Friday, February 14, 2020

PHẦN 2: BIỆT ĐỘNG QUÂN VÀ TUYẾN ÁN NGỮ PHÍA TÂY QUẢNG TRỊ THÁNG 4/1972.
Ngày 3/4, Bộ Tổng Tham Mưu tăng cường cho mặt trận Quảng Trị:
1. Liên Đoàn 5 BĐQ với ba Tiểu Đoàn 30, 33, 38. Liên đoàn này đang hành quân ở hướng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh thì nhận lệnh khẩn cấp tập trung về căn cứ Trảng Lớn trong vòng ba giờ. Sau đó toàn liên đoàn được Sư Đoàn 3 Không Quân không vận ra phi trường Phú Bài khoảng 7 giờ tối trong ngày. Suốt đêm 3/4, Liên Đoàn 5 BĐQ được xe Quân Vận, thuộc BCH 1Tiếp Vận, đưa đến căn cứ Hòa Mỹ (tên cũ Camp Evans) nằm sát bên trái QL 1, phía Bắc thành phố Huế khoảng 24 km để được trang bị bổ xung tối đa.
2. Liên Đoàn 4 BĐQ với hai Tiểu Đoàn 43 và 44 với Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Lê Hưng Phê; Thiếu Tá Liên Đoàn Phó Nguyễn Hạnh Phúc. Liên Đoàn 4 cũng đang hành quân nơi hướng cực Bắc tỉnh Prey Veng, Kampuchia thì được lệnh vượt biên giới về tập trung tại Thiện Ngôn (nơi gần nhất ở vị trí hành quân). Từ đây xe Quân Vận đưa đoàn quân này đến phi trường Trảng Lớn, cùng họp chung với BCH LĐ 5, nhận đặc lệnh hành quân và bản đồ tỉnh Quảng Trị. Suốt đêm 3/4, máy bay vận tải C 130 của Sư Đoàn 3 Không Quân đã đưa Tiểu Đoàn 43 và 44 và BCH/ LĐ 4 BĐQ đến Phú Bài.
(Riêng TĐ 42 thuộc LĐ 4 của Thiếu Tá Đặng Hữu Lộc làm TĐT, Đại Úy Giang Văn Xẻn làm TĐP thì ở lại Kampuchia vì đang bảo vệ bến phà Neak Loeung ở cực Nam tỉnh Prey Veng).
Sáng sớm ngày 4/4, TĐ 43 BĐQ tạm thời chuyển quân tới đóng dọc bờ sông Hương ở khúc thôn Vỹ Dạ, hướng Đông thành phố Huế khoảng 2 km. TĐ 44 và BCH/ LĐ 4 BĐQ tạm thời vào Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa gần Phú Bài, khoảng 16 km phía Nam Huế và cách Đông Hà khoảng 76 km.
3. Ngày 4/4, Liên Đoàn 6 BĐQ với ba Tiểu Đoàn 34, 35, 51 do Trung Tá Trịnh Văn Bé làm LĐT; Thiếu Tá Đào Trọng Vượng làm LĐP; Đại Úy Phùng Thanh Sơn làm Trưởng Ban 3. Liên đoàn này được không vận cùng một ngày với Thiết Đoàn 18, thuộc Lữ Đoàn III KB từ phi trường Biên Hòa. Lực lượng của LĐ 6 đến Phú Bài khoảng 3 giờ chiều và cũng tạm đóng quân trong Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa.
– Tiểu Đoàn 34 BĐQ với Th/T TĐT Đỗ Văn Mười, Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Trịnh Trân.
– TĐ 35 BĐQ với Th/T Huỳnh Thiên Mạng TĐT; Đại Úy Lê Văn Đễ TĐP.
– TĐ 51 BĐQ do Th/T Hoàng Vĩnh Thái l m TĐT; Đại Úy Đinh Trọng Cường làm TĐP.
(Ba ngày sau, toàn bộ LĐ 6 BĐQ được đưa ra phía Nam căn cứ Hòa Mỹ khoảng 1 km. Riêng TĐ 51 thì tăng phái cho Sư Đoàn 1 BB, được đưa tới căn cứ Hoàng Đế. (Tên cũ căn cứ hỏa lực King), Tây Bắc Huế khoảng 25 km thay thế một tiểu đoàn cuả Trung Đoàn 1/ SĐ 1 BB. Trong bốn ngày ở căn cứ này, TĐ 51 BĐQ đã hứng chịu những đợt pháo kích nặng nề của địch. Ngày 12/4, toàn bộ LĐ 6 BĐQ cùng ba TĐ 34, 35, 51 trở lại Phú Bài và được không vận đến Pleiku, tăng cường cho chiến trường Cao Nguyên ở Quân Khu II.)
4. Cũng trong ngày 4/4, Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh, thuộc Lữ Đoàn 3 KB) do Tr/T Bùi Văn Lộc làm Thiết Đoàn Trưởng cũng được không vận từ Biên Hòa đến Phú Bài, đơn vị kỵ binh M 113 này cũng tạm phòng thủ trong Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa với BĐQ.
(TĐ 18 Kỵ Binh do được điều động khẩn cấp nên để lại một chi đoàn ở mặt trận An Lộc. Thay vào đó, một chi đoàn M 41 của Thiết Đoàn 15 Kỵ Binh được tăng cường cho Thiết Đoàn 18 để cùng ra Quảng Trị.)
Ngày 5/4, Liên Đoàn 1 BĐQ do Trung Tá Lê Phú Đào làm LĐT đang hành quân ở Quảng Ngãi cũng được lệnh khẩn cấp ra QL 1. Quân Vận cuả SĐ 2/ BB được huy động để chở hai Tiểu Đoàn 21 và 37 BĐQ ra quận Mai Lĩnh nhận trách nhiệm bảo vệ hướng Tây – Tây Nam thị xã Quảng Trị.
(Riêng Tiểu Đoàn 39 BĐQ của Th/T Lại Thế Thiết (Tây Thi) thì được giữ lại bảo vệ Bộ Tư Lệnh/ Quân Đoàn I (Trại Nguyễn Tri Phương) ở ngoại ô phía Nam thành phố Đà Nẵng. LĐ 1 BĐQ ra Quảng Trị lần này chỉ có LĐT, chức LĐP còn để trống. Hai vị tiền nhiệm trước đó là Tr/T Lê Bảo Toàn LĐT; Th/T Nguyễn Hiệp LĐP thuyên chuyển về Quân Khu III cùng một lần, Tr/T Lê Phú Đào nhận chức không lâu thì đơn vị ra Quảng Trị.)
5. Ngày 6/4, Đại Tá Trần Công Liễu, Chỉ Huy Trưởng/ Bộ Chỉ Huy Trung Ương Biệt Động Quân nhận lệnh ra Huế lập Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Biệt Động Quân. Tuy nhiên, quyết định này từ Bộ Tổng Tham Mưu chỉ có tính cách tượng trưng hơn là vì nhu cầu thực tế của chiến trường. Từ ngày 12/4, ĐT Trần Công Liễu theo LĐ 6 BĐQ lên Pleiku rồi ông về Sài Gòn. Cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, ĐT Trần Công Liễu đã trở ra Huế để đi thăm và khích lệ tinh thần các đơn vị BĐQ tại Quân Khu I.
x X x
Sáng ngày 4/4, Liên Đoàn 5 BĐQ cùng Thiết Đoàn 17 KB từ căn cứ Hòa Mỹ bắt đầu tiến quân ra Đông Hà tăng phái cho Lữ Đoàn 1 KB của ĐT Nguyễn Trọng Luật. Ngày 6/4, Liên Đoàn 4 BĐQ và Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh cũng từ Đống Đa, Phú Bài ra phía Nam Đông Hà để tăng phái cho Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Hai Liên Đoàn 4 và 5 BĐQ phối hợp với hai Thiết Đoàn 17 và 18 Kỵ Binh thay thế TQLC và Tr Đ 5/ BB ở tuyến đầu. Vào lúc này, bên kia bờ Bắc sông Miếu Giang có 11 căn cứ đã rút bỏ, 53 súng đại bác các loại đã phá huỷ trước khi bỏ lại cho quân địch.
*Bộ Chỉ Huy LĐ 5 BĐQ do Tr/T Ngô Minh Hồng (78) làm LĐT; Tr/T Lê Văn Hòa làm Liên Đoàn Phó (không lâu sau đó ông tử trận trên trực thăng ở Sầm Giang); Thiếu Tá Steel cố vấn trưởng và một Đại Úy là cố vấn phó cho liên đoàn.
*Đơn vị đi đầu của LĐ 5 là TĐ 30 BĐQ do ThT Võ Mộng Thúy (Thủy Tiên) làm TĐT; Đại Úy Nguyễn Văn Nam (Hoàng Sa) là TĐP
(TĐ 30 BĐQ trong năm 1971 là đơn vị chiếm giải đầu cuả cấp tiểu đoàn xuất sắc nhất toàn quân).
Lúc tới thị trấn Đông Hà, TĐ 30 BĐQ cùng Chi Đoàn 1 (15 chiếc M- 48) thuộc Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, do Đại Úy Đặng Hữu Xứng làm Chi Đoàn Trưởng, rời QL 1 tiến về hướng Tây. Trục tiến quân của đơn vị này nằm phía Nam QL 9 khoảng 2 km. Khi tới gần Hương Lộ 559, cách Đông Hà khoảng 6 km về hướng Tây, TĐ 30 BĐQ và CĐ 1 Chiến Xa dàn quân trên những đồi sim theo trục Bắc – Nam. Ba đại đội cùng hai chi đội chia nhau trấn giữ các ngọn đồi, vị trí xa nhất từ BCH khoảng hơn 1 km. Đại đội còn lại và một chi đội thì bảo vệ BCH/ TĐ 30 BĐQ và BCH/ CĐ 1 trên đồi Quai Vạc, ngọn đồi cao nhất ở vùng Động Lôn. Phòng tuyến này nằm về phía Đông Nam Cam Lộ khoảng 4 km và hướng Nam QL 9 khoảng 2 km, kéo dài đến thượng nguồn sông Vĩnh Phước ở phiá Nam. Phòng tuyến do BĐQ trấn đóng
*Tiểu Đoàn 38 BĐQ do ThT Vũ Đình Khang (Alpha) làm TĐT; TĐP Đại Úy Vũ Ngọc Chiêu (?), cùng Chi Đoàn 2 (M- 113; TĐ 18/ KB) của Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích (Bắc Đẩu) phòng thủ ở phía Nam TĐ 30, tính từ bờ Nam thượng nguồn sông Vĩnh Phước. (Sông này chảy qua cầu Vĩnh Phước trên QL1, nằm giữa Đông Hà và Ái Tử trước khi nhập với sông Thạch Hãn ở hướng Đông.)
*TĐ 33 BĐQ do ThT Hà Kỳ Danh làm TĐT; Đại Úy Nguyễn Hồng Quang làm TĐP được giao trách nhiệm bảo vệ thị trấn Đông Hà. Phòng tuyến TĐ trải dài về hướng Tây thị trấn này khoảng 2 km, Chi Đoàn 3 M- 48 của TĐ 20 Chiến Xa do Đại Úy Đoàn Chí Sanh làm CĐT được tăng cường cho TĐ 33 BĐQ. (Riêng Đại Đội Trinh Sát 5 thì bảo vệ BCH/ LĐ 5 BĐQ và BCH Thiết Đoàn 20/ CX ở hướng Tây Nam Đông Hà khoảng 3 km. Hai chi đoàn chiến xa của TĐ 20 cùng phòng thủ chung với LĐ 5 BĐQ ở khu vực quanh Đông Hà được ThT Hoàng Kiều chỉ huy tổng quát.
Thiết Đoàn Phó TĐ 20 KB (Chi Đoàn 2/ TĐ 20 Chiến Xa của Đại Úy Phạm Quang Anh làm CĐT, Đại Úy Hà Mai Khuê là CĐP thì trấn giữ quanh khu vực căn cứ Ái Tử, nơi đặt BCH/ LĐ 1/KB; BCH LĐ 258 TQLC của ĐT Ngô Văn Định LĐT và TrT Đỗ Đình Vượng LĐP. Trước đó một ngày (3 tháng 4), Đại Úy Phạm Quang Anh bị tử trận, Đại Úy Hà Mai Khuê lên làm CĐT/ Chi Đoàn 2 Chiến Xa). Vào lúc này, BCH Tiền Phương SĐ 3 đã rời Ái Tử cùng với các cố vấn của sư đoàn. Tuy nhiên tại Trung Tâm Hành Quân trong Ái Tử vẫn còn những cố vấn (Team 155) cấp quân đoàn như Th/T David Brookbank (cựu phi công B- 52 lo về Không Trợ); Th/T Joel Eisentein (Hải Pháo); Th/T J. F. Neary (Truyền Tin Yểm Trợ), và Th/T Jon Easley cố vấn cho LĐ 258 TQLC.)
*Ngày 6/4, Liên Đoàn 4 BĐQ với hai Tiểu Đoàn 43 và 44 do Tr/T Lê Hưng Phê làm LĐT; ThTá Nguyễn Hạnh Phúc làm LĐP, được Thiết Đoàn 18 KB của Tr/T Bùi Văn Lộc (Đại Lộc) đưa ra rải quân lập phòng tuyến ở hướng Nam TĐ 38 thuộc LĐ 5 khoảng 4 km. Bộ Chỉ Huy LĐ/ 4 BĐQ và BCH TĐ 18 KB đặt ở bờ Bắc cầu Vĩnh Phước trên QL1.
*Tiểu Đoàn 43 BĐQ do ThT Kăng Tum Sơn làm TĐT; Đại Úy Trần Hữu Danh TĐP; Đại Úy Sơn Đos Trưởng Ban 3 vào lập tuyến phía Đông Nam căn cứ Tân Lâm khoảng 4 km (Tây Bắc Ái Tử khoảng 6 km). Vị trí này không có thiết giáp yểm trợ, thay vào đó Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh tăng cường một toán cố vấn về hải pháo và không trợ.
*Nối tiếp là TĐ 44 BĐQ của Th/T Vũ Văn Thi cùng một chi đoàn M113 của TĐ 18 KB đến trấn giữ căn cứ Phượng Hoàng, thế TĐ 1 TQLC của Th/T Nguyễn Đằng Tống; Th/T Đoàn Đức Nghi TĐP, cố vấn Đại Úy Lawrence H. Livingston
(Phượng Hoàng là một căn cứ có vị trí quan trọng, ở đây kiểm soát và ngăn chận đường vào thị xã Quảng Trị và căn cứ Ái Tử từ hướng Tây. Đến ngày 8/4, TĐ 44 BĐQ được lệnh rời căn cứ Phượng Hoàng để ra vị trí mới ở phía Tây cầu Vĩnh Phước. Căn cứ Phượng Hoàng sẽ được TĐ 33 BĐQ đến thay thế. Tuy nhiên, lúc TĐ 33 BĐQ còn cách căn cứ Phượng Hoàng khoảng 2 km thì được lệnh trở ra Đông Hà. TĐ 6 TQLC sẽ là đơn vị đến phòng thủ căn cứ này. TĐT/ TĐ 6 TQLC do Th/T Đỗ Hữu Tùng là TĐT; Đại Úy Nguyễn Văn Sử TĐP, cố vấn là Th/T William Warren và Đại Úy William Wischmeyer.)
*Liên Đoàn 1 BĐQ từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị tăng phái cho Bộ Tư Lệnh SĐ 3 BB với hai TĐ 21 và 37. Sau khi nhận hàng trăm quả mìn chống chiến xa ở chi khu Mai Lĩnh, liên đoàn này có trách nhiệm bảo vệ hướng Tây- Tây Nam thị xã Quảng Trị, dọc theo bờ Nam sông Thạch Hãn. BCH/ Liên Đoàn 1 BĐQ đặt tại nhà thờ La Vang với Tr/T Lê Phú Đào LĐT; Trưởng Ban 3 Đại Úy Hồ Dzơn.
*Tiểu Đoàn 21 BĐQ do Th/T Quách Thưởng (Trùng Dương) làm TĐT; Đại Úy Nguyễn Văn Gio (Giang Sơn) TĐP; Trung Úy Trần Văn Quy (Bạch Mã) Trưởng Ban 3. Tiểu đoàn này đóng quân về hướng Nam Hương Lộ 556, phía Tây nhà thờ La Vang khoảng hơn 3 km, từ đây các đại đội lập tuyến phòng thủ kéo dài vào dãy đồi của Động Ông Đô.
*Tiểu Đoàn 37 BĐQ do ThT Võ Nhơn (Nam Hải) làm TĐT; Đại Úy Nguyễn Cảnh Nguyên (Nam Tà) làm TĐP; Đại Úy Phạm Thuận (Tam Phong) làm Trưởng Ban 3. TĐ lập phòng tuyến yểm trợ phía Nam TĐ 21 khoảng hơn 1 km, kéo dài đến hướng Bắc căn cứ Barbara.
(*Động Ông Đô là một dãy đồi thấp nằm theo trục Tây Bắc – Đông Nam, ở về hướng Tây Nam thị xã Quảng Trị khoảng 10 km. Khu vực đồi nhỏ nhấp nhô này xen lẫn các khe, suối nhỏ và có rất nhiều các lùm cây thấp như sim, trâm, dẻ, bụi dây tơ hồng,… mọc rải rác trên các đồi. Ngọn đồi trọc “trụi lủi” duy nhất và cao nhất ở đây là căn cứ hỏa lực Anne ở hướng Nam phòng tuyến TĐ 21 BĐQ, cao khoảng 275 thước. Căn cứ Anne vào lúc đó không có đơn vị nào phòng thủ, quân CSBV vẫn chưa chiếm).
Sau khi cầu Đông Hà bị phá sập CSBV quay vô hướng Tây, chiếm cầu Cam Lộ trên QL 9 với toan tính xuống đánh cắt ngang tuyến phòng thủ cuả Thiết Giáp, BĐQ, TQLC. Để phá vỡ phòng tuyến này, quân địch đã huy động năm trung đoàn bộ binh của hai SĐ 304 và 324, hai trung đoàn chiến xa 203 và 204, hai trung đoàn pháo binh 38 và 48… chia ra làm năm mũi tấn công vào vị trí TĐ 30, TĐ 38, TĐ 43 (BĐQ), TĐ 6 (TQLC), TĐ 21 (BĐQ). (Tính theo trục từ Bắc xuống Nam.)
Lúc 7 giờ sáng ngày 9/4, sau đợt pháo kích kéo dài suốt đêm, một đoàn xe tăng khoảng 25 chiếc và khoảng hai tiểu đoàn bộ binh từ QL 9 tràn xuống tấn công vào vị trí TĐ 30 BĐQ ở Đồi Quai Vạc. Đơn vị của địch là TrĐ 88/ SĐ 308 BB và TrĐ 202 Chiến Xa. Dù được sương mù bao phủ, quân địch tuy ẩn hiện với đủ thứ “hoa lá cành” trên những đồi sim nhưng quân ta vẫn thấy rõ chiến xa địch dẫn đầu với khói xăng phun ra đen nghịt, bộ binh lúp xúp chạy theo sau. Th/T Võ Mộng Thuý và Đại Úy Nguyễn Văn Nam cho lệnh các đại đội vòng ngoài giữ vững vị trí phòng thủ, tập trung hỏa lực nhắm vào bộ binh địch, không được xung phong cận chiến để nhường xạ trường cho M 48 đối phó với T 54 của CS.
Ngay phát súng thứ nhất ở khoảng cách hơn 1.500 thước, viên đạn 90 ly từ nòng súng M 48 làm một chiếc T 54 bay pháo tháp và lăn xuống chân đồi, Chi Đoàn 1 Chiến Xa của Đại Úy Đặng Hữu Xứng đã làm địch sững sờ mất vài giây sau phát súng mở màn. Quân địch bắt đầu hò hét om xòm và ôm súng chạy “khơi khơi” lên vị trí của BĐQ trên những ngọn đồi. Suốt bốn giờ liền, các tay súng BĐQ của TĐ 30 với hoả lực cá nhân hùng hậu đã đè bẹp các đợt xung phong của địch. Trong khi đó, những chiếc M 48 quanh khu vực Đồi Quai Vạc thong thả bắn tỉa từng chiếc T 54 đang chạy tới từ phía xa.
Khoảng 9 giờ sáng trên bầu trời bỗng có thêm ba chiếc phản lực A 37 đến trợ chiến đúng lúc. Khoảng 11 giờ trưa, tiếng gào thét từ quân cộng sản không còn nghe nữa nhưng khói lửa từ 11 chiếc xe tăng T 54 đang bốc cháy thì thấy rất rõ. Chưa kể 4 chiếc khác trên đường chạy trốn đã phản lực A 37 của Không Quân bắn cháy. Khoảng 12 giờ trưa, đang lúc BĐQ và TG lo củng cố vị trí phòng ngự thì có ba chiếc xe tăng của địch bất ngờ từ dưới một khe suối rậm rạp phóng lên chạy vào phòng tuyến.
Đây là ba chiếc T 54 bỏ trốn tìm chỗ nấp vào buổi sáng lúc những chiếc khác bị bắn cháy. Đợi tới khi không còn tiếng súng, ba chiếc này tìm cách tẩu thoát nhưng vì mất phương hướng nên chạy vô ngay BCH/ TĐ 30 BĐQ. Trong vòng năm phút, hai chiếc bị BĐQ bắn hạ bằng M 72, trong khi chiếc thứ ba vì sợ quá nên địch quân nhảy xuống xe chạy trốn, bỏ lại xe còn nổ máy. Ngay sau đó, chiếc T 54 mới toanh cuả Nga Sô được anh em Thiết Giáp lái đưa về Huế trưng bày ở Phú Văn Lâu. Đây là chiếc xe tăng T 54 thứ nhất do TĐ 30 thuộc LĐ 5 BĐQ tịch thu được ở chiến trường Quảng Trị.
(Khi đưa về Phú Văn Lâu, vì LĐ 5 BĐQ là đơn vị tăng phái nên tấm bảng phía trước chiếc T54 này ghi là của SĐ 3/ BB tịch thu ở Cam Lộ.)
Khoảng 2 giờ chiều ngày 9/4, quân CS quay lại hò hét, xung phong lần thứ hai bằng biển người nhưng địch vẫn bị hỏa lực của BĐQ và TG đẩy lui. Tổng kết chiến trưòng lúc 5 giờ chiều trong ngày: TĐ 30/ BĐQ và CĐ 1 Chiến Xa có hơn 30 người tử trận, bị thương khoảng 50 người, 15 chiếc M 48 đều vô sự. Phía địch tổn thất gần 300 quân nằm quanh đồi Quai Vạc, bắt sống 3 tù binh tuổi thiếu niên (khoảng 15 – 16), 11 chiếc T 54 bị M 48 bắn cháy, 4 chiếc khác do Không Quân bắn cháy, 2 chiếc bị BĐQ trực tiếp triệt hạ và 1 bị BĐQ tịch thu. Vũ khí các loại thu được 227 súng cá nhân và cộng đồng gồm AK 47, B 40, B 41, mười súng “thượng liên” 12 ly 7 (tương đương đại liên 50 ly), 8 đại bác không giật 82 ly. (Đại bác ”sơn pháo” của Nga Sô.)
Cũng trong ngày 9/4, khoảng 7 giờ 30 sáng địch tấn công vào vị trí TĐ 38 BĐQ sau khi pháo kích suốt đêm. Tại hướng này, quân CS không có chiến xa yểm trợ nhưng bộ binh đông khoảng ba tiểu đoàn của TrĐ 24/ SĐ 304. Tuy nhiên địch không ngờ Th/T Vũ Đình Khang và Đại Úy Vũ Ngự Chiêu đã chia quân phòng thủ trên ba ngọn đồi liền, lập tuyến hình tam giác để có thể yểm trợ lẫn nhau. Tại mỗi vị trí đều được tăng cường một chi đội M 113 thuộc Chi Đoàn 2 thuộc TĐ 18 KB của Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích.
Dù ở vào vị trí bất lợi là từ chân đồi chạy lên tấn công, quân CS vẫn điên cuồng xua quân tràn tới, dĩ nhiên địch bị đốn ngã dễ dàng từ hỏa lực cá nhân của BĐQ và đại liên 50 ly của M 113. Sau ba lần xung phong bằng biển người nhưng vẫn bị đẩy lui, khoảng 2 giờ chiều quân địch phải bỏ chạy lúc lực lượng phòng thủ tung ra một cuộc phản công truy diệt. Quanh khu vực TĐ 38 BĐQ đầy những xác người của địch bỏ lại. Có khoảng 200 thiếu niên (tuổi từ 15 tới 17) miền Bắc đã bỏ mạng tại đây vì mệnh lệnh sắt máu của các cấp chỉ huy điên dại CSBV. TĐ 38 BĐQ và CĐ 2 KB tịch thu khoảng hơn 150 súng các loại, trong đó có 3 súng cối 82 ly, 8 đại bác không giật 75 và 82 ly, 9 đại liên 12.7,… Phía bạn tử trận 20 người, bị thương khoảng 50 người mà phần đông là do bị đạn pháo binh của địch.
Lúc 7 giờ sáng ngày 9/4, sau một đêm bị pháo kích nặng nề như những nơi khác, TĐ 43 BĐQ bị địch tấn công cũng bằng chiến thuật biển người.
(Vào tháng này, tuy ít mưa lớn nhưng hầu như vùng đất gần chân núi phía Đông dãy Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên thường có sương mù dày đặc, bao phủ sát đất từ khoảng 5 giờ chiều đến 7- 8 giờ sáng hôm sau. Sau giờ này sương mù có thể tan loãng ở gần mặt đất, nhưng trên cao lại tụ những lớp mây thấp u ám nặng nề cùng với các cơn mưa phùn lạnh buốt cả người). Chờ tải thương
Cánh quân B với hai đại đội do TĐP Trần Hữu Danh chỉ huy là nơi bị tấn công trước. Dù quân địch nhiều lần cố tràn lên chiếm nơi đây nhưng liên tiếp bị đè bẹp trước sự gan lỳ của chiến sĩ TĐ 43 BĐQ. Khoảng 8 giờ sáng địch tung quân đánh luôn vào cánh quân A do TĐT Kâng Tum Sơn chỉ huy. Sau vài lần xung phong thảm bại, phía CS lùi quân xa khỏi tầm đạn để pháo binh bắn phủ đầu chừng nửa giờ vào quân bạn. Nhưng địch không ngờ, lúc buổi sáng do hai bên quá gần nên hải pháo của ta không bắn được. Lần này do chạy lui hơi xa để tập trung quân, chờ xung phong lần nữa, thì cũng là lúc toán cố vấn yểm trợ hỏa lực đã điều chỉnh xong tọa độ cho hải pháo sẵn sàng.
Khi vừa chấm dứt đợt pháo kích, địch đã gào thét hô xung phong vang dậy rồi đầy những bóng nguời từ phía Tây chạy tới…. chỗ chết. Khi tiếng la hét xung phong của địch còn chưa ngưng thì đạn đại bác từ ngoài khơi bắn vào đã nổ vang khắp các nơi, và toàn loại đạn nổ chụp từ trên cao. Chỉ trong vòng 10 phút ngắn ngủi, bãi chiến trường nơi đây không còn nghe tiếng la hét, chỉ còn thấy xa xa thưa thớt những bóng người chạy lảo đảo về phía Tây. Hải pháo cũng ngưng bắn lúc quân phòng thủ cho các toán quân nhỏ ra “thu dọn” chiến trường. Một viên Thượng Sĩ của địch chấp nhận đứng lại đầu hàng vì quá sợ hãi không chạy nổi.
Ngày hôm sau và hôm sau nữa, quân địch quay lại tấn công tiếp nhưng bị tổn thất nặng trước sự kiên cường của BĐQ và sự yểm trợ của hải pháo. Tuyến phòng ngự của TĐ 43 BĐQ từ ngày 14/4 về sau không còn bị bộ binh địch tấn công, nhưng vẫn bị những cơn mưa pháo dai dẳng của đối phương đổ vào đây như muốn trả hận cho TrĐ 29/ SĐ 304.
(Kể từ phần này, chúng tôi sẽ hạn chế không ghi tổn thất của hai bên thêm. Qua con số đã kể về hai TĐ 30 và 38 BĐQ sau trận đánh, người đọc có thể hình dung, phỏng đoán số quân bị tổn thất của địch qua lối đánh “lấy thịt đè người” thật man rợ của CS.
Số xác chết của lính CSBV bỏ lại quanh khu vực như đã kể, sau vài ngày đã được BĐQ đào hố chôn lấp vì mùi thối nồng nặc khắp vùng. Riêng vũ khí tịch thu của địch, vài ngày đầu còn tập trung cho xe chở về Ái Tử nhưng sau đó chỉ gom lại phá hủy tại chỗ, vì quá nhiều và cũng không có thì giờ cho việc đó trong lúc địch không ngưng pháo kích).
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment