Friday, July 19, 2019

VŨ HUY THÁM - Quê Hương Niềm Đau và Nỗi Nhớ”
Trại tập trung cải tạo đầu tiên, mà tôi “hân hạnh” được mời vào, là Trung Tâm Cải Huấn Châu Đốc. Hôm ấy là ngày 09-05-1975, nghĩa là 9 ngày sau khi chiếm được chính quyền, Ủy Ban Quân Quản huyện Châu Phú, cho mời tất cả “ngụy quân” từ cấp Thiếu Úy và “ngụy quyền” từ cấp Chủ Sự Phòng trở lên, của Tiểu Khu và Tỉnh Châu Đốc, trong đó có tôi, đến họp để nghe phổ biến lệnh mới.
Tại phòng họp, Ủy Ban này cho biết là: Sinh mệnh của chúng tôi đang bị đe dọa trầm trọng bởi sự căm thù sục sôi của dân chúng, và họ có nhiệm vụ phải bảo vệ chu đáo cho chúng tôi. Trong lúc chúng tôi còn ngơ ngác vì chưa hiểu sẽ được bảo vệ dưới hình thức nào, thì được yêu cầu đứng dậy, sắp hàng một, bước ra khỏi phòng họp, đi theo một lối đi bắt buộc giữa hai hàng bộ đội súng cầm tay có gắn lưỡi lê và đạn lên nòng. Quanh co ít phút sau, chúng tôi bước vào một tòa nhà đá lớn và trên cổng vào có hàng chữ đen nổi bật trên nền vàng “TRUNG TÂM CẢI HUẤN CHÂU ĐỐC”. Nơi đây là một tòa nhà kiên cố, lại kín cổng cao tường. Trước ngày 30/04, là nơi giam giữ những người bị chính quyền Tiểu Khu và tỉnh Châu Đốc tình nghi là Việt Cộng nằm vùng, và tù thường phạm. Đêm 30/04, tù nhân trong trung tâm đã phá cửa thoát ra ngoài, và đã bỏ trống kể từ đó. Nay UBQQ huyện Châu Phú lại xử dụng để giam giữ quân cán chính của Tỉnh và Tiểu Khu Châu Đốc.
Khi cánh cổng sắt của Trung Tâm khép lại sau lưng chúng tôi, thì mặt trời mới xế bóng. Chúng tôi đứng túm năm, tụm ba trong sân, bàn tán xôn xao về những gì sẽ xẩy ra cho chúng tôi vào những ngày sắp tới. Cho tới lúc những tia nắng cuối cùng không còn thấy vắt ngang trên vòm trời được bao bọc bởi những bức tường đá dầy và cao của Trung Tâm Cải Huấn nữa, chúng tôi được lùa phòng giam, rồi cửa được khóa lại. Bước qua chiếc cửa duy nhất khá rộng của phòng giam, là bước vào một lối đi hẹp thẳng và dài, phân chia bức tường phía trước với nền nhà cao ngang ngực trải rộng tới bức tường phía sau. Nền nhà rộng lớn là chiếc giường khổng lồ dành cho tù nhân ngủ tập thể. Khoảng giữa bức tường phía sau có một khung cửa hẹp chỉ vừa đủ cho một người ra vào. Đó là chiếc cầu tiêu công cộng duy nhất trong phòng giam này. Tuy nhà tù đã bỏ trống cả tuần lễ nay, song mùi hôi thối của phân và nước tiểu trong nhà cầu vẫn bốc ra không kém phần nồng nặc. Ngồi hay nằm thành những nhóm nhỏ trên nền nhà nhơ nhớp, chúng tôi tiếp tục bàn tán.
Càng về khuya, tiếng bàn tán càng giảm dần. Một vài bạn trẻ vô tư đã chìm vào những giấc ngủ lẻ loi. Những tiếng động của toán du kích canh gác bên ngoài phòng giam, vẫn lọt vào tai chúng tôi lúc nhặt, lúc thưa. Khoảng một giờ khuya, dường như cổng TTCH được mở ra, vì chúng tôi nghe thấy tiếng khung sắt cọ sát vào nền xi-măng kêu ken két, tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ phá vỡ màn đêm tĩnh mịch nơi trại giam. Một lát sau, chúng tôi lại nghe thấy những tiếng lẹp xẹp, dường như từ những đôi dép râu trà sát trên nền cement phát ra, mỗi lúc một gần, rồi bỗng ngừng lại ngay trước cửa phòng giam. Tiếng mở khóa lách cách. Tiếng then cửa cọ vào những khoen sắt kẽo kẹt. Tiếng lưỡi lê lắp vào đầu súng lích kích. Tiếng đạn lên nòng lách cách. Rồi cánh cửa của nhà giam từ từ hé mở. Một họng súng đen ngòm chĩa vô. Một tiếng nói khô khan cất lên: “Ai nằm đâu, nằm đó. Không được nhúc nhích. Bất tuân sẽ bắn bỏ”.Sau mấy giây đồng hồ im phăng phắc, như để kiểm tra và tin chắc rằng không một thằng Ngụy Quân, Ngụy Quyền nào dám hó hé cả, cửa phòng giam được mở rộng hơn và hai chú du kích bước hẳn vào lối đi. Súng cắp bên hông. Nòng súng có gắn lưỡi lê chĩa thẳng vào thân mình đám “ngụy quân và ngụy quyền” đang nằm ngổn ngang trên nền nhà. Bốn con mắt lướt nhanh từ đầu phòng đến cuối phòng, dường như muốn tính toán xem nên bắt đầu nổ súng từ một hướng nào đó, để có thể bắn xâu táo giết được nhiều người nhất và nhanh nhất. Một lần nữa, giọng khô khan lại cất lên:
-Ai nằm đâu nằm đó. Nhúc nhích tui bắn ráng chịu nghe.
Không một tiếng động nào, dù nhỏ bé, từ đám tù nhân được phát ra, ngay cả những tiếng thở bình thường dường như cũng được cố hãm lại cho nhỏ bớt đi. Không khí yên lặng đến ngột ngạt bao trùm toàn bộ phòng giam, khiến người ta có thể nghe được cả tiếng vo ve của mấy chị muỗi trong phòng giam phát ra và tiếng than thở của giun, dế từ bên ngoài vọng vào.
Một trong hai chú du kích, dù là đã quá nửa đêm, nhưng vẫn đội chiếc nón tai bèo nghiêng nghiêng trên đầu, dường như muốn tỏ cho đám tù nhân biết rằng, ta đây là du kích thứ thiệt, chứ không phải thứ giả cầy 30/4, cất tiếng oai vệ hỏi:
– Ai là Trưởng Ty Nội An, đứng lên?
Trong tổ chức chính quyền địa phương của VNCH, mỗi tỉnh có một cơ cấu gọi là Hội Đồng An Ninh Tỉnh, chuyên phạt tù những tên Cộng Sản nằm vùng bị bắt mà không cần phải đưa ra trước toà xét xử, Tỉnh Trưởng là Chủ Tịch, Trưởng Ty Nội An là Tổng Thư Ký, còn các cơ quan khác như Trung Tâm Điều hợp, Trung Tâm Phụng Hoàng, Phòng Nhì tiểu khu, Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn .. .. là hội viên thường trực. Tổng Thư Ký là nhân vật nắm toàn bộ hồ sơ và toàn quyền sắp xếp để đưa những kẻ đã bị bắt và đang bị giam giữ, vì tình nghi là hạ tầng cơ sở của Việt Cộng ra trước những phiên họp của Hội Đồng. Một khi có đủ 3 nguồn tin từ ba thành viên khác nhau, là kẻ tình nghi có thể bị Hội Đồng An Ninh tuyên án từ 6 tháng đến ba năm tù ở. Với vai trò quan trọng như thế, nên Trưởng Ty Nội An bị Việt Cộng lên án là một trong những tên ác ôn nhất trong cơ cấu quyền lực ở cấp tỉnh. Do đó, khi nghe tên du kích kêu tên TXĐ, là hầu hết anh em chúng tôi đều lo lắng cho số phận của ông, và cũng đều nghĩ rằng hai tên du kích được lệnh vào nhà giam bắt ông TXĐ ta đem đi thủ tiêu.
Năm mười giây sau, vẫn chưa thấy người được gọi là Trưởng Ty Nội An đứng lên, tên du kích đội nón tai bèo lại một lần nữa dõng dạc:
-Ai! Trưởng Ty Nội An đứng lên?
Từ cuối phòng giam, một người mập mạp, khá thấp, hai tay chống đầu gối dường nhưđang cố gắng lấy hết can đảm để đứng dậy:
– D a ạ , d ạạạ tôi.
– Có phải anh là TXĐ không ?
-D ạ d ạ phải.
Một vật đen đen to hơn trái bưởi được ném thẳng về phía ông TXĐ. Thoáng trông, ai cũng nghĩ là trái bom ném tới để kết liễu cuộc đời của một tên “ngụy quyền ác ôn” nhất tỉnh. Nhưng liền sau đó, chú du kích hạ giọng:
-Đây là cái mùng, vợ anh gửi cho anh.
Sau đó, cả hai đều vội vàng rút ra ngoài và khoá cửa lại. Những tiếng thở bị nén lại trước đây, được tự do thoát ra ngoài ì xèo. Anh TXĐ hổn hển nói:
-Đ. M.! Con vợ tui nó làm tui đứng tim!
Cả phòng giam cùng cười ồ lên. Đó là tiếng cười đầu tiên mà chúng tôi có được kể từ khi bước vào nhà tù. Tiếng cười đó cũng đã giúp cho một số đông chúng tôi tạm thời quên được nỗi buồn hiện tại, và tìm được một giấc ngủ muộn màng hầu phục hồi được đôi chút sinh lực để đón chờ tương lai “đen như mõm chó” đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được yêu cầu bầu một vị đại diện, để tiện việc “liên hệ” với UBQQ. Người được bầu là một vị cựu Thiếu Tá nho nhã thuộc Phòng Tâm Lý Chiến Tiểu Khu trước đây. Trong những ngày đầu giam giữ, ngoài các công việc liên hệ lặt vặt, vị đại diện của chúng tôi, đã làm được một việc rất ư là ngoạn mục. Ông đi xin giấy, xin vải, mượn kéo .., rồi kêu gọi một vài tù nhân khéo tay tụ lại, để cắt và dán một tấm biểu ngữ lớn khá đẹp: “HỒ CHỦ TỊCH SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI CỦA CHÚNG TA”.
Sau khi tác phẩm “văn hóa và nghệ thuật hoành tráng” này hoàn tất, được đem căng ngay vào một chỗ trang trọng nhất giữa nhà tù. Nếu được treo trong một nhà hội của đám đảng viên cộng sản với nhau, thì tấm biểu ngữ được coi là hành động “nâng bi” ông Hồ một cách hợp lý. Song trớ trêu thay, lại được treo ngay giữa nhà tù giam giữ toàn là “ngụy quân” và “ngụy quyền”, mà SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI của chúng, theo Việt Cộng, là “làm chó săn cho Đế Quốc Mỹ”. Như thế cũng có nghĩa ám chỉ ông Hồ cũng sẽ sống mãi trong sự nghiệp làm chó săn cho Đế Quốc Mỹ. Không biết ông đại diện của chúng tôi vô tình hay cố ý, đã “gắn râu ông nọ vào cầm bà kia” nên tấm biểu ngữ từ chỗ mang ý nghĩa “nâng bi” ông Hồ một cách ngọan mục, trở thành “bóp bi” ông Hồ cho đến lúc ngất xỉu. Nhìn tấm biểu ngữ, rồi nhìn một vài thành viên của UBQQ qua lại ngắm nghía, tỏ ra hài lòng, tôi không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, một thành viên khác, có lẽ có chút ít học thức, vào thăm nhà tù, nhìn thấy tấm biểu ngữ, liền nổi lôi đình, to tiếng mắng chửi tù nhân, rồi bắt tháo gỡ ngay tức khắc.
Cũng từ nhà tù này, vào một buổi chiều không xa ngày đầu tiên là bao, chúng tôi bỗng nghe thấy nhiều lọat AK47 từ bên ngoài vọng vào. Ngày hôm sau, khi một vài bạn tù được thân nhân thăm gặp, chúng tôi mới biết tin là, UBQQ huyện Châu Phú đã lập Tòa An Nhân Dân ở sân quần vợt, và đã tuyên án tử hình Dân Biểu Huỳnh Văn Lầu và Trung Uy Bảo. Những tiếng súng, mà chúng tôi nghe được, là những lọat súng đã kết liễu hai vị khả kính này ở sân bay Châu Đốc.
Sau một thời gian giam giữ ở đây, chúng tôi được UBQQ cho biết là, sẽ được đưa đi một nơi khác để học tập về đường lối và chính sách của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, và còn căn dặn thêm là, phải chuẩn bị đầy đủ giấy bút, mùng mền, chiếu gối và lương thực hay tiền bạc đủ dùng cho một tháng trời. Đồng thời chúng tôi cũng được phép viết thư cho gia đình vào thăm gặp và tiếp tế những thứ ấy, để mang theo tới chỗ học tập mới. Song họ không hề cho biết chỗ học tập mới ở đâu và chúng tôi sẽ ra sao sau một tháng học tập ấy. Nhiều người trong chúng tôi lạc quan nghĩ rằng, sẽ được tha về.
Vài tuần sau, một đoàn xe vận tải gồm GMC và Molotova cùng binh lính hộ tống tới bốc tất cả các sĩ quan từ cấp Thiếu Tá trở lên. Rồi một vài ngày sau, đoàn xe này trở lại bốc đi tất cả các sĩ quan cấp Đại Úy, trong đó có tôi. Khi đoàn xe ra đến gần cổng Tòa Hành Chánh Tỉnh, chúng tôi thấy rất đông người đứng lố nhố hai bên vệ đường. Thọat đầu, chúng tôi nghĩ đó là đám người được gọi là quần chúng phẫn nộ sục sôi, được UBQQ gọi đến để tiễn biệt chúng tôi bằng một màn gạch đá. Nhưng khi đến gần hơn một chút, mới nhận ra đó là thân nhân và bạn bè của chúng tôi đang đứng đợi để tiễn đưa chúng tôi đi về một nơi vô định. Những cánh tay giơ lên vẫy vẫy đón chào, và những bộ mặt tươi cười hớn hở vì được gặp lại nhau sau nhiều ngày xa cách. Rồi cũng liền sau đó, cũng những bộ mặt ấy méo xệch, mếu máo cùng với những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi. Thoáng nhìn thấy nhau, rồi lại xa nhau không biết đến bao giờ, và cũng có thể đây là lần cuối cùng được nhìn thấy nhau nữa. Nhìn những bộ mặt ấy thật khó biết được “lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
Sau nhiều tiếng đồng hồ, đoàn xe chạy ngang qua thành phố Long Xuyên, thị trấn Thốt Nốt, thị trấn Ô Môn, rồi chạy vào một căn cứ quân sự của “ngụy quân” trước đây ở Trà Nóc. Nhiều người trong chúng tôi cho biết đó là hậu cứ của Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Khi đoàn xe dừng lại trong sân của hậu cứ này, chúng tôi thấy cảnh hoang tàn đổ nát dường như mới xẩy ra rất gần đây thôi. Một số lớn những dẫy nhà tôn của trại gia binh này bị sập, những viên gach bể, những miếng tôn cong queo, những thanh cây gẫy nát còn nằm rải rác khắp đó đây. Những dẫy nhà còn lại, tuy vẫn đứng thi gan cùng tuế nguyệt, song với những bức tường xiêu vẹo, với những mái nhà tôn trốc nóc, gập ghềnh. Xa xa trong những dẫy nhà còn đứng vững, lố nhố nhiều người qua lại, và lác đác có những người mang băng cứu thương trắng toát trên đầu, trên mặt, trên ngực hay trên cánh tay.. ..
Chúng tôi được lệnh xuống xe, mang theo tất cả đồ đạc riêng tây, và cứ 10 người ghép thành một tổ, chiếm một căn phòng trong những dẫy nhà trống còn lại và được cho biết đây là nơi trú ngụ trong thời gian học tập. Chúng tôi dọn dẹp gạch bể và quét tước đất cát và bụi bậm, rồi chia nhau chỗ nằm. Một vài người đang cư trú trong những dẫy nhà kế cận cũng đã mò tới thăm, nên được biết họ cũng đều là sĩ quan “ngụy”, cấp bậc đại úy, từ một vài Tiểu Khu khác thuộc Quân Khu IV cũ đã được áp giải đến đây ba bốn ngày trước đó. Và họ cũng cho biết thêm là hai ngày trước, Kho Đạn ở khu vực kế cận đã bốc cháy và một tiếng nổ khủng khiếp đã phát ra, khiến nhà cửa trong khu vực này tan hoang và nhiều nguời trong bọn họ đã bi gạch đè hay bị tôn chém. Số bị thương nặng phải gửi đi bệnh viện lên đến hàng chục người.
Ít ngày sau đó chúng tôi bắt đầu công việc thu dọn doanh trại và thiết lập hội trường để chuẩn bi học tập. Nhưng hơn một tháng trời trôi qua, tiền ẩm thực mà chúng tôi đã nộp cho trại tính ra đã hết và một hội trường lớn cũng sắp hoàn thành, song việc học tập vẫn chưa thấy nhúc nhích. Một số trong anh em chúng tôi đã đề cập vấn đề này với cán bộ trại và được giải thích là cứ an tâm, và trước sau gì chúng tôi cũng sẽ được học tập về đường lối và chính sách của Đảng và Chính Phủ. Chúng tôi cũng được giải thích thêm rằng, số tiền và gạo một tháng mà chúng tôi đã đóng góp cho trại, chỉ là tiền ẩm thực cho thời gian đầu, khi trại chưa có đủ điều kiện cung ứng, và cứ yên tâm, trại không bắt gia đình các anh phải đóng thêm nữa đâu mà lo.
Vào dịp này, một vài người trong chúng tôi cũng đã đề cập với cán bộ của trại về thời gian học tập. Một số cán bộ thẳng thắn trả lời là không biết rõ. Một số khác lại trả lời một cách lấp lửng rằng, “không dài lắm và cũng không ngắn lắm đâu”. Song cũng có những cán bộ trả lời huỵch toẹt rằng:
– Các anh là sĩ quan của ngụy quân, một thành phần đánh phá cách mạng điên cuồng, đều đáng tội tử hình, song vì chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, nên các anh chỉ phải đi học tập cải tạo mà thôi. Cải tạo không có nghĩa là đi tù mà là đi học. Học để nhận ra những sai lầm của mình và học để trở thành những công dân lương thiện sau này, đồng thời để hiểu thêm về đường lối và chính sách của Đảng và Nhà Nước. Sau khi gặt hái được những tiến bộ cần thiết, các anh sẽ được cho về sum họp với gia đình. Vì thế thời gian học tập cải tạo không thể đóng khung vào một thời gian nhất định nào cả, mà tùy thuộc vào sự tiến bộ mà các anh đạt được trong quá trình học tập cải tạo tư tưởng và lao động sản xuất.
Cuối cùng thì chúng tôi được gọi lên hội trường để học tập. Các bài học được mang ra để giảng dậy và nhồi nhét vào đầu cho chúng gồm những đề tài sau đây:
-Đế Quốc Mỹ xâm lăng Việt Nam
-Chính phủ VNCH là tay sai của đế quốc Mỹ
-Quân đội VNCH là công cụ của Chính phủ VNCH
-Đế quốc Mỹ không những bóc lột nhân công trong nước mà còn bóc lột nhân công các nước khác nữa.
-Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào.
-Đảng Cộng Sản Việt Nam là nhân tố dẫn đến thắng lợi trong chiến tranh.
-Chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước đối với ngụy quân và nguy quyền.
-Lao động là vinh quang
-Bổn phận hiện tại của Ngụy quân và ngụy quyền
Mỗi bài học tùy theo dài ngắn thường được cán bộ chính trị thuyết trình từ 4 giờ đến 2 ngày tại hội trường, rồi tù nhân cải tạo trở về trại chia thành từng toán nhỏ độ 9 hay 10 người để học chung với nhau.
Trước hết là mỗi người phải đào sâu suy nghĩ một cách riêng rẽ, kế đến là thảo luận chung với nhau cho đến khi nào vấn đề được thông suốt. Sau đó là phần tự kiểm thảo và kiểm thảo với sự chứng kiến của cán bộ trại. Cuối cùng là phần liên hệ bản thân để viết tự kiểm. Trong tự kiểm, tù nhân phải kê khai tất cả những công việc mà mình đã làm trước tháng 4/75, rồi suy diễn những công việc ấy thành những tội lỗi “trời không dung đất không tha” đối với cách mạng, đồng thời phải tỏ ra hết sức ăn năn hối cải để xin Đảng và Nhà Nước khoan hồng. Bản kiểm điểm được coi là bản thú tội, phải nộp cho cán bộ trại phán xét.
Cũng trong thời gian này chúng tôi phải khai đi khai lại lý lịch rất nhiều lần. Và cứ mỗi lần tìm thấy sự khác biệt trong những bản khai lý lịch hay điều gì mờ ám trong bản tự kiểm là cải tạo viên được mời lên “làm việc” với cán bộ. Có rất nhiều tù nhân phải viết đi viết lại bản tự kiểm. Nhiều người trước đây phục vụ trong ngành quân bưu, quân y, tuyên úy v.v.. .. của chính quyền cũ đã khai trong bản tự kiểm rằng công việc trước tháng 4/75 của họ không hề đụng chạm, họac cản trở, hay làm gì thiệt hại cho cách mạng cả, nên tự khai là vô tội và xin sớm được về sum họp với gia đình. Hầu hết những người này chẳng những được gọi lên làm việc mà còn bị kết tội là man khai nữa.
Cán bộ trại giảng giải cho họ biết rằng hễ đã đứng trong hàng ngũ Ngụy Quân là đều đắc tội với cách mạng và nhân dân. Các sĩ quan tuyên úy phải thú nhận là đã thần thánh hóa cuộc chiến để nâng cao tinh thần chiến đấu cho đám ngụy quân. Các sĩ quan chiến tranh tâm lý phải thú nhận là đã tuyên truyền, đầu độc để thúc đẩy đám ngụy quân chém giết bộ đội cách mạng một cách điên cuồng. Các sĩ quan quân y phải thú nhận là họ đã chữa cho đám ngụy quân bị thương tật mau chóng lành mạnh để sớm trở lại chiến trường, và còn là chỗ dựa tinh thần cho đám ngụy quân hăng say chém giết bộ đội cách mạng. Các sĩ quan quân bưu phải thú nhận là đã mang đến những món ăn tinh thần hầu giúp cho đám ngụy quân an tâm chiến đấu v.v.. Nói tóm lại, theo sự hướng dẫn của cán bộ, thì không một người nào trong hàng ngũ ngụy quân mà không phạm trọng tội cả. Trong thời gian học tập càng thú nhận nhiều tội lỗi bao nhiêu, thì càng được coi là tiến bộ nhiều bấy nhiêu. Và càng tiến bộ nhiều bao nhiêu thì càng hy vọng được Đảng và Nhà Nước cho về sum họp với gia đình sớm bấy nhiêu.
Một trong số những cải tạo viên ở trại cải tạo Trà Nóc, khi viết bản tự kiểm đã tự cho là mình không có tội tình gì với cách mạng cả, là một Bác Sĩ ngành sản khoa, bác sĩ Sang, nên được mời lên làm việc với một cán bộ của trại, Trung Uy Lộng. Sau đây là nội dung mẩu đối thoại giữa trung úy Lộng và bác sĩ Sang:
-Anh Sang, trước tháng 4/75 anh làm gì trong bộ máy ngụy quân?
– Thưa! Tôi là bác sĩ sản khoa !
– Là bác sĩ sản khoa mà anh dám khai trong bản tự kiểm là không có tội tình gì với cách mạng. Thế là thế nào ?
-Dạ thưa cán bộ. Trước 30/04/1975, thật sự tôi không hề làm bất cứ điều gì có hại cho cách mạng cả.
-Anh nghĩ là chúng tôi dốt lắm phải không? Sản khoa có nghĩa là anh thuộc ngành chuyên môn đi kiểm kê tài sản của dân chúng để tịch thu chứ gì?. Tội của anh đối với nhân dân rành rành và to lớn như thế mà anh còn ngoan cố chối cãi nữa hả ?
-Dạ dạ dạ.. .. Không không không .. .. Tôi không có đi kiểm kê và tịch thu tài sản của ai đâu, mà chỉ đi đỡ đẻ cho vợ binh sĩ mà thôi!
-Đỡ đẻ thì khai đỡ đẻ mẹ nó cho rồi, bày đặt sản khoa với sản khiếc.
Cán bộ giảng huấn chính và cao cấp nhất của trại cải tạo Trà Nóc lúc bấy giờ là Ba Song, Trung Tá Chính Ủy. Cũng như hầu hết những tên chính ủy các cấp trong quân đội cộng sản, Ba Song ăn nói rất lưu loát, song căn bản vẫn chỉ là một tên ít học nhưng rất bẻm mép. Mỗi khi thuyết trình trên bục giảng thì hắn thường thường thao thao bất tuyệt và nếu không để ý người ta khó có thể nhận ra trình độ học vấn thấp kém của hắn. Nhưng cái kim dù cố giấu giếm rất kỹ trong bọc vải đi nữa, song lâu ngày cũng lòi ra, vì thế Ba Song dù khôn khéo đến đâu đi nữa cũng không thể giấu giếm mãi cái dốt của hắn được. Trong thời gian giảng huấn ở trại cải tạo Trà Nóc, một hôm hắn ta cao hứng khoác lác về sự tài giỏi của Bộ Đội Tên Lửa Cộng Sản Bắc Việt:
“Cứ mười tên lửa của Xô-viết phóng đi, bởi chính các chuyên gia Liên-Xô, cũng chỉ hạ tối đa được 5 hay 6 phi cơ phản lực là cùng. Nhưng khi những tên lửa này viện trợ cho Trung Quốc, các chuyên gia của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc đã sửa đổi lại đôi chút trong bộ phận cơ hành, kiến cho mười tên lửa phóng đi hạ được từ 7 đến 8 phi cơ của địch. Đến khi những tên lửa này viện trợ cho Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thiếu Tướng Trần Đại Nghĩa lại một lần nữa sửa đổi lại, khiến cho 10 tên lửa phóng đi không phải chỉ hạ 10 mà là 11 máy bay phản lực của Mỹ lận. Sở dĩ hạ được tới 11 cái là vì trong số 10 tên lửa có một cái hạ được 2 máy bay phản lực của Mỹ cùng một lúc. Nhờ vậy mà hễ máy bay của Mỹ xâm nhập vào vùng trời của ta là bị bắn hạ như sung.”
Cả hội trường có tới gần 500 sĩ quan đều ngơ ngác và dường như không một ai có thể tin được những lời khoác lác của ông ta. Có lẽ cũng vì biết như thế, nên ông bèn giải thích thêm rằng:
“Như các anh đã biết trong không gian thường có những cái túi chân không rất lớn. Khi một chiếc phi cơ bay lọt vào túi chân không này, vì là không có không khí nên chiếc phi cơ bị rớt cho tới khi nào gặp lớp không khí ở đáy túi mới ngưng lại và mới bay bình thường trở lại được. Sở dĩ một mũi tên lửa của ta có thể hạ được hai máy bay là vì mũi tên lửa ấy được bộ đội tên lửa của ta tính toán rất kỹ lưỡng để phóng ra vào lúc hai phản lực cơ của đế quốc Mỹ bay vào vị thế trên cùng một đường thẳng đứng, nhưng khác nhau ở độ cao. Khi tên lửa này nổ tạo ra một túi chân không lớn bao chùm cả hai chiếc phi cơ, khiến những tên giặc lái ngay sau khi nghe thấy tiếng nổ kinh hoàng lại thấy phi cơ của mình rớt nữa, nên tưởng là phi cơ của họ đã bị trúng đạn rồi, vội vàng bấm nút để ghế ngồi có gắn dù bung ra khỏi phi cơ. Thế là cả hai chiếc phản lực cơ không người lái rơi xuống đất còn nguyên vẹn. Bộ bộ đội ta liền kéo về phi trường để sử dụng lại.”
Đám tù nhân chúng tôi cười thích thú và vỗ tay vang dội, khiến cho Ba Song đứng trên bục giảng cũng hớn hở ra mặt. Thật ra, chúng tôi cười để “tán thưởng” cái tài nói phét của hắn ta mà thôi. Phần đầu những lời viện dẫn của hắn có phần nào hợp lý, song phần kết thì không một người nào có đôi chút kiến thức về khoa học có thể ngửi được.
Các cán cán bộ cấp dưới của Ba Song cũng dốt nát và khoác lác không kém. Họ ca tụng không quân của cộng sản Bắc Việt một cách hết sức ngu dốt không thế nào tưởng tượng được. Họ kiêu hãnh khoe khoang với chúng tôi rằng: “Bộ đội không quân của chúng tôi lái những chiếc máy bay phản lực MIG tối tân nhất của Liên-Xô bay lẩn vào những đám mây mù dầy đặc, rồi tắt máy để động cơ không còn phát tiếng nổ nữa, nằm yên lặng phục kích máy bay của Mỹ. Khi thấy chúng bay ngang qua là mở máy phóng ra bắn hạ liền. Với chiến thuật phục kích trên mây này không quân của ta đã bắn hạ một cách rất dễ dàng không biết cơ man nào máy bay của đế quốc Mỹ nữa.”
Trong thời gian học tập cải tạo, các cán bộ chính trị của trại này đã cố gắng nhồi nhét vào đầu chúng tôi về đường lối của Đảng và Nhà Nước cùng một mớ lý thuyết và giáo điều của chủ nghĩa cộng sản để cuối cùng thuyết phục hay bắt buộc chúng tôi phải đi đến kết luận rằng:
Ngụy Quân và Ngụy Quyền là những người phản bội Quốc Gia và Dân Tộc
Ngụy Quân và Ngụy Quyền là những kẻ mãi quốc cầu vinh
Ngụy Quân và Nguy Quyền là tay sai và là chó săn cho đế quốc Mỹ
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một chính quyền bù nhìn
Chủ nghĩa Cộng Sản là đỉnh cao trí tuệ của nhân lọai Đảng
Cộng Sản Việt Nam là nhân tố duy nhất khiến Việt Nam đánh thắng cả hai Đế Quốc Pháp – Mỹ
Yêu nước là phải yêu chủ nghĩa cộng sản.
Tôi không rõ những tên lý thuyết gia cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam như Trường Chính, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v.. có khả năng thuyết phục người khác đến mức nào? Chứ cái hạng chính ủy cấp Trung Đoàn trở xuống như Ba Song ở trại cải tạo Trà Nóc thật sự chẳng thuyết phục được ai trong đám tù cải tạo chúng tôi cả. Trên bục giảng, họ nói như những con vẹt, những gì mà ông Hồ và đảng Cộng Sản đã nhồi nhét vào đầu họ, toàn những lời lẽ ngu dốt không thể lọt vào lỗ tai được, và nếu nó có lọt được vào lỗ tai này đi nữa, thì nó cũng sẽ chui ra bằng lỗ tai kia ngay mà thôi.
Có một điều đặc biệt là các cán bộ chính trị của cộng sản, tuy trình độ học vấn và sự hiểu biết thấp kém nhưng lại rất tự tin và tự ái rất caọ. Họ luôn luôn tin rằng tất cả những gì mà đảng Cộng Đảng hay các lãnh tụ của Đảng đã dậy bảo họ đều là chân lý tuyệt đối, nên không cần phải bàn cãi hay suy nghĩ gì nữa, cứ việc học thuộc lòng 100%. Vì tin như thế, nên khi thuyết giảng họ thường hãnh diện viện dẫn, Bác nói thế này; Đảng nói thế kia. Đồng chí Mao Trạch Đông dậy thế này; đồng chí Staline dậy thế kia, vân vân và vân vân… Đặc biệt khi diễn giảng họ cố gắng moi móc những gì Bác và Đảng đã dậy họ để nhồi nhét lại vào đầu các cải tạo viên. Một khi bị chê bai là dốt nát hay sai lầm, thì họ vô cùng tức tối, bởi vì những lời giảng giải không phải là ý kiến hay sáng kiên riêng của họ, mà toàn là chân lý do Bác và Đảng đã võ trang cho họ. Chê bai họ dốt nát đồng nghĩa với việc chê bai Bác và Đảng dốt nát vậy. Ngồi nghe những lời thuyết giảng ngô nghê, khoác lác, tự hào và kiêu căng của bọn cán bộ cộng sản lắm lúc cứt đái muốn lộn ngược lên đầu, song đại đa số anh em cải tạo viên chúng tôi phải cắn răng chịu đựng để sống còn. Một vài anh em trong chúng tôi, có lẽ vì quá tức tối hay vì quá hăng say, đã vạch trần những chỗ ngu dốt của chúng và những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản, nên bị chúng đầy đọa và hành hạ cho đến chết.
Trại tập trung cải tạo Trà Nóc là nơi chúng tôi đón xuân Bính Thìn, và cũng là cái Tết đầu tiên của chúng tôi trong tù. Tết mà phải xa nhà là điều bất hạnh cho mọi người, song chúng tôi chẳng những phải xa nhà mà còn phải sống nhục nhã trong cảnh tù tội nữa, nên bất hạnh còn được nhân lên gấp bội. Để làm cho vơi đi phần nào nỗi bất hạnh vào dịp đầu xuân, đêm mồng Một, anh em trong một số lán đã âm thầm tụ lại với nhau để hút thuốc, ăn mứt, uống nước trà, và nâng ly nước lạnh thay chén rượu nồng, mời nhau cạn chén 100% để mừng xuân và chúc tết lẫn nhau, rồi hát nho nhỏ cho nhau nghe những bài ca tâm tình. Tới đêm mồng 2, lúc đầu chỉ có vài lán kế cận khu nhà bếp tụ lại với nhau hát hỏng đón xuân mà thôi. Song có lẽ vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nên chẳng mấy chốc các lán ở xa khác ở xa hơn cũng qui tụ lại ở khu này mỗi lúc một đông. Đêm văn nghệ ĐÓN XUÂN này, lúc đầu chỉ là loại bỏ túi, nhưng đã mau chóng leo thang thành một đêm văn nghệ tự phát đông đảo. Tuy không kèn trống ồn ào, và không đàn sáo dìu dặt, nhưng tiếng hát mộc mạc của những người “hát không hay” và cũng “không hay hát” đã cất lên trong đêm và đã thấm sâu vào tận đáy lòng của những tù nhân xa nhà vào dịp đầu xuân. Người hát, hát bằng con tim. Người nghe, cũng nghe bằng con tim. Nên cả hai đã cảm thông sâu xa với nhau, đến nỗi tự động ôm nhau nước mắt ràn rủa. Mãi đến gần sáng anh em mới tản mát về lán của mình. Trong đêm văn nghệ đón xuân buồn thảm ấy, ngoài những bài ca não nuột lòng người, chúng tôi đặc biệt còn được nghe một cải tạo viên đóng vai ký giả thể thao Huyền Vũ, để trực tiếp truyền thanh về một trận đá banh diễn ra trên sân cỏ. Anh ta thuyết minh trận cầu tưởng tưởng ấy, không thua kém Huyền Vũ thật là bao. Người ấy là anh Quách Dược Thanh. Có lẽ vì anh có nhiều tài “phát tiết” ra ngoài, và chữ TÀI liền với chữ TAI một vần, nên anh đã bị giết bởi tên Thiếu Tá thâm hiểm Hai Thâu, thủ trưởng trại Cải Tạo Vườn Đào.
Trong thời gian học tập, Bộ Chỉ Huy của trại cải tạo Trà Nóc cũng đã một lần cho phép cải tạo viên tổ chức một đêm văn nghệ chính thức nữa. Trong đêm văn nghệ này cải tạo viên chỉ được hát những bài hát của cách mạng. Tuy không đến nỗi quá dở, nhưng nó gò bó, đơn điệu và nhạt nhẽo, vì người hát không thể cảm thông được nội dung bài ca, thì làm sao có thể truyền cảm cho người nghe được. Đến khoảng gần 10 giờ đêm, Ba Song bước lên sân khấu khen ngợi tài tổ chức của cải tạo viên rồi bỗng bốc đồng cho phép cải tạo viên nào sáng tác hay phổ nhạc bài thơ nào sau ngày “giải phóng” có thể lên hát. Anh Trần Trung Cang, (Đại úy thuộc phòng Tâm Lý Chiến Tiểu Khu Châu Đốc, hiện định cư tại Atlanta, Georgia) đã lên sân khấu vừa đàn vừa hát bài thơ của cụ Phan Khôi do anh phổ nhạc. Nếu tôi không quên thì bài thơ ấy như sau:
“Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao ….. ..”
Sau nghe xong bài này, mặc dầu mới chưa tới 10 giờ đêm, Ba Song đã vội vã bước lên sân khấu tuyên bố giải tán đêm văn nghệ với lý do là cải tạo viên cần phải đi ngủ sớm để có thể học tập tốt hơn vào ngày hôm sau. Song lý do đích thực là vì bài thơ của cụ Phan Khôi mà anh Cang phổ nhạc và hát có hàm ý thách đố đối với chính sách cải tạo của Đảng và Nhà Nước.
Trong thời gian bị giam giữ ở trại cải tạo Trà Nóc đã có một số anh em trốn trại. Có người thoát được, song cũng có người bị bắt lại. Một trong số những người bị bắt lại và đưa ra Tòa Án Quân Sự Lưu Đông Quân Khu IX xét xử và bị tuyên án tử hình là Trung Úy Trương Văn Tến, nguyên là sĩ quan tùy viên của Đại Tá Tỉnh Trưởng An Giang, quê ở xã Vĩnh Xương quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Tất cả các cải tạo viên trong trại hôm đó đều phải tham dự phiên tòa này. Vài giờ sau phiên xử, Trung Uy Tến được dẫn giải ra một gò đất cao ngoài cánh đồng phía sau trại để hành quyết. Các cải tạo viên trong trại tạo tuy không được chứng kiến cảnh bộ đội Cộng Sản nổ súng trực tiếp vào người Trung Úy Tến, nhưng đều nghe thấy tiếng nổ của những viên đạn đã kết liễu người Trung Uy can đảm này. Hai trong số người trốn trại bị bắt là Đại úy Nguyễn Huệ Anh và Đại Uy Nguyễn Văn Bảo, là những người được đưa từ Trung Tâm Cải Huấn Châu Đốc đi Trà Nóc cùng một ngày với kẻ viết bài này. Đ/U Bảo bị bắt ngay sau khi vừa thoát ra khỏi hàng rào thứ nhất và bị còng tay nhốt vào conex cho đến chết. Còn Đ/U Ánh đã thóat được ngoài một thời gian dài, mới bị an ninh địa phương bắt lại giải giao lại cho trại.
Sau thời gian học tập về đường lối và chính sách của Đảng và Nhà Nước, tù cải tạo trại Trà Nóc được chia thành hai nhóm. Nhóm I, gồm các sĩ quan thuộc các đơn vị trực diện chiến đấu với chúng như Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, các Sư Đòan Bộ Binh, Địa Phương Quân cùng các sĩ quan tham mưu thuộc phòng Ba, phòng Nhì Quân Khu và các Tiểu Khu v.v.. .. Nhóm II, gồm những kẻ còn lại, trong đó có kẻ viết bài này. Ngay sau đó, mỗi nhóm được chỉ định cư trú trong hai khu vực riêng rẽ.
Khoảng một tuần sau, nhóm I được đánh thức vào lúc 2 giờ sáng để chuyển trại. Lúc đầu chúng tôi không rõ họ được chuyển đi đâu cả. Cho đến khi một số anh em trong nhóm còn lại được gia đình thăm nuôi, chúng tôi mới biết tin họ được chuyển ra Bắc. Ít lâu sau đó, nhóm ở lại được chia ra làm nhiều toán và được đưa đi lao động khổ sai tại các nông trường ở U Minh Hạ. Một tuần lễ trước khi ra đi, chúng tôi được lệnh là mỗi người phải lấy một tấm tôn lợp nhà bằng kẽm bị hư hỏng vào dịp nổ kho đạn, đập cho phẳng ra, rồi đóng khung lại thành một chiếc giường cá nhân để mang theo nằm. Toán ra đi đầu tiên trong đó có tôi được đưa ra bờ sông Cần Thơ rồi dồn xuống những chiếc ghe chài. Sau hơn một ngày trời chạy lòng vòng trên các sông rạch miền Tây, đoàn ghe chài tới một khúc sông gần cửa biển. Tại đây chúng tôi lại được chuyển sang những chiếc tầu “há mồm”. Sau đó đoàn tầu trực chỉ ra biển Đông vào lúc rạng đông. Nhiều tiếng đồng hồ sau, chúng tôi thấy một hòn đảo nhỏ hiện lên ở phía trước. Khi tới gần hòn đảo này, nhiều người trong nhóm chúng tôi cho biết đó là Hòn Đá Bạc thuộc Cà Mâu và khi tới sát hòn đảo này đoàn tầu chúng tôi bị đơn vị bộ đội canh giữ tại đây bắn chặn trước mũi tầu để ngăn không cho tiến vào con rạch kế bên. Đơn vị trên đảo và đơn vị trên tầu hầu như không hề có bất kỳ một phương tiện vô tuyến nào để thông tin và liên lạc với nhau. Anh bộ đội có chức vụ và quân hàm cao cấp nhất trên tầu chúng tôi, vội vàng lấy chiếc nón cối đang đội trên đầu, rồi dùng một cây sào đưa chiếc nón cối lên cao, chắc có ý muốn nói cho những người trên đảo biết rằng: “Chúng tao cũng là Việt Cộng đây”. Sau đó một người trên đảo cởi quần áo lội ra gần tầu để hỏi thêm những chi tiết cần thiết. Sau khi đã biết tầu chúng tôi là cái giống gì rồi, đoàn tầu được phép tiến vào lòng con rạch, nhưng chỉ đi sâu thêm được khoảng trên dưới 100 mét nữa thì mắc cạn. Chúng tôi được lệnh đổ bộ cùng với đồ lề cá nhân. Mực nước biển chỉ đến ngang bụng, còn bùn lầy ở đây thì khá dầy, chỗ mỏng nhất cũng lên tới đầu gối, còn thường là trên đầu gối cả, nên khoảng cách hơn 200 mét lội vào bờ cũng làm cho một số anh em chúng tôi bở hơi tai.
Chúng tôi tạm trú qua đêm trong những căn nhà lẹp xẹp của dân chúng dọc theo hai bên bờ rạch. Và đây lần đầu tiên tôi được thưởng thức cảnh “muỗi kêu như sáo thổi” với đầy đủ ý nghĩa của nó. Mặt trời vừa khuất sau chòm cây là muỗi bay ra đen ngòm dầy đặc như một đám mây. Quơ tay một cái là có thể tóm được một nắm muỗi. Giăng mùng xong, rồi chui vào mùng, hầu như không có cách chi có thể ngăn chặn được hàng chục chị muỗi cái chui theo vào mùng. Dân cư ở đây giăng mùng rất sớm. Vào lúc vừa chạng vạng tối là vợ chồng con cái dắt díu nhau chui vào mùng ngủ và mãi cho đến sáng bạch, khi vòng vây của muỗi tan tác hết mới dám mở mùng chui ra. Có sống trong vùng này mới thật sự hiểu được vai trò quan trọng của muỗi trong việc nâng cao dân số trong vùng Cà Mâu, như nhà văn Sơn Nam đã có lần đề cập đến trong tác phẩm của ông.
Sáng hôm sau vẫn còn là con nước dòng, nên đám tù nhân chúng tôi được xử dụng vào việc kéo những chiếc tầu há mồm từ miệng kinh chạy trên bùn lầy dọc theo lòng kinh tới một một vùng đất cao và khô ráo, tạm gọi là bến tầu, để bốc dỡ dụng cụ và và vật liệu. Sau đó chúng tôi được giao liên dẫn theo đường tắt lội qua các kinh rạch và những cánh đồng sậy và rừng tràm để tới một nơi gọi là Nông Trường Cơi Năm hay Năm Căn, nằm trong vùng U Minh Hạ. Nơi mà chúng tôi được lệnh dừng chân là một vùng đất hoang vu, chỉ có một bờ đất cao bề ngang khoảng 4 hay 5 mét chay dọc theo một con rạch nhỏ. Trên bờ đất được trồng chuối xứ. Có lẽ là một vùng đất mầu mỡ nên những cây chuối sứ ở đây rất to cao và mập mạp. Sau khi nghỉ ngơi được ít phút, chúng tôi lại được lệnh để lại tất cả đồ đạc tại chỗ và được dẫn trở lại bến tầu để lấy dụng cụ nông nghiệp cùng vật liệu cất lều trại. Tại đây mỗi người trong chúng tôi phải đóng một cái bè gồm 4 hay 5 thân cây chuối, rồi chất vật liệu lên trên, sau đó đẩy bè dọc theo lòng kinh, tuy không nặng nề lắm nhưng phải lội bùn và ngâm mình dưới mực nước sâu tới đùi hay tới bụng trên quãng đường dài khoảng 8 hay 9 cây số.
Khi vừa trở về tới chỗ cũ, chưa kịp nấu cơm ăn thì trời đã nhá nhem tối và một trận mưa thật lớn ập tới, rồi kéo dài gần như bất tận. Mỗi người trong chúng tôi “tranh thủ” lấy 2 tấm tôn dựng chéo vào nhau theo chiều dài thành một mái nhà nhỏ thấp và hẹp rồi chui vào ngủ. Nằm trong căn nhà tạm bợ này, tôi có cảm tưởng như nằm trong một chiếc quan tài hình lăng trụ chật hẹp để chuẩn bị mang đi chôn. Một cảm nghĩ chợt đến là, dường như Thượng Đế cũng đã đứng về phía Cộng Sản độc ác để hành hạ anh em tù nhân. Phần lớn chúng tôi phải nhịn đói và chịu lạnh lẽo cùng mưa gió và sấm sét suốt đêm hôm đó.
Một vài ngày sau, mỗi tổ cất xong một căn lều bằng tôn bề ngang vừa đủ kê chiếc giường dọc theo bờ đất. Sau khi đã có chỗ ăn ở chúng tôi bắt đầu được chỉ dẫn cách dùng phảng để phát quang những ruộng sậy hay cỏ dại. Vì chưa biết cách dùng phảng thành thạo nên tiêu chuẩn dành cho mỗi người vào những ngày đầu thật khó hoàn tất được, nhưng những ngày sau đó thì đạt được chỉ tiêu không mấy khó khăn. Thì giờ còn lại chúng tôi được phép dùng vào việc “cải thiện” ăn uống. Nhờ ở trong vùng U-Minh Hạ có khá nhiều rau muống, cá, chuột, rắn v.v.. nên chúng tôi không đến nỗi đói khó. Trong vùng hầu như không có nước ngọt, mà chỉ có một lọai nước mưa hòa tan với lá tràm thối rữa, nên có mầu nâu đỏ nước trà, không thể uống hay nấu ăn được. Dân trong vùng đều tích trữ nước mưa trong những chum vại lớn quanh nhà, và cứ đôi ba ngày lại có những ghe chở nước đến bán. Lúc đầu chúng tôi gọi những ghe này là ghe “bán nước”, nhưng sau đó người địa phương yêu cầu chúng tôi gọi là ghe “đổ nước”.
Sau thời kỳ phát quang lau, sậy và cỏ dại chúng tôi được phân công người đi nhổ mạ, kẻ đi cấy lúa. Cách cấy lúa trong vùng Cà Mâu không giống như các nơi khác. Trước khi cấy, nhà nông trong vùng không cần phải cầy và bừa cho đất nhuyễn, mà cấy thẳng xuống đất cứng với mực nước xâm xấp. Để việc cắm cây mạ xuống đất được dễ dàng, người cấy thường dùng một cây nọc thọc mạnh xuống đất, và khi “nọc nhổ đi” sẽ cho một cái “lỗ bỏ không”. Người cấy chỉ việc “dú dí” năm ba cây mạ vào cái lỗ ấy, rồi lấy tay bóp miệng lỗ lại, hoặc vơ lấy một nhúm đất quanh đấy nhét vào lỗ để giữ cho cây lúa đứng thẳng.
Đất trong vùng Cà Mâu khá mầu mỡ nên chỉ ít lâu sau khi cấy là từ khóm lúa lèo tèo năm ba cây mạ đã trở thành một cụm lúa con gái xanh tươi mơn mởn cao ngang ngực. Ít ngày sau, lúa đã đâm bông cao vượt đầu người. Chúng tôi lại được phân công đi đuổi chim không cho chúng ăn lúa. Trong vùng Năm Căn có rất nhiều lọai chim khác nhau. Chúng tập họp thành từng đàn lớn rất dạn. Hò hét, đánh trống, gõ mõ xa xa, chúng coi như pha. Phải tới thật sát, miệng la tay liệng đất đá chúng mới chịu bay đi và chỉ bay đi một quãng ngắn là lại sà xuống. Đuổi chim lúc đầu ai cũng tưởng là nhàn nhã nhưng nếu làm tận tâm cũng khá vất vả đấy.
Khi lúa chín, chúng tôi bắt đầu đi cắt lúa ở một vài khu vực cấy sớm. Vùng đất Cà Mâu khá mầu mỡ nên thường được gọi là vùng đất “làm chơi ăn thật”. Mỗi công lúa ở đây, nếu không gặp tai ương gì thì thâu hoặch được từ 20 tới 25 giạ lúa. Sau khi cắt được ít công lúa ở vùng này, chúng tôi lại được chuyển trại tới một nông trường khác. Sau một ngày di chuyển qua rừng tràm chúng tôi tới được vùng đất mới gọi là kinh Tám Ngàn thuộc huyện Kiên Lương thuộc vùng U Minh Thượng.
Tại kinh Tám Ngàn, khởi đầu là việc cất lán trại để trú ngụ, rồi sau đó mới bắt tay vào việc đào những con kinh nhỏ thẳng góc và ăn thông ra kinh Tám Ngàn hay với các chi nhánh của nó. Trong thời gian đào kinh ở đây cải tạo viên được giao chỉ tiêu khá cao nên thường phải làm việc rất cực nhọc. Có nhiều tổ vì ban ngày nắng quá gay gắt không thể đạt được chỉ tiêu nên phải đốt đuốc đào vào ban đêm. Cảnh tượng cải tạo viên đào kinh rất vất vả ở đây (1977-1978) làm cho tôi nhớ đến một bài vè của dân phu đào kinh Vĩnh Tế (1820-1824). Tuy khoảng cách về thời gian cách nhau hơn 150 năm, song về không gian lại chỉ là một, vì kinh Tám Ngàn nằm ngay phía sau kinh Vĩnh Tế. Một đoạn ngắn của bài vè này như sau:
“Việc mần cực khổ
Mệt đổ hết hơi
Không dám nghỉ ngơi
Cực đà quá cực”
Cũng trong thời gian này bọn cán bộ cư xử và đối đãi với chúng tôi không đến nỗi quá tệ. Chúng tôi được thân thăm gặp và tiếp tế hàng tháng và sau khi làm đủ chỉ tiêu hay vào những ngày nghỉ còn được phép đi sâu vào những vùng hoang dã còn rậm rạp bắt chuột, bắt rắn, bắt cua và bắt cá.
Sau khi hoàn tất được một số kinh nhỏ trong vùng Tám Ngàn nhóm cải tạo chúng tôi lại được điều động đến vùng Mười Ngàn tiếp tục vừa đào kinh vừa sạ lúa. Lọai lúa sạ có đặc tính là nước dâng cao bao nhiêu thì cây lúa mọc cao theo mực nước bấy nhiêu. Nhưng nếu mực nước dâng cao hơn 10 centimet một ngày thì cây lúa sẽ trốc rễ để nổi theo mực nước. Vào mùa thu hoach lúa, trời nắng khủng kiếp đến nỗi có một vài sân phơi lúa cùng rơm rạ bốc cháy, khiến bọn cán bộ của trại nghi ngờ là có âm mưu phá họai, nên một số cải tạo viên đã bị bắt, bị đánh đập và bị tra khảo rất dã man.
Cho đến tháng 5 năm 1977, khi quân Khmer Đỏ bất thần tấn công và các làng xã dọc theo kinh Vĩnh Tế thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang trong đó có trại cải tạo Mười Ngàn, đã giết một số cán binh Cộng Sản và làm bị thương một số cải tạo viên. Cuộc tấn công này đã buộc Việt Cộng phải “di tản” đám tù binh cải tạo vào sâu trong vùng phía Nam của kinh. Sau đó chúng tôi lại được đưa tới vùng chân núi Salon thuộc xã Lương Phi thuộc quận Tri Tôn, là vùng đất mà tôi biết khá rõ, vì trước năm 1975 đã thăm viếng rất nhiều lần, đặc biệt là khi chương trình “Tát Nước Bắt Cá” và “Dành dân lấn đất” của Tỉnh và Tiểu Khu Châu Đốc được thực thi tại dây. Ít ngày sau đó chúng tôi được dẫn giải ra quận lỵ Tri Tôn để được đưa đi một trại cải tạo khác nằm sâu trong nội địa cho an toàn hơn.
Trên đường ra quận lỵ Tri Tôn để đón xe đi trại cải tạo khác, toán cải tạo của tôi đã đi ngang qua một ngôi chợ chồm hổm, thuộc ấp Cây Me. Vừa ra khỏi ngôi chợ một đoạn ngắn, tôi thấy một thiếu phụ hấp tấp chạy theo, khi bắt kịp tôi, bà ta chặn tôi lại, rồi dúi cho tôi một gói lá chuối. Tôi chưa kịp nhận ra bà ta là ai, và cũng chưa kịp ngỏ lời cám ơn thì bà ta đã vội vã bỏ đi. E ngại bị bọn cán bộ phát giác và còn có thể bị ghép vào tội vi phạm nội qui của trại vì liên hệ bất hợp pháp với dân chúng, nên tôi không dám chạy theo để cám ơn mà chỉ nhìn theo bóng dáng của người thiếu phụ phúc hậu ấy khuất dần vào đám người đông đảo trong lòng chợ. Một lát sau tôi mới nhớ được người phụ nữ hảo tâm ấy trước năm 1975 là Thư Ký của Ủy Ban Hành Chánh xã một xã thuộc quận Tri Tôn. Và mãi khi ra tới bãi đón xe, tôi mới dám mở gói quà ra coi. Trong đó chỉ vỏn vẹn có vài ba miếng tàu hũ và mấy con cá khô thôi, song tôi cảm động đến nỗi rơi nước mắt. Tính từ lúc nhận được gói quà mộc mạc ấy (1977) cho tới lúc ngồi viết những dòng chữ này đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng dường như những miếng tàu hũ và mấy con khô cá ấy vẫn còn nguyên vẹn trong lòng tôi.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ chờ đợi, một đoàn xe hàng tiến vào bãi đậu để đón và đưa chúng tôi đi về một nơi vô định nào đó. Đoàn xe chạy hướng về Ngã Ba Lộ Tẻ, rồi ngoẹo mặt chạy qua thị xã Long Xuyên, qua Bắc Vàm Cống, rồi Bắc Mỹ Thuận. Đặc biệt khi qua hai cái Bắc này, mấy em nhỏ và mấy bà bán bánh kẹo và trái cây dong đã đã chạy theo để thảy lên đoàn xe chở anh em cải tạo chúng tôi những chùm bánh kẹo hay trái cây, có người thẩy nguyên cả rổ hàng của họ nữạ. Sau khi qua Bắc Mỹ Thuận đoàn xe tiếp tục chạy về hướng Bắc trên Quốc Lộ IV và khi đến quận lỵ Cai Lậy mới ngoẹo trái chạy về hướng Mộc Hóa. Chạy được trên dưới nửa đoạn đường Cai Lây – Mộc Hóa thì đoàn xe ngoẹo trái tiến vào một trại cải tạo nằm bên lề con đường này có tên gọi là “Vườn Đào”.
Chính Ủy hay là Thủ Trưởng của trại cải tạo Vườn Đào là một tên Thiếu Tá khét tiếng là thâm hiểm, Hai Thâu. Những ngày đầu nhập trại này, cải tạo viên lại một lần nữa được các cán bộ của trại cho ôn lại hầu hết những bài học đã được học trong những trại cải tạo trước đây. Trong suốt thời gian bị giam giữ ở Vườn Đào cải tạo viên hầu như không phải đi lao động khổ sai như ở Cơi Năm, Kinh Tám Ngàn và Kinh Mười Ngàn, mà chỉ làm các công việc tạp dịch quanh doanh trại. Và một tháng đôi ba lần cải tạo viên được lôi lên hội trường để “sỉ vả và mắng chửi” về cái tội “làm tay sai cho đế quốc Mỹ” đã được Đảng và Nhà Nước khoan hồng song vẫn “ngoan cố không chịu học tập cải tạo tốt”. Trong khi bị giam giữ tại đây, cải tạo viên đã có một thời gian dài phải ăn bo-bo thay gạo. Dường như dạ dày của con người không mạnh bằng dạ dày heo, nên không thể tiêu hóa được lọai thực phẩm này, khi chúng còn nguyên hạt dù đã nấu chín. Trong ao nuôi cá tra và cá vồ, nơi đại tiện của tù cải tạo, hạt bo-bo còn nguyên vẹn nổi một lớp khá dầy phủ kín cả mặt ao. Dường như cá tra và cá vồ cũng chê lọai phân có chứa hạt bo-bo nữa.
Trại này có một nhà kỷ luật, gọi là NHÀ SẮT, được thiết lập trên một mô đất lớn nổi lên như một hòn đảo nhỏ giữa một cái ao vuông. Sở dĩ gọi là Nhà Sắt có lẽ là vì mái được lợp bằng tôn và vách được đan kết bằng nhiều lớp kẽm gai chồng chất lên nhau dầy đến nỗi con chuột hơi lớn một chút cũng khó lòng chui qua. Nhà sắt được nối với trại tù bên ngoài bằng một chiếc cửa nhỏ và một cây cầu khỉ lắt lẻo. Trong lòng Nhà Sắt còn có một dẫy cùm dài. Nơi đây được dùng để giam giữ những cải tạo viên nào vi phạm nội qui của trại. Ngoài ra còn có một số thùng sắt chứa quân dụng do quân đội Mỹ để lai (US Army Containers) được gọi là conex để đặc biệt giam giữ những tên tù cải tạo ngoan cố. Một cải tạo viên bị nhốt vào nhà sắt hay bị cùm trong nhà này, ban ngày có thể phải hứng chịu cái nóng như thiêu như đốt và ban đêm có thể phải chịu lạnh giá thấu xương, song còn có chút ít hy vọng một ngày vô định nào đó được về sum họp với gia đình. Còn cải tạo viên nào bị đưa từ Nhà Sắt ra nhốt vào thùng sắt conex thì sớm hay muộn gì cũng được Hai Thâu sẽ cho “tiêu diêu miền cực lạc”. Điển hình trong số này là Nguyễn Đức Xích, nguyên Thiếu Tá Tỉnh Trưởng Gia Định dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, và Quách Dược Thanh, nguyên giảng viên trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
Vào đầu năm 1979, dường như Đảng và Nhà Nước muốn cho quân đội của họ được rảnh tay trong việc xâm lăng Cam-bốt cũng như trong việc chống xâm lăng Trung Quốc, nên đã cho lệnh chuyển giao tất cả tù binh cải tạo đang do Bộ Quốc Phòng quản lý sang cho Bộ Nội Vụ. Vào dịp này cải tạo viên của trại Vườn Đào được chia thành hai nhóm. Nhóm I chuyển giao trước, trong đó có kẻ viết bài này. Chúng tôi được gọi tập trung trong sân trại cùng với đồ tế nhuyễn, vào một buổi sáng, nếu tôi nhớ không lầm, là vào tháng 04/79. Sau khi gọi tên từng người một (1) theo một danh sách đã lập sẵn, bước ra sắp hàng đôi, rồi cứ hai người được còng chung với nhau bằng một cây còng số 8. Sau đó từng cặp lần lượt dồn lên xe có bộ đội mang súng hộ tống. Sau đó đoàn ra khỏi trại, chạy về hướng Cai Lậy. Cũng như tất cả những lần di chuyển trước đây, tù cải tạo không bao giờ được biết trước là sẽ đi về đâu cả. Tới Cai Lậy, đoàn xe ngoẹo trái, hướng về thành phố mang tên lão Hồ. Sau khi chạy vòng qua ngọai vi thành phố này, đoàn xe nhập vào Quốc Lộ I, qua Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang,Tuy Hòa ,  Đèo Cả, Đèo Cù Mông, rồi khi tới Diêu Trì đoàn xe dời Quốc Lộ I đi về hướng Qui Nhơn – Pleiku. Vào buổi sáng ngày thứ ba, kể từ ngày dời Vườn Đào, đoàn xe chỉ còn cách thị xã Pleiku khoảng trên dưới 20 cây số nữa, thì rẽ vào một con lộ đất đỏ xuyên qua một khu núi đồi trùng điệp, để đi vào một doanh trại có công an canh gác và cũng có rất nhiều người mặc đồng phục mầu xám nhạt nữa. Cho tới khi đoàn xe vào hẳn trong sân trại, chúng tôi mới được biết đó là trại cải tạo K3 Gia Trung. Vài ba tháng sau, khi một vài người trong nhóm được thăm nuôi, chúng tôi mới được tin nhóm còn lại được đưa đi Long Khánh và Trại Vườn Đào đã đóng cửa.
Trại Cải Tạo Gia Trung là một trong những trại tù chính quy khá lớn chiếm hàng chục ki-lô-mét vuông, và được chia thành 6 K, từ K1 tới K6, và hàng chục ngàn tù hình sự và tù cải tạo, trực thuộc Bộ Nội Vụ, do ngành công an chuyên nghiệp coi tù, nổi tiếng là ác ôn, quản lý. Trong số tù nhân đã ở đây từ trước có rất nhiều người thuộc nhóm Phục Quốc Vinh Sơn Sài Gòn, và rất nhiều vị nguyên trước năm 1975 là Nhà Văn nổi tiếng, giáo sư đại học và viên chức cao cấp của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tại đây tôi có dịp gặp lại giáo sư Vũ Quốc Thông, dạy môn Pháp Chế Sử của tôi ở trường Đại Học Luật Sàigòn. Hai thầy trò nhìn nhau, mà không dám nói với nhau một lời.
Trong buổi học tập đầu tiên về nội quy của trại, một tên Thượng Sĩ Công An nhãi con đã “đánh phủ đầu” chúng tôi bằng những lời lẽ hăm dọa và khóac lác rằng: “Tất cả các chiến sĩ công an trong trại này đều đã được thụ huấn nghiệp vụ nhiều năm liền, đặc biệt về môn tâm lý học, nên có trình độ hiểu biết tương đương với những người đã tốt nghiệp bậc đại học. Dó đó các anh (cải tạo viên) không thể làm bất cứ điều gì qua mặt chúng tôi được cả. Chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, là chúng tôi đã biết các anh muốn gì rồi.. ..”
Tất cả tù hình sự cũng như tù cải tạo trong trại đều phải mặc đồng phục mầu xám nhạt do Nhà Nước cấp phát. Phía trước và phía sau áo và quần đều đóng con dấu GT khá lớn đen như mõm chó. Vì quản lý tù theo phương thức chính quy, nên hàng ngày cải tạo viên được điểm danh điểm số rất nhiều lần: khi vừa thức dậy; trước giờ xuất trại đi lao động, trong khi dang lao động; khi trở về trại, trước khi vào phòng giam ngủ nghỉ, đôi khi còn bị đánh thức vào lúc nửa đêm để kiểm soát đột xuất nữa. Mỗi khi xuất trại lao động là có một cán bộ quản giáo súng ngắn và hai cán bộ quản chế súng dài đi theo để kiểm soát và đốc thúc.”
Một điều nên biết là là trại Gia Trung đã được Bộ Nôi Vụ tuyên dương công trạng và công nhận là một trại tù gương mẫu trên toàn quốc rất nhiều lần. Không cần phải nói gi nhiều về trại này, mà chỉ cần biết như thế là đủ hiểu rằng trại này đã kìm kẹp tù hình sự và tù cải tạo khủng khiếp, dã man, tàn bạo, khốc liệt đến mức độ nào. Có lẽ không có một người Việt Nam nào mà không biết rằng: Một trại tù càng được khen thưởng nhiều bao nhiêu, thì tù nhân trong trai đó lại càng khốn nạn bấy nhiêu. Một trại cải tạo càng được tuyên dương công trạng nhiều bao nhiêu, thì cải tạo viên trong trại ấy đã chết đói vì thiếu thực phẩm, chết bịnh vì thiếu thuốc men, chết kiệt sức vì phải lao động khổ sai, chết tức tưởi vì bị đánh đập tàn nhẫn, càng nhiều bấy nhiêu.
Sau khi học nội quy, nhóm tù cải tạo từ Vườn Đào chuyển ra được “nhai lại” những bài học về đường lối và chính sách của Đảng Cộng Sản và của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong những ngày đầu ở trại này, có lẽ vì muốn nhóm tù cải tạo chúng tôi có ấn tượng “đẹp” về Bộ Nội Vụ, nên trại đã cho chúng tôi ăn tương đối no với cơm không độn. Song rất tiếc thời kỳ “trăng mật” này chẳng kéo dài được lâu, chỉ ít ngày sau, khi bắt đầu đi lao động, là khẩu phần ăn hàng ngày bắt đầu giảm dần. Buổi sáng, trước khi lao động, mỗi tù nhân được ăn lưng chén khoai mì khô hẩm hầm, họặc thay thế bằng hai củ nhỏ hay một củ vừa phải khoai lang, đôi khi lại đổi thành hai khúc nhỏ hay một khúc vừa phải khoai mì. Hai bữa cơm hàng ngày đều độn khoai mì tươi hay khô với gạo hẩm theo tỷ lệ 1/1 hay 2/1. Dù tỷ lệ độn khá cao như thế, nhưng chúng tôi cũng không bao giờ được ăn no cả. Khi còn ở trong những cải tạo ở miền Tây Nam Bộ do bộ đội trông coi, chúng tôi vừa được gia đình tiếp tế, lại vừa được đi “cải thiện” tự do kiếm rau cỏ, bắt cá, bắt cua, bắt rắn, bắt chuột, v.v.. nên không đến nỗi đói. Khi bị đưa ra miền Trung, vùng đất cầy lên sỏi đá, phần vì gia đình thanh bạch, phần vì đường sá xa xôi, phần vì phương tiện di chuyển thiếu thốn, nên những cải tạo viên từ Vườn Đào ra Gia Trung, rất ít người được gia đình tiếp tế thăm nuôi, vì thế hầu hết chúng tôi chỉ trông cậy vào phần cơm nhỏ bé do trại cấp phát hàng ngày, trong khi lại phải lao đông nặng nhọc, nên người nào người ấy thì ốm tong ốm teo như que củi. Sau giờ lao động, cải tạo viên đươc phép cởi quần áo lội xuống suối tắm, chúng tôi nhìn thân hình tiều tụy của nhau mà thương hại cho nhau, vì chỉ còn da bọc xương, trông giống như những bộ xương cách trí
Trong khi lao động nếu thấy rau cỏ hay côn trùng hoặc thứ gì có thể giúp cho đỡ đói là chúng tôi ăn sống nuốt tươi liền tại chỗ cho sốt dẻo, hoặc giấu giếm để mang về trại ăn vào lúc thuận tiện. Khi ăn khoai lang điểm tâm hay trừ bữa, hầu như không một ai trong chúng tôi “nỡ lòng nào” hay “đang tâm” bỏ vỏ cả. Nếu một tù nhân nào đó “xài sang” bỏ vỏ, thì những tù nhân kế cận, chụp liền nhét vào miệng. Riêng tôi, một hôm lao động, làm công tác vệ sinh quanh khu nhà của cán bộ cư ngụ, tôi đã “ăn cướp cơm chó”. Hôm ấy khi đang quét sân, tình cờ tôi thấy một con chó, do cán bộ nuôi để “ngả cờ tây” vào dịp lễ lạc, đang lặng lẽ gặm môt chiếc bánh mì luộc (2) ở đầu hồi. Sẵn chiếc chổi chà trong tay, tôi bất thình lình vung lên thật cao, khiến con chó hốt hoảng bỏ chạy không kịp cắp theo chiếc bánh mì luộc mà nó đã ăn gần hết phân nửa. Tiếp tục quét đến sát miếng bánh mì, nhìn trước, nhìn sau dường như không cán bộ quản chế hay quản giáo nào để ý cả, tôi cúi xuống lượm miếng bánh mì bỏ vào túi áo. Cho tới lúc nghỉ trưa, tôi mới dám móc ra, ngắt bỏ một lớp mỏng những chỗ có vết răng chó gặm lởm chởm. Không phải vì lo sợ miếng bánh mì bị nhiễm vi khuẩn chó điên, mà e-ngại là con chó ấy, rất có thể là buổi sáng đó đã điểm tâm bằng một bãi phân còn nóng hổi của một anh chàng cán bộ nào đó. Chó có bao giờ súc miệng và xỉa răng sau khi ăn đâu, nên tôi nghi những kẽ răng của nó còn dính ít nhiều của quí này, và từ đó đã lây sang mẩu bánh mì. Sau khi phủi bớt phần đất cát bám quanh miếng bánh mì, tôi tìm đến anh bạn tù phụ trách việc nấu nước cho đội, nhờ nướng lại giùm, rồi mới dám ăn. Ngon ơi là ngon! Cho tới bây giờ đã hàng chục năm sống trên đất Mỹ, mà dường như tôi chưa bao giờ tìm lại được cái hương vị thơm ngon độc đáo của mẩu bánh mì nướng, mà tôi đã cướp đoạt của chó, ở trại cải tạo Gia Trung vào ngày hôm ấy.
Trong thời gian tù đầy và lao động khổ sai ở các trại cải tạo, tuy nhục nhã, kham khổ, và đói khó tột cùng, song cũng đã cho tôi cơ hội tìm được những người bạn rất tốt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được tư cách. Một trong những người ấy là anh NTT. Trước 4/75, anh làm ở Phòng Nhân Dân Tự Vệ Tỉnh, còn tôi làm ở Trung Tâm Điều Hợp Bình Định và Phát Triển Tỉnh. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong công việc thường ngày, và chào hỏi nhau khi gặp gỡ thế thôi. Song khi vào tù tại Trung Tâm Cải Huấn Châu Đốc, thì tôi và anh vào cùng một ngày, rồi sau đó chuyển hết từ trại này đến trại khác, chúng tôi lại có dịp đi chung với nhau. Khi ra đến trại Gia Trung hầu hết chúng tôi đều đói khó như nhau. Song gia đình anh có điều kiện thăm nuôi nhiều hơn gia đình tôi, và cứ mỗi lần anh được thăm nuôi là anh lại “cả gan” chia xẻ cho tôi những phần quà khá lớn, dù anh biết chắc rằng phần chia xẻ đó rất khó lòng mà tôi có thể bồi hoàn lại cho anh một phần rất nhỏ. Cũng trong thời gian ở tù, tôi cũng có dịp nhìn một số bạn bè đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng. Nhìn người rồi nghĩ đến ta, tôi tin răng sớm hay muộn gì thì cũng đến lượt mình thôi. Song có lẽ tôi chưa đến ngày tận số, nên vào ngày 12/02/1980 nhận được GIẤY RA TRẠI. Tôi mừng vô hạn, như người chết được sống lại. Cùng với mấy người bạn cầm GIẤY RA TRẠI trong tay, chúng tôi lặng lẽ bước ra khỏi cổng trại, rồi từ đó vừa đi vừa chạy như bị ma đuổi, và không một ai trong chúng tôi dám ngoái cổ nhìn lại trại Gia Trung một lần cuối cùng nữa.
Tính từ ngày bước chân vào cổng Trung Tâm Cải Huấn Châu Đốc (09/05/75) cho đến lúc buớc chân ra khỏi cổng Trại Cải Tạo Gia Trung (12/02/80) tôi đã phải “nằm gai nếm mật” tất cả là 1.773 ngày đêm trong 7 Trại CẢI TẠO để trả cho món nợ “ngụy quân làm tay sai cho đế quốc Mỹ”. Song dường như món nợ TÙ TỘI của tôi đối với Đảng Cộng Sản như thế vẫn chưa trả xong, nên sau đó tôi còn bị giam giữ ở trại tù Tà Niên Rạch Giá vào năm 1981, và Duyên Hải Vũng Tầu vào năm 1985, thêm nhiều ngày nữa, về tội “chạy ra nước ngoài để ôm chân đế quốc Mỹ”. Trong vòng hơn mười năm trời kể từ tháng 04/75, tôi đã có gần sáu năm trong tù và qua tất cả 9 nhà tù hay trại cải tạo, trải dài từ miền Nam ra tới miền Trung. Cai tù của những trại tù này đối xử với tù nhân tuy có khác nhau đôi chút, nhưng tựu chung đều man rợ như nhau.
Để có một cái nhìn trung thực về chính sách đối xử vô cùng thâm độc cuả đảng Cộng Sản đối với những người đã tham gia ít nhiều vào việc chống lại sự xâm lăng miền Nam cuả chúng, tôi xin được viện dẫn nơi đây lời tuyên bố hằn học cuả một Trung Ương Ủy Viên đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nguyễn Hộ, trong đại hội mừng chiến thắng tại Saigòn vào ngày 17-05-1975: “Bọn ngụy, nhà cửa, tiền tài, ruộng vườn của chúng ta tịch thâu; con của chúng ta sai; vợ chúng nó ta sài; chồng của chúng nó ta đày đi tù rục xương nơi rừng thiêng nước độc để chúng trả nợ máu cho nhân dân.”
Và cũng để thấy rõ được đảng Cộng Sản Việt Nam đã quản lý các traị tù cuả họ man rợ như thế nào, tôi xin mượn lời của ông Nguyễn Văn Tạng(3), một đảng viên công sản, đã ở tù 15 năm dưới thời thực dân Pháp, 8 năm dưới thời ông Ngô Đình Diệm, 6 năm dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu, và nhiều năm trong các nhà tù của Cộng Sản. Trong thời bị giam giữ tại nhà tù Hanội sau năm 1975, ông ta đã phát biểu như sau: “Tôi ước mơ không phải là được tha về, cũng không phải là được thăm gặp gia đình, mà là được trở lại nhà tù của Pháp 30 năm trước đây.”
1- Một trong số những người được gọi tên ra đi, nhưng không có mặt là anh Quách Dược Thanh, vì anh vừa mới chết vào buổi sáng hôm ấy.
2- Trại được chính phủ cấp phát bột mì cho tù nhân ăn thay gaọ, nhưng vì không có lò để nướng, nên đội nhà bếp đem bột mì ra ngào, ngắt ra từng miếng nhỏ, nắn lại thành chiếc bánh tròn và dẹt bằng bàn tay người lớn, rồi đem luộc.
3- Richard Nixon, NO MORE VIETNAM, trang 207
Trích Chương 11 tuyển tập “QUÊ HƯƠNG NIỀM ĐAU VÀ NỖI NHỚ” của Huy Vũ
Huy Vũ là bút danh của ông Vũ Huy Thám, tác giả nhiều bài viết đã được đăng trên nhiều tờ báo ở Hải Ngoại. Tác giả quê ở Phú Thọ, di cư vào Nam, học đỗ Cử Nhân Luật, ra trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Ủy Ban Bình Định & Phát Triển Nông Thôn từ Trung Ương về Châu Đốc, bị tù “cải tạo”, vượt biển đến Nam Dương rồi qua Hoa Kỳ, làm Thông Dịch Viên & Cán Sự Xã Hội cho Hội Thiện Nguyện, cộng tác với Hãng Home Depot, và hiện vui sống tuổi già cùng vợ con tại Florida. Tâm tình của Huy Vũ, người tự nhận chỉ là “một nhà văn nghiệp dư”, được gói ghém trong trích đoạn dưới đây trong “Lời Tựa”:
Trong thời gian sống lưu vong trên đất Mỹ, QUÊ HƯƠNG đối với tôi không chỉ là “nỗi nhớ khôn nguôi”, mà còn là “niềm đau khó dứt”. Nơi đây chẳng những đã cho tôi những ngày hạnh phúc tuyệt vời, mà còn cho tôi cả những nỗi khổ đau cùng cực. Có lẽ vì thế mà hai chữ QUÊ HƯƠNG thường khắc khoải trong tôi…
Độc giả đọc “Quê Hương Niềm Đau và Nỗi Nhớ” không chỉ cảm thông với Huy Vũ mà còn tìm thấy trong đó phần nào tâm tình của chính mình cùng với hình ảnh thấp thoáng của chính quê hương mình.BiaQueHuongNiemDauVaNoiNho
Sách dày 310 trang, khổ 5×8”, có nhiều phụ bản, do Phạm Bá Hân trình bày và thực hiện bìa, là một ấn phẩm của nhà xuất bản
XÂY-DỰNG
Library of Congress Control Number: 2010902536 ISBN 978-0-9763498- 4-6 US$15.00 (trong Hoa Kỳ miễn bưu phí)
Địa chỉ liên lạc:
THỨC HUY VŨ
5719 Barren Drive Lansing, MI 48911
Email:
newhomeland@ hotmail.com hoặc thonghv03@aol. com

======
PHẦN ĐỌC THÊM 

ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI" AI GIẾT CHA TÔI?"
TRƯƠNG MINH HÒA.

Vài lời thăm hỏi tất cả những bạn tù ở miền Nam thuộc các trại: Chi Lăng, Vườn Đào, Xuyên Mộc ( khu C). Tôi là Trương Minh Hòa, các bạn gọi bằng biệt hiệu Ông Đạo Hòa, nhân bài viết nầy, xin chúc các bạn luôn dồi dào sức khỏe, vững tin vào một ngày mai tươi sáng, khi đất nước không còn cờ đỏ sao vàng, Lăng Hồ Chí Minh nữa.
Theo tin tờ Việt Báo ngày 1-11-2008, tác giả Đổ Văn Phúc có bài" Ai giết cha tôi?" từ bài viết của cháu Quách Giao Châu, ái nữ của đại úy Quách Dược Thanh, người đã bị Cộng Sản hành hạ dã man, trước khi bóp cổ chết tại một nhà hộp bằng sắt ( cornex hay container) ở trại tù Vườn Đào vào cuối năm 1979, trước khi trại giải tán, đưa tất cả tù đến các trại do công an quản lý, thuộc bộ Nội Vụ: tù từ cấp trung úy trở xuống bị giải đến trại Xuyên Mộc và từ cấp đại úy trở lên đến trại Tuy Hòa ( miền trung).
Tôi là người sống với niên trưởng Quách Dược Thanh nhiều năm trong tù, từ trại Chi Lăng đến Vườn Đào, anh tốt nghiệp khóa 1 và tôi là đàn em khóa 3 trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt. Khi còn là sinh viên sĩ quan, anh Thanh là giảng viên môn Chiến Tranh Chánh Trị và đồng thời cũng là người lính phòng thủ nhà trường, do tình hình chiến sự nên chúng tôi vừa học vừa chiến đấu, phụ trách các vọng gác quanh đồi 4648, tôi cùng một số bạn cùng khóa từng ngủ chung với anh tại các vọng gác như Đông Đô, Chúc Động, Thụy Hóa, Anh Đào, Đông Quan....một niên trưởng nào đó khóa 2 có để lại hai câu thơ viết bằng sơn trong một vọng gác:
" Đêm nằm vọng gác, đêm ứng chiến.
Còn có đêm nào nhớ đến em?"
Tôi với niên trưởng Thanh có rất nhiều kỷ niệm" sống để nhớ, chết mang theo", trong tù, chúng tôi sống rất thân tình dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, bị kẻ thù kiểm soát từ ăn uống đến tinh thần luôn luôn bị khủng bố, nhưng khi gặp nhau, chúng tôi vẫn gọi bằng hai chữ" NIÊN TRƯỞNG" thân kính, là truyền thống của trường, dù bất cứ hoàn cảnh nào, các sinh viên sĩ quan cũng phải giữ gìn. Trong những đàn em từ khóa 2 trở xuống, tôi là người được niên trưởng thương mến nhất, anh có những tâm sự thầm kính với tôi về tình hình đất nước, thường hay nói với tôi. Mỗi khi cần thông báo tin tức gì nhận được, chúng tôi thường bày bàn cờ tướng ra đánh, hầu tránh tai mắt của những người tù phản bộ cam tam làm ăn ten cho quản giáo. Ngoài tình cảm đồng trường, niên trưởng Thanh còn là một tấm gương bất khuất, dù đang ở trong tay kẻ thù, với điều" tư thái hiên ngang" là một trong 12 điều sinh hoạt của Sinh Viên Sĩ quan Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt, được đọc trước 2 bửa cơm hàng ngày ở Phạn Xá. Tôi nào quên tấm chân tình của anh, lúc bị bịnh bại liệt thình lình, anh ở nhà trong đến nhà ngoài tham tôi và cho 2 quả hột gà để bồi bổ hầu mau lành bịnh. Tôi thừa hiểu ở tù mà nuôi được con gà mái dầu, đẻ trứng là điều vô cùng khó khăn, tù phải hy sinh thức ăn, đào trùng, bắt dế, cào cào để nuôi gà; nên tôi từ chối, anh ép tôi phải nhận, nói một câu không bao giờ quên:" Mầy không lấy, từ đây đừng qua bên tao đánh cờ nữa", giờ này mỗi khi nhìn thấy hột gà, tôi bỗng nhớ đến anh. Trong trại tù ở Chi Lăng, thỉnh thoảng bọn quản giáo mở các lớp học tập chính tri, sau những bài học, cán bộ thường gọi những người lưu ý lên phát biểu; có lần anh Thanh nói:" chủ nghĩa Marx Lenin rất hay nhưng còn thiếu". Tên thượng úy Ba Minh, tức là Trần Minh (phó tiến sĩ trường Nguyễn Ái Quốc) phó chính ủy liên trại 3, thiếu tá Trần Thâu, tự Hai Thâu, được tù gọi là " Hai Răng Vàng" đều thắc mắc, thì anh trả lời là:" nhân vô thập toàn, nên chủ nghĩa Marx Lenin cũng chưa hoàn hảo, tùy theo nhận thức mà mỗi người tìm ra cái thiếu ấy". Tôi cũng chưa hiểu được thâm ý của anh, nên sau đó trong một lần ra cầu tiêu lúc thanh vắng, ngồi cạnh anh, tôi hỏi là:" chủ nghĩa Marx Lenin thiếu cái gì?". Anh cười và nói đùa:" mầy ngu quá, chủ nghĩa Marx Lenin thiếu TỰ DO". Trong dịp tết năm 1978, tại liên trại 3 ở Vườn Đào, các đại diện nhà, ban ngành đến bộ chỉ huy nhà trại để chúc tết theo thông lệ hàng năm; trong khi các anh khác chúc những lời tốt đẹp như:" Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân", thì đến lược anh Quách Dược Thanh, anh chúc thế nầy:" TÀ DƯƠNG, TÀ DƯƠNG, TÀ TÀ DƯƠNG". Tên Ba Minh hỏi, thì anh cho biết:" theo bài học thì xã hội chủ nghĩa là bình minh và thiên đàng Cộng Sản là hoàng hôn, là tà dương". Bọn quản giáo giậm tím mặt nhưng không làm gì được. Anh Thanh tâm sự cho tôi biết lý do còn ở lại miền Nam: số là khi mới bị bắt sau ngày 30-4-1975, chúng giải anh về tạm giam ở sân bay Trà Nóc ( Cần Thơ), Việt Cộng biết anh là giảng viên Trường Đại Học CTCT nên cử một tên cán bộ chính trị cấp quân khu đến để đấu lý, sau mấy giờ đồng hồ, anh Thanh dùng lý luận bẻ gảy tất cả những ngụy chứng của chủ nghĩa Marx Lenin, tên nầy bị thua dù là kẻ chiến thắng, nên tức giận. Anh bị đưa vào cornex nhốt hơn một tháng, sau khi thả ra, thì tất cả các sĩ quan từ cấp đại úy trở lên đều ra Bắc. Anh cho tôi biết là đời sống ở Cornex vô cùng khó khăn, mỗi ngày chỉ có miếng cơm lạt và một lon Guigoz nước độ một lít, số nước nầy được dùng để uống, rửa, tắm...anh phải dùng khăn thấm ướt để lau mình thường trực hầu sống sót.
Sau cái chết của trung tá Nguyễn Đức Xích, nguyên tỉnh trưởng Gia Định dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, cái chết của ông cũng hào hùng, bị nhốt cornex nhiều ngày, tra tấn để moi ra tổ chức do ông lãnh đạo trong tù, nhưng ông không hé môi và cuối cùng Việt Cộng dẫn ra vòng rào Liên Đội 5 bắn chết, tình hình trại rất căng thẳng, vì tôi và một số anh em khác có mối liên hệ mật thiết với hai anh Nguyễn Đức Xích và Quách Dược Thanh. Theo lời kể của anh trung úy Trần Văn Xòn, sĩ quan lực lượng Người Nhái Hải Quân, là người từng tham dự trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chỉ huy một toán hải kích đổ bộ Hoàng Sa, là một trong số 4 người nhận công tác đi chôn anh Xích, cho biết là sau một đêm ở ngoài vòng rào, trên môi anh Xích còn nở một nụ cười.
Những sinh hoạt trong tù của anh Quách Dược Thanh, hình ảnh hào hùng, tấm gương trung liệt....dù anh ra đi nhưng vẫn để lại trong lòng nhiều người. Sau khi ra tù, vượt biên tìm tự do, sau hơn 20 năm rai rức, tôi đã viết quyển sách" CUỘC HÀNH TRÌNH ĐEN" may mắn là sách đã được xuất bản tại Nam California ( Hoa Kỳ) vào tháng 8 năm 2007, tôi cảm thấy chút vơi đi, khi mỗi người đọc quyển sách nầy, linh hồn người chết sẽ nguôi ngoai phàn nào. Quyển Hành Trình Đen có nói khá đầy đủ và chi tiết của hai anh Quách Dược Thanh và Nguyễn Đức Xích, đời sống ở những trại tù miền Nam, sự tàn ác của đám can bộ, du kích gốc miền Nam như thế nào; bài viết nầy chỉ nói một cách sơ lược thôi. Từ lâu, tôi có ý định đi tìm gia đình của niên trưởng Thanh để nói về những kỷ niệm trong tù và cái chết hào hùng của anh, nhưng đây là tội ác của những kẻ tam vô. Sau ngày 30-4-1975, hàng trăm ngàn quân nhân cán chính bị đài đi các trại tù hành hạ trả thù, hàng chục ngàn đã bị sát hại do bắn giết, tra tấn, bỏ đói, lao động, bịnh hoạn không thuốc men....anh Thanh là một trong những tù nhân kém may mắn bị sát hại; đó cũng là bản chất của người Cộng Sản, nhằm thanh toán những đối tượng nguy hiểm.

Thời gian còn ở tù, tôi có biết và nhìn thấy vợ con anh Thanh thăm nuôi vài lần, nhưng vì hoàn cảnh nên không tiếp xúc, chỉ đứng nhìn. Bài viết nầy như lá thư thư liên lạc, hy vọng cháu Quách Giao Châu sẽ đọc đọc bài nầy, chú cháu mình sẽ bắt được nhịp cầu, và chú sẽ gởi cho cháu quyển sách để biết ai đã giết cha cháu... Những bằng hữu từng ở các trại tù nêu trên, muốn nhớ lại những kỷ niệm trong thời gian tù đài, có thể đến tiệm sách KIM THƯ ở khu THƯƠNG XÁ THANH ĐA Little Saigon. Vì sách đã bán hết, chỉ có nơi nầy là gốc của nhà xuất bản. Trên tờ Việt Báo, thỉnh thoảng có vài bài viết về cái chết của đại úy Quách Dược Thanh, nhưng tôi là người gần gũi anh nhất, có nhiều kỷ niệm và biết tại sao Việt Cộng đã giết anh../.

No comments:

Post a Comment