Sunday, June 23, 2019

QLVNCH: Những trận đánh cuối cùng…
Những trận đánh cuối cùng… PDF Print E-mail
Written by Trần Lý
Saturday, 26 April 2014 17:22
Những trận đánh cuối cùng:
1- Trận Huấn khu Long Thành
26-28 tháng 4 năm 1975
:: Trần Lý ::
Trường Bộ Binh là một quân trường chuyên đào tạo các sĩ quan trừ bị cho Quân lực VNCH. Trước 1974, Trường tọa lạc tại Thủ Đức, và từ đầu năm 1974 được dời về Long Thành, một cơ sở mới nằm bên cạnh Quốc lộ 15 (Từ SàiGòn đi Vũng Tàu) cách Quận lỵ Long Thành khoảng 5 km. Tại
alt
đây, Trường BB kết hợp với Trường Thiết Giáp và Trung Tâm Huấn luyện Yên Thế của LLĐB (nơi huấn luyện Biệt Kích) để lập thành Huấn khu Long Thành. (Trường Thiết giáp đặt tại Căn cứ Bearcat cũ , nơi trú đóng của Lực lượng Thái Lan khi tham chiến tại VN)
Chỉ huy trưởng Trường BB kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Huấn khu.Từ tháng 4/75 Đại tá Trần Đức Minh là chỉ huy trưởng Huấn Khu.
Trường Võ Bị Đà Lạt, sau khi di tản (ngày 30 tháng 3 năm 1975) qua ngã Sông Pha, Phan Rang, Bình Tuy và được chuyển vận bằng C-130 về SàiGòn, sau đó được tạm trú tại Trường BB Long Thành và đã cho ra trường tại đây 2 khóa 28 và 29, còn lại các SVSQ thuộc các khóa 30 và 31.
Kế hoạch tấn công của CSBV :
Hướng Tây-Nam của cuộc tấn công vào Sài Gòn của CSBV được giao cho Quân đoàn 2 BV. Lực lượng QĐ này gồm:
Các SĐ BB CSBV 325 và 304
Lữ đoàn Pháo binh 164
Lữ đoàn xe tăng và thiết giáp 203
Sư đoàn phòng không 673
Lữ đoàn công binh 219
Trung đoàn đặc công 116.
Lực lượng này có khoảng 54 xe tăng, 35 thiết giáp, 223 xe kéo pháo; 87 khẩu 130 mm và 105 mm; 136 khẩu cao xạ..
Tổng số quân lên đến 40 ngàn..do Tướng BV Nguyễn Hữu An chỉ huy và Tướng Lê Linh làm Chính Ủy.
Kế hoạch dự trù tấn công trên mặt trận chính bề ngang khoảng 80 km. Các mục tiêu chính gồm Huấn khu Long Thành (BV gọi là Căn cứ Nước Trong), Chi khu Long Thành, Chi khu Nhơn Trạch để sau đó tiến 2 ngả một về Sài gòn và một về Vũng Tàu..
Kế hoạch phòng thủ của QL VNCH:
alt
Để đối phó với hướng tấn công này (VNCH xem là Đông-Bắc của SàiGòn) , QL VNCH chỉ huy động được những lực lượng còn lại của SĐ 18 BB (còn 2 Chiến đoàn), Lực lượng Xung Kich QĐ 3, riêng Lữ đoàn 1 Dù được giao nhiệm vụ giữ Bà-Rịa-Vũng Tàu.. thay vào đó là LĐ 258 TQLC.Tư lệnh chiến trường là Tướng Nguyễn văn Toàn (Tư lệnh QĐ III VNCH) cùng các Tướng Lê minh Đảo (Tư lệnh SĐ 18), Tướng Trần Quang Khôi (Tư lệh Lực lượng Xung Kích)
alt
Các lực lượng cơ hữu của Huấn khu Long Thành, gồm quân số cơ hữu và các SVSQ đang thụ huấn tại các Trường Bộ Binh, Trường Thiết giáp và Trung Tâm Huấn luyện Biệt Kích Yên thế..
Vào đầu tháng 4 năm 1975, Trường BB có khoảng 4000 Sinh viên Sĩ quan Trừ bị thuộc các khóa gối đầu nhau; ngoài ra vào cuối năm 1974, Trường tiếp nhận khoảng 1000 quân nhân thuộc Quân chủng Không Quân đang theo học các ngành tại HK phải về nước do cắt giảm viện trợ. Ngoài ra còn có các lớp Sĩ quan Khóa sinh gồm chừng 500 người. Số SVSQ Võ Bị Đà Lạt và quân nhân cơ hữu của Trường Võ bị khoảng 500 người
– Huấn khu Long Thành được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Trần Đức Minh (quyền Chỉ huy trưởng Trường Bộ binh thay thế Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi từ tháng 4-1975).
– Trường Thiết giáp do Đại tá Huỳnh văn Tám chỉ huy..
– Về quân số cơ hữu của Trường Bộ Binh:
– Ngày 22 tháng 4, 1975, một nửa quân số thuộc các đơn vị của Trường BB cùng với những đơn vị thuộc các Trường Võ Bị QG Đà Lạt (từ Đà Lạt di tản về), được lệnh rút về Huấn Khu Thủ Đức (Trường BB Thủ Đức cũ). Một nửa quân số ở lại để phòng thủ Trường, lực lượng này do Đ/tá Lê văn Phú Tham mưu trưởng Huấn Khu chỉ huy. Trong lúc này, Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng cục trưởng TC Quân Huấn chỉ định Đ/tá Lộ công Danh, Liên đoàn trưởng LĐ Sinh viên SQ Trường BB làm Quyền Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt thay thế Tướng Lâm Quang Thơ.
Lực lượng Địa phương quân và Nghĩa Quân của Chi Khu Long Thành dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hà văn Sáu, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng.
alt
Những diễn biến tại Khu vực trong tháng 4/1974:
Từ đầu tháng 4/75, CQ đã mở những cuộc tấn công thăm dò vào Khu vực Huấn khu Long Thành, dùng đặc công xâm nhập vào các Trường Thiết giáp và Trung Tâm Huấn luyện Yên Thế nhưng bị đẩy lui sau khi chịu nhiều tổn thất.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, QĐ III VNCH được tăng phái Lữ đoàn 468 TQLC, TĐ 8 TQLC được giao nhiệm vụ đóng tại Long Thành để ngăn chận địch quân từ hướng Long Khánh, giữ an ninh ngoại vi cho các Căn cứ Long Bình và Bộ Tư lệnh QĐ (Biên Hòa).
Ngày 10 tháng 4: QĐ III được tăng phái thêm Lữ đoàn 4 Dù. LĐ này được giao trách nhiệm bảo vệ các khu vực Tam Hiệp-Biên Hòa-Long Thành..
Ngày 21 tháng 4: VNCH rút khỏi Long Khánh từ chiều 20/4 và về đến địa điểm tập trung tại Đức Thạnh (Phước Tuy) vào chiều 22/4. Liên tỉnh lộ 2 được chọn làm lộ trình rút quân, dài khoảng 40 km từ Tân Phong, qua Đức Thành, Long Lễ. Cuộc rút quân được xem là thành công, bảo toàn lực lượng. LĐ 1 Dù được giao nhiệm vụ bảo vệ Quốc lộ 15 , từ Long Thành đến Bà Rịa. SĐ 18 và các đơn vị tăng phái di chuyển về Căn cứ Long Bình.
Diễn tiến trận đánh:
7 giò sáng ngày 26 tháng 4, Cộng quân bắt đầu tấn công thăm dò bằng các đơn vị trinh sát của SĐ 304 CSBV. Những cuộc chạm súng nhỏ diễn ra với các đơn vị tiền đồn của Huấn khu Long Thành..
alt
Chiến đoàn 322 / LLXK QĐ III VNCH được lệnh di chuyển về Long Thành để tiếp cứu. Chiến đoàn 322 được tăng cường thêm một TĐ TQLC tiến theo QL 15 và đụng nặng với CQ trong khu vực rừng cao su, tại Dốc 47, bắn hạ 12 chiến xa BV (Tướng Trần Quang Khôi trong Danh Dự và Tổ Quốc)
5 giờ chiều 26/4 , trận tấn công chính thức bắt đầu bằng cuộc pháo kích dữ dội của Cộng quân..sau đó SĐ 325 CSBV dùng bộ binh cùng sự yểm trợ của xe tăng đồng loạt tấn công vào các cứ điểm phòng thủ của Huấn khu nhưng không vượt nổi hàng rào phòng ngự kiên cố của Trường Bộ Binh. Riêng Trường Thiết giáp và TT Huấn luyện Yên Thế bị mất liên lạc sau đó. Quận Long Thành cũng bị tấn công, nhưng giữ vững vị trí trong đêm. Đ/tá Huỳnh văn Tám, Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp bị mất tích từ chiều tối 26/4 sau khi lọt vào ổ phục kich của CQ trên đường trở về sau cuộc họp bên Trường BB. Tài liệu CSBV ghi lại: Trong trận tấn công vào Trường Thiết giáp, CQ chỉ hoàn toàn làm chủ vào chiều 29/4 vơi sự thiệt hại gần 200 quân..
Sáng 27 tháng 4: CSBV dùng SĐ 325 tấn công vào sườn trái của vòng đai phòng thủ Huấn khu đồng thời SĐ 304 tấn công vào hướng chinh diện. Các mũi tấn công này đều có xe tăng và pháo yểm trợ.
Cũng từ 5 giờ chiều CQ dùng Trung đoàn 101 (SĐ 325 CSBV) tấn công Quận lỵ Long Thành, dùng Tr/Đ 46/325 tiến vòng để chiếm Ngã ba Phước Thiền và Tr/Đ 18/325 bao vây Bỉm Sơn. Tất cả các cứ điểm trên đều do ĐPQ và Nghĩa quân Long Thành chống giữ.
Một lực lượng khoảng 2 ĐĐ /TĐ 1-TQLC cũng hoạt động trong khu vực Ngã ba QL15 và Liên tỉnh lộ 10 (gần đầu dốc 47). Tại chốt phòng thủ này, LL TQLC có 2 M-48 yểm trợ đã chống trả cuộc tấn công của CQ cho đến chiều 28/4 mới bị tràn ngập..
Theo Vũ Trọng Hóa, TM trưởng của Tr/Đ 18/ SĐ 325 CSBV thì CQ mở đầu cuộc tấn công bằng một cuộc pháo kích dữ dội gần 700 đạn pháo bắn vào Chi khu Long Thành trong vòng nửa giờ: Loạt đạn đầu bắn phá khu vực Cầu Xéo và loạt thứ nhì vào Quận đường và khu vực đặt 2 đại bác 105 ly của Quận. Bộ binh có xe tăng yểm trợ đồng loạt tấn công. Chi khu Long Thành phản ứng bằng pháo yểm trợ từ Bến Sắn và Phước Hòa..tuy nhiên sau đó CSBV đã tập trung pháo binh, bắn trên 2000 quả đạn vào các điểm đặt pháo của VNCH.. Sáu giờ chiều, xe tăng CSBV (thuộc Lữ đoàn 203/325) tiến vào đường Nguyễn An Ninh Long Thành nhưng bị chặn tại đây. Lực lượng địa phương VNCH, luồn theo các ngõ hẻm để tập kích. Trận đánh kéo dài đến 10 giờ đêm, CSBV tiến chiếm các tiền đồn quanh Thị xã như Cầu Quán thủ, Ngã ba Cầu xéo, Liên Kim sơn, các chốt Cầu đen, Bàu cá..Địa phương quân Long Thành bắn cháy nhiều xe tăng của CSBV (trong đó một chiếc ngay tại cổng chính dinh quận, một chiếc khác bên chi khu..)..Trung Tá Hà văn Sáu rút ra bên ngoài, xin chi viện từ Tiểu khu Biên Hòa nhưng không được đáp ứng và vẫn tiếp tục chiến đấu đơn độc chống trả lực lượng CQ. Mãi đến 4 giờ 30 chiều ngày 27, CSBV mới chiếm được khu vực Quận Long Thành.
Lực lượng còn lại của Chi Khu rút về Ấp Thái Lạc và cố thủ tại đây đến chiều 28 tháng 4..(Vũ Trọng Hóa ghi lại cuộc kháng cự tại Ấp Thái lạc gây thiệt hại nặng cho Tiểu đoàn 1/ Trung đoàn101 CQ, trong đó gần 100 cán binh bị hạ kể cả Tiểu đoàn trưởng CQ Nguyễn Ánh Dương )..
Đêm 27 tháng 4 , Cộng quân tập trung lực lượng quyết thanh toán Trường BB. Sáng 28, trước tình hình nguy ngập do lực lượng quá đông của quân CSBV, Đ/tá Lê văn Phú quyết định rút quân và lực lượng còn lại lui về Huấn Khu Thủ Đức..
Tài liệu của CSBV ghi lại: Trong ngày 27 tháng 4, SĐ 5 KQVNCH dùng 115 phi vụ để oanh kích vào đội hình của Cộng quân và bị hạ đến 2 F-5, 4 A-37, 3 Skyraider A-1 và 1 UH-1 A. Phối kiểm với các phi công KQ VNCH thì không ai biết gì về con số phi vụ cũng như con số phi cơ bị hạ?
(Về phần Skyraider A-1. Đại úy Trần văn Phúc, người bay những phi vụ A-1 cuối cùng trên không phận Sài Gòn cho biết: ‘Sau 6 tháng đình động 2 Phi đoàn A-1 được lệnh bay lại, trưa ngày 3 tháng 4, 1975 các phi công PĐ 518 bắt đầu bay ‘quen tay’ và đến 5 tháng 4 được biệt phái xuống Cần Thơ, sau đó 19 tháng 4 trở lại Biên Hòa..Ông cho biết hầu như không còn sự phối hợp giữa KQ và BB như trước: trong nhiều phi vụ tuy bay bao vùng tại Long Khánh, Ông phải tự tìm ‘mục tiêu’ (?) và tùy nghi thả bom..vào những vùng khả nghi có tập trung quân của CSBV Trong ngày 27 tháng 4, các phi vụ của Đ/u Phúc và các phi công khác bay trên vùng trời Long Bình nhưng không được sử dụng? Chiếc A-1 sau cùng bị bắn hạ là chiếc do Th/tá Trương Phùng bay ngày 29 tháng 4 trên không phận Sài Gòn).
Các F-5 hầu như ..không còn hoạt động hành quân vào giai đoạn cuối cùng này..Một số phi vụ A-37 được điều hành từ Cần Thơ. Một lý do được giải thich là ‘BV đã sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt Strella và súng phòng có radar điều khiển nên F-5 và A-37 không thể cất cánh oanh tạc được’ (Hà Mai Việt trong Thép và Máu, trang 204).
Không có những ghi nhận chính thức về hoạt động của các trực thăng võ trang. Riêng trong bài Những ngày cuối trên đất Đồng Nai, Phó Tỉnh trưởng Biên Hòa Nguyễn Nhơn ghi lại:’ Sáng 28/4 từ văn phòng nhìn về phía núi Châu Thới, chiếc trực thăng đang quần đảo, phóng rocket ì ầm, yểm trợ lực lượng dù (?) đánh dẹp chốt đặc công VC ở chân núi’.
Đ/u Nguyễn văn Việt TĐ 46 Pháo Binh (theo CĐ 322/LLXK) ghi lại trong trận đụng độ ở Dốc 47: ‘ Gần trưa, một chiếc phản lực bay qua đầu chúng tôi, rồi nhào xuống thả một trái bom, rơi trúng phía bên kia đường cách bộ CH Chiến đoàn khoảng 200m..’
(Nguyễn văn Việt trong Pháo thủ 46 kể chuyện cũ)
Một sĩ quan thuộc TĐ 1/ TQLC kể lại: ‘..vì áp lực mạnh của cánh quân CSBV từ Bình Tuy băng qua, KQ ta yểm trợ bằng các phi tuần A-37 dội bom xuống mặt trận..Một trái bom đã rơi vào làn ranh của hai bên..’ (Tháng 4 ra trường..)
Trường hợp TĐ 82 BĐQ, được Th/tá Vương Mộng Long TĐT ghi lại trong Hồi Ký, Tháng Tư lại về:’ Ngày 28 tháng 4, TĐ đang nghỉ dưỡng quân tại Long Bình thì được lệnh vào vùng hành quân tại phía sau Trường BB Long Thành..Quân số do đi phép và tập trung bất ngờ nên chỉ còn 161 người lên đường với nhiệm vụ ngăn chặn địch từ hướng Bắc tiến về. TĐ đóng quân tại một ngọn đòi nhỏ là ‘một tiền đồn cũ, có 3 lô cốt nhỏ, không hầm hố địa đạo, không hàng rào..nên chỉ chất những viên đá tổ ong thành một chiến lũy cấp thời..’ Ngay tối 28, CQ huy động lực lượng BB có xe tăng yểm trợ, dùng xe chiếu sáng chiến trường để tấn công.
Sau 3 đợt tấn công dữ dội, và 6-7 tăng bị bắn cháy..CQ đã tràn ngập vị trí phòng thủ của TĐ 82 BĐQ. TĐ hết M-72, lựu đạn và chiến đấu đơn độc không có phi-pháo yễm trợ..Còn lại 107 người, tìm đường rút về Căn cứ Long Bình qua ngã Hố Nai (Biên Hòa) Cuộc rút lui bi thảm này, vượt các ổ phục kích và pháo của Cộng quân để cuối cùng chỉ còn lại 67 người. và tan hàng tại Cầu hang vào sáng 30 tháng 4..
Tuyến phòng thủ Huấn Khu Long Thành được xem là bỏ ngỏ từ ngày 29/ 4. CQ tiến về SàiGòn..nhưng vẫn gặp sự kháng cự của những đơn vị còn lại của QL VNCH . Những trận đánh cuối cùng tiếp diễn dù không còn ‘Đại bàng’…như các trận Cầu Rạch chiếc, trận Huấn khu Thủ Đức..
Trần Lý (Tháng 5-2013)
Ghi thêm:
Đại úy Phúc (Phi Long 51) cho biết thêm một số chi tiết về A-1 trong bài như sau:
‘Sau khi trở về Biên Hòa ngày 19 tháng 4 năm 1975, Chúng tôi không còn bay yểm trợ tiếp cận (Close Air Support) cho quân bạn mà phải bay bao vùng hàng nhiều giờ rồi được các phi cơ quan sát (L-19) chỉ điểm oanh tạc những vùng nghi ngờ đóng quân của CSBV.
Chỉ riêng ngày 27/4/1975 vào khoảng 2 giờ trưa, Tôi cùng Đ/úy Trần Công Quận bay bao vùng ở Long Khánh, vì không có phi cơ quan sát, tôi phải tự tìm mục tiêu và oanh tạc đoàn xe công voa đang di chuyển từ Bắc xuống Nam ở Trảng Bom.
Bây giờ tôi mơi hiểu lý do tại sao chúng tôi bị bắn bởi hàng rào phòng không dày đặc, chỉ cách phi cơ tôi vài mươi mét tại Long bình ở cao độ 5000 bộ..
Chúng đặt hơn 30 khẩu phòng không (có radar hướng dẫn) từ 23 ly, 37 ly và 57 ly rải rác khắp vùng Long Khánh để bảo vệ các cánh quân BB tiến chiếm Huấn khu Long Thành. Rất tiếc chúng tôi hoàn toàn không hay biết, thật quá phí số bom này và tôi xin thành thật xin lỗi Toàn thể Chiến hữu tại Huấn khu Long Thành..
(Điện thư trao đổi giữa Đ/ú Phúc và Tác giả ngày 20/5/1975)
2- Huấn khu Thủ Đức
30 tháng 4 năm 1975
alt
Bài ‘Trận đánh không có đại bàng tại Huấn Khu Thủ Đức ngày 30/4/1975′, trong tập sách ‘Những trận đánh không tên trong Quân sử’ (Tập 2), ở Chương 8 (trang105-119) đã được Nhà văn Hải Triều viết và dựng lại theo lời kể của các Đại úy Thảo của Trường Quân Báo và Đại úy Trần văn Trung của Trường Tổng Quản trị, được ghi là có mặt và tham dự trực tiếp vào trận đánh.. Tuy nhiên, do được ‘dựng lại’ nên một số chi tiết chưa thật sự chính xác. Diễn tiến trận đánh xin được viết lại dưới đây, tổng hợp từ các bài phỏng vấn Đại tá Phạm đức Minh, Chỉ huy trưởng Huấn khu Long Thành, người đã ở lại cuối cùng và đã tủi hờn bàn giao Huấn khu cho CSBV ( bài ‘ Trường Mẹ, Bạn, Anh em, và..’ của Tác giả Băng Đình, phỏng vấn Đ/tá Minh phổ biên trên Tuần san Chính Luận, Seattle, 2005. Đại tá Minh mất tại Kirland. TB Washington tháng 11-2009)..Ngoài ra một số chi tiết được trích từ bài ‘Những ngày cuối cùng của Trường Bộ binh’ của Tác giả Nguyễn ngọc Thạch, Trưởng Phòng Kế hoạch của Trường BB lấy từ trang mạng Batkhuat.net
Tình hình Huấn Khu Thủ Đức trong những ngày cuối cùng:
Từ khi Trường BB chuyển ra Long Thành, Tổng cục Quân huấn đã tổ chức Huấn khu Thủ Đức gồm một số Trường như Trường Tổng Quản trị, Trường Hành Chánh tài chánh, Trường Quân Báo, Trường Quân Nhu, Trường Quân cụ, Trường Quân nhạc, Trường Vũ thuật Thể Dục..Trong những ngày cuối cùng Chỉ huy trưởng Huấn Khu Thủ Đức là Đại tá Trần văn Tự.
alt
Sau ngày TT Thiệu từ chức (21 tháng 4), toàn thể Sinh viên sĩ quan Trường BB (Long Thành) và SVSQ Võ Bị Đà Lạt, dưới quyền Đ/tá Minh đã được di chuyển về Thủ Đức (Xem bài Trận Huấn Khu Long Thành). Khi về Thủ Đức, theo sự thỏa thuận giữa Đ/tá Minh và Đ/t Tự, lực lượng HK Long Thành chịu trách nhiệm phòng thủ, bảo vệ HK Thủ Đức, còn lực lượng cơ hữu của Thủ Đức phụ trách chống đặc công trong phạm vi Trường..
Chiều tối 27 tháng 4, các lực lượng còn lại của Trường BB Long Thành, sau khi chống trả cuộc tấn công của SĐ 325 CSBV trong suốt 2 ngày 26 và 27, đã phải rút về Thủ Đức..
alt
Sau khi mọi thành phần của Trường BB từ Long Thành về đến Thủ Đức . Tổng cộng quân số tại Thủ Đức lên khoảng 6000 người gồm SVSQ và quân nhân cơ hữu (Một số bài viết, kể cả bài phỏng vấn Đ/t Minh ghi lại, cho rằng Trường ĐH Chiến Trị Đà Lạt sau khi di tản cũng về Huấn Khu Long thành và Thủ Đức, nhưng trên thực tế Trường ĐH CTCT được đưa về hậu cứ của TĐ 30 CTCT tại Biên Hòa và sau đó từ Biên Hòa rút về hậu cứ TĐ 50 CTCT) .
Ngay từ hạ tuần tháng 4, khi nhận lệnh từ Tổng Cục Quân Huấn chuẩn bị làm nhiệm vụ phòng thủ Sài gòn, Trường BB đã cấp tốc tổ chức các đơn vị tác chiến: Các sĩ quan huấn luyện viên được đưa xuống các Tiểu đoàn SVSQ làm Trung đội trưởng, các ban Tham mưu TĐ và LĐ được thành lập. Nói chung có 2 Liên đoàn tác chiến, mỗi LĐ khoảng 2500 người.
Trang bị không hoàn chỉnh, các võ khí cá nhân và cộng đồng như M-16, đại liên M-60, cối 81, do rút từ huấn luyện nên tạm đủ, phần M-79 và súng chống tăng M-72 tương đối it. Về Pháo binh có một Trung đội 105 rút từ Long Thành về, cùng với 4 khẩu 175 không rõ của đơn vị nào từ Long Khánh chạy về Huấn khu Thủ Đức..(trong lực lượng rút về từ Long Thành còn có một số quân nhân di tản từ Trường Pháo binh Dục Mỹ, Nha Trang)
Tại Thủ Đức, lực lượng của Trường BB được bố tri thành ba tuyến:
Tuyến tiền đồn do Khối Yểm trợ công vụ của Trường trấn giữ các điểm ngoại vi.
Tuyến ngoài hàng rào chung quanh Trường do một Liên đoàn SV phòng thủ.
Tuyến trong do một LĐ SV khác trấn giữ.
Trừ bị là một Tiểu đoàn SV, trích từ tuyến trong và ĐĐ 966 Địa phương Quân của Tiểu khu Gia Định biệt phái dài hạn cho Huấn khu Thủ Đức để lo an ninh bãi tập. (SVSQ Võ Bị Đà lạt thuộc thành phần trừ bị này)
Theo Đ/tá Minh, mối lo ngại nhất là thiếu võ khí chống tank và tập trung quân trú phòng trong một diện tích tương đối hẹp khó tránh thiệt hại khi bị CQ pháo kích..
Đ/tá cũng cho biết:
‘Về phương diện quân sự, khi còn ở Long Thành, Trường BB nằm dưới sự yểm trợ trực tiếp của Bộ Tự Lệnh QĐ III. Khi di chuyển về Thủ Đức lại trực thuộc thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Nhưng từ cuối tháng 4, hệ thống chỉ huy đã rất..lỏng lẻo..’
‘Những ngày cuối tháng 4, Trường BB hoàn toàn bị cô lập, không hề nhận được bất cứ lệnh lạc nào từ Quân Đoàn III cũng như từ Biệt Khu TĐ. Cho đến ngày 28/4 chỉ liên lạc độc nhất được với Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng cục trưởng TC Quân Huấn để nhận những chỉ thị ‘khích lệ’ tinh thần..?’
Sáng 29 tháng 4, Trường BB Thủ Đức hoàn toàn mất liên lạc với..bên ngoài (Đây là thời điểm..tự tan rã của Bộ TTM QL VNCH, xin xem bài SàiGòn ngày 29 của Trần Lý. Tư lệnh QĐ III, Tướng Toàn sau khi ra lệnh cho Tướng Khôi trụ lại, đã bay ra Hạm đội Mỹ. Bộ Tư lệnh QĐ III không còn..khả năng chiến đấu..chỉ còn LLXK của Tướng Khôi..Tư lệnh BKTĐ, Tướng Minh.cũng..di tản.)..
Trận đánh cuối cùng: 30 tháng 4 năm 1975
alt
Sáng 30 tháng 4, CSBV từ Nhơn Trạch bắt đầu pháo kích lác đác vào Trường BB Thủ Đức..
(Quân đoàn 2 CSBV sau khi thanh toán tuyến phòng thủ Long Thành chiều ngày 28/4 , tập trung lực lượng để tiến thẳng về SàiGòn qua hướng cầu Đồng Nai nhưng bị giữ chân tại đây trong suốt ngày 29, Trường BB Thủ Đức không còn là mục tiêu chiến lược hay chiến thuật gì nữa..Pháo CQ chỉ nhằm mục đích..bắn quấy rối)
Khoảng 8 giờ 30 sáng, Đại úy Hiếu TĐT TĐ 5/SVSQ, phụ trách phòng thủ vòng đai Trường phía xa lộ báo cáo thấy đoàn xe CQ di chuyển trên xa lộ về hướng Sài Gòn. Trung tâm Hành quân của Trường điện thoại cấp báo về Biệt Khu Thủ Đô, nhưng..không còn ai bên Biệt Khu trả lời (?)..Đ/tá Minh quyết định dùng mọi cỡ pháo binh khả dụng của Trường (gồm các pháo đội từ các nơi tạm gửi tại đây) bắn chận về hướng Đông khoảng giữa cầu Đồng Nai và Nghĩa Trang Quân đội. Pháo binh CSBV cũng phản pháo và gửi một đơn vị Thiết giáp về tiến công Thủ Đức..
Đài quan sát đặt trên tháp nước cấp báo xe tăng CSBV xuất hiện tại khu Nhà máy lọc nước tại Ngã Tư Thủ Đức và tiến về Trường theo hướng Chợ Nhỏ.
Một chiếc T-54 đơn độc chạy thẳng vào Cổng chính, ủi sập các chướng ngại vật, chạy thẳng vào trong nội vi trường, vừa chạy vừa bắn loạn xạ..Trong khi đó, một ổ đại liên của CQ bắn yểm trợ từ cầu Bến Nọc bao phủ khu vực Cổng số 9.
Lực lượng trú phòng dùng đủ mọi loại súng bắn vào chiếc xe tăng CQ nhưng không chận được..Chiếc tăng dùng đại bác bắn xập Trung tâm Hành quân (dễ nhận do nhiều cột ăng-ten). Thiếu tá Làu, thuộc Trường Tổng Quản tri, may mắn, thoát nạn..Bộ Chỉ huy nhẹ của Trường đang đóng tại Tư dinh CHT gần đó bên ngoài nên còn hoạt động được nhưng giới hạn. Liên lạc với các Trường khác kể như gián đoạn..
Chiếc T-54 sau đó từ Vũ Đình Trường quay chạy về hướng Cổng số 9, nhưng gặp sức kháng cự của các SVSQ nên lại quay đầu và vẫn bắn loạn..tiếp tục gây một số thương vong trong đó có Th/tá Vương bá Thuận gẫy chân, Tr/tá Ông nguyễn Tuyền (thuộc Văn phòng Phụ tá Kiểm huấn Trường BB) bị tử thương.. Đủ loại súng nhỏ tập trung vào chiếc tăng..và hầu như vô hiệu. Sau cùng Đ/úy Ngữ ĐĐ trưởng ĐĐ 663 (?) ĐPQ đã dùng M-72 để bắn đứt xích chiếc tăng này nơi gần Miếu Tiên sư. Tuy nằm tại chỗ nhưng súng trên pháo tháp vẫn quay bắn lung tung. Liền đó một SVSQ thuộc Tiểu đoàn 1 SVSQ, TĐ của SVSQ Không Quân gởi sang học Quân sự, đang ở phòng tuyến gần đó đã bò ra, leo lên pháo tháp và thả một quả lựu đạn vào bên trong..Chiếc T-54 bị tiêu diệt hẳn..(Sau này phối kiểm lại được biết đây là một SVSQ thuộc ĐĐ 2 SVKQ). Lục soát trong xe, lực lượng trú phòng thu được 3 võ khí cá nhân..
alt
Một chiếc T-54 bị bắn hạ vào những giờ phút sau cùng của cuộc chiến
(Trận đánh diệt chiếc T-54 này được một SVSQ thuộc Tiểu đoàn Không quân ghi lại trong bài ‘Cổng số 9 Trường BB Ngày 30 tháng 4 năm 1975′ trên Diễn đàn Phi Dũng như sau:
‘ Đọc bài ‘Trận đánh không có Đại bàng’ cùng ký tên của ba người là Lê Nguyễn, Trần văn Trung và Hải Triều, đọc xong tôi nhận thấy cần phải bổ túc thêm cho chinh xác, vì khóa 73F của chúng ta và một số it SVSQ/KQ khóa khác là quân chủ lực của Trường Thủ Đức trong ngày 30 tháng 4, 1975..
Tiểu đoàn Không Quân của Trường BB Long Thành gồm những SVSQ từ khắp nơi quy tụ về: từ những người đang học bay bên Mỹ, những người đã đậu Anh ngữ đang chờ đi Mỹ, những người ở Nha Trang..đều chung số phận do cắt giảm ngân sách quân viện. TĐ KQ được thành lập tại Long thành vào đầu năm 1974.
Giai đoạn thụ huấn của SVSQ Trừ bị Thủ Đức là 9 tháng, nên trong vài ngày cuối của cuộc chiến, các khóa khác đã ra Trường, còn lại KQ là khóa sinh kỳ cựu..tính từ ngày nhập ngũ, các khóa sinh KQ..ai cũng gần hoặc hơn 3 tuổi linh..
Di tản từ Long Thành về Thủ Đức ngày 28 tháng 4, SVSQ Không Quân được giao nhiệm vụ làm kháng tuyến chính án ngữ 4 mặt của Quân trường, được trang bị hỏa lực tối đa ngoài cấp số..Tất cả các đơn vị khác, vì là khách nên được nằm bên trong, gọi là kháng tuyến phụ..
alt
..Dưới quyền Đ/ú Thu, ĐĐT và Tr/ú Triều Tr/Đội trưởng, ĐĐ4 , mang khăn quàng màu vàng đóng quân ngay Cổng số 9 của Quân trường Thủ Đức..Tại cổng số 9, phía trước có những thùng phuy làm rào cản, dọc theo tuyến có hàng rào kẽm gai và ngoài lớp rào là một hệ thông giao thông hào rộng và sâu để cản chiến xa.. Hướng phải của Cổng số 9, khoảng 150 m có một lô cốt xây bằng xi măng lớn có nhiều lỗ châu mai..Tuần sự ĐĐ khăn vàng nằm tại đây, có máy truyền tin và súng ống, đạn dược dự trữ đủ loại.
ĐĐ 4 canh gác nghiêm ngặt và hầu như không ngủ được trong suốt đêm 29..
Sáng 30..bỗng nhiên nhiều tiếng la hốt hoảng ‘xe tăng, xe tăng’, không thấy gì nhưng súng đạn nổ dòn tan dọc theo tuyến của Cổng số 9, một chiếc T-54 nòng súng phun ra lửa khói, tiếng đạn rít ngang đầu..Lửa đủ màu bay quanh chiếc tank mà nó cứ tiếp tục lăn bánh gần sát giao thông hào, những ngọn lửa của M-72 che khuất chiếc xe cùng theo những tiếng ‘cháy rồi, cháy rồi’ inh òi, lửa tắt, bánh xe vẫn còn lăn, nhiều ngọn lửa khác tiếp tục, nòng đại bác của tank vẫn tiếp tục bắn..
Chiếc tank bị cản bởi giao thông hào nên sau đó thụt lùi và chạy về hường cổng số 1, để bị hạ tại đây..
Khoảng 10 giờ 20 lệnh đầu hàng và bàn giao do TT Dương văn Minh tuyên bố đã chấm dứt cuộc kháng cự tại Huấn Khu Thủ Đức. Đ/tá Minh đã buộc bàn giao Huấn Khu Thủ Đức cho Đại diện Quân BV và sau đó bị tạm giữ trên lầu Tư dinh CHT.Các SVSQ và Quân nhân cơ hữu của Huấn Khu thay đồ dân sự và tự động tan hàng..
Trong bài ‘ Trường Mẹ, Bạn, Anh em, Và..’ theo Tác giả Băng Đình, Đại Tá Minh xin gửi những lời sau:
‘Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các quân nhân và Sinh viên sĩ quan của Trường Bộ binh cũng như các Quân trường, tái phối trí đã cùng tôi chiến đấu đến phút chót tại ngọn đòi Tăng Nhơn Phú vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 để bảo vệ Tổ Quốc cũng như thanh danh của Quân Trường.
Tôi cũng xin kính cẩn tưởng niệm hương hồn các quân nhân của Trường BB đã hy sinh vào giờ phút sau cùng của cuộc chiến tranh chồng chất oan khiên suốt mấy chục năm trời.
Đối với tất cả Quý vị từng là SVSQ Trừ bị Thủ Đức, tôi xin kính báo: Quý vị có thể tự hào về những khóa đàn em của Quý vị, vào ngày 30 tháng 4, 1975, không những đã hiên ngang dùng súng cá nhân nã vào xe tăng hung hãn của địch mà còn can trường nhẩy lên chiến xa liệng lựu đạn diệt thù nữa..’
Trần Lý (Tháng 5-2013)

No comments:

Post a Comment