Friday, May 12, 2023

 Giáo Phận Ban Mê Thuột

Giáo Xứ Thổ Hoàng

Hành Trình Quê Hương

Cách xa tỉnh Quảng Đức 60 km về hướng đông bắc, dọc theo quốc lộ 14 là quận Đức Lập, nay là huyện Dakmil. Vào ngày 19/03/1957, Linh mục JB Nguyễn Quang Diệu đã đem người Xã Đoài, Mỹ Yên, Xuân Phong, Nhân Hòa, Trang Nứa Hưng Yên ở Phan Thiết, Lagi Hàm Tân và nhiều nơi khác lên lập trại Đức Minh

                            


Hành Trình Quê Hương

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, là giai đoạn di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam. Là những người nông dân, gắn liền với đồng ruộng, ở nơi đây họ có mồ mả của ông bà tổ tiên, có biết bao kỷ niệm của một thời niên thiếu, vậy mà họ đã bỏ đồng đất quê hương, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi tới một nơi xa lạ, quả là một điều hết sức tưởng tượng. Miền Nam như có một sức cuốn hút kỳ lạ, như đang thôi thúc làm cho những người nông dân chân đất phải xốn xang lòng dạ. Họ đã rời bỏ quê hương ra đi với một tính hiếu kỳ và niềm tin mãnh liệt. Cùng với phong trào Di cư, năm 1955 có khoảng 100 gia đình người Thổ Hoàng lên đường di cư vào nam.

Trên con đương di cư vào Nam, những người di dân Thổ Hoàng đã từng ghé chân vào Quảng Trị, Mỹ Thị, chợ Cồn Đà Nẵng…Sau đó chuyển vào khu vực Bình Đông, Xuân Trường Thủ Đức. Tháng 10/1955 Linh mục Nguyễn Viết Khai, Đoàn Duy Bông và Nguyễn Văn Kiều đem số người ở trại Bình Đông Chợ Lớn, Xuân Trường Thủ Đức đi Bình Giả thành lập ba trại Vinh Hà, Vinh Châu và Vinh Trung (LS. GP Vinh. Cao Vĩnh Phan tr. 482). Người Thổ Hoàng định cư tại làng 1, giáo xứ Vinh Hà, có tất cả 107 hộ. Vào thời điểm này, Bình Giả vẫn còn là rừng rậm hoang vu, vào những năm sau, nơi đây đã xảy ra những trận đánh lớn trong lịch sử. Tại vùng đất mới của tỉnh Phước Tuy, những người nông dân vừa rời bỏ làng mạc ra đi đang sống những ngày tháng đầu tiên tại đất khách. Khi ấy, họ còn mang một tâm tình đơn sơ chất phác, cuộc sống gắn liền với tinh thần đạo hạnh và luôn ý thức việc phát huy, gìn giữ truyền thống của ông cha. Tại miền Nam, họ có điều kiện hơn để cho con cái có cơ hội học tập, một số vào trường dòng, chủng viện. Cho tới các giai đoạn sau này, khi nhìn lại chúng ta thầm cảm ơn Giáo hội vì ngoài con số các linh mục, tu sỹ thì những con người xuất thân từ môi trường tu trì thường trở thành những con người hữu dụng cho quê hương và giáo hội. Quả thật, Giáo hội đã tạo điều kiện cho chúng ta vươn vai cất cánh, giả sử như nếu để tự lực cánh sinh thì những nông dân nghèo như ông cha chúng ta làm sao có cơ hội cho con cái ăn học. Truyền thống của người Thổ Hoàng là tinh thần hiếu học, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các bậc cha mẹ vẫn luôn hy sinh cho con cái ăn học, điều này đã đi theo họ suốt các chặng hành trình.

Năm 1958, làng Bình Giả lại một lần dao động, cuộc sống mới đang dần ổn định nhưng một số gia đình lại phải di chuyển về một phương trời khác. Nhà nước đương thời di chuyển họ theo dọc quốc lộ 14, hướng về Cao nguyên, điểm dừng chân tại Sùng Đức, quận Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức. Đây là vùng đồi núi cheo leo, trồng các loại cây công nghiệp như cao su, đay, gai, là nơi chính quyền đang xây dựng các vùng Địa điểm, Dinh điền… Trong hơn hai năm cư ngụ tại đây, lòng người vẫn luôn mang nặng nỗi lo âu, không biết khi nào dân mình mới an cư lạc nghiệp?.. Cuộc sống ở đây, khác xa hẳn với đời sống nông nghiệp truyền thống, hàng ngày gồng gánh qua Địa điểm để nhận cấp phát, các thành phần trai trẻ đi làm công chức nơi xa, học sinh phải tạm trú nơi các tỉnh thành xa xôi để học tập. Tại thôn Nam Sơn, Sùng Đức lúc ấy cũng có khoảng 100 gia đình người Thổ Hoàng và Gia Hòa cư ngụ. Cũng như các cộng đồng Công giáo khác, khi họ đi đến đâu thì họ đạo, giáo xứ được thành lập. Thời gian này, giáo xứ Hoàng Hoa ra đời, linh mục JB Bùi Đình Thể làm quản xứ. Các sinh hoạt tôn giáo được hình thành nhanh chóng, công cuộc truyền giáo được thúc đẩy mạnh qua các vùng lân cận như thôn Tây Sơn và Đông Sơn. Các gia đình Thổ Hoàng hầu như đều nhận đỡ đầu cho các gia đình tân tòng, việc làm này còn để lại những dấu ấn sâu đậm và tạo thành một mối quan hệ thiêng liêng, đậm đà tình nghĩa. Cho tới bây giờ, mặc dầu thời gian đã trôi qua trên nửa thế kỷ nhưng những tình cảm này không hề phai nhạt. Con cháu của họ đã thành đạt, có cả những linh mục và tu sỹ…

Cách xa tỉnh Quảng Đức 60 km về hướng đông bắc, dọc theo quốc lộ 14 là quận Đức Lập, nay là huyện Dakmil. Vào ngày 19/03/1957, Linh mục JB Nguyễn Quang Diệu đã đem người Xã Đoài, Mỹ Yên, Xuân Phong, Nhân Hòa, Trang Nứa Hưng Yên ở Phan Thiết, Lagi Hàm Tân và nhiều nơi khác lên lập trại Đức Minh. Đây là mảnh đất trù phú, sau này trở thành một trong những trại định cư thịnh vượng tại miền Nam… Trong khi ấy những người Thổ Hoàng tại Sùng Đức cảm thấy không an tâm vì cuộc sống tạm bợ, họ bắt đầu tìm hiểu vùng đất mới. Khi những người Thổ Hoàng đầu tiên đặt chân tới Đức Minh, họ hết sức ngỡ ngàng vì cảnh vật ở đây xanh tốt. Những sản vật nông nghiệp luôn tạo cho họ những điều kỳ thú bất ngờ. Họ không thể tưởng tượng được lại có những vùng đất như trong huyền thoại. Những quả bí to lạ lùng, những bắp ngô nặng chĩu trên cây và những ruộng lúa mượt mà óng ả. Những tình cảm mộc mạc, dân dã của dân Nghệ Tĩnh được giãi bày ở cao nguyên. Họ đem những điều mắt thấy tai nghe về kể lại cho dân làng, lòng dạ họ luôn thao thức hướng về một miền dất hứa… Chuyện đời vẫn thế, không hẳn ai dễ tin ai; thời gian vào Nam tuy chưa được bao lâu nhưng mọi người đã từng trải qua nhiều nỗi truân chuyên di chuyển. Nhiều người muốn rời bỏ vùng đất cheo leo sỏi đá, nhưng lại sợ rơi vào tình huống khó khăn hơn. Tuy nhiên, một số người cũng đã quyết định lên đường tiến về vùng đất mới. Trong khi đó, vào cuối năm 1959 một số gia đình viên chức đã rời bỏ Sùng Đức đi về các tỉnh thành mà chồng con họ đang công tác.

Vào dịp sau lễ Thánh Giuse năm 1960, một số người đã lên đường, họ được cha Nguyễn Quang Diệu đón tiếp niềm nở. Đầu tiên họ được hướng dẫn thăm dò vùng đất ở Dakgo, nhưng vì quá xa xôi cách trở, tiếp tới họ được giới thiệu vùng đất tiếp giáp đầu làng Xuân Phong nhưng ở đây cũng đã có người khai phá. Họ đi theo con suối cạnh đường Gia Long, hướng về phía mặt trời mọc, nơi đây là một trảng đất bằng phẳng, cảnh vật hoang vu nhưng đẹp lạ lùng. Trước mắt họ là một bình nguyên phẳng lặng, có một bản Thượng nằm cạnh bờ suối, có Cộng đoàn Dòng Giuse đang khai khẩn vùng đất hoang dã lập đồn điền cà phê. Họ rẽ về hướng tả ngạn dòng nước, họ gặp nơi đây một giải đất bằng phẳng, chung quanh được những rặng đồi bao bọc kín đáo, sau lưng là con suối Dakmol và cả cánh đồng Aba rộng lớn. Họ làm lều, dựng trại và bắt đầu khai phá vùng đất này. Thời gian tuần tự kẻ trước người sau quy tụ về, dần dà thành đông đảo. Các thành phần trai trẻ đi tiên phong sau đó mới đưa gia đình lên. Từ 6 hộ đầu tiên, sau đó tăng dần lên 12 hộ. Ngày 19 tháng 03 năm 1962 Giáo họ Thổ Hoàng trực thuộc Giáo xứ Vinh An được chính thức thành lập, khi ấy mới được 24 hộ dân. Trong khoảng thời gian này các gia đình rời bỏ Sùng Đức tiếp tục lên. Một số lại rẽ qua hướng bắc chọn vùng đất bên cạnh dòng suối Dakmil. Dòng suối này bắt nguồn từ Núi Lửa, chảy qua Hồ Tây, tỏa về cánh đồng Đức Lệ, nơi đó có những người Kẻ Đọng, Trang Nứa do cha già Cư đưa lên. Tại đây, đã bắt đầu những ngày tháng gian khổ, chiến tranh, thăng trầm và thịnh vượng…

Dọc theo con suối Dakmil về hướng Đông, dải dất ngày càng mở rộng, họ gặp cánh đồng hoang vu mà dưới con mắt của một số người ít ỏi thời bấy giờ thì nơi đây đã là rộng lắm, họ đặt tên cho nơi đây là Đồng Rộng. Những người di dân ban đầu bị quyến rũ bởi sức hấp dẫn lạ thường của vùng đất mới. Khi mùa mưa tới, họ bỏ hạt giống xuống đất, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là đã có huê lợi. Những vườn đậu xanh tốt, nặng chĩu những buồng trái, chỉ một khóm bắp mà phải dùng tới nồi bảy để nấu mới hết. Những nương rẫy chín vàng, những đồng lúa hứa hẹn cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc. Họ cất lên lời cảm tạ hồng ân và xin chọn đất này làm quê hương mãi mãi. Trong thời gian thành lập Giáo họ, tại vùng Đồng Rộng có khoảng 10 hộ gia đình. Qua năm 1963, các gia đình còn lại ở Sùng Đức mới chuyển lên ồ ạt, một số qua vùng Daksak, một số định cư tại Đồng Rộng. Thời điểm này, con em trong làng vẫn tiếp tục được gửi đi học nơi xa…

Năm 1965 là năm quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam, và cũng là thời điểm hoạt động rõ nét của Mặt trận Giải phóng tại các vùng nông thôn. Về hướng Đông Nam của làng Daksak, xa xa là rặng núi Nam Nung, nơi đây hình thành mật khu của quân Giải phóng, vô tình vùng đất này lại trở thành vùng đất mất an ninh, người dân phải chịu áp lực từ nhiều phía. Năm 1966, những hộ dân tại khu vực Daksak bị bắt buộc dời qua hẳn Đồng Rộng. Một số gia đình đã rời bỏ quê hương ra đi không hy vọng một ngày quay trở lại. Năm 1966 đồn Daksak được thành lập tại ngọn đồi 722, đây là đỉnh cao nằm giữa vị trí trung tâm, nơi đây có thể quan sát toàn bộ khu vực chung quanh. Năm 1967 sân bay dã chiến được xây dựng, một số hộ dân lại phải dời vào trong, một số gia đình dời cư ra sống hẳn tại Đức Minh, Bác Ái.

Cuộc sống vẫn tiếp tục, người dân vẫn yên ổn làm ăn, họ cố quên đi những gian nan vất vả và bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Trong làng vẫn những mái nhà tranh ủ dột, bên cạnh là những vườn tược xanh tươi. Cuộc sống đạm bạc với những tình cảm đơn sơ chất phác, với những buổi sớm mai quây quần bên ấm chè xanh, bên điếu thuốc lào phì phà nhả khói. Họ ước mơ cuộc sống thanh bình và nguyện cầu cho quê hương thôi khói lửa. Nhưng họ có ngờ đâu tai ương của chiến tranh sắp đổ xuống trên quê hương họ, để mãi mãi ký ức này sẽ không bao giờ phai nhạt và trở thành kỷ niệm đớn đau trong suốt chặng hành trình của họ tiến về miền đất hứa.

NĂM 1968, THƯƠNG ĐAU VÀ NƯỚC MẮT

Ngày 23 tháng 8 năm 1968, tại khu vực làng Thổ Hoàng đã xảy ra một trận chiến tranh ác liệt giữa lực lượng đồn trú quân đội miền Nam và quân Giải phóng. Trận chiến đã qua đi, đến nay cũng gần nửa thế kỷ. Dấu vết của chiến tranh cũng đã được xóa nhòa và cuộc sống đã đổi thay. Nhân kỷ niệm 44 năm sự kiện thương tâm trên, xin gửi tới bạn đọc bài viết về trận chiến năm 1968, để lại nhiều đau thương và nước mắt.

Năm 1967, đồn Daksak được thành lập. Đây là ngọn đồi có độ cao 722, nằm độc lập giữa dải đất bằng phẳng, nơi đó có làng quê Thổ Hoàng, cách quận lỵ Đức Lập 3km về hướng Đông. Từ trên cao nhìn xuống vùng đất này như một thung lũng được bao bọc bởi những rặng đồi chạy dọc từ hướng Tây sang Đông, hai bên được tưới mát bởi hai con suối bắt đầu từ thượng nguồn Dakgo và Núi-lửa. Dải đất bằng phẳng, rộng và chạy dài này tạo cho mọi người có cảm giác như đang sống giữa bình nguyên Nam bộ. Đứng trên ngọn đồi trung tâm này, khi ta hướng tầm mắt nhìn ra bốn phía, sự bằng phẳng mượt mà của bình nguyên xen lẫn cảnh sắc hữu tình về một tương lai tươi đẹp. Xa xa, rặng núi Nam-nung hùng vĩ, uy nghi như một tấm chắn khổng lồ, ở nơi đây tiềm ẩn biết bao câu chuyện huyền thoại của dân tộc M’nông. Giữa làng Thổ Hoàng là dòng suối Mơ cong co uốn lượn, tạo nên cảnh quan xinh đẹp và tưới mát cho đồng quê. Có về đây một lần, con người mới cảm thấy được hòa mình giữa thiên nhiên và được sống giữa những tình cảm mộc mạc chân thành

Đất Thổ Hoàng, đất vàng muôn thưở

Dẫu quay đi khi ngoảnh lại còn thương.

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Năm 1968 là năm đầy biến động trong toàn miền Nam, từ cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân của Mặt trận Giải phóng vào các tỉnh thành miền Nam lúc ấy đã làm cho không khí của chiến tranh ngày càng nặng nề. Người dân luôn phải sống trong một tâm trạng thấp thỏm lo âu, đêm đêm hỏa châu thắp sáng bầu trời, đạn đạo, pháo kích xé nát khung cảnh tĩnh mịch của đêm đen. Dân lành không tìm được một khoảng thời gian yên tĩnh mà phải luôn bận rộn với những hầm hố trú ẩn nương thân. Bầu không khí tang tóc của chiến tranh đang trở thành nỗi ám ảnh nặng nề đối với người dân lương thiện. Việc đồn trú của quân đội tại đồi Daksak đã biến vùng đất Thổ Hoàng thành một cứ điểm quân sự. Một phi trường dã chiến được xây dựng kịp thời để phục vụ công tác chuyển vận hành quân. Làng Thổ Hoàng khi ấy chỉ có khoảng 60 hộ gia đình, với 300 nhân khẩu, nhà cửa, vườn tược nằm rải rác dọc theo bờ suối chạy dài tới gềnh thác Tê-rê-xa. Khu vực bên trong được chia làm thành 4 dãy ngoảnh mặt ra 2 con đường song song phân lô theo hướng Bắc Nam, xa hơn một vài vườn tược nằm men theo con đường vào nghĩa trang hiện tại. Cuộc sống mới của người dân lúc đó tưởng chừng như được bảo vệ an toàn, nhưng mọi người có ngờ đâu chiến tranh như vị thần hung dữ đang rình rập chờ đợi thời cơ để tác yêu tác quái. Cuộc tổng tiến công năm 1968 hầu như chỉ nhắm vào các thành thị mà không đụng chạm tới các miền quê, sau tết Mậu Thân tình hình chiến sự tương đối lắng dịu hơn, quân Giải phóng đang chuẩn bị thị uy lực lượng vào một cứ điểm mới, đồn Biệt kích Mỹ Daksak là nơi quân Giải phóng nhắm tới…

II.CHIẾN CUỘC 1968

Vào lúc 18 giờ ngày 22/08/1968, quận lỵ Đức Lập bị pháo kích dữ dội, sự bất ngờ cộng với hỏa lực mạnh mẽ của đối phương làm cho quận Đức Lập trở thành tê liệt. Trong khi đó đồn Daksak vẫn nằm án binh bất động. Qua đêm 23/08 mọi người mới nhận thấy cục diện chiến tanh đang chuyển dần về đồn Daksak. Những đợt pháo dồn dập xuống đồn Daksak tưởng chừng như làm cho ngọn đồi trở thành nát vụn. Tập trung lực lượng tấn công nơi đây là cả một trung đoàn, được yểm trợ bởi mạng lưới pháo binh hùng hậu.

Ngày 24/08, tình hình cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn. Người dân Thổ Hoàng lúc ấy sống trong tâm trạng hoang mang, mọi thông tin đều mù tịt mà chỉ biết quanh quẩn trong khu vườn nhà, sửa sang lại hầm hố trú ẩn. Đồn Daksak mặc dầu nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, cách 500m phía trước cổng đồn là làng Thổ Hoàng, chạy song song với trục lộ chính hướng về xã Đức Minh là sân bay dã chiến; về hướng Đông Bắc, Đông Nam vẫn còn là rừng rậm hoang vu, hỏa lực tấn công của quân Giải phóng tập trung về các hướng này.

Đêm 24/08, quân Giải phóng đã len lỏi trà trộn vào khu vực dân cư mở thêm một hướng tấn công về phía đồn nhỏ. Rạng sáng 25 một số dân chúng bắt đầu di tản ra phía Đức Minh. Trong ngày 25, chiếc phản lực cơ F105 bị bắn hạ rơi xuống khu rừng cách làng Thổ Hoàng 2 km về hướng Bắc, sau này nơi đây được gọi là đồng Phản Lực. Ngày 26 đồi nhỏ bị chiếm, lực lượng phòng thủ của quân đồn trú phải rút về hướng đồn lớn. Đồi nhỏ và đồi lớn được phân cách bởi một con đường đi lên nằm cạnh nhau trong tư thế mẹ bồng con, khu vực ngăn cách giữa hai ngọn đồi được gọi là vùng “Yên ngựa”. Đứng trên hai đỉnh đồi người ta có thể nói vọng với nhau. Lực lượng quân Giải phóng đang uy hiếp trầm trọng, sự sống còn của đồn Daksak chỉ còn lại trong gang tấc. Thời gian trôi qua nặng nề, cộng với không khí ủ ê của tiết trời tháng 8 làm cho mọi người cảm thấy cận kề với cái chết một cách rõ rệt, tiếng khóc của dân lành vang lên ai oán. Ngày 27, những đợt bom dồn dập của các oanh tạc cơ dội xối xả xuống đồi nhỏ để tiêu diệt lực lượng của đối phương, nhưng đồng thời cũng vùi lấp luôn cả những binh sỹ còn kẹt lại trong các hầm hố chưa kịp rút lui. Trong những thời khắc này đã xảy ra một sự kiện mà nếu không có sự can đảm của một người phụ nữ thì có lẽ làng Thổ Hoàng cũng đã bị san thành bình địa: “Chỉ huy Trưởng đồn Daksak lúc bấy giờ đã bị thương, giao quyền chỉ huy lại cho vợ, khi trực thăng hạ xuống đòi bốc các cố vấn Mỹ, bà vợ ra lệnh cho tất cả binh sỹ chỉa súng vào trực thăng và cấm không cho bốc các Cố vấn. Quả thật nếu các cố vấn Mỹ được bốc đi thì sau đó toàn bộ khu vực sẽ bị vùi dập dưới thảm bom”. Ngày 28, các thảm bom B52 được rải dày đặc trên các triền đồi chung quanh khu vực xảy ra chiến sự. Tình hình chiến tranh dịu dần, quân Giải phóng rút lui, ngày 30/08 cuộc chiến chấm dứt.

III. ĐỐNG TRO TÀN

Tàn cuộc chiến, khi mọi người hoàn hồn nhìn lại biết mình còn sống thì làng mạc đã tan hoang không còn gì nữa. Cảnh tang thương bao trùm lên vạn vật. Người dân bị nạn gầy guộc, hốc hác, con mắt trắng dã, nhìn nhau không buồn nói. Vết thương của chiến tranh đã hằn sâu trong tâm khảm mọi người. Họ vội vã chôn cất thi hài của người thân trong khu vườn nhà. Họ không đủ nước mắt và hơi sức để khóc thương mà chỉ biết ngậm ngùi xót xa cho hoàn cảnh bi đát của chính họ. Đường bay dã chiến sau những ngày bị chiến tranh vô hiệu hóa, nay lại bắt đầu hoạt động trở lại. Những người dân bị thương được kịp thời chuyển lên Ban-mê-thuột. Khu vực chung quanh đồn đầy dẫy những xác người nằm ngổn ngang đang bốc lên một mùi hôi thối tởm lợm. Lính tráng là những con người dày dạn chiến tranh, nhưng cũng chỉ nhìn thấy nơi họ nỗi ám ảnh kinh hoàng và trên môi tắt hẳn nụ cười. Khi kiểm tra lại, dân làng bị chết 17 người, bị thương 30 người, nhà cửa, làng mạc chỉ còn lại đống tro tàn. Bên cạnh nền nhà thờ chỉ nhìn thấy một hố bom sâu thẳm. Trong chiến tranh lằn đạn bắn từ hai phía và người dân bao giờ cũng là nạn nhân. Một điều may mắn cho dân Thổ Hoàng mà khi nhìn lại chúng ta luôn tin tưởng có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa gìn giữ. Lẽ ra khi đồn Daksak bị tấn công, thường thì các oanh tạc cơ đã rải thảm bom san bình địa các khu vực chung quanh, trong đó làng Thổ Hoàng cũng phải chịu chung một số phận như vậy…

IV.VÒNG TAY ÂN NGHĨA, CUỘC SỐNG HỒI SINH

Cuộc sống là một vòng tròn ân nghĩa mà trong đó chúng ta phải mang ơn rất nhiều người. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, luôn là nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt. Cận kề chúng ta luôn có những gia đình ở giáo xứ Vinh An và đặc biệt là giáo họ Vinh Đức đã giúp đỡ chúng ta trong những ngày hoạn nạn, làm sao chúng ta có thể quên được những tình cảm nồng hậu, những chia sẻ miếng cơm manh áo mà giờ đây những tình cảm ấy vẫn còn thắt chặt mối quan hệ thân thương mà những bạn trẻ sau này không mấy ai biết đến. Hình ảnh cha Quản xứ JB.Nguyễn Quang Diệu vẫn còn đọng lại trong tâm khảm mọi người. Làm sao có thể quên được những lo toan vất vả, những hy sinh gian khổ của Cha dành riêng cho dân Thổ Hoàng từ ngày đặt chân lên vùng đất mới, trong hoạn nạn và cả về sau này. Có trải qua thảm cảnh, chúng ta mới cảm thông được những cảnh ngộ bi đát trong đời thường và hiểu được giá trị làm người để luôn nâng niu và gìn giữ chữ “Tình” trong cuộc sống. Chúng con xin dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, xin Cha luôn yêu thương, gìn giữ những ân nhân của chúng con, xin ban cho họ được nhiều ơn lành hồn xác và cho những người đã khuất được hưởng Nhan Cha muôn đời…

Sau cuộc chiến, nhiều gia đình đã rời bỏ làng mạc ra đi, họ lưu lạc, sống tha hương trong các thành thị miền Nam, khi nghĩ về quê hương mà họ từ bỏ với một tình cảm day dứt, với một kỷ niệm buồn đau. Cuộc sống của làng mạc sau thời gian này dần dà ổn định. Khu vực làng cũ được dùng cho sản xuất, làng mạc được bố trí ra phía ngoài, ở san sát nhau và được chia thành 3 dãy, nhà thờ được dựng lên ở khu vực trung tâm, được làm bằng cây gỗ tròn, lợp bạt, sau này được thay thế bằng tôn. Nhà thờ của vùng chiến sự trông giống như một pháo đài của thời trung cổ, loang lổ và tạm bợ. Mặc dầu vậy, đây là nơi hội tụ của biết bao tình cảm thân thương, những Thánh lễ hiếm hoi trong một vài chủ nhật như đang thổi bùng lên sức sống. Từ niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa, từ sự lạc quan bắt nguồn trong tinh thần của người Kytô hữu, những con người tưởng chừng như chết sống lại, nay đã hồi sinh. Cuộc sống mới đã đâm chồi nảy lộc để chúng ta có ngày hôm nay.

VÙNG ĐẤT HỒI SINH (Giai đoạn 1975 – 2002)

Ngày 09/03/1975 phát súng đầu tiên đã nổ ra tại quận lỵ Đức Lập mở đầu cho chiến dịch giải phóng Ban-mê-thuột, dẫn tới chiến thắng mùa xuân năm 1975. Theo dõi tình hình cuộc chiến lúc bấy giờ, người dân biết rằng chẳng mấy chốc miền Nam sẽ hoàn toàn giải phóng. Trong những ngày đầu tháng 4/1975, những gia đình người Thổ Hoàng sống tại thị xã Ban-mê-thuột đã di chuyển về quê hương, họ phát nương làm rẫy chuẩn bị cho một mùa vụ đầu tiên trong khung cảnh thanh bình. Làng Thổ Hoàng khi ấy chỉ còn lại khoảng 40 gia đình, 200 nhân khẩu. Dân làng hồ hởi và vui mừng đón tiếp những người hồi cư.

Tình làng nghĩa xóm trong giai đoạn này thật là thắm thiết, họ chia sẻ cho nhau những mảnh vườn, những nương rẫy, những bát gạo, chén cơm như đang cố gắng thể hiện những tình cảm bị dồn nén lâu ngày bị ngăn cách bởi chiến tranh. Làng mạc khi ấy thật nghèo nàn, cả làng toàn là những mái nhà tranh lụp xụp, trông còn tệ hại hơn những làng kinh tế mới sau này. Trong cảnh nghèo nhưng sao cuộc sống lại đậm đà đến thế. Những tháng ngày kế tiếp sau 30/04, những gia đình từ Gialai, Pleiku, Dục Mỹ, Cam Ranh, Phan Rang , Phước Long, Sài Gòn… lần lượt quay trở về. Những khuôn mặt lạ lẫm của thế hệ con cháu, những giọng nói pha tạp của mọi miền đất nước làm cho xã hội nhỏ bé này trở đa dạng. Trong cái rủi lại có cái may, thường thì chỉ những nơi nằm ở ngã ba giao thông sẽ đón nhận được nhiều nguồn văn hóa, nhưng ở đây con người vì chiến tranh mà lưu lạc, mỗi nơi họ tới, họ học hỏi được nhiều cái hay và đưa trở về quê hương hội tụ, có những người đã ra đi để tìm cuộc sống ở bên kia phương trời hải ngoại. Những người trở về không phải là tất cả nhưng cũng đủ làm cho làng mạc trở thành trở thành đông đảo gấp mấykhi xưa. Sau này khi nhìn lại nhiều người đã so sánh hành trình của dân tộc giống như cuộc đời của dân Do Thái, đã phải ly tan, tha hương lưu lạc qua nhiều quốc gia và sau này trở về phục hồi cố quốc… Những ngày kế tiếp, làng mạc được mở rộng thêm, những hàng rào công sự xung quanh phi trường được tháo dỡ và thay thế vào đó là các dãy nhà. Theo thời gian, làng mạc được phát triền dần vào bên trong.

Việc đầu tiên khi mọi người quay trở về quê hương là cùng bắt tay xây dựng lại nhà nguyện mới. Nhà nguyện cũ được làm vội vàng trong hoàn cảnh của chiến tranh đã không còn phù hợp nữa. Trong khi làm nhà thờ, đã có sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đoàn Dòng thánh Giuse. Thiết nghĩ cũng cần phải đề cập tới sự hiện diện của Dòng Giuse nới đây, khi người Thổ Hoàng đặt chân tới vùng đất này thì cộng đoàn Dòng Giuse đã có mặt, lúc đó chỉ là một đợn vị làm kinh tế cho Dòng. Trải qua bao nhiêu biến động, Dòng Giuse và người dân Thổ Hoàng đã sát cánh bên nhau, nhưng chỉ những năm sau chiến cuộc 1968 thì quan hệ của hai bên mới thắm thiết hơn. Cộng đoàn Giuse dời cơ sở bên dòng suối Daksak về kiến thiết lại ở khu vực làng Thổ Hoàng sinh sống, những năm sau ngày giải phóng, mọi sinh hoạt tại nhà thờ, các lớp giáo lý, đoàn thể đều do cộng đoàn dòng đảm nhiệm. Rất tiếc rằng thời gian này không được bao lâu, nhưng những ảnh hưởng này vẫn còn bền bỉ cho tới hôm nay. Những tháng ngày sống tại Thổ Hoàng vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp, sau này mỗi khi gặp lại là không thể không nhắc tới những tháng ngày gian khổ, buồn vui nơi vùng “đất vàng” yêu dấu. Năm 1977 cộng đoàn Giuse bị giải tán, các Thầy bị bắt ra đi mà trong lòng ngậm ngùi thương tiếc: “Thổ Hoàng ta đã mất Người trong cuộc đời”… Mối quan hệ này cho tới hôm nay vẫn còn được thắt chặt và hình ảnh của thánh cả Giuse vẫn luôn hiện diện trong lòng Thổ Hoàng. Ngôi nhà thờ này là ngôi nhà thờ thứ 5 được dựng lên tại vùng đất này. Những ký ức của những ngày gian khổ vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí của mọi người. Những ám ảnh của sự bất ổn định vì chiến tranh, vẫn còn hiện diện khi mà người ta phải cất đi dựng lại ngôi nhà của mình tới sáu bảy lần, khi mà dấu đinh không dám đóng lút vào những tấm ván xung quanh nhà vì sợ phải tháo dỡ một lần nữa. Ôi! Nỗi đau của chiến tranh, sự dằn vặt của năm tháng vẫn còn đọng lại trong khi đất nước đã hòa bình.

Năm 1979 một số gia đình ở ngoài Bắc đã di cư vào Nam, các hộ này góp phần mở rộng thêm làng mạc về hướng bắc, bên tả ngạn của dòng suối Mơ chạy sát chân đồi 16. Năm 1981, một số hộ tiếp tục di chuyển vào được định cư xung quanh đồn Daksak cũ. Trong thời gian này, một số dân cư của các vùng khác ngoài Bắc tiếp tục di dân vào khu vực trong thành lập các giáo họ: Xuân Tình, Xuân Lộc, Tân Bình, riêng những người Thổ Hoàng bắc vào sau, thành lập giáo họ Phương Trạch nằm kế cận, giáp buôn Daksak. Đời sống dân cư trong giai đoạn này chưa có gì làm khởi sắc. Hợp tác xã đã từng chuyển đổi nhiều loại cây trồng như làm đường mía, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh chung là không tiêu thụ được. Năm 1983 phong trào trồng cà phê bắt đầu được khởi động nhưng mãi tới năm 1989 thì mới trở thành rộng rãi. Trong những năm sau này giá cả cà phê bắt đầu chuyển biến. Năm 1994 biến động giá cả cà phê thế giới đã làm cho những người nông dân có cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, điều may mắn này không đến với tất cả mọi người vì nông dân nghèo thì làm sao có thể còn lại sản vật vào những tháng cuối mùa vụ. Nhưng tình hình chung cũng đã giúp cho những người trồng cà phê thêm lạc quan phấn khởi. Tiếp tới những năm sau giá cả cà phê luôn khích lệ, nhờ vậy bộ mặt của làng mạc đã thay đổi, cuộc sống văn minh hiện đại dần lên và dân tình ngày càng hồ hởi. Có những người chỉ mới rời bỏ làng mạc có vài năm, khi trở về không còn nhận ra hình bóng cũ. Chỉ tới giai đoạn này, mọi người không còn than thân trách phận mà lại có phần tự hào vì mình đang được cư ngụ trên mảnh đất Bazan màu mỡ, được ví như những vùng đất chảy sữa và mật ong ở trong Kinh thánh, vùng đất trong thần thoại, có những loại cây sinh quả vàng, phải chăng là ở nơi đây?... Bây giờ nhà cửa, đường sá, trường học, trạm xá tương đối đã khang trang, chỉ còn lại nhà thờ là chưa xứng đáng. Ở đời, người ta quan niệm “ Sống cái nhà, chết mồ mả”, nhưng với người Công giáo thì sống hay chếtt đều gắn liền với sinh hoạt Thánh lễ, vì vậy nơi thờ phụng phải xứng đáng. Đây là niềm mơ ước của nhiều người, có những cụ già chỉ cầu mong chờ nhìn thấy bóng dáng của ngôi nhà thờ mới rồi nhăm mắt xuôi tay cũng được. Điều này đang dần hiện thực…

Từ năm 1980 trở về sau, sinh hoạt tôn giáo tại Thổ Hoàng đã có những định hình rõ nét. Tuy là một giáo họ trực thuộc giáo xứ Vinh An, nhưng mọi sinh hoạt đều có tính độc lập trên quy mô của một giáo xứ. Giáo họ Thổ Hoàng khi ấy chỉ xấp xỉ độ 2000 giáo dân, nhưng các giáo họ lân cận đã góp phần nâng tổng số giáo dân sinh hoạt tại nhà thờ Thổ Hoàng lên đến 6000 người. Nhà nguyện nhỏ bé chỉ chực vỡ tung trong những ngày có Thánh lễ. Khung cảnh chật chội, giáo dân đứng tràn ra cả bên ngoài, lấp kín cả những khoảng sân chung quanh. Những người lạ khi về đây không khỏi cảm kích trước tấm lòng mộ đạo của giáo dân, họ như những người đói khát tìm uống Lời Thiên Chúa. Làm sao có thể giải thích điều này nếu như không có niềm tin.

Vào những thời điểm này, Ban hành giáo đã có kế hoạch góp vốn chuẩn bị cho việc xây dựng lại nhà thờ. Công việc vận động ban đầu tưởng chừng khó khăn, vì việc làm nhà thờ mới chỉ là ý tưởng mà chưa có gì là cụ thể cả, trong khi đó dân thì ít mà nghèo. Tuy nhiên kết quả vận động lại khả quan, các gia đình thi đua nhau đóng góp. Có thế mới biết được tấm lòng của mọi người đối với Nhà Chúa. Cộng đồng người Thổ Hoàng tại hải ngoại đã có những thể hiện tích cực trong việc góp vốn xây dựng, giúp đỡ trang thiết bị kỹ thuật âm thanh trong nhà thờ. Đoàn Thiếu nhi Thánh thể và anh chị em trong ca đoàn đã có những kế hoạch nhỏ để sắm sửa những trang thiết bị nhằm phát triển các phong trào như đàn Organ, dàn nhạc, âm thanh vừa phục vụ trong nhà thờ, vừa phát triển phong trào văn hóa xã hội. Mọi sinh hoạt của chung được thể hiện dựa trên tình cảm của một đại gia đình, một thứ tình cảm khó diễn tả nhưng lại luôn ẩn náu trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu mến Giáo hội và quê hương. Cuộc sống khi ấy còn nghèo nàn nhưng sao tình cảm thật nồng hậu. Cứ thế nguồn vốn tăng lên dần… Khi xưa cha cố Phê-rô Trần Anh Kim đã vận động mỗi gia đình trồng cho nhà thờ 2 cây cà phê, cho tới bây giờ 2 cây cà phê ấy vẫn sinh hoa kết trái và sản lượng hàng năm vẫn tăng lên tùy theo lòng hảo tâm của mỗi người. Nhờ thế nguồn vốn ngày càng được tích lũy.

Năm 1995, kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thời gian tưởng chừng trôi qua rất mau nhưng thực tế cũng chỉ bằng khoảng thời gian di cư vào Nam cho tới ngày giải phóng. Một khoảng thời gian bằng nhau nhưng cảm giác lại trái ngược, có lẽ khoa học kỹ thuật thì tiến bộ vượt bực, thế giới thì phát triển, ngược lại mình còn quá lạc hậu, không làm được gì mà cứ để thời gian trôi qua. Trong những năm này, cơ hội đổi đời đang đến với nông dân, giá cà phê tăng cao làm giá trị thu nhập của người trồng cà phê cũng tăng lên. Bộ mặt của xã hội đang dần được đổi thay, nhà cửa xây cất kiên cố đang dần thay thế cho những căn nhà cũ tồi tàn. Cuộc sống nông thôn đang trên đà đô thị hóa. Việc đệ đơn xin phép xây dựng lại nhà thờ Thổ Hoàng đã nhiều lần được đề cập, nhưng do tình hình khu vực còn nhiều bất ổn định nên đã không thực hiện được…

Năm 1995, Thổ Hoàng chình thức có linh mục phụ trách. Sự hiện diện của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh, vị linh mục đầu tiên ở nơi đây đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt thành, từ những truyền thống đạo hạnh bắt nguồn từ một quê hương miền Bắc, từ những thực tế trống vắng kéo dài suốt 35 năm không có linh mục hiện diện. Tất cả đã làm nên sự khao khát, mọi người cảm nhận sâu sắc về sự đói khát Thánh lễ. Điều nghịch lý của một quê hương đã từng cống hiến cho Giáo hội những con người tận hiến mà nơi chính quê hương mình lại không có Linh mục. Ôi người mẹ nào mà chẳng xót xa khi nuôi con khôn lớn, để con phải rời xa tổ ấm, nhưng chắc hẳn trong lòng mẹ đầy hãnh diện. Mẹ Giáo hội cũng thế, vẫn luôn lo âu cho chúng ta nhưng nào ta có biết…Thưở sinh thời, Đức cha cố Phê-rô Nguyễn Huy Mai đã từng có những quan tâm đặc biệt tới Thổ Hoàng. Trong những ngày cuối đời, Ngài vẫn luôn nhắc lại những ưu tư đó. Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực luôn quan tâm thăm hỏi…

- Ngày 01/01/1999, Linh mục quản xứ và Ban hành giáo đã đệ đơn xin được xây dựng lại nhà thờ Thổ Hoàng.

- Ngày 02/03/2000, UBND tỉnh Daklak ra Quyết định số: 299/CV-UB cho phép “Làm lại nhà thờ Thổ Hoàng”

- Ngày 19/03/2000, lễ thánh Giuse được tổ chức long trọng, tạ ơn Thánh cả đã phù trợ cho chúng ta.

- Ngày 23/04/2000, Đại lễ Phục sinh, vừa là Thánh lễ tạ ơn được tổ chức lần cuối cùng tại ngôi nhà thờ cũ, nơi đã từng chia sẻ với chúng ta biết bao vui buồn, nơi đã chứng kiến những đổi thay của một thời gian khổ.

- Ngày 28/08/2000, Lễ Động thổ khởi công xây dựng nhà thờ.

- Ngày 18/09/2000, Lễ Đặt viên đá đánh dấu việc xây dựng nhà thờ do ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực và ĐGM Giuse Nguyễn Tích Đức chủ tế.

- Ngày 05/02/2002, Lễ Khánh thành nhà thờ Thổ Hoàng.

Xin cảm ơn quê hương, xin cảm ơn tất cả mọi người. Quê hương đã cho chúng ta một nơi để thương để nhớ, Giáo hội đã cho chúng ta một tổ ấm thiêng liêng. Xin cảm ơn những người đi trước, đã chịu đựng biết bao gian khổ để gầy dựng quê hương được như hôm nay. Xin cảm ơn tấm lòng của mọi người luôn vì lợi ích để cho quê hương luôn là hình ảnh đẹp trong tâm khảm, để dẫu có đi xa chúng ta luôn nhớ về hình ảnh quê hương đầy thân thương gắn bó.

ThoHoang03

HOÀNG CÔNG NGA

No comments:

Post a Comment