Sunday, January 15, 2023

 Thu Thập Tin Tức Tình Báo Tại Ia Drang

Thông thường trong một trận đánh, phía bên nào nắm tin tức tình báo cao tay hơn thì phía bên đó sẽ có nhiều cơ may thắng phía bên đối phương hơn. Nguyên tắc này nghiệm đúng trong trường hợp trận đánh Chu Prong-Ia Drang.

Sẽ có được một bức hình khái quát về công tác thu thập tin tức tình báo tại Ia Drang bằng cách gom góp lại các mảnh thông tin lẻ tẻ chứa đựng trong các tài liệu đầu tay sau đây:

1. Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin’s Press, New York, 1988.

2. We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

3. Plâyme-Iadrăng Nơi Đụng Đầu Quân Mỹ , Thượng Tướng Nguyễn Hữu An, Chiến Trường Mới - Hồi Ức, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002

4. Chiến Dịch Pleiku , 1st Air Cavalry Division Headquarters, General Harry Kinnard, Tháng 4 năm 1966.

5. Trận Pleime Theo Dõi Từ Ban 3/I Field Force Vietnam , Nhật Ký Ban 3, I Field Force Vietnam, Tháng 10 năm 1965.

6. Hành Quân Thần Phong7 Theo Dõi Từ Ban 3/I Field Force Vietnam , Nhật Ký Ban 3, I Field Force Vietnam, Tháng 11 năm 1965.

7. Tuyên Dương Một Trung Đoàn Trưởng Kiệt Xuất, General Norman Schwarzkopf, It Doesn't Take A Hero, Bantam, 1992.

8. Why Pleime, Tướng Vĩnh Lộc, Information Printing Office, Saigon, Tháng 9 năm 1966.

9. "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

Các Tin Tức Tình Báo Giá Trị Thu Thập Được

Ban 2/Quân Đoàn II mau chóng xác định được danh xưng và vai trò của các đơn vị Việt Cộng (Why Pleime, Coleman): cuộc tấn công tiên khởi trong giai đoạn I: Trung Đoàn 33 BV tại trại Pleime, Trung Đoàn 32 BV tại địa điểm phục kích; cuộc tấn công thứ hai trong giai đoạn II; Trung Đoàn 32, Trung Đoàn 33, Trung Đoàn 66, Tiểu Đoàn Chủ Lực H-15 (đơn vị địa phương), một tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly và 80 ly, một tiểu đoàn súng phòng không 14,5 ly. Tên tuổi của các sĩ quân chỉ huy cao cấp của Mặt Trận B3 cũng được biết rõ: Tướng Chu Huy Mân kiêm luôn chức Tư Lệnh Vùng IV Quân Sự, và các cộng sự viên chính Đại Tá Quan, Phụ Tá cho Tư Lệnh, và Thượng Tá Hà Vi Tùng, Tham Mưu Trưởng (Trong chiến tranh Đông Dương, Hà Vi Tùng là trung đoàn trưởng Trung Đoàn 803; trung đoàn này cùng với Trung Đoàn 108 hợp thành các chủ lực chính của Việt Minh trên vùng Cao Nguyên. Hai trung đoàn này đã có công trạng chiếm cứ Kontum và đánh bại Chiến Đoàn Đặc Nhiệm số 100 Pháp trên Quốc Lộ 19).

Ngay sau khi hai Trung Đoàn 32 và 33 rút lui khỏi địa điểm phục kích và vùng quanh trại Pleime, Ban2/Quân Đoàn II biết ngay là hai đơn vị này được Mặt Trận B3 ra lệnh trở lui về vùng tập trung nguyên thủy trước khi tấn công trong mật khu Chu Prong-Ia Drang (Why Pleime). Và tiếp sau đó, Ban 2/Quân Đoàn II còn biết rõ các vị trí của bản doanh hai trung đoàn cũng như bản doanh Mặt Trận B3 từng ngày một từ ngày 27 tháng 10 đến 13 tháng 11, ngày hôm trước cuộc đổ bộ của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ vào LZ X-Ray (Pleiku, Coleman):

ngày 27/10, Trung Đoàn 33 đến làng Kro; ngày 28/10, Trung Đoàn 32 tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang; ngày 29/10, Trung Đoàn 33 nhắm đi tới làng Anta tại YA940010, nằm tại chân rặng núi Chu Prong; ngày 1/11, bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta; ngày 2/11, khoảng 0400 giờ Ban Chỉ Huy trung đoàn 33 tới Đồi 732 (YA885106); ngày 05/11, Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ, Trung Đoàn 32 và Bộ Tư Lệnh B3, trong khi đó, án binh tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt; ngày 08/11 Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng; ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104), Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010), Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070).

Ngoài các di chuyển và vị trí của các đơn vị, Ban 2/Quân Đoàn II, trong nhiều trường hợp, cũng còn biết những gì đang xảy ra trong nội bộ các bản doanh trung đoàn và sư đoàn (Pleiku, Coleman):

- Ngày 1/11, ngay sau khi tới làng Anta, các cán bộ Trung Đoàn 33 mở một cuộc họp để tìm cách khám phá nguyên do nào khiến các lực lượng Mỹ liên tục pháo tập chính xác. Họ đi đến kết luận là phải có gián điệp nằm trong hàng ngũ mới có thể cung cấp vị trí và di chuyển của các đơn vi thuộc trung đoàn.

- Ngày 2/11, Bộ Tư Lệnh B3 nhận được tin Trung đoàn 66 bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang.

- Ngày 4/11, Trung Đoàn 33 được lệnh ra khỏi căn cứ tại Đồi 732 là nơi ra vào bất tiện, và đi tới các sườn núi phía tây của Chu Prong gần YA922010 với các tiểu đoàn của trung đoàn khi những tiểu đoàn này tập trung xong thì di chuyển vị trí tời Đồi 732 xuống tới làng Anta (940010) cho tới mạn bắc bờ sông Ia Meur (980000);

- Ngày 08/11 Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng và bắt đầu đếm đầu người. Nhiều binh sĩ khiếm diện. Trung đoàn ghi nhận các con số tổn thất sau đây:

Đơn Vị *Quân Sộ Trước PleimePhần Trăm hay Con Số tổn Thất
Tiểu Đoàn 150033% chết
Tiểu Đoàn 250050% chết
Tiểu Đoàn 350033% chết
Đại Đội Bích Kích Pháo Trung Đoàn12050% chết
Đại Đội Súng Phòng Không Trung Đoàn15060% chết
Đại Đội Truyền Tin Trung Đoàn1204 chết-16 mất tích
Đại Đội Vận Tải Trung Đoàn15050% chết
Đại Đội Quân Y Trung Đoàn4080% chết hay mất tích
Đại Đội Công Binh Trung Đoàn6015 chết hay mất tích
Đại Đội Trinh Sát Trung Đoàn509 chết

Tổng cộng, đếm đầu người cho thấy 890 người của con số nguyên thủy 2200 bị giết, với hơn 100 mất tich và nhiều binh sĩ hứng chịu những vết thương hủy hoại thân thể. Các quân trang mất mát cũng nặng đối với đại đội súng phòng không trung đoàn mất 13 trong số 18 súng và đại đội bích kích pháo trung đoàn mất 5 trong số 9 ống súng. Thêm 6 ống súng bích kích pháo bị mất bởi các tiểu đoàn, cùng với hầu hết các súng không giựt. Đạn dược, thực phẩm và thuốc men mất đi cũng bộn.

Tại bản doanh Mặt Trận Dã Chiến phía bắc Ia Drang, ngày hôm nay là ngày kiểm điểm phân tích. Đính kèm số 15 mô tả bức ảnh tình báo trình cho các cấp chỉ huy ngày 9 tháng 11.

- Ngày 11/11, Bộ Tư Lệnh trù tính tấn công trại Pleime lần thứ hai vào ngày 16/11.

- Ngày 12/11, các đơn vị tiếp tục chuẩn bị và tập dượt cho cuộc tấn công dự tính trại Pleime.

- Ngày 13/11, các lực lượng bắt đầu tụ tập trong vùng Chu Prong-Ia Drang để chuẩn bị di chuyển tới Pleime và tấn công dự tính ngày 16/11, một vài đơn vị trinh sát và vận chuyển đã lên đường.

Một mẩu tình báo giá trị khác thu thập tiếp sau biến cố Lữ Đoàn 1 Không Kỵ khám phá bệnh xá của Trung Đoàn 33 ngày 1 tháng 11, là một bản đồ ghi rõ các địa điểm tiếp liệu và các lộ trình chuyển quân (Why Pleime, Pleiku, Coleman):

Chiếm đoạt được một trạm cứu thương là một khám phá lớn cho Sư Đoàn Không Kỵ và cung cấp các tài liệu, đặc biệt một bản đồ vô giá ghi rõ các đường tiếp liệu và tiến quân.

Với ngần ấy thông tin tình báo chính xác, Quân Đoàn II hiểu rõ Mặt Trận B3 hơn là ngược lại (Coleman):

Việc khám phá kho tài liệu tình báo khiến Cộng Quân bị đặt vào một vị trí duy nhất trong Cuộc Chiến Việt Nam. Họ biết ít về đối phương hơn là đối phương biết về họ.

Các Phương Pháp Thu Thập Tin Tức Tình Báo

Thể theo phương thức làm việc đã được đồng ý giữa Quân Đoàn II và Sư Đoàn 1 Không Kỵ, hai bộ tư lệnh chia sẻ tin tức tình báo (Why Pleime). Các sĩ quan Ban 2 Tình Báo thuộc các đơn vị khác nhau làm việc chặt chẽ với nhau (Coleman): LTC Bobby Lang, 1st Air Cavalry Division Forward CP; Major William P. Boyle, II Corps G2 Advisor; Major Wilmer Hall, 1st Air Cavalry Brigade; Captain John Prichard, assistant G2 3rd Air Cavalry Brigade; Đại Tá Nguyễn Văn Phước (Vùng Chiến Thuật 24 Đặc Biệt), Trung Tá Ngô Tấn Nghĩa và Đại Úy Lương (đội toán Khảo Cung Tù Binh), Ban 2/Quân Đoàn II.

Phần đóng góp về phía Sư Đoàn 1 Không Kỵ là các báo cáo rađa và hồng ngoại tuyến từ các thám thính máy bay và các tiểu đội truy cấp mục tiêu và Đơn Vị Lùng Kiếm Rađiô (Pleiku, Coleman):

h. Phát giác và hủy diệt mục tiêu. Các cuộc hành quân của sư đoàn trong vùng Pleiku cải tiến một kỹ thuật được thử nghiệm trước nhằm phát giác và phản ứng lại đối với các mục tiêu cơ may địch quân. Các Trung Tâm Hành Quân Chiến Thuật Sư Đoàn tiếp nhận trực tiếp các báo cáo của hệ thống ra đa và hồng ngoại tuyến từ các không thám và trung đội thủ đắc mục tiêu (OV-1 Mohawk) và các nguồn Không Lực HK, cộng thêm các báo cáo từ Đơn Vị Ra Điô Lùng Kiếm.

Phần đóng góp về phía Quân Đoàn II gồm các cuộc khảo cung các tù binh và hàng binh, các báo cáo của các toán thám thính Eagle Flight người Thượng và của các toán Biệt Cách Dù được thả vào lòng địch, và các báo cáo kiểm thính điện đài:

- Khảo Cung các Tù Binh và Hàng Binh: Có khoảng 150 tù binh và hàng binh bị bắt trong chiến dịch Pleime (Coleman); tất cả các tù binh và hàng binh được giải giao đến Trung Tâm Khảo Cung Tù Binh đặt tại bản doanh Quân Đoàn II; các tin tức tình báo do các tù binh và hàng binh đóng góp rất nhiều vào hiểu biết rõ ràng về tình hình địch, Đại Tá nhấn mạnh về điểm này khi liệt kê 24 báo cáo khảo cung trong số 32 nguồn tham khảo khi soạn thảo "Why Pleime"; các tù binh xác nhận là cuộc tấn công thứ hai trại Pleime dự tính vào ngày 16 tháng 11 sẽ là một cuộc tấn chiếm dứt khoát trại (Why Pleime).

- Các toán trinh sát Eagle Flight Người Thượng: Các Eagle Flights DSCĐ được tăng phái cho 1/9th Cavalry Squadron để trưng dụng làm các đội toán trinh sát và hướng đạo từ ngày 1 đến 15 tháng 11 (Pleiku):

Thiết Đoàn B 2/9 trở về lại dưới quyền điều khiển của thiết đoàn lúc 1230 giờ và thiết đoàn (-) bắt đầu các cuộc hành quân lùng kiếm trong vùng của Tiểu Khu quận Lệ Thanh (ZA246245) với sự tăng phái của một đội toán LLĐB DSCĐ "Eagle Flight". Đội toán này, tuy mang vẻ một đơn vị không vận, trên thực tế là một nhóm người thượng trinh sát trên bộ gồm sáu tiểu đội với 5 tiền sát viên.

- Biệt Cách Dù VN: thoạt tiên Quân Đoàn II xử dụng 1 Đại Đội Biệt Cách Dù để thu thập thông tin về thế trải quân của địch quanh trại Pleime; hành động này đưa tới việc đoán ý định của địch quân là ngăn cấm hành quân tiếp cứu bằng trực thăng (Why Pleime); tình báo Việt Cộng khám phá là các cuộc tấn kích bằng trực thăng của Sư Đoàn 1 Không Kỵ phần đông là được Biệt Cách Dù hướng đạo (Why Pleime):

Đợt 2: xử dụng những đơn vị tăng phái nhỏ và phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy để thực hiện những cuộc tấn kích vào hậu cứ của ta (28 tháng 10 đến 11 tháng 11 năm 1965).

Đổ bộ thẳng bằng "nhảy cóc" vào hậu cần của ta bằng trực thăng (28 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm 1965). Các lực lượng xử dụng: từ một tiểu đoàn đến một đại đội của lính Mỹ hay hai đại đội của lính Mỹ phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy.

Trước khi đổ bộ. Thám sát các bãi đổ bộ bằng nhiều phi vụ thám sát hay bằng các toán nhỏ Biệt Cách Dù ngụy.

Biệt Các Dù ngụy hay các đơn vị thám sát Mỹ luôn đổ bộ trước để giữ an ninh bãi đổ bộ trước khi bộ binh, đơn vị yểm trợ và sở chỉ huy đổ bộ.

Sau khi đổ bộ quân. Biệt Cách Dù ngụy thường tiến xa tuần tiễu.

Biệt Cách Dù thường hành quân ẩn tàng sâu trong lòng địch (Nhật Ký Ban 3/IFFV) :

- 10:35G: Quân Đoàn II (Sgt Minney)(mật mã) Yêu cầu cho biết các vị trí của Toán Delta và vùng không phi pháo dành cho họ.

- 11:00G: Quân Đoàn II (Capt Ushijima) Về thư tín mật mã (liên quan đến vị trí của Toán Delta). Quân Đoàn II không biết gì về vị trí của họ.

Biệt Cách Dù là tai mắt của Trung Tá Ngô Quang Trưởng, Lữ Đoàn Trưởng Dù (Schwarzkopf); họ điểm chỉ các vị trí địch quân để ông có thể gọi pháo tập lên đầu địch quân và báo cáo ông biết là Tiểu Đoàn 5 Dù bị một tiểu đoàn địch quân ngấm ngầm bén gót khi đơn vị này vừa nhẩy vào vùng hành quân (Why Pleime).

- Các Báo Cáo Kiểm Thính Điện Đài: trong số các điện tín truyền tin của địch quân đài kiểm thính nghe ngóng được là một số điện tín bằng tiếng Quan Thoại; chính là một điện tín như vậy được Ban 2/Quân Đoàn chuyển đạt cho Trung Tá Hal Moore đã giúp ông ấn định được vị trí của địch quân tại rặng núi Chu Prong, trước khi ông dẫn đưa toán quân nhảy vào LZ X-Ray (Moore):

Matt Dilon vừa uống tách cà phê, vừa trao cho một mẩu thông tin mà đội toán kiểm thính điện đài tăng phái cho bản doanh chúng tôi bắt được. Dillon nói: “Họ bắt được điện tín bằng tiếng Quan Thoại, hình như là một báo cáo tình hình, từ một vị trí đâu đó trên đường thẳng từ trại Pleime trực tiếp đi ngang qua một bãi quang của núi Chu Prong. Viên trung úy tình báo có một bản đồ với lằn vạch ghi trên đó. Anh ta nói là đài rađiô phát sóng đi đâu đó trên lằn vạch này.”

Điện tín bằng tiếng Quan Thoại vì có sự hiện diện của các Cố Vấn Tàu trong hàng ngũ quân lính Việt Cộng. Ban 2/Quân Đoàn II được các tù binh cho biết mỗi Trung Đoàn 32, 33, 66 có một Cố Vấn Tàu (Why Pleime); Coleman nói là một bác sĩ giải phẫu bắt được tại bệnh xá trung đoàn coi bộ là người Tàu:

Cũng có ban y tế Bắc Quân bị bắt, kể cả một người to lớn hơn bình thường mà Oliver vẫn tin là một bác sĩ giải phẫu Tàu.

Phân bộ Chiến Tranh Tâm Lý khai thác sự hiện diện của Cố Vấn Tàu để lôi cuốn quân lính Việt Cộng đào ngũ:

Toàn bộ thông tin tình báo về các di chuyển, vị trí, truyền tin, báo cáo, phân tích của các bản doanh trung đoàn và sư đoàn từng ngày một nêu trên được thu thập qua các nghe ngóng của đài kiểm thính. Đó là các điện tín mà các Cố Vấn Tàu ở cấp trung đoàn chuyển đạt lên các Cố Vấn Tàu ở cấp sư đoàn và ngược lại. Họ không ngờ họ lại chính là “các gián điệp nội tuyến’ mà các cán bộ địch tìm cách phanh phui ra ! Các Cố Vấn Tàu lơ là hơn là các cán bộ Việt Cộng trong khi liên lạc nhau qua làn sóng điện đài, vì họ cũng như các cán bộ Việt Cộng đều không nghi ngờ là Ban 2/quân Đoàn II có kiểm thính viên nghe hiểu tiếng Quan Thoại. Họ không hay biết là Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, sinh ra tại Thiên Tân bên Tàu và chỉ hồi hương về Việt Nam vào tuổi 20!

Coleman nói tới “điệp viên” như là một trong các nguồn tình báo. Ban 2/Quân Đoàn II khó mà có thể gài điệp viên vào hàng ngũ địch quân. Chẳng qua các điệp viên này chính là các “gián điệp” Tàu không chủ tâm.

Ban 2/Quân Đoàn II thẩm định là Việt Cộng có lấy một hệ thống truyền tin đầy đủ cho phép họ có thể ứng dụng chiến thuật phục kích vận động chiến tại Pleime (Why Pleime):

4) Họ có thể áp dụng những chiến thuật này vì các phương tiện truyền tin hiện có trong tầm tay.

Tuy nhiên, thông tin liên lạc chỉ tốt ở cấp trung đoàn và sư đoàn. Ở cấp dưới, các cán bộ, đặc biệt là khi sung trận, vẫn phải nhờ vả đến nhân sự đưa tin bằng chân. Tướng Nguyễn Hữu An viết về cuộc phản công ngày 14 tháng 11 tại LZ X-Ray (Hữu-An):

Mãi tới chiều hôm ấy tôi mới gặp cán bộ chi huy trung đoàn 66 - anh Lã Ngọc Châu chính ủy trung đoàn. Châu cho biết đội hình trung đoàn bị địch chia cắt chưa liên lạc được, anh chỉ nắm được tiểu đoàn 7 và tình hình địch ở gần tiểu đoàn 7.

Nắm được tình hình địch, tình hình ta qua chính ủy Châu và báo cáo của trinh sát, chúng tôi biết bọn địch đứng sát tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn 1 (thiếu) thuộc lữ 3 kỵ binh bay. Tôi và anh Đặng Vũ Hiệp chính ủy sở chỉ huy tiền phương hội ý chớp nhoáng quyết định dùng tiểu đoàn 7 cơ động nhanh đánh vào tiểu đoàn 1 Mỹ.

Nghe tôi phổ biến nhiệm vụ xong, Châu báo cáo:

- Thời gian như vậy gấp quá, vị trí địch tôi sẽ tổ chức nắm nhưng làm sao kịp phổ biến kế hoạch cho anh em để có thể đánh trong đêm.

Tôi nói:

- Khi hành quân tiến vào vị trí tập kết, anh gọi cán bộ đại đội đi gần anh, vừa đi anh vừa phổ biến nhiệm vụ, cách đánh cho cán bộ đại đội và tiểu đoàn, vào tới chỗ tập kết để bộ đội tập kết phía sau còn tất cả cán bộ đại đội, tiểu đoàn đi trinh sát và hiệp đồng ở thực địa. Địch vừa đi đổ xuống còn chân ướt chân ráo ta đánh ngay sẽ giành được yếu tố bất ngờ.

(…)

Sở chỉ huy cơ bản của B3 vẫn liên lạc chặt chẽ với sở chỉ huy tiền phương bằng vô tuyến điện. Biết chúng tôi đã nắm được cả hai trung đoàn 66 và 33 các anh yên tâm, luôn động viên cổ vũ nhắc nhở ý nghĩa quan trọng của trận đánh và phải kiên quyết đánh thắng..

Trong cuốn Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 172, Đại Tá Hiếu ghi nhận hệ thống liên lạc điện thoại và điện tín giữa các cố vận Trung Cộng tại Nam Vang và Hànội:

Các hành lang thiên nhiên mà Tướng Delange đã bao lần nhắc nhở đến vào năm 1951 sẽ không hiệu nghiệm nếu không có xứ chùa Tháp, nếu không có gạo Biển Hồ, nếu không có sự che đậy giả tạo của các cố vấn Trung Cộng được ở đầy đủ tiện nghi quanh thành phố Nam Vang, nếu không có liên lạc hoàn bị điện thoại, điện tín mật thiết giữa Nam Vang và Hà Nội.

- Một nguồn tình báo nữa là các tài liệu tịch thu được, đặc biệt tại bệnh xá trung đoàn (Coleman):

Stockton cũng quyết định di tản lập tức hai bao tải đầy tài liệu. Oliver cho đây là một giấc mơ của Ban 2 đã hiện thực hóa.”

Trong đống tài liệu này, có một bản đồ vô giá ghi rõ các địa điểm kho tiếp liệu và các đường đạo di chuyển quân (Why Pleime, Pleiku, Coleman):

Đó là một bản đồ còn nguyên vẹn phác họa các đường mòn xâm nhập chính dẫn đưa từ Căm Bốt qua Thung Lũng Ia Drăng vào rặng núi Chu Prong và, từ đóm các vị trí tấn công Pleime. Ngoài chỉ cho thấy các trục lộ chính hai Trung Đoàn 32 và 33 xử dụng, nó còn điềm chỉ nhiều vị trí các đơn vị quan trọng và các dữ kiến quí giá khác.

Chắc chắn là bản đồ này đã giúp Ban 2/Quân Đoàn II cung cấp cho Trung Tá Ngô Quang Trưởng, Lữ Đoàn Trưởng Dù, biết cần thiết lập địa điểm phục kích chỗ nào để dí đánh Tiểu Đoàn 635 BV trên đường tháo lui qua một hành lang dẫn sang Căm Bốt (Schwarzkopf).

- Sau hết là các sổ nhật ký của các bộ đội cũng là các nguồn tình báo cho thấy tâm trạng của các cán binh (Why Pleime). Đại Tá Hiếu trích dẫn dài dòng sổ nhật ký của Vương Luyện, một trung đội phó: :

Những trang sau đây là những đoạn trích dịch từ một cuốn nhật ký của Vương Luyện, một trung đội phó thuộc trung đoàn 32 Bắc Việt. Luyện cũng là một thành viên của Đảng Cộng Sản và bắt đầu viết nhật ký từ tháng 8 năm 1964, khi đơn vị của anh ta bắt đầu rời Bắc Việt để xâm nhập vào Nam Việt Nam.

Cuốn nhật ký này chỉ là một trong vô số cuốn nhật ký mà các Lực Lượng QLVNCH và Mỹ tịch thâu được trong các trận đánh lớn tại Pleime, Chu Prông và Ia Drang.

Những trang này được tuyển chọn vì tác giả viết đều đặn và với nhiều chi tiết hơn những người khác, đặc biệt là về trận phục kích trên Liên Tỉnh Lộ số 5 từ Pleiku tới Pleime. Chúng bao gồm thời gian từ ngày 16 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm 1965, việc chuẩn bị phục kích, sự thất bại của Việt Cộng và cuộc rút lui thảm bại về rặng núi Chu Prông.

Kết Luận

Tôi hy vọng là công việc khảo sát tình báo tại Ia Drang này đem lại kết quả là phá đổ thành kiến cho là Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ nhảy vào LZ X-Ray trong khi chỉ có tin tức tình báo mơ hồ (Cochran):

Lựa chọn tiến sâu vào Chu Prong, từng là một mật khu của địch gần biên giới Căm Bốt mà QLVNCH chưa khi nào bén mảng tới, không là của tôi. Có thể là ý kiến của Tướng Knowles hay lữ đoàn trưởng. Chúng tôi không ngó ngàng tới vùng này. Không phải là tin tình báo dẫn đưa chúng tôi vào đó. Ngược lại chính là vì không có tin tình báo, và đây coi bộ là địa điểm hợp lý.

Thật là lạ lùng và không hiểu nổi Tướng Kinnard lại có thể thốt ra lời lẽ như vậy trong khi ông là người ký tên vào bản tường trình Chiến Dịch Pleiku, trong đó có ghi đầy đủ tất cả các báo cáo tình báo nhật tu cho thấy rõ các di chuyển và vị trí của các bản doanh trung đoàn và sư đoàn Việt Cộng từng ngày một. Chỉ có thể giải thích sự đối chọi này bằng cách nêu lên sự kiện Đại Úy Coleman, chứ không phải Tướng Kinnard, là tác giả bản phúc trình, và Tướng Kinnard đã không đọc kỹ nội dung bản tường trình trước và sau khi ký tên; vả lại Tướng Knowles, Tư Lệnh Phó, chứ không phải Tướng Kinnard, nắm quyền chỉ huy chiến dịch Pleiku, và dưới quyền điều khiển của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II QLVNCH. Nhờ biết rất rõ khi nào và tại chỗ nào ba Trung Đoàn 32, 33 66 hội tụ đông đủ để chuẩn bị tấp dượt cho cuộc tấn công lần thứ hai vào trại Pleime, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II thực hiện được khái niệm hành quân tiêu diệt địch quân bằng bom B52 trải thảm từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 11 năm 1965 khắp mật khu Chu Prong-Ia Drang.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 10 tháng 08 năm 2011

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu

No comments:

Post a Comment