Sunday, May 27, 2018

Trận Hắc Dịch
(9/2 đến 10-2-1965)
Cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi phục kích và đánh gây thiệt hại hơn 3/4 Tiểu đoàn 4TQLC và một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân ở Bình Giả, Phước Tuy, cộng sản tập trung quân lại chung quanh căn cứ địa đó để biểu dương lực lượng. Bộ Tổng Tham Mưu VNCH lập tức phát động chiến dịch Nguyễn Văn Nho, cho hai Tiểu Đoàn Nhảy Dù, ba Tiểu Đoàn TQLC và một Chi Đoàn Thiết Giáp trở lại Bình Giả truy lùng các đơn vị cộng sản. Nhưng khi thấy lực lượng hùng hậu đó, các đơn vị cộng sản lẩn tránh giao tranh.

Nhưng cùng lúc, theo tin tức tình báo đến từ Thiếu tá Lê Đức Đạt, Tỉnh Trưởng Phước Tuy, cộng sản sẽ đem ba cố vấn Mỹ mà họ bắt được trong trận Bình Giả trước đó, diễu hành như một chiến thắng cho dân chúng địa phương coi (trong trận Bình Giả, Hoa Kỳ có 5 tử trận, 8 bị thương, và 3 mất tích). Tin tức này cũng được MACV xác nhận: MACV cho máy bay thám thính xử dụng hồng ngoại tuyến đã chấm được tọa độ đóng quân của cộng sản ở chung quanh xã Bình Giả và Hắc Dịch (Bình Giả, Bình Ba, Ngãi Giao và Hắc Dịch, là bốn xã tạo thành Tổng Cơ Trạch. Tổng: là một đơn vị hành chánh cho một vài vùng lúc đó).

Hắc Dịch là một khu rừng thấp nằm ở phía Bắc núi Ông Trịnh, giữa QL-15 và Liên Tỉnh Lộ 7 nối liền giữa khu Rừng Sác và chiến khu D của VC. Có nhiều sách địa lý cũng gọi là Hắc Dịch). Với tin tức cung cấp, QLVNCH quyết định trở lại truy lùng các đơn vị cộng sản còn lẩn quẩn chung quanh Bình Giả thêm một lần nữa trong một chiến dịch được đặt tên là Chiến Dịch Nguyễn Văn Nho (Nguyễn Văn Nho là tên của vị Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4TQLC đã tử trận tại Bình Giả trước đó một tháng). Lần này lực lượng tấn công là ba Tiểu Đoàn Nhảy Dù.

Ngày 9 tháng 2-1965, Chiến Đoàn II Nhảy Dù do Trung tá Trương Quang Ân làm Chiến Đoàn Trưởng với Tiểu Đoàn 5 của Thiếu tá Ngô Quang Trưởng; Tiểu Đoàn 6 Thiếu tá Vũ Thế Quang; và Tiểu đoàn 7, Thiếu tá Ngô Xuân Nghị, nhảy vào càn quét mật khu Hắc Dịch của cộng sản. Tiểu đoàn 5 và 6 là lực lượng chánh tấn công, trong khi Tiểu Đoàn 7 đi sau làm thành phần trừ bị và ngăn chận không cho các đơn vị cộng sản thoát ra phía liên tỉnh lộ 15 để băng qua khu Rừng Sác.

Lực lượng địch: Quân chủ lực miền của VC có hai trung đoàn lấy phiên hiệu là Q761 và Q762 với thành phần chỉ huy là những bộ đội tập kết:

- Trung đoàn Q761 do Bùi Thanh Vân làm Trung đoàn trưởng
- Trung đoàn Q762 do Tạ Minh Khâm làm Trung đoàn trưởng.

Lực lượng Bạn:

* Chiến Đoàn I Nhảy Dù, Chiến Đoàn Trưởng là Trung tá Trương Quang Ân chỉ huy 3 Tiểu Đoàn Nhảy Dù:

- TĐ5ND Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu tá Ngô Quang Trưởng
- TĐ6ND Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu tá Vũ Thế Quang
- TĐ7ND Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu tá Ngô Xuân Nghị

- Trung Đội 5 Truyền Tin ND do Thiếu úy Tôn Thất Hiếu làm Trung Đội Trưởng
- Trung Đội Công Binh Nhảy Dù do Thiếu úy Trần Văn Thọ làm Trung Đội Trưởng.


Diễn Tiến:

Khoảng 6.00 giờ sáng Ngày 7/2/1965, Chiến Đoàn I Nhảy Dù do Trung tá Trương Quang Ân làm Chiến Đoàn Trưởng được lệnh khẩn cấp di chuyển bằng đường bộ đến vùng hành quân, mật khu Hắc Dịch của VC tại phía Bắc núi Ông Trịnh gần ranh giới hai Tỉnh Biên Hòa và Phước Tuy. Đặc biệt trong trận này có một Trung Đội Công Binh Nhảy Dù tăng phái do Thiếu úy Trần Văn Thọ làm Trung Đội Trưởng. Do rút kinh nghiệm từ trận Bình Giả một tháng trước đó, Trung Đội Công Binh Dù được lệnh mang theo rất nhiều chất nổ để phá hủy các công sự chiến đấu kiên cố của địch.

Đến trưa, TĐ5ND đến Bà Rịa và bố trí quân tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. BCH Chiến Đoàn đóng tại Tỉnh Đường Phước Tuy.

Sáng sớm Ngày 9/2/1965 tất cả chiến binh Nhảy Dù được phân chia thành từng toán 10 người di chuyển dọc theo Quốc Lộ 15 đi về hướng Vũng Tàu. Tất cả xe cộ dân sự đều bị chận lại không được lưu thông trên đoạn đường này.

Sau đó từng đoàn trực thăng HU-1B đã bay rợp trời đến bốc Tiểu Đoàn 5 Dù trên QL-15 và Tiểu Đoàn 6 Dù tại khu vực Trường Truyền Tin đưa vào vùng hành quân. Đây là lần đầu tiên lực lượng Nhảy Dù đã đổ bộ bằng trực thăng cùng một lúc hai Tiểu Đoàn.

Khi vào trận địa, Tiểu Đoàn 5ND do Thiếu tá Ngô Quang Trưởng chỉ huy được đổ xuống một trảng trống khoảng 150 x 100 thước có nhiều lau sậy rất dễ bắt lửa, nhất là vào mùa khô này. Các trực thăng vừa hạ cánh đổ toán quân đầu tiên phía trái bãi đáp, cách đó không xa phía bên phải, một đơn vị Cộng quân đang mai phục cạnh bìa rừng tre với nhiều hầm hố công sự phòng thủ, quân số đông đảo và hỏa lực rất mạnh bắt đầu khai hỏa. Thiếu tá Ngô Quang Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng cùng Thiếu úy Tôn Thất Hiếu, SQ Truyền Tin được trực thăng thả xuống ngay đợt đầu. Khi trực thăng vừa hạ cánh các Chiến Binh Nhảy Dù cấp tốc nhảy ra khỏi trực thăng vào vị trí tác chiến.

Thiếu úy Hiếu nhìn thấy một ổ đại liên của địch đang nhắm vào trực thăng. Ông nhanh tay đẩy Thiều Tá Trưởng và hai thầy trò lăn vào một góc cây lớn tránh đạn.
Năm chiếc trực thăng đổ đầu bị trúng đạn không thể cất cánh lên được, đồng thời địch quân phóng hỏa đốt cháy những đám cỏ tranh và rừng tre trước hướng tiến quân. Họ hy vọng khi lính Dù thấy lửa cháy thì sẽ quay sang hướng khác... và Cộng quân sẽ bất ngờ phục kích tấn công vào đoàn quân Mũ Đỏ. Nhưng Tiểu Đoàn Trưởng Ngô Quang Trưởng không cho lính quay lại: ông ra lệnh tất cả Lính Dù vừa được đổ xuống xung phong thẳng qua thế hỏa công của địch, đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ của bộ chỉ huy cộng sản trước mặt, ngay sau đám lửa đốt ngụy trang đó.


Từ trên cao nhìn xuống thấy Nhảy Dù đã bám sát được phòng tuyến của địch quân, các phi công trực thăng đáp phi cơ đổ quân tiếp theo ngay sát tuyến đầu. Các chiến sĩ Nhảy Dù đã nhảy xuống ngay trên đầu quân địch đang ẩn núp tràn vào phòng tuyến VC và tiêu diệt những tên còn chống cự. Một số lớn hậu quân của địch đã hốt hoảng bỏ chạy. Ngay đến Tiểu Đội Công Binh Dù tăng phái cho TĐ5ND, vừa trên trực thăng nhảy xuống HSI Nguyễn Văn Tuế thấy một tên VC chĩa súng về phía anh chưa kịp bóp cò, Anh nổ súng hạ sát tên này tại chỗ, lục soát hầm ẩn núp của hắn tìm thấy một khẩu AK-47 và một súng cối 81ly chỉ còn một viên đạn. (HS I Tuế đã cùng với Đại úy Phạm Văn Phú ở TĐ5ND bị CS bắt làm tù binh khi Điện Biên Phủ thất thủ năm 1954, sau khi trao trả tù binh Anh được chuyển về Công Binh Nhảy Dù.) Cùng lúc đó HS Ngô Đình Liêm phát giác một hầm VC gần đó, Anh nhào tới chĩa súng vào hầm hô to: “đưa tay lên đầu hàng, nếu không tao bắn”. Lập tức hai bàn tay đưa lên và có tiếng la to “Tôi đầu hàng, tôi đầu hàng... đừng bắn”. Liêm bèn lôi tên VC ra trói lại, lục soát trong hầm lấy ngay một khẩu B-40 không còn viên đạn nào hết.

Sau một giờ giao tranh, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã làm chủ chiến trường, địch quân bỏ lại tại trận 60 xác chết, 4 tên bị bắt sống, tịch thu 1 súng cối 61ly, 4 trung liên nồi, 11 súng B-40 & B-41 và 44 AK-47. TĐ5ND có 4 chiến sĩ bị hy sinh, 7 bị thương. Về phía Mỹ có 6 chiếc trực thăng bị hư hại, và 7 pilot cùng xạ thủ đại liên bị thương.

Cùng lúc với TĐ5ND chạm địch mạnh, BCH Chiến đoàn và TĐ6ND do Thiếu tá Vũ Thế Quang làm Tiểu Đoàn Trưởng cũng được đổ xuống một trảng trống xa về phía Bắc của TĐ5ND chừng 1.5km. Sau khi đáp xuống đất, cánh quân này dàn đội hình tác chiến tiến về phía trận địa của TĐ5ND lục soát. Tuy không chạm địch nhưng các chiến sĩ Nhảy Dù đã khám phá ra một nông trại của Việt Cộng với hai căn nhà bỏ trống có dấu vết người vừa bỏ chạy, chung quanh nông trại nhiều khoai mì rau đậu xanh tốt với gà vịt nuôi trong chuồng.

Sau đó hai đơn vị được lệnh bung rộng ra lục soát chung quanh trận địa. Khoảng 3.00 giờ, trực thăng tản thương đến bốc các thương binh và tử sĩ, những chiếc Skycrane đến câu những chiếc trực thăng bị hư đi. Trên trời trực thăng võ trang Cobra vẫn bao vùng.

Khoảng 5.00 giờ chiều, 3 chiếc trực thăng UH-1B chở phái đoàn của Đại tướng Craigton Abram, Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Việt Nam xuống thị sát mặt trận và thăm Chiến Đoàn I ND. Thiếu tá Ngô Quang Trưởng thuyết trình về diễn tiến trận chiến cùng mời phái đoàn quan sát từng đống vũ khí tịch thu của địch và những xác Cộng quân bỏ lại chiến trường. Trong lúc Đại tướng Abram đang ngỏ lời ngợi khen đến Trung tá Trương Quang Ân và Thiếu tá Ngô Quang Trưởng cùng các chiến binh Nhảy Dù trong trận chiến vừa rồi, và chíếc skycrane còn đang câu một chiếc trực thăng cuối cùng thì các toán tiền đồn của Tiểu Đoàn 5ND báo cáo dồn dập Cộng quân đã trở lại rất đông. Sau đó Cộng quân bắt đầu nã tới tấp đạn cối 82ly vào vị trí đóng quân, thế là phái đoàn của Đại tướng Craigton lên phi cơ cùng chiếc skycrane bay đi luôn bỏ lại chiếc trực thăng cuối cùng.

Sau loạt pháo, Cộng quân bắt đầu ào ạt tấn công vào lực lượng Nhảy Dù. Nhưng nhờ những công sự sẵn có của Cộng quân để lại, các chiến sĩ Nhảy Dù chỉ cần tu bổ qua loa là có ngay vị trí chiến đấu rất tốt chống trả, bất chấp các đợt xung phong của địch quân.

Từ lúc khởi đầu cuộc tấn công khoảng 6.00 giờ chiều đến 5.00 giờ sáng Ngày hôm sau, Cộng quân đã 11 lần xung phong. Mỗi lần tấn công, Cộng quân đã thổi kèn đồng thúc quân và là mỗi lần chúng nhận kết quả thảm khốc, thêm một số nhân mạng rơi rụng trước hỏa lực phản kích của chiến binh Nhảy Dù và hỏa lực yểm trợ nồng nhiệt của những chiếc gunship cobra luân phiên bao vùng suốt sáng. Thời gian này, mỗi Trung đội Nhảy Dù chỉ được trang bị 3 hay 4 khẩu AR15 còn lại đều sử dụng Garant M1, Carbine M2, tiểu liên Thompson... trong khi các đơn vị CS được trang bị AK-47 tốt hơn rất nhiều. Nhưng nhờ tinh thần kỷ luật, tác chiến dũng mãnh, cộng thêm một chút tự hào “Thiên Thần Sát Địch” các chiến binh Nhảy Dù đã kiên cường chiến đấu và đã chiến thắng oanh liệt.

Khoảng 8.00 giờ tối, sau hai đợt xung phong của địch quân, Trung tá Trương Quang Ân, Chiến Đoàn Trưởng điều động Tiểu Đoàn 6ND bảo vệ phía sau mặt trận để ngăn ngừa địch quân đánh bộc hậu, và sau đó Ông cho lệnh Trung Đội Công Binh Dù phá hủy chiếc trực thăng còn bỏ lại ngoài bãi bốc. Thiếu úy Thọ phái bốn HSQ là 4 Trung Sĩ Trần Đỗ Phương, Nguyễn Văn Thìn, Hoàng Hiến và Nguyễn Hữu Viên gom 200 bánh thuốc nổ TNT, dây chuyền nổ, ngòi nổ điện, chờ cho địch quân ngớt tấn công, chạy thật nhanh đến chiếc trực thăng, đặt chất nổ vào các vị trí quan trọng, cấm ngòi nổ rồi chuyền dây chuyền nổ đến vị trí ẩn núp an toàn. Mọi việc được tiến hành trong khoảnh khắc. Sau khi kích hỏa, một tiếng nổ kinh hồn, mặt đất rúng động như một cơn địa chấn, chiếc trực thăng hoàn toàn biến mất.

Khoảng 2.00 giờ sáng Ngày 10/2/1965, Cộng quân thay đổi chiến thuật, tập trung quân số dồn mọi hỏa lực tấn công vào một vị trí phòng thủ của một Trung Đội/TĐ5ND khiến cho Trung đội này bị nhiều thiệt hại. Sau đó BCH/Chiến Đoàn điều động một Đại Đội của TĐ6ND sang tăng cường cho TĐ5ND trám vào lỗ hổng này.

Đến 5.00 giờ sáng, kèn thúc quân của CS lại vang lên như điệu ru ma quái ai oán, những con thiêu thân yếu ớt gom tàn lực xung phong giờ chót vào bức tường đồng phòng thủ vững chắc của Chiến Đoàn Nhảy Dù. Đây là cố gắng lần thứ 11 cũng là cuối cùng của lực lượng Cộng quân. Sau 5.00 giờ sáng không còn nghe tiếng kèn đồng nữa và tiếng súng cũng im bặt như lũ âm binh sợ ánh nắng mặt trờì phải tháo chạy.

Khoảng 7.00 giờ sáng, TĐ5ND tung quân ra lục soát quanh tuyến phòng thủ. Một cảnh tượng không thể ngờ được, hằng trăm xác Cộng quân tràn ngập chung quanh tuyến phòng thủ, đầy dẫy hằng trăm vũ khí đủ loại từ AK-47, súng trường CKC, súng chống chiến xa B-40, B-41 đến trung liên nồi, đại liên 12.8ly, cối 61ly, đạn dược quân trang quân dụng nhiều vô kể. Các chiến sĩ Dù đã gom lại thành từng đống từng đống...

Khoảng 8.30 giờ, 3 chiếc trực thăng H34 của Không Quân VNCH chở phái đoàn của BTL/QĐ3, BTL/LĐND và phái đoàn Báo Chí tại Thủ Đô Sài Gòn đến thăm đơn vị Nhảy Dù vừa chiến thắng và nhìn tận mắt bãi chiến trường đã gây thiệt hại nặng nề cho hai Trung đoàn Q761 và Q762 cộng sản Bắc Việt.

Sau khi các phái đoàn thăm hỏi, ủy lạo và quan sát chiến trường cùng chụp nhiều hình ảnh sống thực để đưa lên trang báo, lên trực thăng ra về, Chiến Đoàn I Nhảy Dù cũng lui binh. Theo báo chí Hoa Kỳ tường trình lại, trong trận này, Thiếu tá Trưởng và Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã cứu được vị sĩ quan cố vấn Tiểu Đoàn, Đại úy Thomas B. Throckmorton là con trai của Trung tướng John L. Throckmorton, Tư lệnh Phó cho Đại tướng William Westmoreland, đương kim tư lệnh MACV. Khi lui binh, TĐ6ND đi đầu mở đường và TĐ5ND bọc hậu, trên đường tiến quân Cộng quân đã cài nhiều chốt chận đường phục kích, nhưng không chốt nào chịu đựng được quá 5 phút trước đà tiến dũng mãnh của chiến binh Dù. Tiểu Đoàn 6 ND đã tiêu diệt hàng chục chốt địch và tịch thu rất nhiều vũ khí. Đến 4.00 giờ chiều Ngày 11/2/1965 Chiến đoàn mới ra tới QL-15.

Sau chiến trận, một buổi lễ tuyên dương công trạng Chiến Đoàn I và Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù được tổ chức trọng thể tại tòa Hành Chánh Tỉnh Phước Tuy. Trong buổi lễ này Thiếu tá Ngô Quang Trưởng được thăng cấp Trung tá đặc cách tại mặt trận và Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Thiếu úy Tôn Thất Hiếu, Sĩ Quan Truyền Tin, được thăng cấp từ Thiếu úy nhiệm chức lên Thiếu úy thực thụ và một anh dũng bội tinh với nhành dương liễu.

Thiếu tá Ngô Quang Trưởng và Đại úy Thomas B. Throckmorton

Hàng đoàn Trực Thăng UH-1Ds tham gia chiến dịch đổ quân


Tài liệu tham khảo:

- Phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.
- Email hồi báo của Trung tá Tôn Thất Hiếu, Trưởng Phòng TT/SĐND kiêm TĐT-TĐTT SĐND.

- “The Most Brilliant Commander”: Ngo Quang Truong, This article was written by James H. Willbanks and originally published in the December 2007 issue of Vietnam Magazine.
Nguồn : http://nhayduwdc.org/ls/qsnd/2016/ndwdc_ls_qsnd_2016_bcnd20nChiensu_B_11_15_2016JUL30.htm#B11

No comments:

Post a Comment