xuống đi bộ theo. Đi mệt và đau chân quá, nghe mẹ nói tôi tìm cách bỏ dép để kiếm cớ cho ba mẹ phải bồng đi. Sau này mẹ hay nói đùa là lúc đó con còn nhỏ mà đã biết khôn ngoan, láu cá rồi. Chắc đó chỉ là bản năng tự bảo vệ của một đứa trẻ chưa đầy ba tuổi đã phải trải qua hành trình di tản kinh hoàng đó mà thôi. Ròng rã gần một tháng trời ba mẹ và tôi mới đến được Nha Trang thì Nha Trang cũng đã mất (Ngày 02 tháng 04). Chợ Đầm đã bị quân lính đốt cháy trong cơn tức giận và hoảng loạn khi nghĩ rằng mình ở lại tử thủ nhưng lại bị cấp trên bỏ rơi.Lúc đó do mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, không biết rằng Đà Lạt cũng đã bị mất (Ngày 03 tháng 04) nên ba mẹ lại cõng tôi chạy về Đà lạt có nhà ông bà Ngoại hy vọng gặp lại gia đình và đứa em gái tôi còn đang ở đó.
Đến nơi thì Đà Lạt đã mất từ nhiều ngày trước, nhà ông Ngoại gần dinh Tỉnh trưởng chỉ còn một ông Chú bà con (không theo nghiệp nhà binh) ở lại giữ nhà còn ông Ngoại đã đưa cả gia đình về Sài Gòn trước ngày bị chiếm. Lúc đó tình hình giao tranh ở khu vực đèo Bảo Lộc, qua các thị trấn Phương Lâm, Định Quán vẫn đang căng thẳng lắm, không có xe chạy do chiến sự còn ác liệt. Trong khi đó Nha Trang bị chiếm rồi nên có xe đò hoạt động tuyến Đà Lạt - Nha Trang, ba mẹ lại cõng tôi nhảy xe đò về Nha Trang nhưng tiền chỉ đủ đi một đoạn rồi lại cuốc bộ và xin quá giang nhưng lúc này quá giang là không dễ.Từ Nha Trang cả nhà lại bồng bế nhau tìm đường về Sài Gòn khi trong túi không còn gì đáng giá cả. Trải qua bao khó khăn, cực khổ tưởng chừng không thể vượt qua, ba mẹ cũng đưa tôi về được nhà ông bà Nội ở Sài Gòn vào sáng ngày 01 tháng 05, khi Sài Gòn đã mất và mọi người trong nhà tưởng rằng ba mẹ và tôi đã không thể thoát được để trở về.
Sau này mới biết, nhóm biệt kích dù ở lại doanh trại tử thủ chỉ ở thêm một ngày nữa. Lúc đó VC đã chiếm hầu hết Buôn Ma Thuột, xe thiết giáp và súng phòng không của họ đã kéo vào đầy trong đồn điền Tây và các khu vực xung quanh. Nhưng lạ là quân VC chỉ bắn tỉa và thỉnh thoảng dội pháo từ xa vào phạm vi chiến đoàn chứ không tấn công thẳng vào hoặc bao vây cô lập. Sau khi nhận được lệnh cho rút từ Bộ Chỉ Huy, lợi dụng đêm tối, Thiếu Tá chiến đoàn phó đã chỉ huy đơn vị rút vào rừng và từ đó băng rừng về Nha Trang. Gần như không có một sự đụng độ đáng kể nào nào xảy ra trên đường rút quân. Sau này qua Mỹ gặp lại một số bạn bè và các anh em trong đơn vị họ suy luận rằng có lẽ VC cố tình chừa đường cho đơn vị ba tôi thoát. Họ muốn bảo toàn lực lượng để chuẩn bị sẵn sang cho chiến dịch mới.
. . .
==========================================
Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết
thời gian tuyệt vời
. .
Lúc còn nhỏ ba ở trong tù, mẹ hay cho chúng tôi xem cuốn album cũ có hình ba chụp ngày ra trường Võ Bị Đà Lạt với lễ phục đội mũ vải và giày da bóng loáng, hình ba mặc đồ biệt kích dù với mũ sắt giày bốt đờ sô trang bị súng ống đến tận răng, hình ba đu thang dây lên trực thăng và đu dây vượt suối... Đặc biệt là chiếc huy hiệu trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam màu đỏ mang dòng chữ vàng “Tự thắng để chỉ huy” trích từ một câu nổi tiếng của Đức Phật Thích Ca “Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình, Tự thắng mình mới là chiến thắng oanh liệt nhất”.Lời Phật dạy in trên huy hiệu gắn ở mũ thật ý nghĩa và luôn đúng trong cả thời chiến lẫn thời bình. Sau khi buông súng sau các trận chiến cuối cùng của cuộc chiến, sỹ quan và binh sĩ VNCH phải đối diện với cuộc sống tù đày gian khổ không biết đến ngày về.
Được thua một trận cười khàn
Ván cờ xí xóa theo làn bụi bay
. . .
Mong rằng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ 7X, 8X ở miền Nam trước đây hãy luôn sống xứng đáng với những gì cha ông ta đã hy sinh, chịu đựng để vun đắp cho cuộc sống của chúng ta có được như ngày hôm nay. Dẫu đường ta đi mặt trời xưa đã ngã. (*)
Tháng 06/2017
Nguyễn Anh Nguyên
(*) Trích một câu thơ trong bài thơ Ba viết tặng Mẹ trong tù.

1 comment:

  1. Casinos in Malta - Filmfile Europe
    Find the best Casinos in worrione Malta including bonuses, games, games https://septcasino.com/review/merit-casino/ and the history of games. We cover all the 토토 사이트 main aprcasino reasons 출장샵 to visit Casinos in

    ReplyDelete