Wednesday, April 28, 2021

 Buổi sáng cuối cùng



Bảo Định


Lúc đó là 1 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Rời căn cứ Long Bình, tôi cho đơn vị lui về về hướng Nam sông Đồng Nai. Vượt cầu Ghềnh (Biên Hòa) lúc trời còn mờ mờ tối. Qua khỏi dốc cầu, tôi gặp Bộ Chỉ huy Trung đoàn 43BB của Đại tá Lê Xuân Hiếu đang dừng quân bên lề đường. Đơn vị rẽ trái, bố trí quân dọc theo bờ sông, hướng ra xa lộ. Khi đến xóm Tân Vạn, thấy một ngôi biệt thự nằm giữa khu vườn rộng, chung quanh có bờ đê cao bao bọc, tôi cho dừng quân, dùng nơi đây đặt bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Còn lại Đại đội 2/2, tôi cho lệnh tiếp tục di chuyển. Nhưng đã quá trễ! Đoàn xe tăng của quân CSBV đang rầm rộ qua cầu. Đó là các đơn vị thuộc Quân đoàn 2/CSBV do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy. Quân đoàn 4/CSBV của Thiếu tướng Hoàng Cầm bị thiệt hại nặng trong 12 ngày đêm tấn công Xuân Lộc, chưa kịp bổ sung quân số và vũ khí đạn dược. Nhất là Sư đoàn 341 của Đại tá Trần Văn Trấn hầu như bị loại khỏi vòng chiến sau hai đợt tấn công thất bại căn cứ Núi Thị do Tiểu đoàn 2/43 trấn giữ, và mũi tấn công chính vào thị xã Xuân Lộc. Tại đây, hai Trung đoàn 266 và 270 do đích thân Trần Văn Trấn chỉ huy, đã đụng tuyến phòng thủ của các chiến sĩ NQ và ĐPQ của Tiểu khu Long Khánh, hai Tiểu đoàn 1 và 3 của Chiến đoàn 43, và Đại đội 18 Trinh sát. Họa vô đơn chí, chỉ huy sở, hậu cần, và điểm tập kết quân của Sư 341 bị hai trái bom BLU-82 đánh trúng, bị thiệt hại nặng nề. Do đó Quân đoàn 4 của Hoàng Cầm được lệnh làm lực lượng trừ bị cho cánh quân của Tướng Lê Trọng Tấn từ hướng Đông này tiến về Sàigòn.

Tôi lấy làm lạ tại sao cây cầu đã không bị đánh mìn. Chiều hôm qua đến gặp Tư lệnh, tôi được ông báo cho biết tất cả các cây cầu bắt qua sông đều được công binh đặt mìn, và sẽ đánh sập để ngăn chận bước tiến của quân CSBV.

Vài giờ trước đây, khi nhận lệnh đưa đơn vị qua sông, tôi cho di chuyển về hướng cầu. Nhưng đơn vị Dù có nhiệm vụ canh giữ cầu chận lại, không cho qua. Chúng tôi phải di chuyển ngược lên hướng cầu Ghềnh. Rất tiếc phải mất mấy tiếng đồng hồ để đi vòng. Đơn vị canh giữ cầu đã làm lỡ mất cơ hội của chúng tôi. Nếu không phải đi vòng, chúng tôi có thể vào vị trí trước khi đoàn xe tăng quân CSBV đến. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu mìn nổ sập cầu, hay khi các tay thiện xạ M.72 của đơn vị tôi đã sẵn sàng ?

Một cuộc chạm súng ngắn ngủi. Đoàn xe tăng và xe Molotova chở quân dừng lại một lúc. Chúng không khai triễn đội hình, chỉ bắn trả, rồi lại tiếp tục chạy, hướng về Sàigòn.

Đơn vị chuyển hướng, di chuyển theo đội hình hàng dọc, chậm chạp trên QL.1, trực chỉ Thủ Đức. Đoạn QL.1 từ cầu mới Biên Hòa đến núi Châu Thới vừa được mở rộng. Nhưng buổi sáng hôm đó, mọi người phải chen chân. Lòng đường đông nghẹt xe cộ đủ loại. Xe đạp, xe gắn máy và người đi bộ tràn lên lề đường. Xe nhà binh, xe đò, xe lam ba bánh chen lẫn với xe trâu, xe bò và xe ngựa. Người đi bộ hối hả, đi như chạy, với những gồng gánh cồng kềnh. Có những bà mẹ gánh con ở hai đầu. Tất cả tìm cách chạy càng xa VC càng tốt. Trong đám người chạy loạn, có những quân nhân tự ý rời bỏ đơn vị, chân không dày, quân phục lôi thôi lếch thếch. Có anh chỉ mang áo, bận quần cụt, có anh vẫn mang quần trận, nhưng mặt áo thun, nét mặt của họ trông thật thiểu não! Chiếc xe jeep duy nhất còn lại của Tiểu đoàn sau trận chiến Xuân Lộc chở BCH/TĐ trôi theo giòng người di tản. Qua khỏi núi Châu Thới, Tiểu đoàn phó không có trong đoàn quân, tôi tạm giao quyền chỉ huy cho một trong những vị sĩ quan cao cấp nhất, Đại úy Võ Văn Mười (vừa mới thăng cấp sau chiến thắng Xuân Lộc), Đại đội trưởng ĐĐ2/2. Tôi bảo tài xế cố vượt nhanh đi Thủ đức gặp Tiền trạm Tiểu đoàn, đồng thời thám sát địa thế để bố trí quân. Từ buổi chiều ngày hôm trước, hậu cứ của tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn đều được lệnh di chuyển về khu vực nhà máy lọc nước Thủ Đức. Xe đến ngả tư, rẽ trái hướng ra Đường Sơn Quán. Dân chạy loạn từ ngả tư xa lộ, từng đoàn hối hả chạy vào. Vài người dân cản đầu xe:

- Thiếu tá không thể đi, xe tăng VC đã qua khỏi ngả tư xa lộ.

- Nhưng chúng tôi chỉ đến nhà máy lọc nước.

- Toàn khu vực đều xuất hiện VC.

Tôi cho quay đầu xe, định trở lui hướng núi Châu Thới để cùng đi với đoàn quân. Nhưng đoàn người di tản như giòng nước lũ, cuồn cuộn chảy. Xe chúng tôi không thể lội ngược giòng nước lũ. Và cứ thế trôi theo giòng người. Khi đến Bình Triệu, giòng người bị chận lại. Máy truyền tin không liên lạc được. Giòng người đến cầu Sơn mỗi lúc một đông. Lớp sau dồn lớp trước. Những con ngựa kẽm gai chận ngang cầu không đủ sức ngăn chận giòng người. Viên Thiếu tá trách nhiệm giữ cầu bắn chỉ thiên mấy tràng súng M.16 cảnh cáo. Nhưng giòng người đùn đẩy nhau, có người leo qua ngựa kẽm, vài người cùng nhau đẩy dạt qua một bên, và cuối cùng giòng người cuồng cuộng đã khai thông được giòng chảy. Bên trái chân cầu có bãi đất trống, một pháo đội 105 ly của Sư đoàn 18BB đang gióng súng, nòng hướng về ngã tư xa lộ Thủ Đức. Tôi thấy Đại tá Ngô Kỳ Dũng cùng với vị Tiểu đoàn trưởng Pháo đang bận rộn. Giòng người chạy loạn tràn qua cầu, tuôn ra nhiều hướng. Tôi cho xe chạy về hướng đường Bạch Đằng, qua chợ Bà Chiểu, ngược lên Đại lộ Chi Lăng, ghé nhà người chú trong cư xá Thái lập Thành, gần ngả tư Phú Nhuận để hỏi thăm tin tức gia đình. Người chú cho biết quân Dù đang đánh nhau với VC tại ngả tư Bảy Hiền, tại ngả ba Bà Quẹo. Từ mấy ngày nay không có tin tức gì của gia đình tôi. Ở trên đó (Hóc Môn) đang đánh nhau. Đường vào cư xá có nhiều người chết do đạn pháo kích của VC. Phố xá đóng cửa, người dân hốt hoảng.

Xe hướng ra ngả tư Phú Nhuận, chạy trên đường Võ Di Nguy. Con đường tấp nập mọi ngày, với những cửa hàng và khu chợ náo nhiệt, hôm nay trông thật tang thương. Mọi người hối hả, nguời đi lên, kẻ đi xuống, những khuôn mặt âu lo hiện rõ nét. Tôi cho xe xuôi về hướng cầu Kiệu, đến Đa Kao. Tôi đến đầu cầu Phan Thanh Giản. Nhiều quân cảnh gác không cho ai qua cầu. Thấy một vị Đại tá thuộc Biệt Khu Thủ Đô, tôi đến hỏi thăm tình hình ở Thủ Đức. Đang đứng xớ rớ thì Trung úy Tùy viên của Đại tá Mai, Tư lệnh phó SĐ đến gặp, và cho biết có lệnh Sư đoàn 18 tập trung tại sân Cộng Hòa.

Đến khu vực gần sân Cộng Hòa, tôi đã thấy khá đông các đơn vị của SĐ18, phần lớn là các đơn vị kỹ thuật và Pháo binh. Thấy tôi, Thiếu tá Sáng, Tiểu đoàn phó TĐ181/PB đưa chiếc radio transitor đang phát ra lời kêu gọi của Tổng Thống Dương Văn Minh cho tôi nghe. Đó là lời kêu gọi các đơn vị đâu ở đó, ngừng chiến đấu, đợi chờ “người anh em” phía bên kia vào để bàn giao! Người tôi như hụt hẫng. Sau đó đài phát thanh Sàigòn liên tục phát đi lời kêu gọi của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Quyền Tổng Tham Mưu BTTM/QLVNCH (đã bị VC móc nối từ trước). Buổi tối ngày hôm trước, Trung tướng Vĩnh Lộc vừa được Tổng Thống Minh chỉ định giữ chức TTMT (vị trí bị bỏ trống khi Đại tướng Cao Văn Viên rời bỏ, rồi Trung tướng Đồng Văn Khuyên tạm quyền, nhưng Tướng Khuyên cũng ra đi), ông tuyên bố trên đài phát thanh Sàigòn và Quân đội rằng những kẻ bỏ nước ra đi như những con chuột nhắc! Nhưng ngay sau khi khi được nói vài lời tâm huyết đó, ông Tướng cũng làm chuột nhắc luôn.

Xe tăng quân CSBV tiến vào Dinh Độc Lập lối 10 giờ sáng. Tên Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận vội vàng cho xe húc đổ cánh cửa (mặc dầu cửa đã được mở sẵn do lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh để chuẩn bị đón tiếp người “anh em phía bên kia” đến bàn giao chính quyền - Hồi ký của Lý Quý Chung). Đúng 10 giờ 30 sáng, lá cờ máu của Cộng sản bắt đầu rụt rè phất phới nhẹ trên nóc Dinh Độc Lập. Biểu tượng của uy quyền Quốc gia không còn nữa. Sàigòn thật sự đã thay ngôi đổi chủ.

Sau lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, quân nhân và cảnh sát tuân lệnh, vất súng, trút bỏ quân phục và cảnh phục trở về nhà. Nhưng Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long vẫn tươm tất trong bộ cảnh phục. Ông đến công viên trước Tòa nhà Quốc Hội (Hạ viện), đến chân bức tượng hai người lính TQLC, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng ông đến sát tượng đài, đứng thẳng, ngẩng mặt, nói những lời cuối cùng ( trước sự chứng kiến của một ký giả ngoại quốc): “C’est fini! C’est fini!” rồi kê súng lục vào thái dương, bóp cò. Thân thể của ông ngã xuống dưới chân tượng hai người lính TQLC.

Tại bệnh viện Đồn Đất, người dân Sàigòn vẫn quen gọi là Bệnh viện Grall, Tướng Phạm Văn Phú, Khóa 6 Trường Võ bị Quốc gia Đàlạt, Tư lệnh Quân đoàn II, đang nằm dưỡng bệnh, đã uống độc dược tự vận khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Năm 1954, ngày 7 tháng 5 tại Điện Biên Phủ, ông là vị Đại đội trưởng Nhảy Dù Việt Nam duy nhất, chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Liên Hiệp Pháp, được thăng cấp Đại úy tại mặt trận. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, nghệ thuật chỉ huy tài ba của ông được các sĩ quan Pháp nể phục. Khi Điện Biên Phủ thất thủ, cùng với lối 10 ngàn tù binh quân đội Liên Hiệp Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam, và được trao trả theo Hiệp định Genève.

Tại BTL/SĐ5BB ở Lai Khê, sau bửa cơm chung với Bộ Tham Mưu Sư đoàn, Tướng Lê Nguyên Vỹ, Khóa 2 Trường Võ bị Địa phương Huế, còn gọi là Trường Sĩ quan Đập Đá (Trường tọa lạc gần Đập Đá, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu theo học khóa 1), cho lệnh Sư đoàn lui về căn cứ Phú Lợi, ông trở về phòng riêng, rút khẩu súng ngắn bắn vào đầu tự tử. Thi thể được an táng trong rừng cao su gần doanh trại BTL, rồi được cải táng về Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Năm 1987, hài cốt được thân mẫu hỏa thiêu và đem về thờ ở từ đường họ Lê tại nguyên quán tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt.

Có nguồn tin, ông được dân làng tôn vinh là vị Thần làng.

Tại văn phòng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7BB ở Mỹ Tho, chiều ngày 30 tháng Tư, sau lệnh đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, cho phép quân sĩ buông súng để trở về với gia đình. Ông gọi vị sĩ quan tùy viên trao một gói nhỏ gồm vật dụng cá nhân và tiền lương hai tháng Chuẩn tướng là $70,000, nhờ trao lại cho người Mẹ già ở Gò Vấp, sau đó ông dùng độc dược quyên sinh.

Tại Cần Thơ, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Khóa 5 (Vì Dân) Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, TLP Quân đoàn IV, người hùng tử thủ An Lộc, khi ông là Tư lệnh Sư đoàn 5BB đã anh dũng chống trả hơn 40 ngàn quân CSBV điên cuồng tấn công. Cuộc đời binh nghiệp của Tướng Hưng đi từ chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng cho đến Tư lệnh Sư đoàn rồi TLP Quân đoàn. Sau khi nói lời từ giả gia đình, ông bắt tay từ biệt từng người một trong toán binh sĩ bảo vệ, rồi ông vào phòng đóng cửa lại, rút súng lục bắn vào tim. Lúc đó là 20 giờ 45.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Khóa 3 Sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Ông xuất thân từ một trong những danh gia vọng tộc của đất Thần kinh. Theo vài người biết chuyện, Ông từng có người yêu là một người đẹp của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng người đẹp sang Pháp và lấy chồng là Bác sĩ ở bên ấy. Từ đó, ông đã tỏ ra thờ ơ với phái nữ. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Tướng Nam định cho lập cứ điểm tử thủ tại Cần Thơ, dự trù cho BTTM và các đơn vị chuyển về. Nhưng trưa ngày 30 tháng Tư, vào lúc 10 giờ 30, Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. kế hoạch của Tướng Nam không thành. Khi được tin Tướng Hưng dùng súng tự sát, Tướng Nam vẫn rất bình tỉnh. Ông lui về trong phòng, mắt đăm chiêu nhìn lên bàn thờ Phật. Trước lúc tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng ngắn, ông thay bộ lễ phục màu trắng của QLVNCH một cách tề chỉnh, xong lấy 3 cây hương đốt lên, vái 3 vái rồi cắm vào lư, xong gõ 3 tiếng chuông, rồi lại vái 3 vái. Ông bình tỉnh trở lại ghế ngồi. Một tiếng súng nổ, viên đạn xuyên qua màng tang. Lúc đó là 7 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Tại một bùng binh gần sân vận động Cộng Hòa, một toán quân Nhảy Dù lối một trung đội, đang quây quần chung quanh một sĩ quan, có lẽ là cấp chỉ huy của họ. Họ bỏ súng xuống chân, cùng nhau vỗ tay hát những bản hùng ca. Rồi những tiếng nổ lựu đạn đồng loạt. Những tiếng hô “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm” vang động. Những thây người ngã xuống. Đó là những hành động anh hùng của các thiên thần mũ đỏ mà tôi được chứng kiến tận mắt.

Tôi không có được cái hào khí đó của những người lính thiên thần mũ đỏ, cũng không có được cái dũng của các vị Tướng khả kính “Thà chết vinh hơn sống nhục”, để rồi phải sống nhục trong “Thiên đường cộng sản” trong gần hai mươi năm, rồi sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn, xa quê hương không biết cho đến bao giờ ?

Lúc ở nơi trận tiền, kề từ ngày ra trường cuối năm 1962 với cấp bậc Chuẩn úy Trung đội trưởng, đến khi mang cấp Thiếu tá làm Tiểu đoàn trưởng, luôn luôn tôi vẫn ở tuyến đầu cùng binh sĩ xung phong diệt giặc. Đã nhiều lần bị thương, đã từng “chống nạn cày bừa” mấy tháng. Những lúc đụng trận, tôi vẫn ở tuyến đầu cùng binh sĩ xung phong chiếm mục tiêu. Ai cũng sợ chết. Nhưng những lúc như vậy, vì đồng đội, vì danh dự của cấp chỉ huy, tôi đã xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng !”

Tôi đã trải qua một ngày dài nhất với nhiều nỗi u uất trong lòng. Tôi trở lại nhà ở ngả tư Trung Chánh, Hốc Môn. Lúc đi ngang nhà của người thầu khoán gốc Quảng Nam, bây giờ thuộc loại “Cách mạng 30”, thấy tôi thất thểu từ đầu đường đi vào, với vẻ mặt đắc thắng, ông ta hỏi khiêu khích:
“Xe của Thiếu tá đâu ?”

Tôi chỉ mĩm cười im lặng bước vào nhà. Nắng chiều sắp tắt. Đời tôi thì đã tắt kể từ lúc 10 giờ 30 sáng, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. VNCH không còn. QLVNCH không còn. Tự Do và Dân Chủ bây giờ chỉ là giấc mơ! Đó là buổi sáng cuối cùng tôi sống một kiếp người tự do. Sau đó là bóng tối. Bóng tối triền miên. Đã hơn nửa đời người đi qua (nếu cuộc đời là 60 năm!), bóng tối vẫn bao trùm khắp trời Nam.



Michigan, Quốc hận lần thứ 37.
Bảo Định

No comments:

Post a Comment