Thursday, June 25, 2020

Kỷ Niệm Vui Buồn Trong Thời Chinh Chiến
" Kiếp Sống: Một chuỗi dài sầu tủi"
"Vui là bao, chỉ luống những ưu phiền"
Vài lời mở đầu:
Thưa quí vị, tôi nghĩ rằng những người sống ngoài đời dân sự hoặc trong quân đội, đều bị ảnh hưởng của mấy mươi năm chiến tranh điêu tàn do quân Cộng sản gây ra. Đa số lứa tuổi của chúng ta sanh trong thập niên 30 đều phuc vụ trong binh nghiệp, nếu không lâu cũng dài hạn, đều có nhiều kỷ niệm, riêng tôi nghĩ thì buồn nhiều hơn vui. Chúng ta còn thương tiếc những đồng đội đã nằm xuống, và cũng còn nhớ những kỷ niệm oanh liệt và hãi hùng.
Trong bài viết nầy tôi xin kể những chuyện đã xảy ra trong thời chinh chiến còn nhớ mãi trong ký ức, ngõ hầu những ai không có sống trong đời lính cũng thông cảm được những gian khổ của anh em chúng tôi. Tâm trạng của chúng tôi lúc nầy là hay luyến nhớ một thời dĩ vãng của người lính già xa quê hương.
Tôi xin ghi vài dòng thơ để tưởng nhớ những chiến sĩ của Quân Lực VNCH đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa Tự Do:
Cựu chiến hữu Nguyễn Minh Châu
Tiếc thương anh chết chiến trường
Đôi khi mất cả dù là mảnh xương
Hay anh trở lại quê nhà
Thân trong hòm gỗ phủ trên Quốc kỳ
Đớn đau chua xót vô cùng
Hi sinh cho lắm được gì đây thôi!
Giờ đây nước mất nhà tan
Ai còn ai mất cũng nhiều đắng cay
Trải qua hai chục năm hơn
Vẫn còn tiếc nhớ đến người chiến binh.
TN.
Chim Sa Cá Lụy: Những Chuyện khó tin nhưng có thật.
Người Việt Nam mình hay nói hai hiện tượng nầy là điềm rất xấu. Tôi không biết có đúng không hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng điềm nầy đã mang đến cho tôi hai điều thật là bất hạnh.
Bản đồ vùng Ashau Lần thứ nhứt, điềm xấu nầy làm ảnh hưởng đời binh nghiệp của tôi : Vào giữa tháng 9 năm 1966 Chiến Đoàn B/TQLC do cựu Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy, hành quân ở vùng Ashau, Nam Khe Sanh. Lúc đó tôi làm Tiểu Đoàn Phó TĐ3/TQLC cho cựu Đại tá Nguyễn Năng Bảo (đang sống tại Nam Cali). Xe Jeep của tôi chạy sau 3 xe GMC và dẫn đoàn xe của Tiểu đoàn 3 đi trước Chiến Đoàn trên Quốc lộ số 9, thình lình một con chim khá to bất thần nhào xuống đâm đầu vào kiếng xe Jeep của tôi, máu văng tung tóe và con chim chết tốt. Hạ sĩ Ngọc là chú tài xế, liền nói rằng: ông thầy ơi, xui lắm đấy. Sau hai tuần hành quân vất vả trong vùng núi rừng hiểm trở, Chiến Đoàn chấm dứt hành quân và đóng gần quốc lộ, trên đường hướng về quận Cam lộ. Quân Cộng sản pháo kích 82 ly vào nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 3, lần nầy tôi bị thương rất nặng máu loang đầy người, và một miểng đạn chỉ bằng hạt đậu phọng chạm sau ót làm liệt bán thân phải.
Lần thứ hai, cũng điềm nầy làm ảnh hưởng cuộc đời tuổi đã xế chiều: Vào khoảng cuối tháng 5 năm 2000, trên đường tôi và vợ tôi đi làm về, cũng một con chim từ đâu đâm đầu vào kiếng xe Honda, con chim bị thương, vùng vẫy đôi cánh trên đầu xe rồi lảo đảo bay đi. Sau đó hai tuần tôi bị stroke, lại trùng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, ngày giỗ của mẹ tôi. Lúc chiều ngày mới vào bịnh viện Santa Clara Valley Medical Center, hai chân tôi bị giựt vùng vẫy không khác nào con chim đã đâm vào xe tôi trước đó hai tuần, sau cơn giựt toàn thân tôi bất toại. Theo Y khoa giải thích: những người đã bị thương xương sống khi bị đứt mạch máu, hệ thống thần kinh bị xáo trộn nên tay chân bị giựt như vậy. Hai hiện tượng nầy làm tôi cứ bị ám ảnh khó quên.
Lúc xưa khi bị thương liệt bán thân phải, tôi bắt đầu chống gậy vừa mới 30 tuổi ngoài, nhưng vẫn còn hành quân được, lúc lên đèo khi lội suối. Năm 1968 lại bị thương một lần nữa, suýt chết do viên đạn AK-47 hiện còn nằm trong phổi. Rồi bị tù đầy ra Bắc sau 30/4/75, lúc trở về lại vượt biên qua Mỹ, tiếp tục đi làm việc để ổn định cuộc sống mới như bao nhiêu người tỵ nạn khác. Tôi còn lái xe được, du lịch đó đây được vào những lúc nghỉ hè, nhưng lúc nào cũng với cây gậy. Nên tôi vui vẻ chấp nhận là tôi phải gắn liền với nó hết suốt cuộc đời còn lại. Nhưng bây giờ tới từng tuổi nầy còn phải chập chững tập đi trở lại, thật ngán quá!, lắm lúc buồn chán tôi than với vợ tôi rằng nhớ lại lúc còn chống gậy thật là huy-hoàng. Nên vợ tôi có vài vần thơ mộc mạc an ủi tôi:
Nhớ cây Gậy
Chẳng biết ai đặt tên là "GẬY"
Nhưng mi là bạn tốt của ta
Theo ta suốt ba mươi năm lẻ
Vui buồn sướng khổ chẳng rời nhau
Mi giúp ta vững bước đường dài
Không vấp ngã gập ghềnh cao thấp
Ta là lính, mi cũng là lính
Băng đèo, lội suối lúc hành quân
Không gian nan như lính chiến trường
Mà địa phương, vẫn nhiều nguy hiểm
Rồi những lúc tù đày Bắc Việt
Trở về, lại phải vượt trùng dương
Nhưng bù lại, giờ ta thư thả
Mi cùng ta dạo khắp mọi nơi
Ta vẫn tưởng suốt đời bậu bạn
Nào ngờ số kiếp phải xa mi
GÂY ơi! mi biết ta vẫn nhớ
Và ao ước ngày nào gặp lại
Lưu vong ta đã buồn nhiều lắm
Mất mi buồn hơn nữa Gậy ơi!.
TN.
Quân Cộng sản khát máu đã gây ra chiến tranh tàn phá quê hương ta, tàn phá cả con người, biết bao nhiêu người phải thân tàn ma dại, và cuộc chiến đã làm cho biết bao gia đình phải điêu linh.
Quê hương Việt Nam triền miên đau khổ.
Nước ta trải qua một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, giữa hai thời kỳ đó là 45 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn kéo dài từ năm 1627 đến 1672 giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Quê hương Việt Nam đã một lần bị phân ly lấy sông Gianh làm biên giới Nam Bắc.
Nước Việt Nam lại bị chìm đắm trong Đệ nhị Thế chiến kết thúc năm 1945. Đây là lần đầu tiên trong đời, mới được mười hai tuổi tôi đã được nếm mùi khói lửa của chiến tranh. Tôi được dịp nhìn thấy những trận không chiến hãi hùng giữa phi cơ Đồng Minh và Nhựt Bản trên không phận Saigòn. Những tiếng bom nổ rền và những tiếng súng phòng không của quân Nhựt bắn lên vang dội cả vùng trời làm dân chúng rất khiếp sợ.
Cau Hien Luong - Ben Hai Rồi kế tiếp đồng bào ruột thịt miền Bắc bị nạn đói khủng khiếp đưa đến hàng triệu người chết. Tiếp theo sau là trận giặc Cộng sản khởi đầu từ năm 1945 đến năm 1954. Hiệp Định Génève được ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 và quê hương ta lại một lần nữa bị chia đôi từ vĩ tuyến 17. Miền Bắc Cộng sản. Miền Nam tự do.
Nhằm mục đích có một Quân Đội thật hùng mạnh để bảo vệ miền Nam Tự Do Dân Chủ, nền Đệ I Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bắt đầu gia tăng chế độ quân dịch, và đào tạo thêm nhiều sĩ quan tại hai trường Võ Bị Đà Lạt và trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Còn cấp Hạ sĩ quan và Binh sĩ thì được huấn luyện tại các trường Đồng Đế - Nha Trang, Quang Trung, và Lam Sơn - Huế vv.... Ngoài ra nhiều Sĩ quan và Hạ sĩ quan cũng được sang Hoa Kỳ học bổ túc đủ các ngành.
Yêu mến Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.
Đây là thời gian tôi thích nhứt trong đời binh nghiệp, mặc dù rất nhọc nhằn gian nan nguy hiểm nhưng tôi cảm nhận được cái giá trị và cuộc sống hào hùng của người lính chiến. Tôi rất hãnh diện chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ anh dũng của đơn vị thiện chiến đã làm cho các Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt phải nể sợ và biết danh Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, một trong những Binh chủng thiện chiến của QLVNCH.
Nhưng, thời gian tung hoành nay đây mai đó, mà tôi rất thích, của đời binh nghiệp tôi quá ngắn ngủi. Tôi không được hân hạnh tham gia những trận đánh qui mô hơn, như các Niên trưởng và các Chiến hữu đã lâm trận vào những năm cuối cùng trước khi miền Nam bị thất thủ. Vì sau ba hơn năm ở Binh chủng, tôi bị tàn phế nên phải rời Tiểu Đoàn 3 TQLC trong sự mến thương và luyến tiếc từ Tiểu Đoàn trưởng đến Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ của tôi, và ngược lại tôi cũng yêu mến họ vì chúng tôi đã từng chia xẻ những vui buồn và cùng anh em vào sanh ra tử trên khắp các chiến trường.
Tưởng nhớ Đại bàng Nguyễn Thành Yên và Niên trưởng Nguyễn Thế Lương.
Ngay từ ngày đầu mới về Tiểu đoàn 3 TQLC tôi đã theo bước chân của hai Ông nầy trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật, khởi đầu từ cuộc hành quân Bình định ở Gò công. Tôi học hỏi nơi hai Ông nầy rất nhiều trong những trận chiến chạm trán với địch quân từ cấp Đại đội đến cấp Trung Đoàn của chúng.
D/T Nguyen Thanh Yen Tôi rất yêu mến và kính nể cố Đại tá Nguyễn Thành Yên, Tư lệnh phó kiêm Chiến đoàn trưởng TQLC. Ông quyết định rất nhanh nhẹn khi đụng trận, nhưng rất nóng tính mỗi khi những yêu cầu yểm trợ hỏa pháo hoặc không quân chậm trễ cho các Tiểu đoàn dưới sự điều động của Ông. Tôi nghĩ, ông nóng nảy khi lâm trận chỉ vì Ông yêu thương chiến sĩ và muốn bảo toàn sanh mạng của họ. Ông có biệt danh là ÔNG GIÀ HỰ vì mỗi khi Ông giận lên Ông hay HỰ... HỰ... Sau khi tôi rời Binh chủng một thời gian, Ông cũng giải ngũ và trở về cuộc sống dân sự tuy an nhàn nhưng không được thoải mái lắm vì tánh cương trực và thanh liêm. Chúng tôi có mời Ông dùng cơm cùng gia đình hai lần tại nhà ở quận Dĩ An và sau đó chúng tôi đau buồn hay tin Ông bị tử nạn ở miền Tây.
D/T Nguyen The Luong Tôi cũng rất thương tiếc cố Đại tá Nguyễn Thế Lương, vị Tiểu Đoàn trưởng TĐ3 của tôi năm 1965 và cũng là bạn cùng khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Năm 1972, Ông là một trong những Lữ đoàn trưởng/TQLC đã dự trận đánh tái chiếm Cổ thành Quảng trị. Ông là cấp Chỉ huy rất kỹ lưỡng nhiều kinh nghiệm, trước khi xuất quân, Ông nghiên cứu địa hình địa vật và ra lịnh tỷ mỹ kế hoạch tiến quân cho từ cấp Đại đội, cho nên chúng tôi rất tin tưởng nơi Ông trong mọi hoàn cảnh của chiến trường. Đại tá Lương có bản tánh hiền lành dễ mến, mỗi khi có một chiến hữu phạm lỗi lầm gì, Ông gọi trình diện để chấn chỉnh với những lời lẽ nhẹ nhàng, như một người anh dạy bảo em. Ông không bao giờ hống hách hay gắt gỏng với thuộc cấp. Còn một đặc điểm về đời tư của Ông là Đại tá Lương rất thích uống Café đen và thuốc lá, Ông ăn thì rất ít mà đi hành quân băng đèo lội suối dẻo dai vô cùng.
Tôi gặp Đại tá Lương lần sau cùng vào cuối năm 1977, khi toán tù lao động của Ông đi ngang qua trại tôi ở Yên Bái, Bắc Việt. Ông chỉ có đủ thì giờ hỏi tôi một câu vội vã rằng: "Châu có khỏe không?" Chúng tôi nhìn nhau với sự mừng rỡ vì biết được là chúng tôi còn sống, nhưng tôi biết Ông cũng như tôi rất nghẹn ngào uất hận khi tôi nhìn qua ánh mắt Ông. Khi hay tin Đại tá Lương qua Mỹ theo diện HO, tôi thỉnh thoảng điện thoại thăm, nghe giọng nói biết là Ông già yếu theo tuổi, nhưng mới đây nhìn thấy chân dung Ông qua tấm ảnh lòng tôi cảm thấy xót xa vì không ngờ Ông tiều tụy đến nỗi nầy, đây là hậu quả của những năm lao tù Cộng Sản. Bây giờ Đại tá Lương đã ra đi vĩnh viễn nhưng tôi nghĩ Ông cũng yên phận nơi Chín suối vì dù sao đi nữa, Ông cũng hít được những hơi thở, không khí tự do, và nhân quyền nơi quê hương xa lạ nầy. Thay mặt gia đình, tôi kính cẩn chào vĩnh biệt Đại tá và xin tặng Ông mấy câu thơ:
Gẫm thân xa xứ lạc loài
Buồn nhiều vui ít ôi đời ly hương!
Gẫm thân chẳng khác chi chim
Bay quanh khắp chốn tìm nơi đất lành.
TN
Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên đường hành quân. Cảnh vợ con tiễn đưa chồng.
Một đi là quyết chiến đấu,
Một đi là quyết chiến thắng,
Đoàn Mủ Xanh đánh đâu là tan quân thù,
Ngày về vòng hoa đón chào chiến sĩ "MŨ XANH".
Đây là những câu hát trong bài TQLC Hành khúc mà các anh em chiến sĩ hay hát vang lên, khi đoàn xe GMC bắt đầu lăn bánh rời Hậu cứ Tiểu Đoàn đến phi trường để bay ra vùng hành quân. Quang cảnh thật là hùng tráng của đoàn quân thiện chiến, đầu đội nón sắt vai đeo ballot , trang bị súng đạn quân dụng đầy đủ, với hàng chục chiếc xe GMC nổ máy rần rộ ở sân cờ Tiểu đoàn. Tôi còn nhớ mỗi lần đơn vị tập hợp lên đường, một số vợ con các chiến sĩ từ trại gia binh lũ lượt đến đứng chờ sẵn nơi sân cờ để tiễn đưa chồng. Thoáng nhìn các bà và vợ con mình, tôi không khỏi ngậm ngùi vì thấy các bà vẫy tay đưa chồng lên đường hành quân, nhưng nhiều bà không dấu được nỗi lo âu, tuy miệng cười mà nước mắt rưng rưng chảy. Họ hy vọng chồng mình sẽ mang về những huy chương chiến thắng hay được thăng cấp với những chiến công hiển hách, nhưng tôi nghĩ lòng họ cũng không khỏi băn khoăn lo lắng vì không biết trong chuyến đi nầy ai sẽ về sớm trong những chiếc hòm gỗ trên phủ lá Quốc kỳ?
Môi trường sống của ngưới lính chiến là những bãi chiến trường, họ quen thuộc những tiếng đại bác, bom nổ vang rền và những tiếng súng chát chúa. Họ can đảm nhận lấy sự rủi may ở chiến trường, nhưng họ không khỏi mủi lòng rơi nước mắt mỗi khi nhìn thấy bạn đồng đội ngã xuống. Cho nên :
Những khi gối súng đầu nằm,
Tai nghe tiếng gáy côn trùng nỉ non,
Những khi nằm giữa đồi cao,
Trăng soi vằng vặc lòng buồn ngổn ngang...
TN.
Những lúc dừng quân đêm, mệt mỏi sau trận chiến vừa tàn, người chiến binh cảm thấy nhớ vợ thương con, nhưng họ chấp nhận:
Đời người chiến sĩ nhọc nhằn
Dấu tình riêng rẽ trọn cùng nước non
Tuy nhiên cũng lúc chạnh lòng
Thương người vợ trẻ cô phòng lẻ loi...
TN.
Mrs. Minh-Chau Các bà vợ chiến sĩ ở hậu phương là những người rất đáng được vinh danh, họ sống trong hồi hộp âu lo cho chồng ngoài chiến trường và phải một mình nuôi con và phụng dưỡng mẹ cha thay chồng. Và chỉ có người bạn đời chịu khổ cực đỡ đần ta mỗi khi chúng ta ngã xuống, vợ chăm sóc chồng đến khi lành mạnh rồi lại tiếp tục lên đường. Bao nhiêu lần chúng ta ngã xuống là bấy nhiêu lần các bà chịu đắng cay đớn đau tinh thần còn hơn chúng ta bị đau đớn thể xác.
Chúng ta được thưởng tặng huy chương hay thăng cấp mỗi khi chúng ta lập được chiến công, nhưng những sự hy sinh vô bờ bến của mấy bà nào có ai trao thưởng cho họ gì đâu? Khi các anh chiến sĩ đền nợ nước, các bà lãnh cái hậu quả mẹ góa con côi. Nhưng nếu đất nước còn, mẹ con chiến sĩ còn được trợ cấp của chánh phủ giúp đỡ phần nào cho cuộc sống. Bây giờ đất nước mất là mất tất cả, những người bị bỏ lại còn bị chế độ Cộng sản ngược đãi, thật là đau xót!
Cuộc chiến gia tăng từ đầu năm 1965.
Chiến trường miền Nam Việt Nam bắt đầu gia tăng từ đầu năm 1965, bọn Cộng sản đã cho xâm nhập và tung các trận đánh cấp Trung đoàn hoặc cao hơn. Khởi đầu là trận Bình Giả ở Vùng III Chiến thuật với Tiểu đoàn 4/ TQLC và tiếp đến là trận Pleime ở Vùng II Chiến thuật.
Tiểu đoàn 3 TQLC đang hành quân tại đảo Phú quốc được cấp tốc không vận về tiếp viện cho TĐ4 TQLC tại Bình Giả và hành quân truy kích tiêu diệt địch tại vùng Xuyên Mộc, Long Lể, Bà Rịa. Xong lại được không vận ra Vùng II Chiến thuật để giải tỏa áp lực của Sư đoàn 3 Sao vàng Cộng sản Bắc Việt đang uy hiếp các quận Bồng Sơn, Tam Quan, An Lão, Phù Cát, Phù Mỹ vv...thuộc tỉnh Bình Định. Nơi đây Đại tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy Chiến đoàn TQLC đã làm cho Sư đoàn Sao vàng bị tổn thất nặng nề qua các trận đánh ở Đồi 10 đèo Bình Đê, trận đánh Phụng Dư ở Tam Quan và trận đánh Chợ Bộng ở Bồng Sơn, vv... Sau đó chúng tôi được về Saigon dưõng quân một thời gian ngắn lại được không vận ra hành quân tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Trận đánh Ba gia, Quảng Ngãi và Chuyện hai Cô gái làng Sơn Châu.
Vào giữa năm 1965 Sư đoàn 3 Sao vàng BV dùng quân số đông đảo uy hiếp đánh úp đồn Ba Gia, Quảng Ngãi do một Đại đội Địa Phương Quân trấn giữ. Tiểu Đoàn 3 TQLC lại được không vận gấp bằng phi cơ C130 từ Đà Nẵng về phi trường Quảng Ngãi để hành quân truy lùng diệt địch và giúp tái thiết đồn Ba Gia.
Một ngày sau khi đồn Ba Gia bị thất thủ, vào sáng sớm TĐ 3/TQLC vượt tuyến xuất phát từ phía Tây quận Sơn Tịnh tiến về làng Sơn Châu với đội hình hàng ngang thật rộng. Vị Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Nguyễn Thế Lương rất sáng suốt, ông đã tiên đoán là đơn vị của Sư Đoàn Cộng sản có thể áp dụng chiến thuật cổ hủ của chúng là công đồn đả viện. Ông ra lịnh cho tôi điều động 2 Đại đội, ĐĐ1 do tôi chỉ huy kiêm Tiểu đoàn phó, và ĐĐ2 vượt qua cánh đồng trống, tiến dè dặt nhưng thật nhanh bám bờ làng. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, ĐĐ3 và ĐĐ4 trừ bị tiến tiếp theo, sau khi 2 Đại Đội đầu chiếm được mục tiêu. Tôi nghĩ địch quân không dám chiếm bìa làng vì dễ bị phi cơ và pháo binh tha hồ dập chúng, nên chúng ẩn núp trong hầm hố bố trí trong làng để phục kích chúng tôi.
Tái Chiếm Quả đúng như vậy, đến khoảng 1 giờ trưa Tiểu đoàn 3 tiếp tục lục soát phát hiện đường giây điện thoại dọc từ hướng Bắc xuống hướng Nam. Bị lộ kế hoạch địch quân liền khai hỏa tấn công cả ba cánh quân, giữa là TĐ3/TQLC, bên trái xa ngoài làng là vùng hoạt động của Trung đoàn 51 BB biệt lâp và xa bên phải là Tiểu đoàn 39 Biệt động quân đều chạm súng, và địch dùng cối 82 ly, đại bác 57 pháo bừa bãi vào làng bất kể sanh mạng và nhà cửa của dân chúng. Tiểu đoàn 3 chúng tôi và các đơn vị bạn xin pháo binh yểm trợ phản pháo. Địch quân đã phục sẵn, cố mấy lần xung phong nhưng đều bị các cấp chi huy từ Đại đội đến Trung đội và Tiểu đội điều động chiến sĩ TQLC anh dũng đánh bật trở lại. Bọn chúng bị thiệt hại đáng kể về nhân mạng và nhiều vũ khí bỏ lại bị ta tịch thu. ĐĐ1 còn tịch thu được lệnh hành quân, một sơ đồ và giấy tờ cá nhân của tên Thượng tá Tham mưu trưởng của Trung đoàn Sao vàng dính đầy vết máu, tôi nghĩ là tên nầy đã chết, xác được bọn chúng lôi đi vội vã để rớt tài liệu lại. Tôi vẫn còn giữ mãi cái khăn quàng cổ bằng vải dù của tên Tham Mưu trưởng Cộng sản nầy làm kỷ vật đến ngày cuối cùng bị mất nước.
Trận chiến kéo dài đến tối đôi bên đều bám lấy vị trí cố thủ, vì lực lượng địch ẩn núp dưới giao thông hào và hầm hố rất kiên cố nên vị Tiểu đoàn trưởng TĐ3 ra lệnh Tiểu đoàn giữ vững vị trí phòng thủ bên nầy giao thông hào và chờ lệnh. Sáng hôm sau Tiểu đoàn 1 TQLC và Tiểu đoàn 5 Dù được không vận ra Quảng Ngãi và trực thăng vận đến chiến trường để tiếp tục truy diệt địch, do sự chỉ huy tổng quát của Thiếu tá Soạn, vị chỉ huy đã có nhiều chiến công và rất trầm tĩnh ngoài chiến trường (sau ông lên cấp Đại tá ). Lực lượng địch bị tổn thất quá nặng phải rút lui vào sâu trong núi phía Tây đồn Ba Gia. Tổn thất của đơn vị ta không nặng lắm.
Một sự ân hận khó quên.
Trên đường rút quân trở ra sau mấy ngày quần thảo với lực lượng Cộng sản BV, trong lòng đang buồn bực thương tiếc những chiến sĩ đã tử trận hoặc bị thương, chúng tôi gặp một thiếu nữ tuổi khoảng 18 đứng bên hè nhà đổ nát ở đầu làng Sơn Châu, cô thốt ra những lời trách mắng nặng nề đoàn quân chúng tôi. Tôi liền dùng bản đồ hành quân tát nhẹ vào má cô ấy để cho cô im miệng đừng chửi rủa nữa. Sau đó Hạ sĩ Hạnh toán biệt kích của tôi cho biết rằng cô ấy đã điên mấy ngày nay, vì quân Cộng sản đã pháo bừa bải súng cối 82 và Đại bác 57 ly vào làng cô làm cho em trai cô chết, mẹ bị thương nặng và nhà bị đổ nát điêu tàn. Tôi cảm thấy ân hận là đã có hành động sai lầm mặc dù chỉ có một cái tát nhẹ, thật là thương hại cho hoàn cảnh quá đớn đau của người thiếu nữ ấy.
Thúy đã đi rồi.
Đơn vị chúng tôi tiếp tục lên đường, về tới cuối làng Sơn Châu thì được lệnh dừng lại và đóng quân tại đây khoảng một tuần. Ngôi làng nầy nho nhỏ nhưng cũng xinh xinh, trước mặt làng là ao nước rất trong cho dân làng xử dụng, có cây cầu ván nho nhỏ, hằng ngày các thiếu nữ ra đấy để giặt giũ. Bên cạnh ao nước là con lộ đất hẹp nối liền đường lộ lớn đi về quận Sơn Tịnh. Sau lưng làng là dãy đồi Sim tím, quanh triền đồi là những ngôi mộ hình tròn, đây là kiểu xây của người miền Trung. Nơi đây không có những đồi thông như Đà lạt, nhưng cảnh cũng đẹp, nên thơ. Một buổi chiều trời mờ tối, nhìn những tấm bia mộ nhấp nhô trên lưng đồi, rồi chợt nhớ tới bài ca ĐỒI THÔNG HAI MỘ, lòng tôi cảm thấy buồn buồn. Mỗi lần hành quân qua những đồi Sim hoặc tạm dừng quân nơi đây, các chiến sĩ tha hồ dùng trái Sim ngọt dịu để giải khát, có những anh vui tính ngắt cành hoa Sim cài lên nón sắt cho đẹp và cũng để ngụy trang.
Hoa Sim là hoa mà vợ tôi rất yêu thích, nên tôi hay ngắt những đóa hoa Sim ép vào bào bản đồ hành quân làm quà về tặng vợ. Những kỷ niệm nầy tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Xin gởi quí vị vài câu thơ gợi nhớ lại một thời hành quân nơi đây:
Ngày xưa lúc anh đi chinh chiến
Kể chuyện rằng đồi núi hoa Sim
Hoa Sim tím cài trên nón lính
Trái Sim rừng lót dạ chiến binh
Đồi Sim cũng là nơi anh ngủ
Lúc đêm về thoang thoảng hoa Sim...
Hoa Sim rừng nầy là một món quà gói ghém nhiều tình thương của những người về từ miền hành quân, mà đôi khi họ cũng sợ rằng súng gẫy nửa đường rồi quà sẽ không về đến tay người thương yêu:
Hoa Sim tím là quà của lính
Ngắt một cành dành để tặng em
Tặng em cả rừng đồi Sim tím
Để nhớ anh những bước quân hành.
Và hoa đó cũng ấm lòng chinh phụ.
T.N.
Gái Huế Bộ chỉ huy của chúng tôi đóng tại một ngôi nhà gia đình của một thiếu nữ còn trẻ, lúc đầu cô ấy rất sợ hãi vì cứ tưởng chúng tôi là lính rằn-ri, hung-dữ. Nhưng chỉ qua một vài câu thăm hỏi xã giao, cả gia đình của cô gái đã có cảm tình với anh em chúng tôi. Cô nầy có nét đẹp dịu hiền của gái miền quê, học lớp đệ Tứ rồi nghỉ hoc giúp gia đình. Đêm đêm cô hay nấu chè đậu đỏ cho chúng tôi ăn, lúc ấy còn có Trung úy Lê Hữu Nghĩa Đại đội phó ĐĐ1 sau đã giải ngũ qua ngành Quan thuế, và Trung úy Đinh Long Thành lúc ấy là Trung đội trưởng Trung đội 2 sau cùng là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng TQLC.
Cô thiếu nữ nầy tuy người Quảng Ngãi nhưng tiếng nói dễ nghe. Hằng đêm cô hay ngồi dưới mái hiên chuyện trò với chúng tôi rất hồn nhiên vui vẻ. Về tối, những ánh hỏa châu chiếu chập chờn để soi sáng nơi đóng quân, dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ, làm tăng thêm nét đẹp thơ mộng của làng Sơn Châu. Một hôm cô nói với ba anh em chúng tôi rằng các ông Thủy Quân Lục Chiến sao có vẻ hào hoa phong nhã, còn mấy anh du kích và bộ đội mặt mày đần độn không thể ưa được.
Rồi một đêm, cô có vẻ u-buồn nói với tôi rằng: Vài ngày nữa em phải về quận Mộ Đức nuôi bà ngoại bịnh nặng, không biết em còn được gặp lại Đại úy và mấy ông nữa không, thôi em cầu chúc Đại úy và đơn vị luôn được an-lành. Nhưng ngày hôm sau chúng tôi lại được lệnh dời địa điểm đóng quân, tôi từ giã cô và gia đình, một lần nữa với nét mặt u-buồn cô chúc tôi và đơn vị lên đường bình yên.
Sau đó, chúng tôi cảm thấy dường như có một cái gì thiếu vắng ở nơi căn nhà mới tới này. Anh em chúng tôi ba đứa, Tôi, ông Nghĩa, ông Thành, mặc dầu không ai nói với ai, nhưng ai cũng có vẻ buồn buồn, chúng tôi cảm thấy thiếu vắng cái khung cảnh gia đình, thiếu vắng những tiếng nói dịu hiền của cô gái làng Sơn Châu bên những chén chè ngon ngọt dễ thương, mà không biết đến bao giờ mới đựơc gặp lại. Chúng tôi không biết tên cô ấy là gì, mà chỉ biết gọi là cô Hai, để sau đó ông Nghĩa phải đặt tên cô là Thúy và mỗi lần lòng lâng lâng buồn ông thường ngân nga hát “THÚY ƠI! THÚY ĐÃ ĐI RỒI”. Tôi hay kể những chuyện vui buồn lúc hành quân cho vợ tôi nghe nên vợ tôi làm bài thơ ngắn gọn tặng ba anh em chúng tôi:
Cô gái làng Sơn Châu
Anh là lính chiến mũ xanh
Dừng quân ngày ấy ở làng Sơn Châu
Gặp em cô gái làng quê
Má hồng, môi thắm thật là xinh xinh
Tuổi em lúc ấy chắc là
Trăng tròn có lẻ, không đầy hai mươi
Em thương lính chiến gian nan
Chén chè em tặng, nhớ hoài mùi thơm
Đến khi quân phải lên đường
Ai ai cũng phải giã từ luyến lưu
Anh buồn anh hát nghêu ngao
Thúy ơi! em bỏ các anh đi rồi
Giờ đây mấy chục năm hơn
Thúy ơi! em ở nơi nào hỡi em?
T.N.
Đây cũng là một trong những kỷ niệm vui của đời lính chiến xa nhà. Nếu bây giờ chúng tôi có gặp lại cô Thúy chắc cũng không nhìn ra, vì nay chắc nàng Thúy tóc cũng đã hoa râm không còn là Thúy ngây thơ duyên dáng của Thúy ngày xưa nữa.
Lúc tôi còn ở Tiểu đoàn 3 TQLC, tôi chỉ mới vừa 30 tuổi ngoài. Ông Thành, ông Nghĩa cũng như cựu Đại úy Nguyễn Kim Tiền, cố Đại úy Vũ Mạnh Hùng, cố Trung úy Long, Trung úy Khanh, Lượng, Giao, Kiều vv... còn trẻ độc thân, đánh giặc rất hăng, giỏi, nhưng cũng văn nghệ và vui tính lắm. Nên sau những cuộc hành quân, Tiểu đoàn về Hậu trạm ở thành phố nghỉ ngơi, thì ôi thôi!, mấy ông nầy tha hồ dung dăng dung dẻ bát phố, hết quán này đến quán kia, chẳng khác nào những con Hổ được thả về rừng. Chúng tôi là cấp đàn anh, rất yêu mến và thông cảm họ, nên cũng dễ dãi để những người em có những ngày thoải mái rong chơi, vì cuộc đời họ còn quá trẻ, tận hưởng được những gì họ có thể có được trong tầm tay, bởi đâu biết ngày mai, sự sống và sự chết đâu có cách biệt bao xa? Đây là những kỷ niệm mà không bao giờ anh em chúng tôi quên.
Trận Đánh Việt An Năm 1966. Chiến Thắng Lẫy Lừng Của Chiến Đoàn B/TQLC Phục Thù Cho Tiểu đoàn 3 Bị Phục Kích Năm 1965.
HQ Trực Thăng Vận Tiểu đoàn 3 TQLC đang hành quân vùng Nam quận Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín và tạm dừng quân tại đây vài ngày, lại được lệnh di chuyển về tỉnh lỵ Quảng Tín để mở cuộc hành quân qui mô gồm TĐ1, TĐ3 và TĐ4/TQLC trực thăng vận vào mật khu núi Chàm nơi đó có sự hiện diện của hơn một Trung Đoàn của Sư đoàn Sao Vàng Cộng sản BV.
Cựu Đại tá Tôn Thất Soạn lúc ấy là Trung tá đã chỉ huy trận đánh quyết liệt nầy. Biết được đây là căn cứ địa của chúng, Ông yêu cầu Quân Đoàn I cho đổ quân mỗi đợt là một Tiểu đoàn TQLC. TĐ1 đợt đầu, TĐ3 và Bộ Chỉ Huy của Chiến Đoàn B đổ đợt nhì rồi tiếp đến TĐ4 sau cùng. TĐ1 đổ ngay trên đầu địch bất ngờ, chạm súng giết chết và bắt sống một số tù binh Cộng sản BV. Chiến đoàn B tiếp tục chuyển quân rất dè đặt và bung rộng đội hình, lục soát truy lùng địch trong vùng đồi núi rậm rạp hiểm trở, nhưng các cấp đều rất an tâm tin tưởng vào tài chỉ huy của vị Chiến đoàn trưởng này.
Sau ba ngày hành quân thật vất vả bởi địa thế hiểm trở, không có những cuộc đụng độ lớn. Ngày N+3 Chiến đoàn B được lệnh chuyển hướng tiến về tỉnh Quảng Tín, theo đội hình Tiểu Đoàn 4 bung rộng hàng ngang đi đầu, TĐ3 bên sườn phải, sau là Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn B và Tiểu đoàn 1 bảo vệ sườn trái và hậu vệ. Hướng trước mặt địa thế bằng phẳng với những xóm làng, không có đồi núi, xa bên trái là sông Thu Bồn và vùng hoạt động của Thiết Vận Xa, bên phải là ngọn đồi dài và thoai thoải, có nhiều tảng đá, nằm gần dãy núi lớn.
Tại đây năm 1965, Tiểu đoàn 3 tăng phái cho Sư Đoàn 2 Bộ binh, đơn độc làm mũi dùi đi trước và bị địch quân phục kích trong một xóm làng dưới chân núi. Tuy bị phục kích bất ngờ nhưng nhờ một nửa Tiểu-đoàn may mắn lọt ra ngoài ổ phục kích, nên tổn thất về nhân mạng cũng như vũ khí chỉ tương đối nặng.
Với kinh nghiệm lần trước, lần nầy tôi xin lệnh Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương Tiểu đoàn trưởng TĐ3 cho tôi điều động Đại đội 1 và Đại đội 2 tiến chiếm ngọn đồi bên phải để lấy ưu thế. Tôi đã hối thúc cánh B của tôi tiến chiếm thật nhanh để cánh A sẽ cùng lên cho kịp thời, thì đã chạm địch đang từ lưng đồi tiến lên. Thật là bất ngờ, nhưng chúng tôi phản ứng rất nhanh, dùng đủ loại vũ khí đồng loạt tác xạ dữ dội vào toán quân địch, đồng thời báo cho cánh A biết và hối thúc canh A lên gấp. Với quân số đầy đủ vì có cánh A phụ lực, toàn lực Tiểu-đoàn 3 đã đẩy địch quân chạy vào rừng và bị Thiếu Tá Lương gọi Pháo binh TQLC tiêu diệt chúng.
TD4 TQLC va Thiet-Giap Trước mặt Tiểu đoàn 4, quân CS đã nằm sẵn trong các hầm hố kiên cố dọc theo lũy tre khai hỏa vào Tiểu Đoàn nầy, và xử dụng súng cối 82 và Đại bác 57 ly pháo tối đa khắp các Tiểu Đoàn, ngỏ hầu có thể tiêu diệt quân ta. Chiến đoàn trưởng đã xin Không quân của Mỹ cũng như Pháo Binh TQLC oanh tạc và pháo vào các vị trí quân địch. Đồng thời Ông điều động Thiết vận xa phối hợp với TĐ4/TQLC xung phong tiến chiếm xóm làng trước mặt. Sau nhiều đợt xung phong chiếm được bià làng, rồi lại bị đánh bật ra, tiến và lui cho đến chiều. Vị chiến đoàn trưởng cho lịnh TĐ4/TQLC và chiến xa M113 quyết liệt xung phong đợt cuối cùng, đã chiếm được mục tiêu. Kết quả, một tên Thiếu Tá Công sản BV đầu hàng, một số bi bắt sống nhiều xác địch và vũ khí bỏ lại chiến trường. Trận đánh nầy không những đã rửa hận cho TĐ3 bị lọt vào ổ phục kích năm 1965, mà là một chiến công hiển hách đánh bại một Trung-Đoàn của Sư đoàn Sao Vàng BV.
Đây là trận chạm trán lần thứ ba với cấp Trung đoàn Cộng sản trong thời gian tôi phuc vụ tại Tiểu Đoàn 3 TQLC. Sau trận chiến thắng lẫy lừng nầy, Đại Tá Phạm Văn Phú ( nay là cố Thiếu Tướng, đã tự sát sau ngày 30/4/75) đã bay đến tỉnh Quảng Tín thăm viếng Chiến đoàn B, gặp Trung tá Soạn và nói rằng đây là lần đầu tiên Thủy Quân Lục Chiến bẻ gẫy xương sống của Sư Đoàn 3 Sao Vàng Cộng sản BV tại căn cứ của chúng. Tổng kết thiệt hại chung của Chiến đoàn B/TQLC tương đối nhẹ, nếu ta so với một trận chiến lớn. Riêng Tiểu đoàn 3 có 5 chiến sĩ hy sinh và khỏang 10 chiến sĩ bị thương.
Tưởng nhớ Hạ Sĩ I Hồ. Người chiến sĩ truyền tin rất can đảm.
Nay tôi vẫn còn thương nhớ Hạ sĩ I Hồ, người chiến sĩ mang máy truyền tin luôn luôn sát cánh bên tôi. Ông bị một loạt đạn AK-47 và đã gục ngã chết liền bên tôi tại trận Việt An năm 1965, trên vai còn mang chiếc máy truyền tin bể nát, bê bết máu, không một lời than thở hay trăn trối. Hạ sĩ I Hồ rất gan dạ và bình tĩnh, dầu ở trong bất cứ tình huống nào, ông luôn luôn giữ được liên lạc truyền tin với các cấp mỗi khi lâm trận. Tôi thầm nghĩ là ông đã đỡ đạn cho tôi vì lúc đó ông mang máy truyền tin, tôi ngồi bên cạnh, đang cầm ống liên hợp liện lạc với Tiểu Đoàn để báo cáo tình hình. Quân địch thường hay nhắm vào các nơi có cây Antena để tiêu diệt các cấp chỉ huy.
Vì hoàn cảnh chia đôi đất nước, Hạ sĩ Nhứt Hồ đã theo mẹ vào Nam năm 1954 và định cư ở làng Tam Bình, Thủ Đức. Ông đã tình nguyện vào Binh chủng TQLC trước khi tôi về TĐ3 vài năm, tánh tình rất hiền hậu nên được hầu hết anh em mến thương. Ông đã hy sinh, để lại bà mẹ già, cô vợ trẻ trong nỗi nhớ ngàn thương và một đứa con nhỏ bơ vơ, hoàn cảnh thật là xót xa, khốn cùng. HS/I Hồ ra đi đã để lại cho nhiều anh em, tôi và vợ tôi sự tiếc thương. Tôi xin ghi lại đây vài câu thơ để tưởng nhớ đến ông:
Tiếc thương anh chết chiến trường
Tiếng cha chưa gọi, con đà để tang
Anh đi bỏ lại mẹ già
Sớm hôm hiu quạnh, đêm ngày nhớ anh
Anh ơi! hãy ngủ yên đi
Em nguyền thương mẹ, nuôi con trọn đời.
TN.
Tiểu Đoàn 3 đóng quân ở Đà Nẵng và Tình yêu mến lính của người hậu phương.
Sau trận chiến thắng lẫy lừng tại Việt An, Quảng Tín, Tiểu đoàn 3 lại tiếp tục lên đường tăng phái cho Sư doàn 2 BB để hành quân khắp tỉnh Quảng Ngãi. Xong chúng tôi trở về hậu cứ bổ sung quân số tiếp liệu trong thời gian ngắn, rồi lại bay ra Đà Nẵng ứng chiến chống Phật giáo xuống đường vào giữa năm 1966. Đây là lần đầu tiên, Tiểu đoàn 3 mới được nghỉ xả hơi trong thời gian khoảng hai tháng không hành quân, anh em tha hồ du ngoạn thắng cảnh Thị xã Đà Nẵng và Thừa Thiên, Huế.
Bộ Chỉ Huy của tôi đóng quân tại một ngôi biệt thư bỏ trống, gần chùa Phổ Đà, đối diện nhà gia đình của hai thiếu nữ người làng Kim Long, Huế. Nơi đây mấy chú lính của tôi đã phải nấu nhờ bếp núc bên nhà mấy cô, mấy cô rất vui lòng và thật tình giúp đỡ. Hai cô trạc tuổi trên đôi mươi. Cô chị là Phan Diệu Y...làm việc ở Đài phát thanh Đà Nẵng, có giọng hát rất hay ,cô em là Phan Diệu L...làm việc ở Ty Công chánh Đà Nẵng. Hai chị em đều xinh đẹp và hiền lành , lúc nào cũng líu lo giọng Huế, lúc trầm lúc bổng nghe thật dễ thương. Và mỗi khi hai cô về thăm quê ngoại ở làng Kim Long đều mang nhãn An Cựu đến biếu tôi.
Mrs Minh Chau and Tri Minh Một hôm nhìn thấy hình vợ và mấy đứa con tôi, cô Y... nói rằng: "chắc Đại úy thương vợ và nhớ con lắm phải không?" cô em hỏi tiếp: "có khi nào Đại úy cảm thấy sợ tử trận rồi bỏ vợ con lại không?" Tôi nghĩ cô em còn nhỏ tuổi, đã vô tình hỏi một câu như trù ẻo, làm tôi cảm thấy vui vui. Tôi vừa cười vừa trả lời nửa đùa nửa thật: "Mỗi người có một cái số, nếu ra trận ai cũng chết hết thì lấy ai làm Tướng để chỉ huy?" Và tôi cũng nói với mấy cô ấy rằng: "Ước gì vợ tôi không gần ngày sanh thì đã ra đây xem danh lam thắng cảnh của xứ thần kinh".
Rồi từ đó hai cô có thiện cảm với chúng tôi, Đại úy Đoàn Thức và Bác sĩ Chẩn hay đến thăm tôi và cũng muốn tôi giới thiệu làm quen, nên ba chúng tôi thường lui tới trò chuyện. (cố Trung tá Thức đã tử bịnh sau khi ra tù, ông đã bị đày chung với tôi tại Yên Bái). Có một lần hai cô mời anh em chúng tôi về thăm quê ngoại, nơi hai cô sống lúc còn học trường Đồng Khánh. Kim Long, ngôi làng nho nhỏ nên thơ nổi tiếng là có nhiều thiếu nữ đẹp và diệu hiền, đến ngay cả vua Tự Đức đa tình đa cảm, cầm lòng không đặng cũng đành phải ngỏ lời ngự giá, sang sông:
Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương Trẫm nhớ Trẫm liều Trẫm đi.
Làng Kim Long nằm cạnh dòng sông Hương Giang và chi nhánh là sông An Cựu, nơi đây cây ăn trái xanh tươi và sầm uất dọc theo con đường dẫn đến chùa Thiên Mụ. Muốn vào chùa, du khách phải bước lên nhiều bậc thềm cũ đầy rong rêu. Ngôi chùa cổ kính nhưng rất xinh, đối diện bên kia sông là núi Ngự Bình, cảnh chùa thật êm đềm bên dòng sông Hương nước chảy lờ đờ. Có hai câu ca dao truyền khẩu nói lên đặc điểm của hai địa danh nầy:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
Children Sau đó Tiểu đoản 3 lên đường hành quân tại Hương-Ðiền, của tỉnh Thừa thiên, Gio-Linh và Ashau thuộc tỉnh Quảng Trị. Tôi bị thương vì đạn pháo, nằm mê man 3 ngày tại bịnh viện Đồn Mang Cá ở Huế rồi được chuyển về Quân y viện Duy Tân - Đà Nẵng. Lúc nầy hai tay và hai chân tôi đều bị liệt, nhưng tâm trí còn sáng suốt nên cảm thấy thật cô đơn, không một người thân chăm sóc ngoài Hạ sĩ I Liễng, về sau ông cũng tử trận. Tôi nghĩ đến vợ sắp tới ngày sanh, rồi nhớ đến mấy con còn quá nhỏ lòng càng khổ đau vô cùng. Hạ sĩ I Liễng đã tự động đến nhà cô Y... báo tin tôi bị thương lúc nào tôi không hay.Vì gia đình đã quen biết lúc chúng tôi đóng quân gần nhà, chiều hôm ấy cô và bà mẹ vào thăm, thấy tôi thân tàn ma dại khác hẳn cách đây hai tháng, toàn thân tôi bất toại, hai mẹ con mủi lòng khóc nức nở và bà hỏi tôi: "Vợ Đại úy có ra thăm ông không?" Câu hỏi nầy làm tôi cảm thấy đau xót muốn rơi nước mắt, tôi trả lời là vợ tôi gần ngày sanh nên không ra thăm nuôi tôi được. Bà mẹ liền bảo cô Y... mỗi chiều sau giờ nghỉ việc mang thức ăn đến bịnh viện thăm nuôi tôi, lòng ưu ái nầy làm tôi cảm thấy được an ủi phần nào, vì lúc mình ngã xuống mà không có vợ kề bên chăm sóc.
Sau gần một năm dưỡng bịnh tôi được Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC kiêm Tư lệnh Quân Đoàn III, bổ nhiệm làm Quận Trưởng Dĩ An, Biên Hòa từ tháng 6 năm 1967.
Đêm Chờ Sáng Và Cũng Là Đêm Cuối Cùng Chấm Dứt Đời Binh Nghiệp 21 Năm.
Tôi làm Quận trưởng Dĩ An đươc 7 năm, về Đức Hòa 1 năm rồi trở về lại quận Dĩ An đúng một tháng trước ngày miền Nam bị thất thủ.
Tình hình lúc nầy hết sức là căng thẳng, Quận và Chi khu ráo riết đặt kế hoạch phòng thủ chống chiến xa địch. Căn cứ phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Chi khu là căn cứ cũ của lực lượng Đại Hàn rất kiên cố, hơn nữa sau Hiệp đinh Paris đầu năm 1973, các đơn vị Đồng Minh sau khi rút đi đã để lại cho chúng tôi rất nhiều vũ khí đạn dược và gần 60 cây M72 chống chiến xa, do Đại úy Thành Trưởng Ban 4 Chi Khu ngoại giao xin giữ lại, nên anh em chúng tôi cũng yên tâm. Trước ngày 30/4/75, Đại úy Thành có nhắc nhở và đề nghị tôi cho phân phối hết đồ quân tiếp vụ cho trại gia binh, tôi đã chấp nhận ý kiến sáng suốt nầy, nếu chúng tôi bị bao vây cũng có lương thực cầm cự được một thời gian. Cựu Đai úy Thành đã vượt biên sau khi đi tù và gia đình ông nay đang sống tai San Jose.
MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN: Tôi phải ở lại đến giờ phút cuối cùng với anh em chiến sĩ và đồng bào. Tình hình tại quận còn rất yên tịnh, chưa có việc gì xảy ra, chúng tôi chưa bị quân Cộng sản tấn công và pháo kích, nhưng một số chiến sĩ cũng nao núng vì nghe tin: chỗ nầy di tản chiến thuật chỗ kia rút quân, người thì mang gia đình xuống tàu kẻ xuống ghe đánh cá ra khơi, và một số người đã được phi cơ Mỹ cho di tản từ phi trường TSN trước đó mấy tuần. Ông bà ngoại mấy cháu của chúng tôi sợ nguy hiểm đến tánh mạng mấy cháu, nên mang hết về Saigon cho tôi rảnh tay lo nhiệm vụ, phần vợ tôi thì nhứt quyết ở lại căn cứ để yểm trợ tinh thần tôi, nên anh em chiến sĩ và đồng bào cũng bớt hoang mang, lo lắng.
NQ Nguyen Van Giu Một điều nữa làm cho tôi đắn đo không thể bỏ quận được, vì trong 7 năm sát cánh ngày đêm với anh em Địa Phương Quân và Nghĩa Quân và Viên chức quận xã ấp làm việc trong tình thương mến đậm đà. Các chiến sĩ ĐPQ, NQ và Viên chức hết lòng làm tròn trọng trách nên mấy năm qua tình hình Dĩ An rất yên tịnh, dân chúng sống thanh bình làm ăn phát đạt. Quân được Dân thương mến và khắng khít thật là: tình Dân với Quân như cá với nước. Khi tôi được cấp trên đổi về lại quận cũ, anh em chiến sĩ vui mừng như gặp lại người anh cả đã vắng mặt đi xa mới về, và đồng bào cũng vui vẻ đón nhận tôi như một đứa con biệt ly nay trở về quê cũ, nên tôi xem quận Dĩ An như có mối tình thiêng liêng đối với đời tôi. Tôi hết lòng cám ơn những chiến sĩ và viên chức đã cộng tác với tôi, tôi xin nghiêng mình trước những anh linh của những chiến sĩ đã hy sinh vì nghĩa vụ. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi Nghĩa quân Nguyễn Văn Giữ, người cận vệ can đảm đã theo tôi suốt bao nhiêu năm. Ông đã giúp, đỡ đần tôi những lần nhảy trực thăng hay leo đồi lội suối trong các cuộc hành quân, ông luôn bên cạnh để bảo vệ tôi. Ông đã chết trong trại cải tạo năm 1979 vì bạo binh mà không có thuốc chữa. Thỉnh thoảng chúng tôi có gởi qùa về gia đình để đền đáp công ơn ông đã giúp tôi suốt thời gian tôi làm việc tai Dĩ An.
Tất cả các chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Viên chức quận, xã, ấp đều tuân lệnh Thượng cấp quyết ở lại cố thủ. Nhưng đến đêm 29 rạng 30 tháng 4, chúng tôi bị bỏ rơi chới với vì mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu tỉnh Biên Hòa và không biết phải nhận lệnh ở đâu. Đông Tây Nam Bắc chẳng còn ai yểm trợ, trong khi đó một Trung đoàn Cộng sản BV cùng chiến xa T54 đã di chuyển từ hướng Tân Uyên tới rừng Cò Mi phía Bắc quận Dĩ An rồi dừng lại đấy. Chúng tôi tiến thối lưỡng nan, thôi đành phải liều quyết tử thủ tới đâu hay đến đó, anh em chúng tôi không biết trông chờ vào ai, thôi đành phó mặc số phận cho Trời định.
Tu Day Thật là một đêm hãi hùng, hồi hộp, tất cả từ quan tới lính súng chống chiến xa, súng đại liên và súng cá nhân cầm tay, thức sáng đêm chờ địch nơi phòng tuyến. Tiếng súng pháo binh và đại bác của chiến xa ta và địch nổ vang dội từ hướng Hậu Nghĩa và căn cứ Sư đoàn 25 BB tại Củ Chi. Nhìn những ánh sáng hỏa châu chiếu chập chờn một góc trời ở phương Tây, và nhìn về hướng Saigon thấy ánh đèn phi cơ trực thăng lên xuống, chúng tôi đoán là Mỹ bốc người di tản, anh em chúng tôi rất não lòng không biết vận mạng quận Dĩ An nói riêng và vận mạng miền Nam sẽ ra sao? Mong chờ đến sáng rồi sẽ tính. Nhưng vào gần sáng toán quân thám thính ở tiền đồn gọi máy báo về Bộ Chỉ Huy Chi Khu là chiến xa địch đã đổi hướng bọc xa lộ vòng đai từ hướng Lái Thiêu trực chỉ Saigon.
Sáng hôm sau lúc 10 giờ, tiếng nói Đại Tướng Dương Văn Minh loan báo trên đài phát thanh Saigon ra lệnh tất cả các đơn vị buông súng đầu hàng. Cái tin sét đánh làm cho mọi người từ quan tới lính, cả trại gia binh và dân chúng đều bàng hoàng rơi lệ. Tôi liền dùng máy truyền tin thông báo cho các chiến sĩ và viên chức quận, xã, ấp hủy diệt tất cả tài liệu; hãy rời đơn vị và nhiệm sở với những lời chúc lành cùng họ và gia đình, và nói vài câu giã từ trong nghẹn ngào uất hận, không cầm được nước mắt. Ngày 30/4/1975 đã chấm dứt đời Binh nghiệp của tôi đúng 21 năm, vì ngày nhập ngũ cũa tôi cũng vào tháng 4 năm 1954./.
Trả Ta Sông Núi
Sông sâu nước chảy muôn đời
Tuổi người Trời đã định rồi thời gian
Từ khi non nước điêu tàn
Mang thân lưu xứ lòng man mác buồn
Thu, Đông cây lá thay màu
Lòng sầu non nước muôn đời không phai
Gẫm đi gẫm lại tháng ngày
Trông mong chim én mang về mùa Xuân
Buồn thay tuổi đã xế chiều
Chẳng ai đòi lại núi sông cho mình
Bây giờ vẫn đợi vẫn trông
Trả ta sông núi ước mơ cuối đời
Dec/26/2002
TN.
Chiến hữu Nguyễn Minh Châu

No comments:

Post a Comment