Monday, April 26, 2021

 “Tùy anh Phó, chứ đối với tôi vào chỗ hiểm nguy chỉ là chuyện bình thường”. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Quân Đoàn III đã nói với tôi những lời như vậy vào một buổi sáng của một ngày từ mồng mười đến ngày 18-4-75 mà tôi không còn nhớ rõ trên đỉnh đồi Lầu Ông Hoàng nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tỉnh Tiểu Khu. Trong thời gian này, chiều đến tôi rời văn phòng lưu động đặt tại Ty Xã Hội đến Lầu Ông Hoàng ngủ đêm tại đó để tránh pháo kích và Đặc công. Với một chút lãng mạn, tôi không ngủ trong hầm mà cùng với nhóm tham mưu trải Poncho nằm ngắm bầu trời đầy trăng sao cũng như nghe tiếng sóng vỗ ì ầm vào vách đá sát chân đồi .

Vì tình hình ngày một xấu đi, lúc bấy giờ Phan Rang (Ninh Thuận) là phòng tuyến chính, nếu Phan Rang mất, Bình Thuận cũng hết thuốc chữa . Dù vậy, Quân, Cán, Chính Bình Thuận còn một ngày chiến đấu một ngày thầm mong có một phép lạ hiện ra để phần đất còn lại của miền Nam VN được tồn tại. Tôi nói phép lạ vì từ đầu tháng 4 đến nay, tôi không thấy chính quyền Trung ương để tâm cho một trận chiến mang tính sống còn. Duy nhất tại Bình Thuận, được tăng viện một Trung đoàn mà quân số cũng thuộc loại khiêm nhường, dàn quân trên một tuyến trống trải để chờ những Sư đoàn Chính quy của CS đang từ miền Bắc kéo vào có cả xe tăng và pháo các loại. Thương biết bao cho người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, họ thầm lặng thi hành mệnh lệnh của cấp Chỉ huy, giữ đất, giữ cầu không chút nao núng, nên lực lượng CS địa phương với vài lần thăm dò đã bị giáng trả phải co cụm vào lại mật khu .

Giữ vững tinh thần Binh sĩ, cấp Chỉ huy là tấm gương nên Đại tá Nghĩa luôn có mặt tại 4 Quận Bắc Bình Thuận, giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận. Đêm hôm qua, ông ngủ tại quận Tuy Phong, sáng nay ông chủ tọa cuộc họp các cấp Chỉ huy 4 Quận. Do đó mà tôi được lệnh ở lại trên đồi Lầu Ông Hoàng để đón Trung tướng Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn III. Thấy ông Tướng Toàn đến sớm không báo trước, cũng chẳng có gì ngạc nhiên về sự có mặt bất ngờ này. Ông xuống trực thăng, không mang áo giáp nón sắt như thời Trung tướng Ngô Du làm Tư Lệnh, nón Béré đen của Binh chủng Thiết Giáp, vũ khí là một loại súng để trình diễn, ông khoát tay không vào hầm chỉ huy để nghe thuyết trình theo lời mời của tôi.

– Được rồi ! Mình đứng ở đây… Anh Phó cho tôi biết tình hình ra sao ? Lính tráng, Công chức có bỏ chạy nhiều không ? Ông hỏi tôi một cách lơ đảng, đôi mắt sau kính đen đang hướng về các dãy núi tiếp nhau hướng Thiện Giáo, Lâm Đồng. Tôi nghĩ ông đang lượng giá tình hình, Bình Thuận không chỉ có hướng Bắc nếu Ninh Thuận bị rơi vào tay giặc mà còn từ phía Tây bởi Quảng Đức, Lâm Đồng cũng đã di tản, chúng gom lực lượng đổ xuống làm sao Bình Thuận chịu đựng nổi.

– Trình Trung tướng, vì Đại tá Nghĩa có phiên họp sáng nay tại 4 Quận Bắc Bình Thuận, tối qua Đại tá cũng đã qua đêm ở đó, Trung tướng đến thăm bất ngờ nên tôi xin phép được trình Trung tướng tình hình. Cho đến thời điểm này, tình hình An ninh lãnh thổ vẫn không có điều gì đáng quan tâm. Lực lượng ĐPQ&NQ vẫn giữ vững địa bàn hoạt động của mình, các cấp trưởng cơ quan vẫn còn tại nhiệm sở. Chúng tôi đặt trọng tâm việc cứu trợ đồng bào các nơi di tản về đây mà không thể nào đi tiếp về Sài Gòn. Trung ương đã tiếp tục chở gạo, thuốc men bằng phi cơ đến tỉnh mặc dù đôi lúc phi trường bị pháo bằng 105, 155 ly. Tỉnh cũng đã được Cơ quan Hàng không tái lập đường bay, nhưng tỉnh phải quản lý vì tư nhân không dám làm.

– Tại sao ? Ông cắt ngang lời tôi.

– Trình Trung tướng, khó khăn điều hành vì có một số Quân nhân vô kỷ luật đòi lên máy bay mà chưa có vé hay không chịu mua vé …Họ dùng vũ khí uy hiếp viên chức hành chánh đặc trách chuyến bay, tôi lo sợ thời gian có mặt của Cơ quan Hàng không VN không lâu vì tình hình lộn xộn, như vậy chưa kể đến tầm pháo của VC.

– Tỉnh có đặt vấn đề di tản bằng đường biển hay không ? Bình Thuận là xứ đánh cá, ông hỏi tiếp.

– Thưa Trung tướng, đó là ưu tiên 1, nhưng không phải dễ dàng vì vào đầu tháng 4, một số ghe đánh cá bị dí súng bắt chở họ đi về Vũng Tàu, nên các ghe đều ra xa bờ… Chúng tôi phải cử người thương lượng, trả tiền trước và sắp xếp cho đi được nhiều đợt. Khả năng của Tỉnh giới hạn, nếu không giải tỏa được, tình hình sẽ khó khăn thêm …

– Tốt ! Tốt ! Các anh làm việc như vậy là tốt lắm, nhưng dân chúng tinh thần của họ như thế nào?

– Trình Trung tướng, Dĩ nhiên không ai mà không bị ảnh hưởng do đoàn di tản có mặt, nhưng người dân Bình Thuận họ đã đối mặt lâu dài với chiến tranh, nhất là có đến 3 lần VC tấn công vào thị xã hồi Mậu Thân 1968 …Trước khi đoàn di tản đổ đến, chúng tôi đã khuyến cáo đồng bào lánh ra ven đô, về Sài Gòn hay ra quận Hải Long …Quan ngại của chúng tôi là vấn đề pháo kích. Trung tướng có ý định đi thăm nơi nào không để tôi cho chuẩn bị ?

– Không cần, tôi ghé lại đây không lâu, chợt ông quay mặt lại, gỡ kính đen, nhìn tôi ông nói :

– Hay mình làm một “bất ngờ”, anh cùng mình dùng xe Jeep xuống phố đi một vòng không có hộ tống, mình vào trong chợ thăm đồng bào, khi về mình ghé qua một Văn phòng Xã nào đó để cho họ lên tinh thần …anh thấy có được không ?

Tôi thật bất ngờ trước ý kiến của ông, nhìn ông với sự ngạc nhiên cùng một chút đo lường có thật sự ông muốn như vậy hay chỉ là một ý kiến. Nhưng qua những gì mà tôi có dịp gặp gỡ các Sĩ quan của Quân Đoàn đến công tác, bỏ qua những gì thuộc về cá nhân, tất cả đều nói rằng ông có thừa uy dũng để khích lệ tinh thần người khác. Điển hình là năm 1972, tại mặt trận Kontum, sự hiện diện của ông bên cạnh Binh sĩ đang đối đầu với một lực lượng VC hùng hậu về Quân số và vũ khí, đã biến đổi tình hình và mang lại chiến thắng cho quân ta. Nhưng tôi không dám trả lời ngay mặc dù lòng tôi rất thích thú được cùng ông làm chuyện này. Tôi xin phép vào Trung Tâm Hành Quân xin lệnh Đại tá Nghĩa và đương nhiên phải báo động cho Tiểu đoàn 229 đang chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực Thành phố.

Nhưng rồi, tôi chợt đắn đo theo thói quen trước khi có một quyết định quan trọng : Có thật sự cần thiết như vậy không ? Dĩ nhiên là sự có mặt của ông Tướng Tư Lệnh quân Đoàn tại phố chợ Phan Thiết vào thời điểm này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý người dân và Binh sĩ nếu mọi việc suôn sẻ, còn như ngược lại thì sao ? Nếu đó là tin tức ông Tướng Tư Lệnh quân Đoàn bị đặc công giết hay bắn bị thương thì sẽ tai hại như thế nào ? Tin tức Phòng 2, Cảnh sát đặc biệt cho biết có bằng chứng về Đặc Công CS đã trà trộn trong đoàn người di tản để kích động tình hình, xúi dục Quân phạm và Quân nhân vô kỷ luật gây hỗn loạn. Một yếu tố khác cũng làm tôi suy nghĩ. Khổ người của ông quá cao lớn nên rất dễ làm tấm bia, cho nên tôi đã quay ra và thưa với ông về điều tôi suy nghĩ để xin ông rút lại…

Ông nhìn tôi, sau đó đặt bàn tay lên vai tôi vừa cười vừa nói :

– Tùy anh Phó Tỉnh, chứ đối với tôi vào chỗ hiểm nguy là chuyện bình thường …sau đó ông cùng các Sĩ quan lên phi cơ bay về Nam, nơi đặt bản doanh của ông, Quân Đoàn III, cánh cửa dẫn vào Sài Gòn, Thủ đô của Chính quyền miền Nam VN. Trách nhiệm của ông nặng nề vô cùng khi mà Vùng I Vùng II không còn …và mặt trận Long Khánh càng lúc càng khốc liệt.

Nguồn: Bình Thuận và các ông tướng của Phạm Ngọc Cửu


No comments:

Post a Comment