Friday, March 29, 2019

Trận Mộc Hóa
Thời gian cuối năm 1969, Phòng 2 Quân Đoàn IV báo tin có một Sư Đoàn CSBV đang lảng vãng bên phần đất Miên đối diện với Trại Thạnh Trị, có thể chuẩn bị xâm nhập. Trung Tá Tất ra lệnh cho Thiếu Tá Vũ Dương Kiểm, Chỉ Huy Trưởng B18 Lực Lượng Đặc Biệt tại Mộc Hóa phải tích cực theo dõi, tổ chức phục kích ngày đêm. Đường xâm nhập của Cộng Sản qua vùng này để đưa quân và vũ khí xuống Tiền Giang và không giống như đường xâm nhập xuống mật khu U Minh. Con đường này dân cư nhiều, địa thế tuy khô ráo nhưng phải di chuyển rất xa và không có những trạm dừng quân an toàn. Họ chỉ lợi dụng những con kinh rậm rạp để ẩn náu, khi họ đã lọt qua được biên giới và di chuyển thì bên ta cũng mất nhiều thời gian để phát hiện được họ đang ở khúc sông, rạch vùng nào đó ...
Tết Âm Lịch 1970, Chuẩn Tướng Tất kể, ông đã mang gia đình từ Sài Gòn xuống Cần Thơ rồi từ Cần Thơ xuống Chi Lăng, Thất Sơn, cùng ăn Tết. Nhưng chưa đến giờ giao thừa thì Thiếu Tá Kiểm từ Mộc Hóa gọi qua báo cáo đơn vị của ông ta đang đụng địch. Kể từ sau vụ Việt Cộng lợi dụng hưu chiến tấn công khắp Miền Nam ngay trong 3 ngày Tết Mậu Thân , Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mỗi khi Tết đến chỉ ra lệnh cho Quân đội hưu chiến 1 ngày Mùng 1 mà thôi. Nghe ông Kiểm báo cáo, ông Tất biết ngay lực lượng CSBV lại lợi dụng hưu chiến để xâm nhập. Vì Phòng 2 Quân Đoàn từng cho biết lực lượng này là cấp Sư Đoàn 88 CSBV, thật ra, đó là cấp Trung Đoàn, Trung Đoàn 88 thuộc Sư Đoàn 1 CSBV. Đây là một Đại đơn vị khác của Cộng sản muốn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long, nối tiếp Sư Đoàn 320 CSBV ở Vùng 2 Chiến Thuật, Sư Đoàn 7 CSBV ở Vùng 3. Nay đến lượt Vùng 4. Thiếu Tá Kiểm cho biết những tổ phục kích của ông đã tiêu diệt được một số quân Bắc Cộng, nhưng đơn vị của họ khá đông, ông xin rút quân. Ông Tất giữa đêm giao thừa lên trực thăng bay ngay sang Mộc Hóa, gia đình thì phải về lại Cần Thơ ngày hôm sau, thế là mất một dịp ăn Tết sum họp với vợ con.
Vào đúng ngày hưu chiến, Trung Tá Tất ra lệnh cho Thiếu Tá Kiểm vẫn cứ đánh, phải bám trận địa, vì địch vi phạm lệnh hưu chiến trước, họ chuyển quân xâm nhập ngay trong ngày Mùng Một.
Trung Tá Tất gọi Cố Vấn Mỹ yêu cầu xin trực thăng đổ quân, Cố Vấn Mỹ của ông gọi, nhưng phía Cố Vấn Quân Đoàn từ chối: phía Mỹ chỉ có thể tham chiến sau 12 giờ đêm Mùng Một, lúc lệnh hưu chiến không còn hiệu lực nữa. Biết không thể thuyết phục được để đổ quân tham chiến, nhưng Ông Tất vẫn quyết định không bỏ qua để cho đơn vị Cộng sản rời Mộc Hóa một cách an toàn.
Ông lại bàn với Cố Vấn của mình, yêu cầu cho đổ quân tăng cường xa về phía Nam Mộc Hóa chận không cho đơn vị địch vượt qua. Cố Vấn của Ông Tất nghe hợp lý (không vi phạm lệnh hưu chiến), gọi lại cho Tướng George Eckhardt, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn IV, ông này chấp thuận. Tuy vậy cũng phải sau 12 giờ đêm phía Mỹ mới cung cấp trực thăng đổ quân. Quan niệm của Ông Tất lúc bấy giờ là phải cơ động hóa quân các Trại (ngang với cấp Tiểu Đoàn) để họ làm quen với chiến trường lớn hơn, huấn luyện cho họ có khả năng đánh cấp Tiểu Đoàn rồi dần dà đánh cấp Liên Đoàn.
Thiếu Tá Kiểm dùng quân Trại Bình Thạnh Thôn. Trưởng Trại là Thiếu Tá Tạ Thành Lộc, Ông Tất vốn rất thích lối đánh giặc của Thiếu Tá Lộc, từ lâu đã đặt biệt danh ông này là Paul Húc. Lúc này lực lượng xâm nhập của địch, mà phía mình vẫn đinh ninh là cấp Sư Đoàn, đã vượt qua khỏi khu vực Mộc Hóa, nương theo con rạch phía Tây thị xã. Sông không rộng, hai bên bờ cây cối rậm rạp nhưng không cao, bên ngoài là đồng ruộng, quân Bắc Cộng cứ men theo rặng cây dọc bờ sông để đi.
Đúng 12 giờ 1 phút (không biết đồng hồ Trung Tá Tất có chỉnh đúng theo giờ quốc tế không ?), một Đại đội được trực thăng bắt đầu đổ quân. Ông Tất quyết định đổ quân xa về phía Nam chận địch, chờ sáng thì bắt đầu tấn công. Cuộc đổ quân ban đêm, Ông Tất kể, cảnh tượng thật là đẹp vô cùng, và cũng là lần đầu tiên Trung Tá Tất được chứng kiến về sự phối hợp hành quân trực thăng vận đêm vô cùng chặt chẽ.
Trực thăng chia thành nhiều tầng trên không trung. Hai chiếc trực thăng trên tầng cao nhất liên tục thả hỏa châu soi sáng bãi đáp và mục tiêu. Hai chiếc khác ở tầng thấp hơn thì xử dụng đèn pha dưới bụng chiếu sáng. Các trực thăng võ trang ở tầng thứ ba quần thảo, xạ kích, chuẩn bị bãi đáp. Tầng cuối là đoàn trực thăng đổ quân xuống. Phải mất 3 “lift” mới đổ xong quân Trại Bình Thạnh Thôn. Bãi đáp rất trống trải nhưng không phải là đất khô ráo.
Biệt Kích Quân Bình Thạnh Thôn đã phải chịu ướt đẫm suốt đêm dàn đội hình chận địch. Chuẩn Tướng Tất giải thích, bây giờ vẫn đinh ninh địch là cấp Sư Đoàn nhưng tôi vẫn quyết định đánh là vì:
1/ Tin vào phản ứng nhanh chóng của phía Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ.
2/ Tin rằng lực lượng xâm nhập không có ý định chiến đấu.
Và tôi cũng nghĩ đến cơ cấu chỉ huy của họ. Thủ Trưởng và Chính Ủy của họ thì Thủ Trưởng chỉ huy tác chiến, nhưng quyền quyết định lại nằm trong tay Chính Ủy. Nói chung ở chiến trường miền Nam, CSBV đa số trường hợp là ở trong thế chọn chiến trường, họ nghiên cứu địa hình trước, chuẩn bị trận địa, phối trí quân cho học tập cách chiến đấu trước, rồi mới chọc cho quân Việt Nam Cộng Hòa vào. Trường hợp muốn tấn công một cơ sở của chúng ta, họ dành thời gian điều nghiên kỹ lưỡng trước, rồi lập sa bàn, học tập chiến đấu. Chính Ủy chấp thuận và phân chia nhiệm vụ thì các Thủ Trưởng cứ vậy mà thi hành, không quyết dịnh thay đổi được, không xử lý ngay được khi tình huống đổi khác. Đang chuyển quân thì họ không thể triển khai đội hình khác với lệnh đã ban ra. Hơn nữa di chuyển dọc kênh rạch thì chẳng thể nào có đội hình mà triển khai.
Chỉ có điều trong trận này, vì cứ tưởng địch là cấp Sư Đoàn quá đông so với lực lượng cơ hữu của B18 Lực Lượng Đặc Biệt, nên Ông Tất đành chịu không cho tổ chức dàn quân ở mặt Bắc nhằm ngăn không cho địch rút ngược về đất Miên. Khác với Trận Rừng Tràm Trà Tiên. Trời vừa sáng Trung Tá Tất ra lệnh tấn công, cắt khúc sông thành những đoạn nhỏ đánh vào đối phương. Quả nhiên họ không sẵn sàng chiến đấu, bị chia cắt nên các Thủ Trưởng không thể phối hợp chiến đấu, nên đã nhanh chóng tan rã trước lối tấn công lăn xả của Biệt Kích Quân và toán trực thăng thì xạ kích không ngừng.
Theo dõi cuộc chiến quá ngoạn mục, lực lượng Địa Phương Quân tỉnh Kiến Tường cũng hăng máu lên, gọi máy xin nhập trận tiếp chiến, chính họ cũng đã tịch thu được vài chục vũ khí địch, kể cả trung liên. Một bộ phận của CSBV chạy ngược được về đất Miên, một bộ phận nhỏ khác chạy về vùng Kinh Quận 2 , rồi cũng bị Biệt Kích Quân Trại Kinh Quận 2 dưới quyền Đại Úy Nguyễn Ngọc Giang và Địa Phương Quân tại đây chận đánh tan tác. Lại thêm một chiến thắng lớn.
Một buổi trưa thứ Bảy cuối tháng Tám 2013, tác giả tìm gặp Thiếu Tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc tại Thành Phố Garden Grove, California. Lâu ngày lắm hai anh em chúng tôi mới có dịp cùng nhau ôn lại chuyện cũ, khoảng thời gian còn trai trẻ. Bây giờ Thiếu Tá Lộc đã vào tuổi già, nhưng vẫn còn phong độ của “Paul Húc”, một tay chơi Nam Bộ nhưng cũng là một tay đánh giặc khét tiếng, một Tiểu Đoàn Trưởng tự tay bò ném lựu đạn vào địch quân. Thiếu Tá Lộc :
Đang cùng anh em ăn Tết trong Trại Bình Thạnh Thôn, nghe ông Tất bay xuống Mộc Hóa là tôi biết coi bộ cái vụ ăn Tết hết còn ngon trớn rồi. Thiệt vậy, đâu có lâu lắc gì thì Thiếu Tá Kiểm Chỉ Huy Trưởng B18 gọi máy kêu tôi phải chuẩn bị sẵn sàng, còn dặn là sắp đánh một trận lớn. Các Sếp chúc Tết kiểu này, tôi nghĩ nguyên cả năm Trại Bình Thạnh Thôn sẽ được “lội” mệt xỉu luôn.
Tác giả:
Ông Tất kể đêm Mùng Một Tết anh và quân nằm chơi dưới nước chờ sáng hả anh Lộc ?
Thiếu Tá Lộc(cười) :
Còn gì nữa, Việt Cộng nó hại mình, nó lợi dụng hưu chiến nên mình bị thảy xuống phía Nam nằm chận, Ông Tất sợ tụi nó chạy mất. Tới sáng sớm thì trực thăng bốc tụi tôi một lần nữa từ phía Nam đổ thẳng xuống khu Bằng Lăng – Phụng Thớt. Kiểu đổ quân của Ông Tất thì Đỗ Sơn rành quá rồi, quân của tôi vừa nhảy xuống trực thăng thì chỉ cách Việt Cộng chừng 30 thước (đưa tay chỉ ...tấm vách tường trước mặt). Vậy mà trực thăng không bị bắn rớt mới tài, nói nào ngay đám trực thăng võ trang bắn che cho quân mình cũng nổ dữ dằn lắm. Con rạch thì cái ngang cái dọc, tụi nó hết đường chạy. Nghe báo cáo có mấy binh sĩ vừa xuống là bị đạn trúng thương liền, vì tiếng trực thăng ồn quá đâu có nghe nổ từ đâu. Cố Vấn của tôi gọi lên trực thăng cự nự tụi Phi công “Tây”, sao tụi bây bắn xuống trúng lính tao ? Tụi “Tây” cự lại rùm beng, VC bắn quân mày chứ tụi tao đâu có ... “crazy”. Như thường lệ, tôi vác lựu đạn chạy dẫn đầu, quân Bình Thạnh Thôn ào ào theo sau, la hét rân trời, bắn tới tấp vào đám địch quân đang núp trong lùm bụi cạnh bờ rạch.
Tác giả:
Tại sao anh phải cầm lựu đạn dẫn đầu ? Thiếu Tá Lộc(cười rất đã) :Ừa, cái này là lính Bình Thạnh Thôn quen thấy vậy rồi, tôi mà quên thì mấy thằng em ... mất hứng liền.Vậy đó. Như vụ Núi Cọp sau này bên Rạch Giá, tôi cầm lựu đạn dẫn đầu nhào xuống khỏi trực thăng thì Việt Cộng nó chần dần trước mặt rồi, tôi vừa tung trái lựu đạn đầu tiên thì nó ria liền vào ruột tôi một loạt AK nhưng ...hổng hề hấn gì, lòi chút ruột thôi, lính tôi lôi ra phía sau tản thương nhưng lúc đó tụi nó bắn rát quá đâu xuống được. May phước lúc đưa về bịnh viện mấy cha bác sĩ nói trễ chừng nửa tiếng thì tôi theo ông bà rồi. (Lại cười hề hề). Mấy thằng em tôi đâu có vừa gì, bắn thì bắn còn tung lựu đạn thì cứ tung . Kết thúc thật đẹp, chưa tới một tiếng đồng hồ.
Tác giả:
Vậy kết quả trận Mộc Hóa thì sao ? Thiếu Tá Lộc: Phải nói đây là một trận để đời của Trại Bình Thạnh Thôn. Đánh cấp Tiểu Đoàn nha, đụng nguyên một Trung Đoàn, chừng 4 tiếng sau thì phía Việt Cộng im tiếng súng, để lại chừng 50 xác chết, nhưng vũ khí mình thu được hơn 100 đủ loại, chắc một mớ xác chìm xuống rạch cũng hổng chừng. Quên nữa, gần cuối trận thì Địa Phương Quân xin ông Tất nhập trận, ổng OK, vậy mà họ cũng tịch thu được mười mấy khẩu chớ đâu có ít.
Tác giả:
Theo anh thì trận Mộc Hóa này có ảnh hưởng gì đến các Trại Biên Phòng của mình ?
Thiếu Tá Lộc:
Có chớ sao không? Quân Bình Thạnh Thôn tự tin hơn, mấy Trại khác cũng vậy. Xưa nay tụi tôi chuyên làm ăn lẻ, phục kích đêm gặp tụi nó vừa sức thì nổ kiếm chút cháo, nó đông hơn thì mình lặng lẽ bò về Trại gọi báo cáo liền cho mấy lực lượng lớn hơn chận đánh tụi nó. Tôi thì chỉ tiếc lúc đó là hưu chiến ông Tất phải làm gấp, chớ nếu ổng có thì giờ kiếm thêm được một mớ quân chận ở phía Bắc đường rút về biên giới thì còn lâu tụi Sư Đoàn 1 mới đủ sức kéo trở lại đánh Mộc Hóa sau này. Trung Đoàn 88 CSBV đã tưởng rằng có được một đêm và một ngày trong thời gian hưu chiến là đã đủ để di chuyển an toàn đại quân của họ xuống Tiền Giang, không ngờ nguyên tắc phòng thủ đã thay đổi theo lệnh Trung Tá Tất khiến cho đại đơn vị lâm nạn lớn. Nguyên một Trung Đoàn 88 tan nát chỉ bởi 1 Trại Biệt Kích Quân và những đơn vị Địa Phương Quân. Sư Đoàn 1 CSBV nổi khùng lên, sau một thời gian ngắn gom tàn quân, chỉnh đốn lại đơn vị, đã tung toàn lực lượng xuống đánh Mộc Hóa. Khổ cho họ, lần này là Sư Đoàn 7 Việt Nam Cộng Hòa, đích thân Tướng Nguyễn Khoa Nam đưa 2 Trung Đoàn vào Mộc Hóa “trân trọng tiếp kiến” họ. Trung Tá Tất cũng từ Chi Lăng bay đến Mộc Hóa, nhưng Quân Đoàn IV đã phản ứng quá lẹ, Sư Đoàn 1 CSBV vừa vượt qua biên giới thì lúc trời nhá nhem tối Tướng Nam và Sư Đoàn 7 của ông đã có mặt tại sân bay Mộc Hóa, khai triển chiến đấu ngay lập tức. Kết quả trận này y như trận trước: Cộng quân lại phải chạy ngược về đất Miên. Cuộc chiến Việt Nam đang rẽ vào một khúc ngoặc quan trọng : Việt Nam hóa chiến tranh. năm 1970 Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch vượt biên truy diệt các Đại đơn vị CSBV, những khu an toàn, kho lương thực tiếp vận của họ trên đất Chùa Tháp. Tướng Đỗ Cao Trí Tư Lệnh Quân Đoàn III và Tướng Nguyễn Viết Thanh Tư Lệnh Quân Đoàn IV đang chuẩn bị đơn vị, tiếp liệu, v.v... Nhiệm vụ của Tướng Trí là san bằng mật khu Mỏ Vẹt, tiến thẳng lên DamBe, Snoul, Chup. Tướng Thanh dẫn 4 Chiến Đoàn Bộ Binh phối hợp Thiết Giáp từ phía Nam đánh lên. nhưng nhân dịp vừa đập cho Sư Đoàn 1 CSBV một trận đích đáng khiến họ phải quay đầu chạy ngược qua bên kia biên giới, Tư Lệnh Quân Đoàn IV Nguyễn Viết Thanh không còn kịp chờ lệnh Bộ Tổng Tham Mưu nữa, cũng không chờ Quân Đoàn III vượt biên đồng bộ, ông xua quân đánh luôn qua Kampuchia. Cái khổ của quân Việt Nam Cộng Hòa khi tiến sang đất Miên đánh địch, không được vào sâu hơn 30 cây số. Không Lực Hoa Kỳ cũng bị hạn chế, chỉ có thể yểm trợ cho quân Việt Nam Cộng Hòa trong phạm vi này mà thôi. Vì vậy các đơn vị Bắc Cộng chỉ cần chạy thoát về hướng Bắc, vượt qua khỏi giới hạn đó, thì kể như họ thoát nạn.
Trung Tá Tất gọi “giới hạn 30 cây số” là chủ trương “No Win War”, là trận giặc phía ta không được cho phép thắng ! Hai Quân Đoàn III và IV tiến quân sang Kampuchia là một trận thắng lớn, nhưng đã khiến cho Việt Nam Cộng Hòa mất hai vị Tướng tài. Đầu tháng Năm 1970, ngay trong ngày đầu tiên, chiếc C&C của Tướng Nguyễn Viết Thanh đã bị một trực thăng Cobra đụng phải, ông tử nạn. Mười tháng sau, tháng Hai 1971, vẫn đang chỉ huy cuộc hành quân ngoại biên, Tướng Đỗ Cao Trí cũng tử nạn trực thăng tại tây Ninh. Sau khi Tướng Thanh tử nạn, Tướng Trần Bá Di vẫn bình tĩnh điều động Sư Đoàn 9 BB làm mũi đột phá chính của Quân Đoàn IV, mang lại chiến thắng cho Quân Đoàn. Trung Tá Tất, với 3 chiến thắng lớn liên tiếp, chứng tỏ được khả năng tự chọn chiến trường, khả năng điều quân nhanh chóng, đạt kết quả lớn, dù chỉ là Biệt Kích Quân giới hạn cả về quân số lẫn kinh nghiệm tác chiến. Tướng Nguyễn Viết Thanh chứng kiến và hiểu rõ hơn ai hết. Cái chết của Tướng Thanh không những Quốc gia và Quân đội mất đi một trong những cấp chỉ huy tài giỏi, mà ông Tất còn mất cơ hội riêng của cá nhân mình.
Kể từ lúc về nắm C4 Lực Lượng Đặc Biệt ở Vùng 4 Chiến Thuật, Trung Tá Phạm Duy Tất đã làm xáo trộn, lật tung những con đường quân Bắc Cộng xâm nhập từ đất Miên sang lãnh thổ trách nhiệm thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Hai Trung Đoàn CSBV đã “lãnh búa’ quá nặng ở Rừng Tràm Trà Tiên phía Tây, và Mộc Hóa ở phía Đông. Phía Cộng Sản giờ đây tiến hóa lưỡng nan trong việc chọn đường xâm nhập, đã phải liều lĩnh chọn phía Tây, vì dù sao địa thế ở đó cũng không trống trải như con đường xuyên qua hai tỉnh kiến Phong – Kiến Tường để về Tiền Giang.
Đó là lý do vào đầu năm 1972, lúc này tác giả đã về làm Tùy Viên cho Đại Tá Phạm Duy Tất được một thời gian, khi đi bay vẫn thường phát hiện các toán quân chính quy Bắc Cộng di chuyển dọc bờ kinh Vĩnh Tế phía đất Miên, từ hướng Đông sang Tây. Nhưng trước khi đề cập đến trận KamPong Trach 1972, xin nói sơ lược qua về những thay đổi ở Quân Khu 4. Tướng Nguyễn Viết Thanh tử trận, người về thay ông trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV là Tướng Ngô Dzu.
Ông Tất kể chuyện “ngày xửa ngày xưa”, ông đã quen với ông Ngô Dzu từ khi ông Tướng còn mang lon Trung Úy ngoài Huế, lúc đó ông Tất là một cậu học sinh Trung học. Tướng Ngô Dzu về tiếp nối Tướng Nguyễn Viết Thanh đánh sang Kampuchia. Tướng Phạm Văn Phú thì rời khỏi Biệt Khu 44 đi làm Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt thay Tướng Lam Sơn.
Tướng Lam Sơn đã trở về Lực Lượng Đặc Biệt thay thế Tướng Đoàn Văn Quảng, nhưng chỉ giữ được chức vụ không đầy sáu tháng.Nội bộ Lực Lượng Đặc Biệt, anh em đang chờ xem Tướng Phú báo đáp “nợ giang hồ” với Tướng Quảng như thế nào, món nợ bị ông Thiệu lột lon Đại Tá xuống Trung Tá. Rồi anh em cũng rất ngạc nhiên thấy ông Phú ân cần đi thăm ông Quảng, cung cách đối đãi rất thân mật, như không từng có chuyện gì xảy ra. Tướng Quảng tuy không còn là Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt nhưng vì chưa có nhiệm sở mới nên vẫn tiếp tục ở lại Nha Trang.
Tác giả hỏi ông Tất, ông xác nhận là đúng như vậy, và nói ông đã học được tính khiêm nhường , nhân ái của ông Phú qua vụ này. Không lâu sau thì Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, Tướng Phú đã tìm gặp Đại Tá Tất, hỏi ông Tất có muốn về làm Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt hay không ? Đại Tá Tất từ chối, vì thấy cái vô lý, thiếu sáng suốt trong quyết định sẽ giải tán Lực Lượng Đặc Biệt và ông Tất cũng nghĩ rằng ông không thể thuyết phục được Đại Tướng duy trì và cải tổ binh chủng này.
Theo Đại Tá Tất, các cấp lãnh đạo quân sự thời bấy giờ hiểu biết rất hạn chế về chiến tranh ngoại lệ, chiến tranh không quy ước, cũng như về tính cách đa dạng, linh hoạt của Lực Lượng Đặc Biệt. Thật ra, hoạt động của Lực Lượng Đặc Biệt không chỉ đơn thuần là hành quân nhảy toán. Vì chỉ quan niệm như vậy, nên sau khi giải tán Lực Lượng Đặc Biệt là Bộ Tổng Tham Mưu gom một số quân nhân thuộc binh chủng này về Nha Kỹ Thuật và lập ra những đơn vị chỉ để nhảy toán.
Cũng còn may mắn là Bộ Tổng Tham Mưu đã giữ lại đơn vị Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta cải biến thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù/ Lực Lượng Đặc Biệt. Đại Tá Phan Văn Huấn được duy trì ở chức vụ Liên Đoàn Trưởng, ông đã phải tranh đấu rất cật lực mới có thể giữ lại chiếc mũ xanh Lực Lượng Đặc Biệt cho đơn vị của ông. Thử hỏi, quân nhân của Nha Kỹ Thuật thuộc binh chủng nào với chiếc mũ đỏ của Nhảy Dù ? Hay họ vẫn tiếp tục nhận mình là Lực Lượng Đặc Biệt đúng như thực chất của họ, bởi họ sẽ tiếp tục hành quân, hoạt động như Lực Lượng Đặc Biệt trước đây ?
Chuyện cần nhắc lại là vào khoảng 1966 –1967, khi còn chỉ huy Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta, Thiếu Tá Phạm Duy Tất đã cùng Ban Tham Mưu làm bản đề nghị xin biến cải đơn vị thành một Liên Đoàn. Bản đề nghị kèm đầy đủ phúc trình về mục đích thành lập, sơ đồ tổ chức, quân số, cờ, phù hiệu, v.v... Tư Lệnh Đoàn Văn Quảng im lặng không trả lời, chắc chắn cũng không lập bản đề nghị gửi về Bộ Tổng Tham Mưu.Vậy nhưng đến năm 1970 khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta cải biến thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù/ Lực Lượng Đặc Biệt thì toàn bộ kế hoạch đề nghị trước kia đã được đem ra xử dụng. Kể cả phù hiệu ông Tất đã từng giao cho Trung Úy Vũ Xuân Thông ( sau lên đến cấp Trung Tá) vẽ cũng được đem ra xử dụng cho đến tháng Tư 1975.
Tướng Tất có vẻ cay đắng khi thuật lại chuyện này. Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, các trại Lực Lượng Đặc Biệt/Dân Sự Chiến Đấu dọc biên giới được cải tuyển thành những Tiểu Đoàn Biên Phòng. C4 trở thành Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu 4, B18 là Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 41 Biệt Động Quân Biên Phòng, B 20 là Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 42. Trung Tá Phạm Duy Tất là Chỉ Huy Trưởng, chỉ huy 2 Biên Phòng nói trên, và Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân Tiếp Ứng. B19 Biệt Kích Quân Tiếp Ứng thì bị giải tán.
Theo lệnh Tướng Ngô Dzu, Liên Đoàn 41 Biệt Động Quân Biên Phòng được tăng phái cho Thiết Đoàn 16 Kỵ Binh của Trung Tá Hà Mai Việt. Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng từ biên giới đánh lên hướng tỉnh Tà Keo, cắt quốc lộ 4 nối liền Cảng Kompong Som và Thủ đô Phnom Penh. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân Tiếp Ứng tiến thẳng từ hướng Trại Thạnh Trị lên hướng Bắc. Quân Bắc Cộng, trước giờ vẫn yên ổn trên đất Miên, thích đóng quân ở các địa điểm khô ráo, thường cũng trống trải, vừa nghe quân Việt Nam Cộng Hòa từ Vùng IV tiến qua là vọt thẳng lên phía Bắc. Chạy cho thiệt nhanh để lọt ra được khỏi vùng 30 cây số tính từ biên giới,là giới hạn của quân Việt Nam Cộng Hòa như đã nói. Vì vậy đụng trận liên miên nhưng chỉ lẻ tẻ, vì các đại đơn vị Bắc Cộng đã rút chạy “siêu tốc”.
Tướng Tất kể, quân của tôi theo sông tiến lên hướng Bắc, đã phát hiện ra những thuyền đầy ắp võ khí đang neo tại chỗ. Vì vậy tuy không có đánh lớn, nhưng số vũ khí tịch thu được thì quá lớn. Hết chiến dịch, Tướng Ngô Dzu làm hồ sơ đề nghị Trung Tá thăng cấp Đại Tá. Ông Tất cho biết, lúc bấy giờ điều kiện về huy chương ông dư nhiều lắm, cả về điều kiện chỉ huy đơn vị cũng thừa, nhưng cấp bậc Trung Tá thực thụ của ông còn thiếu 3 tháng mới đủ. Bộ Tổng Tham Mưu quyết định cứ thăng cấp cho ông, dựa vào những chiến công lớn.
Ông Tất nói, lúc Tướng Ngô Dzu gắn cấp bậc Đại Tá cho ông, phía Cố Vấn Mỹ giật mình luôn vì nghĩ ông quá trẻ so với cấp bậc mới. Tác giả hỏi, lập chiến công lớn và liên tục như vậy đáng lẽ lúc bấy giờ Chuẩn Tướng phải được lên lon nhanh mới phải chứ ? Tướng Tất cười, giải thích: Quân đội mình chủ trương xử dụng lớp Sĩ quan trẻ năng động, nhiều sáng kiến, thích ứng kịp theo sự thay đổi của chiến trường, nhưng cũng phải tuân theo những nguyên tắc, điều kiện; đặc biệt là thăng cấp đặc cách tại mặt trận.
Từ Đại Úy trở lên, mỗi cấp đều có 2 trật: nhiệm chức rồi thực thụ. Tôi lên như vậy trong quân đội là đã khá nhanh rồi và cũng không trẻ, tôi thăng cấp Đại Tá lúc đã 37 tuổi. Nếu mỗi chiến công đều lên một cấp thì tôi lên Tướng lâu rồi (cười). Cố Vấn Mỹ của tôi lúc ấy là Trung Tá Bayshore xuất thân West Point, chỉ lên tới Trung Tá là về nhà đuổi gà cho vợ, không thể lên Đại Tá. Anh ta còn theo quan niệm của quân đội Mỹ lúc đó nên mới cho là tôi còn trẻ với cấp bậc Đại Tá, vì các Đại Tá Mỹ thường tròm trèm ở tuổi 50. Sau chiến tranh Việt Nam, người rút ra nhiều kinh nghiệm lắm, kể cả việc thăng cấp, anh thấy bây giờ Tướng Tá Mỹ trẻ măng mà.
Tướng Trần Văn Hai về làm Tư Lệnh Biệt Khu 44, Đại Tá Phạm Duy Tất đã hợp tác chặt chẽ với Tướng Hai trong nhiệm vụ phòng thủ biên giới Việt – Miên thuộc lãnh thổ trách nhiệm của Quân Đoàn IV/Quân Khu 4. Ông Tất cho biết, hai người đã biết nhau từ trước, Ông Tất đã gặp ông Hai rất nhiều lần khi ông Hai còn là Trung Tá Tỉnh Trưởng Phú Yên, Tuy Hòa, và ông Tất là Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta. Các Trại Lực Lượng Đặc Biệt đã trở thành những Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng,
Đại Tá Tất càng không ngừng có sáng kiến để có thể nâng cao kinh nghiệm tác chiến của họ, đồng thời huấn luyện cho những Tiểu Đoàn này có thêm khả năng tham dự tác chiến cấp Liên Đoàn.
Ngày tác giả cùng 2 Sĩ quan khác theo Trung Tá Nguyễn Văn Hòa đi thành lập Bộ Chỉ Huy 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân gồm 4 Tiểu Đoàn 66, 85, 93, 94 Biệt Động Quân Biên Phòng, tác giả cứ tưởng Bộ Tổng Tham Mưu và Quân Đoàn IV chính thức ra lệnh thành lập các Liên Đoàn này. Không phải. Đây là sáng kiến và là quyết định của cá nhân Đại Tá Tất. Bây giờ ông giải thích, tôi đi trước Bộ Tổng Tham Mưu và Quân Đoàn một bước, Bộ Chỉ Huy kèm theo hai chữ “Chiến Thuật”, có nghĩa là hành quân, tác chiến, thay đổi nhiệm vụ, không còn như Biệt Kích Quân thời Lực Lượng Đặc Biệt. Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật xem như Chiến Đoàn, tổ chức Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật sẽ linh hoạt thay đổi tùy tình hình chiến sự. Tôi chỉ cần báo cáo cho Quân Đoàn sự hiện diện của hai Chiến Đoàn 41 và 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân Biên Phòng thì họ chấp thuận ngay. Tự nhiên có để xử dụng, tại sao không ? Sau khi các Lực Lượng Đặc Biệt/Dân Sự Chiến Đấu cải tuyển thành các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng, chỉ có Vùng 4 Chiến Thuật lần đầu tiên đã áp dụng mô thức Liên Đoàn Chiến Thuật của Đại Tá Phạm Duy Tất.
Mãi đến năm 1973, Bộ Tổng Tham Mưu mới quyết định chính thức thành lập các Liên Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng. Cuối năm 1971, Trung Tá Trần Kim Đại thay Trung Tá Nguyễn Văn Hòa trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 42 Chiến Thuật, Trung Tá Nguyễn Văn Hòa được thăng Đại Tá về Cần Thơ làm Phó cho Đại Tá Phạm Duy Tất, đã dẫn Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân Biên Phòng hành quân dài dài trên đất Miên. Quan niệm của Đại Tá Tất đã đạt kết quả. Các Trại Biên Phòng vẫn duy trì dọc biên giới, nhưng các Tiểu Đoàn thì đã cơ động hóa, họ đã có khả năng hành quân cấp Tiểu Đoàn và Liên Đoàn. Đây cũng là giai đoạn phía Bắc Cộng chuẩn bị những trận đánh lớn cấp đại đơn vị. Trung Tá Trần Kim Đại là một Sĩ quan cần mẫn, điềm đạm, can đảm, nhất là chịu khó học hỏi, triệt để tuân mệnh lệnh. Ông Tất “chấm” ông Đại nên sau khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, đã mang Thiếu Tá Đại về làm Tham Mưu Trưởng dưới quyền, dẫn dắt kỹ lưỡng, nên không bao lâu sau Trung Tá Trần Kim Đại “lọt vào mắt xanh” của Tướng Ngô Quang Trưởng.
Trận Kampong Trach 1972
Khoảng gần cuối năm 1971, sau khi chiến dịch ngoại biên chấm dứt. Biệt Động Quân Quân Khu 4 được giao nhiệm vụ phòng thủ biên giới như cũ. Nhưng lần này nhận thêm khu vực Sway Riêng vốn thuộc trách nhiệm của Quân Đoàn III. Nhiệm vụ là phòng thủ biên giới, nhưng nhiệm vụ thật sự trên đất Miên là Biệt Động Quân tiếp trợ cho quân đội Chính Phủ Kampuchia đánh quân Khờ Me Đỏ. Những cuộc phối hợp giữa Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng và quân đội Miên ở tỉnh Tà Keo đã khiến Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Trần Kim Đại nổi tiếng khắp nước Kampuchia.
Lúc này Tướng Ngô Quang Trưởng đã về thay Tướng Ngô Dzu làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Chuẩn Tướng Tất kể: Nội vụ bất đầu từ Chiến Dịch Ngoại Biên, các giới chức Miên luôn than phiền về sự phá phách của quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau này họ trực tiếp yêu cầu tôi và Trung Tá Đại hãy cố lấy lại lòng tin của dân chúng Miên trong lúc hai bên hợp tác đánh quân Khờ Me Đỏ là đám Cộng Sản đang bị dân Miên thù ghét. Tôi bàn với ông Đại không để cho binh sĩ Biệt Động Quân đụng đến bất cứ thứ gì của dân chúng, dù là vật nhỏ nhất. Một Chi Đoàn M113 tăng phái cho Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng cũng nhận lệnh không được băng qua các ruộng lúa đang sắp tới mùa gặt. Điều đặc biệt ở đây rất đáng được ghi nhận và ca ngợi là các binh sĩ Biệt Động Quân, Kỵ Binh đã chấp hành lệnh phải nói là 100% luôn.Do vậy mặt trận tâm lý chiến băt đầu có kết quả: Lời ca ngợi của dân chúng tỉnh Tà Keo vang tới giơi truyền thông đị phương. Những bài phóng sự điều tra ở địa phương bắt đầu xuất hiện, ca ngợi Biệt Động Quân và Kỵ Binh dưới quyền Trung Tá Trần Kim Đại. Tiếng vang lên tận thủ đô Phnom – Penh, giới truyền thông ở đó đổ về Tà Keo làm phóng sự, tiếng tăm của Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Trần Kim Đại vang dội khắp nước, các giới chức Miên cũng lên tiếng ca ngợi ông Đại. Mỗi ngày tôi gặp Tướng Trần Văn Hai ở căn cứ Chi Lăng, chúng tôi rất vui vẻ về chuyện này. Tướng Ngô Quang Trưởng cũng vậy, ông theo dõi cá nhân Trung Tá Đại từ đấy, vì vậy khi thuyên chuyển ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I, Tướng Trưởng đã mang theo Trung Tá Đại, giao cho ông Liên Đoàn1 Biệt Động Quân Tiếp Ứng, là đơn vị xung kích của Quân Đoàn. Theo tôi, ông Đại đã thăng cấp thì cái ghế Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Vùng 1 Tướng Trưởng trước sau cũng giao cho ông Đại, nếu không có ngày 30 tháng Tư 1975... Tướng Trưởng chọn Đại Tá Trần Kim Đại không chỉ nhắm tới khả năng của ông ta mà chính là muốn qua Đại Tá Đại thay đổi quan niệm xử dụng Biệt Động Quân Vùng 1 Chiến Thuật.
Đó là việc về sau, bây giờ xin trở lại với thời gian đầu 1972 tại vùng biên giới cận Tây của Quân Khu 4. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa nuôi cả Miền Nam Tự Do, bình định nông thôn là một phần nhiệm tối quan trọng không thua kém phần nhiệm quân sự. Mà muốn được như vậy thì biên giới Việt – Miên phải được khóa cho thật chặt, không để quân Bắc Cộng xâm nhập được. Biên giới khá dài so với lực lượng của Biệt Động Quân, trong khi tin tình báo cho thấy Sư Đoàn 1 CSBV rục rịch chuẩn bị đưa quân xuyên biên giới vào Vùng 4 phá rối trị an, có lẽ họ muốn chuẩn bị kềm chân quân Việt Nam Cộng Hòa ở Vùng 4 trước khi cho nổ ra trận đánh kinh hoàng ở phía Bắc, sau này chúng ta vẫn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa ( tựa phóng sự chiến trường của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam). Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định chia biên giới Việt –Miên ra thành hai phần lãnh thổ trách nhiệm: Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Biệt Khu 44, chỉ huy cả hai lực lượng Biệt Động Quân và Kỵ Binh trấn giữ biên giới. – Từ Châu Đốc chạy dài tới Sway Rieng là trách nhiệm của Biệt Động Quân Quân Khu 4. Đại Tá Phạm Duy Tất đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân tại Chi Lăng, Thất Sơn. Đại Tá Tất giao cho Đại Tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ Huy Phó lập Bộ Chỉ Huy Nhẹ ở Neak Lương, gồm các Tiểu Đoàn thuộc Liên Đoàn 41 Biệt Động Quân Biên Phòng, trông coi các hoạt động yểm trợ cho khu vực Sway Rieng. – Từ Châu Đốc theo hướng Tây về đến Hà Tiên sẽ do Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh chịu trách nhiệm. Đại tá Vũ Quốc Gia, Tư Lệnh Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân ở Tô Châu, Hà Tiên. – Đại Tá Gia chỉ định Thiết Đoàn 12 Kỵ Binh thành lập căn cứ Kampong Trach cách biên giới Việt – Miên 14 cây số, để chận địch từ xa. Căn cứ này được dựng khá sơ sài, lại nằm ngoài tầm pháo yểm trợ từ nội địa, Pháo Binh bên này biên giới bắn không tới Kampong Trach.
Dưới đây là bài viết sau này ở hải ngoại của Tướng Ngô Quang Trưởng về trận Kampong Trach 1972 (Tướng Trưởng viết bằng Anh ngữ, người dịch ra Việt ngữ tác giả không biết tên):
Vào khoảng đầu năm 1972 lực lượng phòng vệ biên giới của Quân Đoàn IV được giao phó cho Biệt Khu 44 với các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng và lực lượng Thiết Giáp tạo thành một hàng rào phòng thủ dọc theo biên giới Cam Bốt từ Mỏ Vẹt đến Vịnh Thái Lan. Ngoài trách nhiệm phòng thủ trong nội địa, Biệt Khu 44 còn điều hành và chỉ huy hai căn cứ hành quân ngoại biên trên lãnh thổ Cam Bốt, gồm Neak Luong, một bến phà trên quốc lộ 1 qua sông Cửu Long và Kampong Trach khoảng 20 cây số về hướng Bắc của Hà Tiên. Cả hai căn cứ đều được BĐQ/QĐ IV bảo vệ. Khi đó Sư Đoàn 9 Bộ Binh đang thực hiện các cuộc hành quân trên vùng U Minh Thượng và tại tỉnh Chương Thiện, trong khi Sư Đoàn 21BB hoạt động tại vùng U Minh Hạ và phần phía Nam mũi Cà Mau. Cùng lúc đó SĐ 7 BB chịu trách nhiệm lãnh thổ tại 2 tỉnh Định Tường và Kiến Hòa, cùng những tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Chiến trường Kampong Trach dược xem như đã ảnh hưởng vào tình hình quân sự trên vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian còn lại trong năm 1972. Chiến trận bùng nổ vào ngày 22 tháng 3, 1972 với trận giao tranh xảy ra giữa các đơn vị của Liên Đoàn 42 và Trung Đoàn 101D Cộng Sản Bắc Việt và đã không giảm bớt cường độ cho đến cuối tháng 4, 1972. Kampong Trach là một thị trấn nhỏ nằm gần giao lộ giữa một vùng rừng cây về hướng bắc thành phố Hà Tiên, khoảng 15 cây số phía bắc biên giới Cambốt. Quân Đoàn IV tiếp tục duy trì căn cứ hành quân tại nơi đây để kiểm soát một trong những trục lộ chuyển vận quan trọng của CSBV từ Cambốt xâm nhập vào vùng Hậu Giang. Điều rõ ràng trận đánh đã không được Cộng quân chọn lựa cho một chiến trường quan trọng vào lúc này. Dù sao thì trận giao tranh đầu tiên đã khai triển thành một chiến trường rộng lớn khi những lực lượng tăng viện được tiếp tục đổ vào từ cả hai bên. Chiến trận đã trở thành mãnh liệt và dữ dội. Về phía QLVNCH, một lực lượng hùng hậu được tung vào chiến trường gồm 4 Thiết Đoàn Kỵ Binh, trong đó có cả Thiết Đoàn cơ hữu của SĐ 7 BB, được điều động xuyên qua QĐ IV từ vùng đông bắc kéo dài hơn trăm cây số; cùng với 6 Tiểu Đoàn BĐQ có nhiều đơn vị pháo binh và công binh yểm trợ. Địch quân lúc đầu chỉ có Trung Đoàn 101D với các thành phần yểm trợ của bộ chỉ huy Công Trường (Sư Đoàn) 1 CSBV. Sau đó địch quân bắt buộc phải nhanh chóng đưa thêm hai Trung Đoàn nữa vào chiến trường :TrĐ 52 và E 44. Mặc dù cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề và sự thật là QLVNCH cuối cùng phải triệt thoái khỏi Kampong Trach, mặt trận này đã cho thấy kết quả sự thất bại to lớn về phía địch quân. Điều hiển nhiên Công Trường 1 là một Sư Đoàn CSBV độc nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào lúc đó, đã bị bắt buộc phải tung ra tất cả tiềm lực chiến đấu trên đất Cambốt, trong khi nhiệm vụ chánh của họ là phải thực hiện một chiến dịch quan trọng bên trong nội địa của QĐ IV để hòa đồng phối hợp với những trận tấn công khác trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Giao tranh tại chiến trường ngoại biên, Cộng quân đã không phá hoại gây rối được trong nội địa, thực hiện mục tiêu chính yếu của họ, mà chỉ gây thiệt hại nhẹ từ phía ngoại vi. Nói khác đi, nhiệm vụ của họ là phá hoại kế hoạch bình định và phát triển của QĐ IV đã không thành công, mà chỉ làm đình trệ đôi chút. Ngay cả thế, cái giá mà họ phải trả quá đắt. Những tổn thất to lớn gây ra cho Cộng quân do hỏa lực của Thiết giáp và những trận oanh kích dữ dội của KQVN và Hoa Kỳ đã hữu hiệu chống trả các cuộc tấn công biển người, và cuối cùng cắt xé Công Trường 1 CSBV thành một đơn vị không còn giá trị chiến đấu cho đến cuối trận chiến của Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến trường Kampong Trach xảy ra trên một vùng khá xa cho những trục tiếp vận bình thường của QLVNCH. Những đường lộ và thủy vận dẫn vào chiến trường đã bị giới hạn. Do đó , QĐ IV đã gặp phải khó khăn trong sự chuyển quân và tiếp liệu để yểm trợ cho những hoạt động, nỗ lực của những đơn vị tham chiến tại đây. Thật ra chỉ là những trận chiến tiêu hao quân sự mà không làm thiệt hại sinh mạng và tài sản của người dân trong lãnh thổ các tỉnh miền Tây. Lúc bấy giờ Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng của Trung Tá Trần Kim Đại được gửi tăng phái cho Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh. Theo những tài liệu anh em Kỵ Binh đã viết lại, Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh phối trí quân như sau : Thiết đoàn 12 được tăng cường Tiểu Đoàn 66 Biệt Động Quân Biên Phòng tùng thiết. Thiết đoàn 16 được tăng cường Tiểu Đoàn 93. Trung Tá Trần Kim Đại, Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân trực tiếp chỉ huy Tiểu Đoàn 94 được tăng phái 1 Chi Đoàn của Thiết Đoàn 12. Nhìn chung, cách phối trí quân của Đại tá Vũ Quốc Gia hợp lý, Lữ Đoàn có 3 cánh quân. Thực tế cho thấy Trung Tá Trần Kim Đại Liên Đoàn trưởng chỉ còn chỉ huy 1 Tiểu Đoàn của mình mà thôi, không còn quyền điều động các Tiểu Đoàn cơ hữu khác, không thể phối hợp tác chiến ở cấp Liên Đoàn.
Trong tác chiến khi đụng trận, ông Đại chỉ là 1 Tiểu Đoàn Trưởng không hơn kém, rõ ràng là ông không thể phát huy hiệu năng cấp Liên Đoàn của mình. Lẽ ra Vũ Quốc Gia nên để Trung Tá Trần Kim Đại ở bên cạnh Lữ Đoàn để đôn đốc Biệt Động Quân, hướng dẫn phối hợp Biệt Động Quân và Thiết Kỵ. Cũng có thể để 1 Tiểu Đoàn làm trừ bị trong khi 2 Tiểu Đoàn kia tăng phái cho 2 Thiết Đoàn chỉ huy trực tiếp. Đây không phải là nhận xét hay phê bình Đại tá Gia, tác giả thấy được Đại tá Gia rất khó xử khi xử dụng quân Biệt Động Quân và Thiết Giáp đều là cấp ngang nhau (Thiết Đoàn Trưởng Kỵ Binh và Liên Đoàn Trưởng Biệt Động Quân) nên mới nẩy ra ý kiến thế thôi. Khi giao Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng cho Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, mục đích của Tướng Trưởng là muốn tạo cho Đại Tá Vũ Quốc Gia cơ hội để tiến tới việc thành lập một đơn vị xung kích Thiết Giáp như Chiến Đoàn 3 Xung Kích của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi ở Vùng 3 Chiến Thuật, gồm Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh được tăng phái thêm Liên Đoàn 33 Biệt Động Quân Biên Phòng của Trung Tá Lê Tất Biên.
Tướng Khôi và Chiến Đoàn 3 Xung Kích đã tạo nên những chiến công vang lừng. Nhưng mong muốn của Tướng Trưởng đã không thành. Ngày 22 tháng Ba 1972, Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng gồm Tiểu Đoàn 94 và Chi Đoàn 2/12 Kỵ Binh “tao ngộ chiến” với một lực lượng quân Bắc Cộng đông hơn gấp nhiều lần, gồm Trung Đoàn 88 – Trung Đoàn 40 Pháo Binh – Đoàn 195 Vận Tải thuộc Sư Đoàn 1 CSBV. Đây là một cánh quân bộ binh mũi nhọn đầu tiên đụng địch, Trung Tá Đại rõ ràng mất hẳn khả năng điều quân phối hợp cấp Liên Đoàn để đối phó hữu hiệu. Tuy vậy, cánh quân nhỏ nhoi của Trung Tá Đại đã hạ tại chỗ Thiếu Tá VC Bảy Mạnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 88 CSBV, và Sáu Chi, Trưởng Đoàn 195 Vận Tải. Quân Bắc Cộng đang chuyển quân và tiếp liệu về phía biên giới Miên – Việt, chuẩn bị tiến đánh Hà Tiên.
Mổi lần nhắc tới các Liên Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng thì Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất luôn luôn nhắc tới sự khác biệt giữa Liên Đoàn Biên Phòng và Liên Đoàn Tiếp Ứng. Biên Phòng kém xa Tiếp Ứng về quân số, kinh nghiệm chiến trường cũng kém hơn.Các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng làm nhiệm vụ tùng thiết, phối hợp chiến đấu với Kỵ Binh vẫn chỉ là bước đầu. Nếu đụng trận lớn và bị thiệt hại nặng thì rất nhiều trường hợp phía các Tiểu Đoàn Biên Phòng không còn đủ khả năng tham chiến nữa. Thiết Đoàn 12 và 16 là những đơn vị thiện chiến, dầy dạn kinh nghiệm chiến trường, hỏa lực mạnh, di chuyển nhanh. Nhưng đơn vị tùng thiết cho họ (BĐQ) thì khả năng còn rất hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa quen tác chiến phối hợp bộ binh và thiết giáp, quân số cũng ít. Nhất là không được chỉ huy chiến đấu bởi chính Liên Đoàn Trưởng của mình. Đụng trận nặng như trong trường hợp Kampong Trach, lẽ tất nhiên tổn thất phải cao cho cả hai bên và Thiết Kỵ. Nếu bộ binh tùng thiết là một đơn vị Biệt Động Quân Tiếp Ứng chắc chắn diễn biến đã khác đi nhiều, Thiết Đoàn điều động tác chiến, phản ứng theo tình hình cũng linh hoạt hơn, tất nhiên kết quả hữu hiệu hơn.
Tại Thất Sơn, Chuẩn Tướng Hai và Đại Tá Tất khi nhận tin đụng trận vừa nói thì lo âu vô cùng.. Ông Hai lo căn cứ Kampong Trach bị bể, ông Tất thì lo cho Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng. Đại Tá Tư Lệnh Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh thì vì một vấn đề cá nhân nào đó đã cương quyết từ chối bay vào chỉ huy mặt trận như Tướng Hai mong đợi. Tướng Tất kể, thấy tâm trạng lúc đó của Tướng Hai bất an, cứ đi tới đi lui mà chưa biết phải giải quyết ra sao cho kịp thời, tình hình chiến sự tại Kampong Trach chính xác như thế nào chưa rõ. Tướng Hai thì không thể mở miệng yêu cầu ông điều gì vì Kampong Trach không thuộc trách nhiệm của tôi. Sau khi tính toán thấy rằng mặt trận phía Đông của Biệt Động Quân vẫn đang yên ổn và trong tương lai gần như không thể xẩy tới một mặt trận nặng như Kampong Trach, Đại Tá Tất quyết định giải quyết giùm Tướng Hai, tình nguyện vào Kampong Trach để xem xét tình hình cụ thể. Tướng Hai thở phào nhẹ nhõm, giao cho Đại Tá Tất trực tiếp chỉ huy căn cứ Kampong Trach và điều động thêm Đại Tá Của, Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, làm phụ tá cho Đại Tá Tất, trực tiếp chỉ huy điều động quân Kỵ Binh.
Trong khi Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân Biên Phòng đụng địch khoảng 6 cây số về hướng Bắc căn cứ Kampong Trach, thì Chi Đoàn 1/12 lo thiết lập hệ thống phòng thủ cho căn cứ. Đêm đó 4 Tiểu Đoàn CSBV từ hướng Bắc đánh vào căn cứ Kampong Trach, có khả năng tràn ngập vào vị trí Pháo binh. Vì liên lạc với Đại tá Vũ Quốc Gia không được (Bộ Chỉ Huy Hành Quân đóng tại Tô Châu), Chi Đoàn Trưởng ra lệnh phá hủy 2 khẩu 105 ly còn lại. Trận này khiến 4 chiếc M-113 bị bắn cháy, một số binh sĩ Chi Đoàn 1/12 bị thương và tử trận. Sáng hôm sau, Chi Đoàn 1/12 còn phải cho 5 chiếc M-113 đưa toán Phát Ngân Viên phát lương cho phần còn lại của Tiểu Đoàn 66 Biệt Động Quân Biên Phòng đang đóng tại đó về Ton Hon. trên đường trở về căn cứ bị 1 Tiểu Đoàn CSBV phục kích trong một ngôi làng xông ra đánh, thêm 4 chiếc M-113 bị bắn cháy, 12 binh sĩ tử thương. Trước tình hình mỗi ngày một trầm trọng thêm, ngày 24 tháng Ba, Tướng Hai đưa Đại Tá Phạm Duy Tất vào Kampong Trach. Đại Tá Tất đi một mình với vài người tùy tùng, không mang theo Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Biệt Động Quân. lệnh của Tướng Hai là lệnh miệng trong lúc khẩn cấp, lực lượng chính ở đây là Kỵ Binh, vì rất hiểu Đại Tá Tất nên tác giả biết ông không muốn nhân việc này mà xen vào quyền chỉ huy của Đại Tá Gia. Ông Tất chỉ muốn xuyên qua Đại Tá Của mà giải quyết tình hình chiến sự. Trực thăng vừa đáp xuống căn cứ thì lãnh ngay loạt pháo của quân Bắc Cộng khiến 1 binh sĩ đi theo bị thương. Tướng Hai yêu cầu Đại Tá Tất củng cố tinh thần binh sĩ, tử thủ căn cứ Kampong Trach bằng mọi giá, ông sẽ điều động quân tới tăng cường sau. Cùng ngày, Đại Tá Nguyễn Văn Của Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, cũng vào tới, mang theo 8 chiếc M-113 thay thế cho 8 chiếc của Chi Đoàn 1/12 vừa bị thiệt hại. Trung Tá Trần Kim Đại và quân của ông cũng vừa rút về. Đại Tá Phạm Duy Tất kiểm tra tại chỗ thì thấy không còn khả năng mở cuộc tấn công, chỉ cương quyết giữ cho căn cứ Kampong Trach khỏi bị “over-run” cũng là một điều khá đáng lo ngại. Theo tác giả, những người biết và theo dõi trận Kampong Trach đều hy vọng rằng : Đại Tá Tất rất có duyên với Sư Đoàn 1 Bắc Cộng qua trận Mộc Hóa, sau 2 trận Cô Tô và Rừng Tràm Trà Tiên, vì vậy ai cũng mong mỏi sẽ có thêm một trận chiến thắng lớn. Nhưng lần này Ông Tất phải đụng địch trong thế thủ, hết còn công được rồi. Phía Sư Đoàn 1 CSBV, đây là lần đầu tiên họ được trang bị Pháo binh vô cùng hùng hậu, cả Phòng Không cũng thế. Họ sẽ tận đụng tối đa sức mạnh mới của mình, pháo cày nát căn cứ Kampong Trach và các dàn Phòng Không bắn tối đa ngăn chặn trực thăng – máy bay Việt – Mỹ tiếp tế cho căn cứ.
Trước Đại Tá Tất một ngày, Tướng Trưởng đã bay vào Kampong Trach xem xét tình hình. Cũng như Tướng Hai, Tướng Trưởng đồng ý để Đại Tá Tất trấn thủ căn cứ Kampong Trach, ngay sau đó ông ra lệnh tức khắc lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn IV tại Tô Châu, Hà Tiên, để điều động quân đánh giải tỏa áp lực địch đang đè nặng lên căn cứ.
Xem ra không những Tướng Hai mà cả Tướng Trưởng cũng lo lắng sợ mặt trận này bị bể thì Quân Đoàn IV/ Vùng 4 Chiến Thuật sẽ gặp khó khăn bội phần. Quân Đoàn IV đã tăng cường cho măt trận An Lộc nguyên Sư Đoàn 21 BB cộng 1 Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 BB. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân Tiếp Ứng thì đã gửi ra Vùng 1 Chiến Thuật. Quân Đoàn IV nay chỉ còn Sư Đoàn 7 BB ở Tiền Giang, Sư Đoàn 9 BB chỉ còn 2 Trung Đoàn để cơ động cho cả Vùng 4 Chiến Thuật, quân bộ còn có thể xử dụng được là Biệt Động Quân Biên Phòng khả năng hạn chế và lực lượng Kỵ Binh mà thôi.
Tướng Tất kể, vào tới đó tôi thấy khó khăn lắm, Tiểu Đoàn 94 Biệt Động Quân và Kỵ Binh không còn đủ khả năng để mở trận tấn công, Pháo đội của mìnhh thì đã bị pháo địch bắn sụm, chỉ còn có thể bắn trực xạ mà thôi, nhưng kho đạn đã bị nổ tung rồi. Tình trạng của tôi và căn cứ Kampong Trach lúc này không khác gì An Lộc, Kontum, phía trong phải thủ thành cho bằng được, dùng phương tiện Không Quân oanh tạc, xử dụng quân mình đang có tại chỗ chận và diệt địch. Mọi điều động từ bên ngoài đều do Biệt Khu 44 và Quân Đoàn IV. Mỗi ngày địch đều tổ chức tấn công dứt điểm căn cứ, thường buổi sáng và trước khi trời tối một lần, nhưng lần nào cũng bị quân trấn thủ đẩy lui. Giữ vững căn cứ chính là nhờ tinh thần binh sĩ không nao núng trước những đợt xung phong của địch. Thật sự quân trấn thủ đang thiếu đạn dược, lương thực, nhất là quân số mỗi ngày một hao hụt thêm vì pháo của địch liên tục, không ngớt.
Đại Tá Tất và Đại Tá Đại cùng gốc Lực Lượng Đặc Biệt, trong hoàn cảnh thiếu quân, bèn giở chiến thuật quen thuộc chia quân thành những nhóm nhỏ, đánh tiêu hao, tiêu diệt, thám sát nơi đóng quân đối phương và cứ thế gọi các phi tuần oanh tạc ngày đêm. Một lợi điểm trong lúc này là dân Miên vì căm ghét Cộng Sản đã cung cấp được những tin tức tình báo về địch quân rất chính xác. Trung Tá Đại chấm tọa độ rồi gọi cho phi cơ thám sát loại A-10 để xin oanh tạc. Lối đánh này hữu hiệu, phía địch bị thiệt hại vì oanh tạc khá lớn, đánh trúng cả Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn địch khiến cả 1 Trung Đoàn Trưởng và 1 Chính Ủy tử trận và bị thương. Biết được những tin tức này là nhờ rà làn sóng của địch quân. Đối đầu với Sư Đoàn 1 CSBV có 3 Trung Đoàn lại được tăng phái thêm 1 Trung Đoàn của Sư Đoàn 9 CSBV, chưa kể các đơn vị Pháo Binh, Đặc Công... tình trạng căn cứ Kampong Trach chỉ có thể nói là “sống qua ngày”.
Đêm 5 tháng Tư 1972, Trung Đoàn E44 Đặc Công, chủ lực của Quân Khu 9 CSBV tấn công vào căn cứ Kampong Trach. Chẳng những không thành công, Trung Đoàn phó là Đại Úy VC Nguyễn Trí tự Tư Trí bị quân trấn thủ hạ tại chỗ bằng súng M79. Mặt trận nổ ra quá lớn, bên CSBV đã tung ra toàn bộ lực lượng của mình nên Tướng Hai và Tướng Trưởng cũng tung hết lực lượng của Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh đang có là Thiết Đoàn 12 và 16, nhưng hai lực lượng này đều tổn thất khá nặng từ vòng ngoài. Tướng Trưởng phải điều động thêm Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh vào khu vực giao tranh, nhưng ngay trong đêm đầu tiên đã chạm địch khá nặng trong khu “vườn tiêu”, khiến cả Thiết Đoàn chỉ còn lại 21 chiếc. Ngày hôm sau Thiết Đoàn 9 nhận lệnh trở về biên giới.
Tướng Tất kể, lực lượng do Biệt Khu 44 điều động tăng viện tuy không đến được vào căn cứ nhưng áp lực địch đè nặng lên căn cứ đã giảm xuống đúng theo dự tính của Tướng Trưởng. Ngược lại, Sư Đoàn 1 CSBV cũng đã quá “oải” căn cứ Kampong Trach, một cái “hàng rào” khó nhổ, nên đã cho quân bọc vòng, tránh căn cứ Kampong Trach, di chuyển về phía Nam nhằm thanh toán điểm của mặt trận của họ là thị xã Hà Tiên. Tính toán của họ có liên quan đến cái Hiệp Định thổ tả Paris sắp thành hình vào đầu năm tới, trong đó có điều khoản “quân ai đang có mặt ở đâu thì coi như là đất của phe đó”.
Với tin này, Tướng Trưởng quyết định tung Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh cùng Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân Tiếp Ứng, là 1 Tiểu Đoàn thuộc Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân Tiếp Ứng đang được thành lập tại Cao Lãnh, vào con đường 14 cây số từ Hà Tiên lên Kampong Trach, dọn đường chuẩn bị cho lực lượng bên trong căn cứ Kampong Trach rút về Việt Nam.
Lệnh rút là ngày 30 tháng Tư 1972. Trận chiến Kampong Trach kéo dài đúng 1 tháng 10 ngày. Thêm một trận thư hùng khốc liệt giữa hai bên trên con đường này, cả hai cùng thiệt hại nặng. Ngoài lực lượng Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh cùng Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân, Đại Tá Chamberlain Cố Vấn Trưởng Biệt Khu 44 đã liên tục bay trên vùng phối hợp yểm trợ không quân oanh tạc và đánh chận dọc suốt theo con đường không cho quân CSBV bôn tập áp sát vào đoàn quân rút lui. Chính nhờ sự yểm trợ này mà đoàn quân trở về an toàn.
Nhìn lại rõ ràng Tướng Trưởng đã không còn quân bộ binh xung trận nên đã chỉ xử dụng Thiết Kỵ. Không đủ quân nhưng Tư Lệnh Quân Đoàn IV đã quyết rằng phải tử thủ căn cứ Kampong Trach rồi sau đó cũng ra lệnh rút bỏ nhanh chóng, khiến cho một số ít nhà bình luận quân sự cho rằng tử thủ căn cứ Kampong Trach là không cần thiết và phí phạm nhân lực. Chận địch, tiêu diệt địch ngoài lãnh thổ nước mình thì cấp chỉ huy quân sự nào, Tướng lãnh nào cũng muốn thực hiện (Mỹ là quốc gia đứng đầu về quan niệm này),
Tướng Trưởng làm việc này có tính chiến thuật, chiến lược rõ ràng lắm. Căn cứ Kampong Trach lập ra và rút bỏ linh hoạt tùy theo tình hình. Rút bỏ Kampong Trach khi thấy Sư Đoàn 1 CSBV không còn khả năng, mất hết nhuệ khí của lúc mới ra quân,
Sư Đoàn không còn nguyên vẹn để xâm nhập vào lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật.Hơn nữa kéo dài sự hiện diện của căn cứ này sẽ gây bất lợi cho phía mình trong tương lai. Khác với An Lộc, Kontum là lãnh thổ của ta, thành phố của ta, ta phải giữ đến cùng. Cũng như Quảng Trị đã mất thì phải chiếm lại bằng mọi giá.
Cuối cùng Đại Tá Phạm Duy Tất đã dẫn đoàn quân tham dự trận Kampong Trach về tới Hà Tiên. Phía quân Bắc Cộng, những thành phần còn lại của Trung Đoàn 101D nhập vào Trung Đoàn 52D Chủ Lực Miền (Cộng Sản địa phương) tập trung tấn công chiếm giữ hãng xi măng Hà Tiên.
Sự thật không thể chối cãi là Sư Đoàn 1 CSBV đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ đưa đại quân của mình xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai lần thất bại tại Mộc Hóa khi muốn dùng con đường này để tràn xuống khu vực Tiền Giang. Nay cố gắng thử dùng con đường Hà Tiên xuống Rạch Giá rồi xuống U Minh, tự tin xử dụng cả Sư Đoàn thì không dễ gì bị ngăn chặn, nhưng đã bị quân Việt Nam Cộng Hòa đón đánh từ ngoại biên và bị tổn thất nặng nề. Quân Khu 9 Việt Cộng không hoàn thành được trách nhiệm “hiệp đồng” cho các mặt trận khác trên toàn cõi miền Nam Việt Nam, đành phải vớt vát lấy danh nghĩa Sư Đoàn 1 CSBV nhưng thực chất là cố gắng lần chót xử dụng quân địa phương cùng tàn quân của Trung Đoàn 101D tấn chiếm cơ sở Xi Măng Hà Tiên với hy vọng lật ngược thế cờ, đồng thời kiếm chút tiếng vang hầu che dấu sự thất bại của chính mình.
Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân Biên Phòng lập tức được bổ sung quân số, tiếp liệu, tăng phái cho Sư Đoàn 9 BB, và được giao trách nhiệm giải tỏa khu vực Xi Măng Hà Tiên. Đại Tá Tất một lần nữa vẫn không chịu ngồi yên mặc dù không phải là vùng trách nhiệm của mình.
Với sự đồng ý của Tướng Trần Bá Di, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB, ông Tất mang Tiểu Đoàn 86 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu Tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc từ Mộc Hóa qua, trực thăng vận vào sát sào huyệt địch trên núi Cọp, nhằm làm giảm khả năng địch quân, yểm trợ cho trận đánh của Trung Tá Đại ở khu Xi Măng Hà Tiên.
Tác giả:
Đã có Sư Đoàn 9 BB của Tướng Trần Bá Di, tại sao lúc đó Chuẩn Tướng lại mang quân Tiểu Đoàn 86 đánh vào núi Cọp làm gì ?
Tướng Tất :
Tôi làm sao ngồi yên ở Chi lăng được, Còn đánh dọc theo biên giới là tôi còn quan tâm, hơn nữa Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân là đơn vị của tôi, tôi phải lo cho họ trong khả năng của mình.
Tác giả:
Thưa Chuẩn Tướng, bài học gì mình thu được xuyên qua trận Kampong Trach ?
Tướng Tất :
Bất cứ trận nào tôi cũng rút ra được những bài học cho chính mình. Quan niệm biên phòng và xử dụng quân đã thành nề nếp và đạt hiệu quả. Nhưng chính là Liên Đoàn 42 Chiến Thuật và các Tiểu Đoàn Biên Phòng trực thuộc mới học được một bài học lớn, kinh nghiệm lớn, tuy phải trả giá khá đắt. Không ngờ trận đầu lại quá nặng như thế, với một đấu thủ đông gấp mấy lần mình, trang bị cũng vượt hơn mình nhiều lần. Vậy mà cũng đạt được kết quả khá tốt, anh thấy họ rất đáng khen chớ.
Theo tác giả, Tướng Tất có khả năng thiên về thế công nhiều hơn. Sáng kiến mang Tiểu Đoàn 86 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu Tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc nhảy xuống núi Cọp cho thấy sự nhạy bén của ông ta.Có thể ví như ông đã dùng Thiếu Tá Lộc ở núi Cọp là chặt ngang xương sống con rắn, để giúp Trung Tá Đại “xử lý” đầu rắn tại khu Xi Măng Hà Tiên thật nhanh chóng. Nhanh đến nỗi vì quá bất ngờ nên cũng có người cho rằng trận Xi Măng Hà Tiên ...không đáng gọi là một trận đánh thật sự (?). Ở đây cũng phải “ca” cho Tướng Tất một câu công bình, là thay vì ngồi ở Chi Lăng, Thất Sơn nghỉ xả hơi sau hơn một tháng nằm cứng chịu pháo trong căn cứ Kampong Trach, ông ta lại tiếp tục tình nguyện xông vào chỗ không thuộc trách nhiệm được cấp trên giao phó. Hình như vì dư luận không công bình sau đó của một số Sĩ quan trẻ thuộc binh chủng bạn nên ở trận Cheo Reo trong cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II Tướng Tất đã dè dặt khi Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh của Đại Tá Nguyễn Văn Đồng đụng trận.
Tác giả buồn cười là dù ổng dè dặt tới đâu thì những câu chuyện thêu dệt đồn thổi bêu xấu cũng rượt theo ổng tới đó thôi. Khu vực Xi Măng Hà Tiên được Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân Biên Phòng của Trung Tá Trần Kim Đại “dọn dẹp sạch sẽ”. Núi Cọp cũng được Tiểu Đoàn 86 Biệt Động Quân Biên Phòng làm “tổng vệ sinh” gọn ghẽ, tất cả kho tàng của quân Bắc Cộng gồm vũ khí, thuốc men, lương thực lọt hết vào tay Biệt Động Quân. Một Bác sĩ VC tên Khiêm bị hạ tại chỗ. Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 thuộc Trung Đoàn 46 CSBV là Đại Úy Hiến ra đầu hàng tại Hà Tiên sau khi toàn bộ Tiểu Đoàn 6 CSBV bị tiêu diệt. Trang mạng hiện nay của Quân Khu 9 CSBV (phần Hà Tiên) hằn học gọi Đại Úy VC Hiến là ... tên Hiến. Trận Kampong Trach 1972 bắt đầu từ cuộc giao chiến ở khoảng 6 cây số phía Bắc căn cứ Kampong Trach, và chấm dứt bằng một cuộc giao chiến khác ở phía Nam căn cứ Kampong Trach khoảng 18 cây số, bên phần đất Việt Nam.
Cả hai trận đều do Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân Biên Phòng tham chiến. Tướng Ngô Quang Trưởng đạt được mục đích: Giữ vững trị an Vùng 4 Chiến Thuật trong Mùa Hè Đỏ Lửa, chẳng những vậy ông còn có thể yểm trợ cho các mặt trận ở những Vùng Chiến Thuật khác. Sau này phía Bắc Cộng thú nhận Sư Đoàn 1 CSBV bị thiệt hại quá nặng nề qua trận Kampong Trach 1972 khiến Cục R đã phải gom góp hết quân trừ bị để bổ sung quân số cho nó. Kampong Trach chính là một nốt nhạc trật chìa khiến “dòng nhạc Mùa Hè Đỏ Lửa” của Bắc Cộng bị lỗi nhịp.
Một “Operational Art”! Cho nên Hà Nội không còn nhắc nhở tới Sư Đoàn nầy lần nào nữa, như thể nó chưa từng hiện diện trên cõi đời này. Quân Việt Nam Cộng Hòa đã không cho phép có “một bến cảng ở Hà Tiên” dựa theo “Hiệp Định thổ tả Paris” mà quân Bắc Cộng mơ ước.
Có hai điều tác giả không quên được qua trận Kampong Trach 1972:
Một: Ở phi trường Hà Tiên, hàng mấy dãy dài trực thăng của Mỹ – Việt đậu ngay hàng thẳng lối, các phi công căng võng nằm chờ tới phiên mình bay vào Kampong Trach. Phi công Việt ít tiền, tới buổi ăn trưa thì một gói xôi hoặc thổi kèn (nhai bánh mì). Phi công Mỹ giàu có, mỗi anh nửa con gà nướng trông thiệt đã. Nhưng khi bay, hai bên đã cùng vào Kampong Trach thật can đảm, bay liều lĩnh nhưng điệu nghệ nhất. Nhưng chỉ có cái khác là nhìn trực thăng Việt Nam đôi khi phải giật mình vì ... không thấy anh phi công đâu cả. Anh quá nhỏ con so với phòng lái.
Hai: Các binh sĩ Tiểu Đoàn 94 Biệt Động Quân Biên Phòng sau khi về tới Thất Sơn đều nói rằng quân Bắc Cộng bị cho uống ... thuốc điên. Trời đất, có chuyện này thiệt sao ? Anh em kể rằng mỗi khi quân Bắc Cộng xuất trận, đều có một thiếu nữ dẫn đầu chạy phía trước, vừa chạy vừa hô: Tiến lên các đồng chí, chết trẻ hơn chết già, chết hôm nay, ngày mai khỏi chết ! Không bị cho uống thuốc điên thì tại sao hô hào khùng điên xuẩn động quá mức vậy ?
Năm 2011 tác giả có viết một bài về trận Kampong Trach 1972, sau đó nhận được một lá thư từ Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất viết góp thêm về trận này. Lá thư của Tướng Tất cũng đã được đưa tới những nơi từng đăng bài của tác giả nhằm cho độc giả có thêm dữ kiện, như sau:
Anh Đỗ Sơn, Tôi đã đọc bài Kampong Trach 1972 anh viết, bồi hồi nhớ lại một đoạn khó quên trong quãng đời chiến binh của mình. Gửi cho anh thêm một vài chi tiết có thể anh không rõ, không nhớ, hoặc anh chưa từng nghĩ đến về trận Kampong Trach. Chắc anh còn nhớ tôi đã trả lời với các phóng viên ở Nam California nhân dịp về tham dự Đại Hội Biệt Động Quân: Là bại tướng thì nói gì cũng là bại tướng. Nhưng được anh gợi hồi tưởng lại trận Kampong Trach thì tôi lại muốn nói, nói những lời chưa có cơ hội nói. Cho đến giờ này hẳn chưa ai quên Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, mỗi khi nhắc đến không ai khỏi chạnh lòng, ngậm ngùi về sự khốc liệt của chiến tranh. Năm 1972 là năm cuộc chiến Nam – Bắc đã đến hồi cực điểm. Tổng Bí thư Lê Duẫn và Đảng Cộng Sản Việt Nam thật vô cùng tàn ác đẩy hàng vạn vạn người dân Việt Nam của cả hai miền vào cảnh chết chóc chưa từng thấy. Họ mơ ước, nôn nóng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam càng sớm càng tốt để dâng công lên quan thầy. Giữa hai lực đối trọng to lớn là Liên Xô và Trung Cộng, Đảng Cộng Sản Việt Nam chơi trò đu dây và khiến nhân dân miền Bắc lầm tưởng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là “Độc Lập” qua khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”. Quá bất ngờ đến bàng hoàng cho toàn đảng Cộng Sản Việt Nam khi hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô sụp đổ, biến dạng trên địa cầu. Nhưng thật không may, một nước Cộng Sản to lớn, Trung Cộng, vẫn còn tồn tại. Dần dần Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn thoát hiểm thì phải bám víu vào họ, vô hình chung lọt vào cái lưới thiên la địa võng của Trung Cộng mà cả nước Việt Nam ngày nay đang giãy dụa.
Trở lại với Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nói đến trận chiến khốc liệt này mọi người liên tưởng ngay đến 3 mặt trận lớn là An Lộc, Kontum, và Quảng Trị. Chưa đủ, còn một mặt trận nữa là chiến trường Kampong Trach – Hà Tiên do BĐQ và KB của QĐ IV/QK IV chiến đấu. Tôi không nghiên cứu để hiểu 4 mặt trận đâu là chính đâu là diện. Kampong Trach là một địa danh xa lạ, một thị trấn quá nhỏ bé nằm trên đất Kampuchia cách Hà Tiên về phía Đông Bắc khoảng 14 cây số. Trận chiến Kampong Trach cũng khá khốc liệt về cường độ. Lực lượng tham chiến có Liên Đoàn 42 Chiến Thuật Biệt Động Quân được tăng phái một Chi đoàn thiết quân vận M113 đối đầu với một sư đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt. Có thể nói bên ta 1 chọi 5.
Khởi đầu mặt trận này do Đại Tá Vũ Quốc Gia, Tư Lệnh Lữ Đoàn IV Kỵ Binh chỉ huy, Bộ Chỉ Huy Hành quân đóng tại Tô Châu, Hà Tiên. Biệt Động Quân QK IV có Bộ Chỉ Huy Hành Quân đóng tại Trại Chi Lăng (vùng Thất Sơn, Châu Đốc), có Bộ Chỉ Huy Hành Quân nhẹ đóng tại bến phà Neak Luong trên đất Kampuchia chịu trách nhiệm vùng biên giới từ tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa) đến tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh).
Hai lực lượng BĐQ và KB đều dưới quyền chỉ huy của Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Biệt Khu 44. Tôi được Tướng Hai đưa vào Kampong Trach khi chiến trận đã lên đến cao điểm và nắm quyền chỉ huy. Đề cập đến tương quan lực lượng thì tôi xin nói rõ về lực lượng và khả năng của Biệt Động Quân Biên Phòng một chút để thấy sức chiến đấu và tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ Biệt Động Quân rất kiên cường trong trận Kampong Trach. Nói đến Biệt Động Quân hầu như ai ai cũng có ý nghĩ đây là những đơn vị thiện chiến, mũi nhọn, đầu sóng ngọn gió. BĐQ luôn luôn là tuyến đầu xung trận.
Quả đúng như thế ! Đó là BĐQ ở các Liên Đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đã dày dạn chiến trận mấy chục năm qua. Biệt Động Quân Biên Phòng thì khác. Là những đơn vị vừa được cải tuyển thành BĐQ từ năm 1970. Họ là những Biệt Kích Quân Dân Sự Chiến Đấu ở các trại Biên Phòng / Lực lượng Đăc Biệt. Họ chưa từng được tổ chức thành Tiểu Đoàn, chỉ hành quân nhỏ, phục kích, thám sát, chận đứng và tiêu diệt những cuộc xâm nhập nhỏ xuyên biên giới, từng đoàn ít người trong phạm vi vùng trách nhiệm của trại. Họ chưa có kinh nghiệm đánh cấp đại đội, tiểu đoàn, nói chi tới liên đoàn, tùng thiết phối hợp với thiết quân vận thì rõ ràng xa lạ, trang bị của họ cũng rất nhẹ nhàng. Từ cuối năm 1970, ý thức được tình hình đã biến đổi, Cộng Sản Bắc Việt không còn xâm nhập từng toán nhỏ vài chục người hoặc đông hơn khoảng 100 người. Bắc Việt nay xâm nhập cấp trung đoàn, sư đoàn cho nên tôi đã cơ động hóa các tiểu đoàn biên phòng để vừa hành quân vừa học hỏi kinh nghiệm đánh cấp đại đội, tiểu đoàn, và nếu cần có thể đánh cấp liên đoàn.
Các tiểu đoàn này chưa được gửi đi huấn luyện bổ túc tại Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ/ Dục Mỹ để chính quy hóa. Vì vậy mà có LĐ 42 BĐQ/CT để tham chiến mặt trận Kampong Trach, tăng phái cho Lữ đoàn 4 Kỵ Binh.
Nói về quân số cũng là một vấn đề. Tiểu đoàn thuộc các Liên Đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đều có cấp số 800 thì khả năng tham chiến mới được 500. Ngược lại cấp số Tiểu đoàn Biên Phòng chỉ là 500 thì khả năng hành quân không hơn không kém 300 và chỉ trang bị nhẹ. Với tương quan như vậy mà LĐ 42 BĐQ/ Chiến Thuật đã tạo được thành tích có thể nói là “thần kỳ”. Liên đoàn đã không bị đánh tan và không bị tiêu diệt, ngược lại đã gây tổn thất nặng nề cho Sư Đoàn 1 CSBV, chận đứng họ tại Kampong Trach, bẻ gãy kế hoạch của họ làm tiêu tan mục tiêu của Bắc Việt đề ra, đánh chiếm Hà Tiên Kiên Lương để xây một bến cảng cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Do tình hình các mặt trận trên toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa tương đối lắng dịu, quân ta đã làm chủ được trận địa, Sư Đoàn 1 CSBV tại Kampong Trach cũng đã yếu thế, không còn khả năng tấn công mạnh nên Quân Đoàn IV đã cho lệnh rút lui lực lượng khỏi Kampuchia. Thấy quân ta rút lui, Sư Đoàn 1 CSBV tuy đã yếu thế nhưng cố vớt vát tiến chiếm Kiên Lương, cơ sở Xi Măng Hà Tiên. Liên Đoàn 42 BĐQ/CT vừa trở về chưa được dưỡng quân thì lập tức nhận lệnh tăng phái cho Sư Đoàn 9 BB dưới quyền Tướng Trần Bá Di, rồi được điều động đến Kiên Lương để giải tỏa khu vực này. Trung Tá Trần Kim Đại cùng với Liên Đoàn nhanh chóng đến đến Kiên Lương lâm trận. Bản thân tôi và Bộ Chỉ Huy nhẹ không còn trách nhiệm gì trên mặt trận này, nên trở về Bộ Chỉ Huy Hành Quân ở Thất Sơn với trách nhiệm, nhiệm vụ cũ trước đây.
Có lẽ Tướng Di hiểu quá rõ khả năng và sở trường của Biệt Động Quân Biên Phòng nên đã ra một lệnh cho Trung Tá Đại vô cùng khắc nghiệt tưởng chừng như khó thực hiện được, hay ít nhất cũng phải chấp nhận một tổn thất cao. Ấy thế mà Trung Tá Đại đã bình tĩnh, tự tin là khác.
Lệnh ban ra là: BĐQ phải tái chiếm hãng Xi Măng Hà Tiên nguyên vẹn không được làm hư hại bất cứ thứ gì, có nghĩa là Trung Tá Đại không được xử dụng Pháo binh, không được gọi Không quân yểm trợ, không được xử dụng vũ khí nặng.Ấy vậy mà Trung Tá Đại và Liên Đoàn 42 BĐQ/CT tạo được một chiến công “thần kỳ” thứ hai. Chỉ vỏn vẹn trong vài ngày ngắn ngủi, đã chiếm được lại hoàn toàn cơ sở Xi Măng Hà Tiên, đánh tan lực lượng CS khiến họ phải tháo chạy về biên giới. Thật ra các Tiểu đoàn BĐQ/Biên Phòng còn thiếu kinh nghiệm về lối đánh trận địa chiến nhưng laị có quá nhiều kinh nghiệm về đánh đêm, đánh biệt kích. Đó chính là sở trường của họ mà Tướng Di đã phát huy. Trung Tá Đại đã hoàn thành mệnh lệnh của Tướng Di thật hoàn hảo, xuất sắc. Tuy tôi không có trách nhiệm trong trận chiến này nhưng vùng biên giới vốn là trách nhiệm thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua nên địa hình, địa vật trong khu vực này tôi quen thuộc lắm. Sau khi Trung Tá Đại nhận lệnh từ Tướng Di, ông liền cấp tốc báo cáo cho tôi. Trung Tá Đại thì có vẻ tự tin nhưng tôi không thể không lo cho quân của mình dù đã tăng phái. Phản ứng thật nhanh, tôi yêu cầu Sư Đoàn 9 BB chấp thuận cho tôi điều động Tiểu đoàn 86 BĐQ/Biên Phòng thuộc trại Bình Thạnh Thôn do Thiếu tá Tạ Thành Lộc chỉ huy thuộc LĐ 41 BĐQ/CT đóng tại Mộc Hóa trực thăng vận chớp nhóang vào chiếm lĩnh núi Hòn Cọp.
Gọi là núi nhưng thật sự là một ngọn đồi thấp nằm chận giữa con đường Kiên Lương đến Hà Tiên. Nơi đây là cơ sở chỉ huy trạm xá tiền phương, tiếp vận, giao liên, con đường tiến thối của đối phương. Cuộc đổ quân bất ngờ và táo bạo của Tiểu đoàn 86 BĐQ/Biên Phòng, Thiếu tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và quân của ông ta chỉ xoải có chục bước đã chiếm lĩnh ngay ngọn đồi này, đánh tan tành quân CS. Cũng phải nói thêm, Trung Tá Đại, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực của “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP, đã kết thúc hoàn toàn trận chiến Kampong Trach một cách nhanh chóng vẻ vang. Có thể nói rằng dân chúng miền Tây vẫn được vui hưởng thái bình vào lúc đó là nhờ vào trận Kampong Trach trong khi các mặt trận khác tuy bề ngoài có vẻ lắng dịu nhưng thực tế thì vẫn rất căng thẳng.
Thật là một điều không vui cho quân dân miền Tây nói chung và BĐQ nói riêng, vì sự thay đổi bất ngờ của hệ thống chỉ huy QĐ IV /QK IV. Tướng Trưởng được điều động ra làm Tư Lệnh QĐ I /QK I, Tướng Trần Văn Hai rời BK 44, Trung Tá Trần Kim Đại đi nhận chức Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 BĐQ ở Quân Khu I. Riêng tôi đi nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng BĐQ /QK II, tại đây lập tức tham chiến vào mặt trận Kontum, BĐQ /QK II chịu trách nhiệm mở đường Quốc lộ 14, giải toả cụm chốt tại núi Chu Pao. Cùng Liên Đoàn 21 BĐQ/BP do Trung Tá Nguyễn Văn Lang chỉ huy và Tiểu đoàn 62 BĐQ/BP của Đại Úy Phong đã khai thông Quốc lộ 14 mở đường cho chuyến tiếp vận đầu tiên từ Peiku vào Kontum bằng đường bộ.
Vào thời điểm này năm xưa, BĐQ /QK IV, đặc biệt là Liên Đoàn 42 BĐQ/CT – Tiểu đoàn 58 BĐQ - và Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP, tôi không biết các anh em này nghĩ gì nhưng chắc rằng họ bị hụt hẫng đôi chút. Chẳng còn ai nhắc nhở đến trận chiến khốc liệt tại Kampong Trach, không ai đề cập đến những chiến sĩ hy sinh còn nằm lại trên vùng đất lạnh của xứ Chùa Tháp, nhưng anh em chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu tại chiến trường này may mắn còn sống sót. Chiến trường Kampong Trach đã bị lãng quên không phải bây giờ mà ngay từ dạo ấy... Hình như Biệt Động Quân muôn thuở là vậy đó. Họ chưa có một tiếng nói mặc dù BĐQ là một đại đơn vị, một binh chủng lớn. Họ chiến đấu và tiếp tục chiến đấu cho đến khi lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh ban ra. Thôi thì hãy gióng lên tiếng than “Ôi”... Không biết anh em BĐQ có đồng tình như vậy không ?
Gần 40 năm qua không ai nhắc đến danh từ Kampong Trach nhưng tôi chắc chắn những người lính Kỵ Binh – Không Quân – Pháo Binh – Công Binh – Biệt Động Quân... đã từng tham chiến ở đó không thể quên, thân nhân bao chiến sĩ đã hy sinh , thân xác còn nằm lại nơi xứ người không bao giờ quên. Chúng ta thì chưa làm được gì cho họ trong lúc này. Ngậm ngùi thay. Đúng là không thể quên cho nên thật bất ngờ, ông bạn KB Điền Đông Phương đã gợi lại Kampong Trach.
Tôi không hiểu ông bạn KB Điền Đông Phương suy nghĩ gì, ý tưởng của ông ta ra sao khi viết về trận chiến. Tuy vậy, tôi rất chân thành và vô cùng cám ơn ông bạn KB Điền Đông Phương đã nhắc lại khiến BĐQ Đỗ Như Quyên, BĐQ Trần Duy Hòe, và BĐQ Đỗ Sơn chạnh lòng, có động cơ để nhớ lại, nghiên cứu, tham khảo thêm mà viết lại cho tương đối hoàn chỉnh hầu giúp cho Quân Sử QLVNCH không bị bỏ sót. May mắn thay. Đáng lý ra Đỗ Sơn đã phải viết đến từ lâu lắm rồi khi Tướng Trưởng còn sinh thời. Tôi biết Tướng Trưởng rất muốn viết về Kampong Trach. Sau thời gian tôi đến được Hoa Kỳ (1993) tôi đã có dịp gặp Tướng Trưởng nhiều lần. Lần nào gặp tôi, Ông cũng nhắc nhở trận Kampong Trach và nói cám ơn tôi về sự có mặt của tôi ở đó. Không phải một lần mà lần nào cũng vậy. Tướng Trưởng nói và tôi ngồi suy tư. Tôi thật tình không muốn tìm hiểu Ông đang suy nghĩ gì, nhưng phải chăng Tướng Trưởng đang ân hận mình đã rời chức vụ QĐ/QK IV quá đột ngột nên có điều chưa làm được của một vị Tư Lệnh đối với anh em chiến hữu ??
Linh Cơ 
Chú thích của tác giả:
Linh Cơ là danh hiệu truyền tin của Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất lúc còn là Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Vùng 4 Chiến Thuật. Theo tác giả, với công trận tại Vùng 4 Chiến Thuật, tính đến sau trận Kampong Trach, Đại Tá Phạm Duy Tất đã xứng đáng để được thăng cấp. Nhưng có lẽ ông Tất vẫn cứ ...chưa tới số.
Vừa lập được công lao ở Thất Sơn và Mộc Hóa thì Tướng Nguyễn Viết Thanh tử trận, còn trận Kampong Trach được Tướng Ngô Quang Trưởng khen nức nở thì vừa khen xong ông Trưởng đã lập tức đổi ra Vùng 1.
Quả thật, Tướng Tất thường nói mình tuổi con gà nên cứ phải tự mình đi kiếm thóc mà ăn, nhưng tác giả thì nghĩ rằng ông Tất có số ...con rệp ( xin lỗi ông Tướng liền ở đây).
Năm 2011 sau khi tác giả viết bài Kampong Trach 1972, Tướng Tất liền viết email cho tác giả, trong đoạn cuối có kể Tướng Trưởng mỗi lần gặp ông đều nhắc đến trận Kampong Trach, nên ông Tất tự hỏi “Phải chăng Tướng Trưởng ân hận vì phải đột ngột rời Vùng 4 nên có điều chưa làm xong với anh em chiến hữu”.
Lúc đó tác giả không hiểu ông Tất mốn nói cái gì. Bây giờ bắt tay viết cuốn sách này, Tướng Tất giúp phân tích lại từng trận đánh của ông ở Vùng 4, thì tác giả mới hiểu. Hiểu nên thường chọc ông sếp cũ của mình không biết “đánh trống, gõ phèng la”. Xem Tiếp Phân (8).

Đỗ Sơn
 
 
  0 
 
  0  0  0
 

No comments:

Post a Comment