Tuesday, July 25, 2017

ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT GÓP Ý HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN:

Phải phát hiện và bảo vệ hiền tài!

 TỐNG VĂN CÔNG   
 Chia sẻ
Đồng chí Võ Văn Kiệt thăm Báo Lao Động năm 1991. Ảnh: Tư liệu
Năm 1982, khi nghe lanh đạo LĐLĐ TPHCM báo cáo việc chuẩn bị Đại hội Công đoàn, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đề nghị cho các cán bộ viết báo cáo chính trị đại hội đến ngồi tại văn phòng của ông, để lúc rảnh ông tranh thủ góp ý ngay những công việc quan trọng mà Công đoàn (CĐ) phải tập trung thực hiện.
>> Có nhân tài là có tất cả
>> Đạo trọng người của Hồ Chí Minh
>> Nhân tài không được trọng dụng là một sự lãng phí lớn
>> Nhân tài nước ta trong thời đại này

Đồng chí Đinh Khắc Cần, phó Chánh văn phòng phụ trách văn thư tổng hợp và tôi lúc đó là Tổng Biên tập (TBT) báo Công nhân Giải phóng được giao chấp bút báo cáo chính trị đại hội. Chúng tôi đến văn phòng Bí thư Thành ủy từ 7 giờ 30, làm việc đến 21 giờ. Lúc này, Bí thư Võ Văn Kiệt có 3 người giúp việc là nhà báo Thép Mới - Phó TBT báo Nhân Dân, anh Ba Huấn (sau này là phó Chủ tịch UBND TPHCM) và anh Ba Hương (sau này là Chủ nhiệm UB KH XH TPHCM). Để giúp chúng tôi biết tính cách của Bí thư Thành ủy, các anh kể: "Anh Sáu rất thích được nghe ý kiến nói trái lại mình. Nếu hai anh chỉ nghe một cách thụ động, ghi ghi chép chép thì anh ấy không thích đâu".

Chúng tôi làm việc hai hôm, anh Sáu (mọi người đều gọi “anh Sáu”) mới rảnh rỗi, hỏi chuyện. Chúng tôi trình bày: "Tư tưởng chủ đạo của báo cáo, bố cục chung và nội dung từng phần, nhận xét ưu và khuyết điểm thời gian qua, cuối cùng là chương trình công tác của khóa sau…". Nghe xong, anh Sáu nói: Lâu nay, CĐ quan tâm nhiều đến việc chỉ đạo chăm lo đối với số đông là CNLĐ, những người lao động chân tay. Điều đó rất đúng. Nhưng trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước, vai trò của lao động trí óc hết sức quan trọng. Chúng ta lại có một tình hình đặc biệt là số đông chuyên gia giỏi được đào tạo ở Âu, Mỹ, rất đáng quý, nhưng vì nhiều lý do anh chị em này chưa yên tâm làm việc. 

Tình trạng chảy máu chất xám qua các vụ vượt biên gây thiệt hại không gì bù đắp được. Như mọi người, trí thức cũng cần có thu nhập thỏa đáng so với công sức bỏ ra và hiệu quả đạt được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với trí thức là phải được tôn trọng, được tự do suy nghĩ, sáng tạo, không bị phân biệt đối xử về nguồn đào tạo, về người của chế độ cũ, người ở trong Đảng hay ở ngoài…". Anh Sáu kể chuyện mời tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh - nguyên Phó thủ tướng chế độ cũ tham gia Ban nghiên cứu kinh tế (năm 1987 ông Oánh đắc cử đại biểu Quốc hội khóa 8). Anh Sáu cho biết, rất nhiều lần anh đã cử cán bộ đến các trại giam xin được bảo lãnh những trí thức vượt biên bị bắt và xin giảm thời gian cải tạo đối với các chuyên gia khoa học kỹ thuật. 

Cách đó không lâu, anh đã cử Tổng thư ký Hội trí thức yêu nước Huỳnh Kim Báu ra trại giam Bình Thuận bảo lãnh kỹ sư Dương Tấn Tước vượt biên bị bắt giam. Anh trực tiếp gặp động viên an ủi và bố trí công tác kỹ sư Tước vào ngành dệt. Anh mong rằng, CĐ trong chương trình công tác của mình quan tâm nhiều hơn đến lao động trí óc, không chỉ là những kỹ sư ở khu vực nhà máy, xí nghiệp mà ở tất cả mọi ngành. Anh nhấn mạnh: “CĐ phải có trách nhiệm phát hiện và bảo vệ hiền tài cho thành phố và đất nước, bất kể họ xuất thân từ nguồn nào. Nhưng đối tượng cần đặc biệt quan tâm chăm sóc lúc này là trí thức chế độ cũ còn ở lại”.

Sau hôm đó, anh Sáu còn nhiều lần ngồi nghe chúng tôi đọc những đoạn vừa viết xong và thẳng thắn góp ý sửa chữa hoặc viết thêm. Những chỗ sáo mòn như “tích cực đẩy mạnh” anh Sáu cười, bảo "Bỏ đi, đừng tiếc”. Cuối giờ làm việc tối, anh cùng mọi người ăn nhẹ trước khi ra về. Một tối, anh nói đùa: “Cậu Công cáng đáng nhiều nhiệm vụ quá, vừa phó ban Pháp chế HĐND, vừa TBT báo Công nhân Giải phóng lại kiêm phó TBT báo Lao Động. Do đó, mình nhờ cậu cáng đáng giúp mình nửa bát phở này, vì mình chỉ có một nhiệm vụ nên không kham nổi!” Hóa ra, trước khi chúng tôi được cử đến, anh Sáu đã hỏi anh Năm Hộ và Mai Văn Bảy về từng người để cư xử thích hợp.

Chúng tôi báo cáo với Ban Thường vụ LĐLĐ về ý kiến chỉ đạo của Bí thư Võ Văn Kiệt. Văn kiện Đại hội Công đoàn khóa ấy đã đặt việc chăm sóc thích đáng lao động trí óc và xây dựng chương trình hành động cụ thể. Nhiều trí thức ở các ngành được CĐ nêu gương như: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chồng yêu cầu phải sang Pháp để sum họp, nhưng chị quyết định ở lại (nay là AHLĐ; Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội; Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam / Dioxin Việt Nam); Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, trung úy chế độ cũ, sau khi đi học tập cải tạo về, đã được nhận công tác ngay vào bệnh viện (Nay là AHLĐ; Chủ tịch Hội Ung thư VN). Các giáo sư Ngô Gia Hy, Phạm Biểu Tâm tham gia giảng dạy Đại học Y dược. Nhiều kỹ sư chế độ cũ như Tôn Thất Đền góp sức phục hồi sản xuất.

Tổ chức CĐ và báo chí theo dõi sát sao, tích cực ủng hộ các hoạt động của Cholimex ở quận 5 do anh Phan Chánh Dưỡng, một cán bộ giáo dục chế độ cũ, xây dựng tập hợp nhiều trí thức chế độ cũ nổi tiếng như: chuyên gia ngân hàng Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng, TS Phan Tường Vân cố vấn thủ tướng chế độ cũ, TS Nguyễn Ngọc Hồ, luật sư Nguyễn Ngọc Bích… Anh em này họp nhau ngày thứ sáu, nghiên cứu và góp ý những bất cập của các chính sách vừa ban hành, dưới sự bảo trợ của Bí thư quận 5 Võ Trần Chí và Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt. Anh Sáu thường gặp chung nhóm Thứ Sáu và gặp riêng từng người, khuyến khích anh em thẳng thắn phản biện mọi chủ trương, chính sách.

Anh Phan Chánh Dưỡng có sáng kiến đề xuất việc liên doanh thành lập KCX Tân Thuận đầu tiên của cả nước, sau đó là khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng sớm nhất nước. Các anh Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn đã giúp Thủ tướng Võ Văn Kiệt xây dựng Sắc lệnh Ngân hàng, chiếc chìa khóa đổi mới tài chính, ngân hàng cho nền kinh tế thị trường đang phôi thai. Sau khi tôi làm TBT báo Lao Động, được sự giúp đỡ của nhà báo Trần Trọng Thức - Trưởng ban kinh tế, đã đưa anh em nhóm Thứ Sáu về sinh hoạt hàng tuần tại tòa soạn báo Lao Động cho đến khi tôi nghỉ hưu. Nguồn trí tuệ của nhóm Thứ Sáu đã giúp tờ báo có chất lượng cao, góp phần xây dựng chính sách thích hợp cho đổi mới. 

Thời gian này có một chuyện đáng nhớ: TS Phan Tường Vân lúc mới ra trại học tập cải tạo đã được giao làm giám đốc xí nghiệp đời sống. Anh là nhà lý thuyết chứ đâu biết đối phó với tình trạng mánh mung buổi ấy, nên đã bị lừa mất hết vốn liếng. Tòa kết án anh 8 năm tù giam về tội “làm thất thoát tài sản XHCN”. Nhóm Thứ Sáu và báo Lao Động báo cáo việc này lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng lập tức có công văn đề nghị điều tra lại để xét xử đúng người đúng tội. Nhờ đó, TS Phan Tường Vân thoát khỏi tù oan, tiếp tục viết báo, viết sách hướng dẫn những việc cần làm để hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường non trẻ.

Anh Đinh Khắc Cần tham gia ban lãnh đạo CĐ thành phố nhiều khóa, đã luôn luôn chú trọng việc chăm sóc lao động trí óc. Đồng chí Mai Văn Bảy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện ý kiến anh Sáu “Phát hiện và bảo vệ hiền tài”, năm nay đã tròn 80 tuổi, vẫn còn tiếp tục nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Phát hiện và Bồi dưỡng nhân tài của TPHCM bởi lòng trân trọng tư tưởng ấy.

No comments:

Post a Comment