Thursday, August 27, 2020


Trận Buôn Ma Thuột và “tấm bản đồ định mệnh” qua nhãn quan của CSBV .
QĐND - Giới thiệu cuốn sách “Việt Nam chiến sử 1946-1975”, NXB Oxford University Press viết: “Nhờ cuốn sách này, chúng ta hiểu được vì sao các nguồn lực tưởng như không hạn chế của cỗ máy quân sự Mỹ lại không sánh nổi với chiến lược quân sự tuyệt vời của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam”.
Tác giả cuốn sách là Trung tướng Phi-líp Đa-vít-xơn (Phillip Davidson), từng phụ trách ngành tình báo dưới quyền tướng Oét-mo-len (Westmoreland).
Chúng tôi trích dịch Chương 26, nhan đề “Đại bại 1975”. Ở chương này, Đa-vít-xơn mô tả “đòn điểm huyệt” Buôn Ma Thuột đã “rút dây động rừng”, kéo theo chuỗi các quyết định sai lầm ở cấp cao nhất của quân đội Sài Gòn.
…Đêm 10-3-1975, QĐND Việt Nam đã đánh chiếm trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Cho dù chiến sự vẫn còn xảy ra ở ngoại ô, đặc biệt là ở sân bay, ngày 12-3, tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 quân đội Sài Gòn đã thú nhận công khai là Buôn Ma Thuột thất thủ.
Nguyễn Văn Thiệu và quan thầy Mỹ, Tổng thống Ních-xơn. Ảnh tư liệu.
Ngày 12-3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho tướng Phú lấy lại Buôn Ma Thuột. Để thực hiện, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tung đơn vị quân dự bị cuối cùng là Liên đoàn Biệt động quân số 7 xuống Kon Tum thay cho các Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23. Trung đoàn 44 và 45 sẽ được không vận tới Phước An, điểm xuất phát để phản kích lấy lại Buôn Ma Thuột.
Cuộc phản kích của quân đội Sài Gòn diễn ra hôm 15-3 và lập tức rơi vào hỗn loạn. Họ không có tăng, pháo binh hỗ trợ, lại thiếu thốn đủ các loại hàng quân tiếp vụ do không thể tiếp viện được qua Quốc lộ 21 vì đường này bị chặn. Tất cả những yếu tố trên đều quan trọng, nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong sự thảm bại của cuộc phản kích. Khi đáp trực thăng xuống khu vực Phước An, thay vì tập hợp đội ngũ để tác chiến, quân đội Sài Gòn đã chạy đi tìm vợ con đang mắc kẹt ở khu gia binh tại hậu cứ của Sư đoàn 23 ở Buôn Ma Thuột. Khi tìm được gia đình mình rồi, họ bỏ quân phục và vũ khí để cùng vợ con chạy về Nha Trang. Có thể nói, cuộc phản kích của quân đội Sài Gòn đã thảm bại trước khi nó bắt đầu...
Quân đội Sài Gòn đã bị đẩy tới rìa của thất bại hoàn toàn, tới lúc này rơi thẳng vào vực thẳm bởi một quyết định của Thiệu. Có một số bối cảnh đưa đẩy tới quyết định này. Tới tháng 3-1975, các diễn biến ở Hoa Kỳ đã khiến Thiệu phải nhìn nhận khả năng Oa-sinh-tơn không can thiệp để cứu cái gọi là Việt Nam cộng hòa và viện trợ quân sự của Mỹ sẽ còn bị cắt giảm trong thời gian tới. Đương đầu với những hiện thực nghiệt ngã như thế, vào đầu tháng 3 ấy, Thiệu bắt đầu cân nhắc các lựa chọn xem cái nào ít tuyệt vọng hơn… Hôm 11-3, sau khi ba sư đoàn QĐND Việt Nam tiến công Buôn Ma Thuột, Thiệu triệu tập Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cố vấn an ninh Đặng Văn Quang và tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng tới Dinh Độc Lập. Thiệu đưa ra nhận định: Quân đội Sài Gòn không thể giữ mọi nơi và cần được bố trí lại để bảo vệ những vùng đất thuộc lợi ích sống còn và có khả năng sinh lợi cho chế độ của ông ta…
Thiệu muốn giữ trọn vùng lãnh thổ phía nam của một đường cắt đông-tây, xuất phát từ phía bắc Tuy Hòa, từ bờ biển chạy tới biên giới Cam-pu-chia, một số vùng đất tại đây sẽ phải chiếm lại từ tay Việt cộng. Vùng này chứa những nguồn tài nguyên trù phú và đông dân. Xa hơn về phía bắc, phần lớn vùng đất thuộc
Tây Nguyên (gồm cả Kon Tum và Plei-cu) sẽ phải chịu mất về tay đối phương. Với vùng chiến thuật I, quan điểm của Thiệu chứa nhiều tham vọng hơn. Tại vùng này, Thiệu sẽ cố giữ Huế, nếu không thì sẽ phải cố giữ Đà Nẵng, hoặc cùng lắm là vị trí phòng ngự phía bắc Tuy Hòa thuộc đường cắt nói trên. Điều đáng chú ý là Thiệu thể hiện trên bản đồ đường thềm lục địa, vì mỏ dầu đã được tìm thấy ở các vùng bờ biển Việt Nam và ông ta mong giữ được “kho báu” này.
Sau chỉ thị này của Thiệu, ba thuộc hạ ngồi đó, choáng váng, thất thần. Cuối cùng, Cao Văn Viên mới cất được lời. Trong hồi ký, Cao Văn Viên viết về sự kiện này: “Tôi nói đôi lời về hiệu quả khiến sự triển khai này trở thành thực sự cần thiết, rằng tôi đã tư duy về ý đồ này khá lâu rồi. Nhưng tôi vẫn giữ trong đầu vì cho nó là một đề xuất chưa đúng lúc. Trước hết, nó xung đột với chính sách an ninh; thứ hai, nếu tôi đưa ra một đề xuất như vậy sẽ bị hiểu là một thể hiện của thất bại chủ nghĩa. Và, tôi đã tự kiềm chế mình, không nói thêm rằng tới lúc đó đã là quá muộn cho bất kỳ cuộc triển khai nào…”.
Đã có một vòng khép kín những gì giống nhau đầy ám ảnh toát lên từ đoạn hồi ức trên. Khi đọc lại những sự kiện giữa tháng 3-1975, một dòng hồi tưởng mạnh đưa ta về lại thời kỳ 1944-1945. Thay cho Cao Văn Viên là tiếng nói của các Thống chế Cây-ten (Keitel) và Giốt (Jold) của Bộ Tổng tham mưu Đức. Trong Đại chiến Thế giới thứ hai, chính Hít-le là người không chịu mất một tấc đất nào tại Mặt trận phía Đông. Các viên tư lệnh Đức, tương tự như các tướng quân đội Sài Gòn, đã lảng tránh việc bàn bạc với Hít-le về rút quân, sợ bị “dán nhãn” là những kẻ bại trận. Cũng chính Cây-ten và Giốt là những nhân vật đã chủ ý không báo cho Hít-le là Đức đã bại trận.
Bản đồ của Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc họp ngày 11-3-1975 thể hiện quyết định bỏ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, giữ các khu vực gần thềm lục địa có dầu mỏ. Nguồn: Lưu trữ phương Tây.
Cũng dễ thấy một tương tự nữa trong ngày tàn của hai nhân vật cầm quyền. Cả Thiệu lẫn Hít-le, cho đến phút cuối, đều mong chờ một phép màu nào đó đến cứu rỗi. Hít-le trông chờ vào vũ khí bí mật của phát xít Đức; Thiệu kỳ vọng sự can thiệp trở lại của Mỹ. Cả Thiệu lẫn Hít-le đều có bản đồ cho riêng mình, đều bị đám nịnh thần vây quanh và đều đưa ra những mệnh lệnh không ăn nhập gì với những gì đang xảy ra trên chiến trường. Cả Thiệu lẫn Hít-le đều không tin tưởng vào các viên tướng, đều nuôi ý đồ co cụm vào những khu vực đồn trú, cố thủ trong đó để tiếp tục cuộc chiến. Cả hai đều tự đánh mất sự tín nhiệm và niềm tin của những thuộc hạ cao cấp nhất. Cuối cùng, cả Thiệu lẫn Hít-le đều sống trong một nỗi sợ hãi thường xuyên: Sợ bị đảo chính, sợ bị ám sát… Dĩ nhiên là hai nhân vật này rất khác nhau về nhiều phương diện, nhưng trên lĩnh vực quân sự, sự tương đồng của họ khiến ta phải giật mình…
Trang 775 của cuốn sách đăng tấm bản đồ “của riêng” Thiệu, đã làm cho các tướng cao cấp nhất ở Sài Gòn kinh hoàng, nhận thấy trong đường cắt ngang “lãnh thổ Việt Nam cộng hòa” bóng dáng của sự thất bại hoàn toàn. Tác giả Đa-vít-xơn viết tiếp:
“… Ngày 14-3, Thiệu lệnh cho Phạm Văn Phú tới gặp ông ta tại căn cứ Cam Ranh, tiết lộ với Phú quan điểm “xén bớt lãnh thổ” và ra lệnh cho Phú: 1. Rút quân chính quy từ Kon Tum và Plei-cu xuống vùng ven biển, tại đó phiên chế các đơn vị này thành lực lượng phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột; 2. Bỏ lại các lực lượng quân địa phương, các đơn vị phụ thuộc và bộ máy dân sự của khu vực Plei-cu - Kon Tum; 3. Phải giữ đội hình rút lui hoàn toàn bí mật; 4. Cuộc rút lui thực hiện bằng Tỉnh lộ 7B (một con đường nhỏ, bị phá nát và bỏ hoang nhiều năm).
Nếu Thiệu muốn mang lại một thảm họa, bốn lệnh nói trên quả là bảo đảm chắc chắn cho việc ấy. Việc tách quân chủ lực ra khỏi những lực lượng khác tất gây nên một hoảng loạn ghê gớm và làm điên rồ thêm cuộc giành giật con đường mà quân chính quy dùng để rút đi. Cuối cùng, quyết định dùng đường 7B để rút quân quả là hiểm họa ập xuống đầu…”.
Đa-vít-xơn dành một số trang mô tả cuộc rút chạy từ Tây Nguyên qua Tỉnh lộ 7B, Phú Bổn. Khi đại quân từ Tây Nguyên rút theo kế hoạch của tướng Phạm Văn Phú, do đội hình hàng trăm xe bị ùn trước cầu phao vượt sông Ba và bị QĐND Việt Nam chặn đánh trên nhiều đoạn nên cuộc di tản hoàn toàn thất bại, gây thiệt hại lớn cả về lực lượng lẫn tinh thần cho chế độ Sài Gòn.
Tác giả Đa-vít-xơn nhận định về hậu quả của việc để mất Tây Nguyên:
“Quan điểm “xén bớt lãnh thổ” của Thiệu có thể khả thi nếu được thực thi vào khoảng năm 1973, hay chí ít là đầu năm 1974. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi việc lập kế hoạch và chuẩn bị thực thi phải vô cùng chi tiết và sáng suốt-điều vượt lên khả năng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Dĩ nhiên, Thiệu đã có thể theo một phương hướng hành động khác: Vẫn để quân sĩ đóng tại chỗ chiến đấu để tự cứu mạng. Về triển vọng, phương án như thế có thể tỏ ra tốt hơn-hoặc chí ít, các hậu quả của nó có thể không tồi tệ hơn những gì mà Thiệu đã cố làm. Tuy nhiên, phương án đó cùng lắm cũng chỉ kéo dài cảnh khốn cùng của chế độ Sài Gòn mà thôi”.
Đa-vít-xơn kết luận:
“Quả là quá giản đơn nếu gán sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn cho sự thiếu năng lực của Thiệu, của Bộ Tổng tham mưu và quân đội Sài Gòn, bởi động lực chính cho sự sụp đổ đó là QĐND Việt Nam. Trận Buôn Ma Thuột đã buộc Thiệu tự giáng đòn chí tử lên chế độ do ông ta cầm đầu”.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)



Pham Thi My Hong, Duong Tasu and 1 other

No comments:

Post a Comment