Saturday, January 29, 2022

 LÊ ĐÌNH THÔNG - HỒ HỮU TƯỜNG

Hai Vì Sao Băng Trong Chòm Sao Bắc Đẩu Bị Cộng Sản Bất Tử: Vũ Hoàng Chương và Hồ Hữu Tường - VCCO (vccottawa.com)

. . . 

Nếu thi bá họ Vũ là ngôi sao bắc đẩu sáng chói trong văn học miền Bắc, văn hào họ Hồ là cây đại thụ rợp bóng văn học miền Nam.


2) Hồ Hữu Tường (1926-1980) : Họ Hồ quê quán quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Theo nhà phê bình văn học Thụy Khê, ‘‘Hồ Hữu Tường sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thường Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Cha là Hồ Văn Sây, mẹ là Võ Thị Nữ và ông nội là Hồ Văn Điểu. Dòng họ Hồ này khi xưa ở đất Nghệ An. Sau khi Hồ Quý Ly thất thế, đầu thế kỷ XV đã bị xua vào đất Qui Nhơn sinh sống. Đến thế kỷ XVIII, trong họ xuất hiện ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ, nổi lên cầm đầu phong trào Tây Sơn. Khi nhà Tây Sơn bại liệt, tất cả những người họ Hồ, bà con xa gần với Tây Sơn đều phải lánh nạn. Tỉnh Qui Nhơn bị Nguyễn Ánh đổi tên thành Bình Định. Sự đổi tên này, đối với họ Hồ, có nghĩa là một sự trả thù, một sự đàn áp. Để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, một thanh niên tên là Hồ Văn Phi trốn vào Nam, lưu lạc đến rạch Cái Răng ở miệt Cần Thơ, lập nghiệp. Vợ chồng Hồ Văn Phi chưa có con trai, nuôi một đứa nhỏ tên là Điểu mà mẹ nó dường như là một người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn lánh nạn. Khi trao con lại cho Hồ Văn Phi, bà dặn dò rằng: Cha nó cũng họ Hồ, tôi cho nó cho ông là để nó giữ họ. Khi nó lớn lên, ông bà dặn nó nên nêu lên hai chữ Kế Thế mà thờ giữa hai chữ Hồ phủ, và truyền lại mãi mãi với con cháu nó nên làm như vậy. Chữ Kế Thế rút từ những chữ “Kế thế vi đức, dĩ hữu thiên hạ“, hàm súc cái mộng làm đế vương. Người con nuôi của Hồ Văn Phi có dòng dõi bí mật, đế vương ấy (dòng Quang Thiệu), chính là Hồ Văn Điểu và là ông nội của Hồ Hữu Tường. Đó là những điều mà Hồ Hữu Tường thuật lại về dòng dõi của mình trong cuốn tự truyện Thằng Thuộc, con nhà nông và tiểu thuyết dã sử Kế thế.’’

Cũng như Vũ Hoàng Chương học cử nhân Toán tại Đại Học Hà Nội,  Hồ Hữu Tường học cao học Toán tại Đại Học Lyon. Họ Vũ có thơ đăng trên các tờ báo. Họ Hồ xuất thân là nhà báo rồi nhà văn.

– Báo chí :

1930 : chủ nhiệm tờ Tiền Quân.


1932 : chủ nhiệm tờ Tháng Mười.


1936 : chủ nhiệm Thường Trực Cách Mạng, Le Militant, Thầy Thợ.


1967 : biên tập viên các báo : Ánh sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Saigon Mới, Điện Tín.


– Biên khảo :


Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945).


Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945).


Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945).


Tương lai văn hóa Việt-nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).


Phong kiến là gì? (Minh Đức,1946).


Vấn đề dân tộc (Minh Đức,1946).


Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức,1946).


Lịch sử văn chương Việt-nam (quyển 1) (Lê Lợi, 1950).


Phép nói và viết hỏi ngã (1950).


Em học tiếng mẹ (1950).


Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951, Hòa Đồng, 1965).


Em tập đọc (1951).


Tương lai văn hóa Việt Nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).


Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965),


Luận lâm I (Huệ Minh, 1965),


Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại học Huế) (Huệ Minh, 1965).


– Văn học :


Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm có: Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966), Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966).


Hồn bướm mơ hoa (tiểu thuyết lịch sử xã hội, miền Hậu Giang) gồm 4 tập: Mai Thoại Dung, Tam nhơn đồng hành, Ông thầy Quảng, Bủa lưới người (Nam Cường, 1966).


Gái nước Nam làm gì? (tiểu thuyết tranh đấu chống Pháp) gồm Thu Hương và Chị Tập (Sống Chung, 1949).


Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).


Quả trứng thần (1952).


Kể chuyện (Huệ Minh, 1965),


Kế thế (tiểu thuyết dã sử) (Huệ Minh, 1964).


Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng, Phúc đức và Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964). Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh).


Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).


Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966).


Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968).


Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in)


41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984).


Họ Hổ, nhập thế thì làm báo, viết văn ; xuất thế thì ở tù. Giai thoại sau đây trên Wikipedia kể lại chuỗi ngày vào tù ra khám của một người lương thiện. ‘‘Khi bị giam ở phòng giam tập thể (trong nhà tù cộng sản), một người tù hỏi Hồ Hữu Tường: ‘‘Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không ? Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi: ‘‘Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?’’ Anh ta nhanh nhẩu trả lời: ‘‘Dễ quá mà! Tên bác là ” Hữu Tường” nên bác phải “hưởng tù” dài dài!’’. Hồ Hữu Tường cười buồn: ‘‘Có thể thằng nầy nói đúng!’’.


Ta đã nghe thơ họ Vũ thì nay sẽ xem văn họ Hồ, để biết nhân sinh quan của ông.


– Nhận định của Hồ Hữu Tường về chủ nghĩa cộng sản :


“Tôi bước vào mê ly đồ của chủ nghĩa Mác-Lê đầu tháng 6 năm 1930. Tôi bước chân ra ngoài cái mê ly đồ ấy vào đầu tháng 6 năm 1939. […] Trong 9 năm này, những bài luận của tôi viết thảy đều lập trên nền tảng của duy vật luận biện chứng pháp. Từ tháng 6 năm 1939 đến tháng 6 năm 1945, ngoài những bức thơ ngắn cho gia đình, tôi không có viết gì khác. Đến Hà Nội vào đầu tháng 6 năm 1945, tôi đã sắp dàn bài cho quyển Xã hội học nhập môn mà tôi viết xong khi khởi đầu tháng 11. Từ hai mươi năm nay, tôi chưa trước tác được tài liệu nào vững chắc và khoa học để đả kích chủ nghĩa của Marx, hơn tập sách nhỏ này. Cả phương pháp biện chứng và duy vật sử quan đều bị “lật vích”, nền tảng triết lý và cơ sở xã hội học của Marx đều bị lật ngược, thế mà kiểm duyệt Việt Minh đọc không hiểu nên chẳng bôi chữ nào. Từ ấy, phương pháp biện luận của tôi không còn là biện chứng pháp nữa. Trong năm năm nằm ở Côn Đảo, trong những ngày tàn của chế độ thực dân, tôi đã suy tư tìm thấy và thường nói với Nguyễn An Ninh rằng duy vật luận của Marx hóa ra siêu hình, chánh là do Marx đội cho nó cái lốt của biện chứng pháp […]. Năm năm tù dưới chế độ thực dân đã giúp cho tôi “cai” biện chứng pháp, cũng như người nghiện cai thuốc phiện. Và, rời bỏ tư duy siêu hình của biện chứng pháp, tôi trở về với tư thái khoa học […] Khoa học, bao giờ cũng cho phép ngoại suy để mở rộng phạm vi hữu hiệu của mình. Nhưng bao giờ những cuộc ngoại suy nầy phải phê phán cho chặt chẽ, kẻo bị lầm. Nói theo một danh từ mới xuất hiện, mà đã tràn lan khắp nơi, là cần phải “xét lại”. Thế mà, biện chứng pháp, tin tưởng như là một giáo điều, không cho tín đồ của chủ nghĩa Marx “xét lại”.” (Luận lâm I , Huệ Minh xuất bản năm 1965, tại Sài Gòn).


– Nhận thức luận của Hồ Hữu Tường :


– ‘‘Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thật to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin,… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt’’ (Tương lai Văn hóa Việt Nam, in lần thứ ba, Huệ Minh, Sài Gòn, 1965).


– ‘‘Văn, trong nghĩa cầu nguyên của nó, là đẹp đẽ, là hiền lành, trái với võ, là hung bạo. Hóa, trong nghĩa cầu nguyên của nó là thay đổi. Hai chữ đó mà ghép lại, thì tôi cho rằng đó là cái gì làm cho người ngày càng cao quý hơn, đẹp đẽ hơn, làm cho người (hạ tiện, xấu xa) hóa ra Người (cao quý, đẹp đẽ)’’.


– ‘‘Tôi vẫn muốn rèn, luyện, uốn, nắn, hun đúc tôi, cho tôi ngày nay đẹp đẽ hơn ngày hôm qua, cho tôi ngày mai càng đẹp hơn tôi ngày nay, để rồi bây giờ tôi là “người” dần dần theo đuổi Người’’ (sđd, trang 18)


– ‘‘Sứ mạng của bạn là sứ mạng sáng tác.’’ (trang48)


– ‘‘Lương tri sẽ là sản phẩm của người. Nó có nguồn gốc ở người. Nó là một vật nhân bản.’’ (trang 56)


– Phương pháp kể chuyện của Hồ Hữu Tường :


‘‘Đọc tiểu thuyết hay của các nước, tôi rất hiểu tiểu thuyết xây dựng thế nào, nhưng tôi không chịu viết tiểu thuyết, mà chỉ bám vào lối văn “kể chuyện”.


– ‘‘Tôi chỉ muốn “kể chuyện” cho hoang đường, cho hóm hỉnh, cho trào phúng, cho quê mùa, như những giáo sư văn chương của tôi mà thôi. Con nhà trâm anh thế phiệt, ông, bác, cha, anh, thảy đều khoa hoạn, thì viết văn điêu luyện như Nguyễn Du, việc ấy hợp lý, hợp tình. Con nhà nông như tôi, mà viết văn nông dân, việc ấy cũng hợp lý, hợp tình nữa.

Con vua thì đặng làm vua


Con sãi ở chùa thì quét lá đa


có cái văn tâm như thế, nên trong chín năm theo chủ nghĩa Mác-Lê, giáo điều của chủ nghĩa nầy dạy phải viết theo đường lối ‘‘tả chân xã hội’’ (réalisme socialiste), thà tôi nhịn viết văn, chớ tôi không chịu phản lại giai cấp tôi. […] Cái văn tâm như thế đem những văn tứ ‘‘cổ điển’’ lại, chuyện ‘‘ma’’, chuyện thần tiên, chuyện hoang đường, chuyện tiếu lâm châm biếm … ‘‘cổ điển’’ là cổ điển của thứ văn chương nông dân ta vào thế hệ của tôi.” (trích bài Tựa cuốn Kể chuyện, nxb Huệ Minh, Sài Gòn, 1965)


– Ngục tù : Văn hào Hồ Hữu Tường thọ 70 thì đã có đến 15 năm tù đầy : từ 1940-1944 : tù thực dân Pháp, từ 1955 đến 1964 : tù quốc gia vì tham gia Mặt Trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia, từ 1978 đến 1980 : tù cộng sản là khắc nghiệt nhất. Ngày 26/06/1980, chiếc xe chở ông từ nhà tù về đến trước cửa nhà thì ông tắt thở.




Thủ bút của Hồ Hữu Tường


Trong số các tác phẩm của Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tầu cảnh báo về đại họa cộng sản bắc phương, qua nhân vật thằng mỏ làng Phù Ninh. Họ Hồ viết như sau : ‘‘Ba đời liên tiếp, s­ư tổ của tôi là Bạch Hạc, sư phụ là Hoàng Hạc và tôi, đã dày công nghiên cứu sấm ký, nhất là sấm của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhờ vậy mà chúng tôi biết rằng chúng ta sắp đến một thời loạn to tát, chưa từng thấy trong lịch sử  Trung Hoa. Mà muốn cứu vãn tình thế, phải cần có Thánh Nhân, người xuất tại phương Nam, nghĩa là ở Việt Nam.’’


Còn trong truyện ‘‘Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp’’, Hồ Hữu Tường đã dùng con chuột nói lên cái Bi Trí Dũng, theo ý ông là chủ tể của luân lý : ‘‘Từ ấy, hỏi đứa trẻ nào, nó cũng biết “tí là con chuột”. Nhưng từ ấy nhẫn nay, loạn lạc vẫn kéo dài hoài; bởi loài người chưa giác ngộ, cứ lầm tưởng chuột ấy là thứ “chuột tham, sân, si” kia. Chừng nào, đứng đầu cho cuộc vận hành của vũ trụ là con Long Thử, con chuột học được, và hành được theo Bi, Trí, Dũng thì may ra, nguồn Thanh Bình mới khai được.’’


Nếu thơ của Vũ Hoàng Chương có gà và lợn, văn Hồ Hữu Tường có chuột và mèo. Ông viết như sau: ‘‘Có Bi mà không Trí, là vô bổ. Có Bi và Trí mà thiếu Dũng, là vô hiệu. Bi, Trí, Dũng là ba cái chân vạc, thiếu một chân ấy là vạc nghiêng đổ đi.’’


Đoạn văn này dường như là để nhắn nhủ Văn Tiến Dũng, tác giả cuốn ‘‘Đại Thắng Mùa Xuân’’. Trong sách Luận Ngữ (論語) viết rằng: ‘‘Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ’’ (知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼 (Tử Hãn 子罕) : Người trí không mê hoặc, người nhân không lo, người dũng không sợ.


‘‘Người có dũng không sợ’’. Vậy cớ sao tên là Dũng mà ông lại sợ Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường vốn không có một tấc sắt trong tay, đầy ải họ đến chết ?


Lê Đình Thông

Nguồn:  http://lediemchihue.com/

No comments:

Post a Comment