Friday, April 7, 2017

NGẪM VỀ NGHỆ SĨ HÀI HOÀI LINH, VÀ ...
CANH LE·THURSDAY, JANUARY 28, 2016
Tôi nhớ là nghệ sĩ cải lương tài sắc một thời Phùng Há có lần tâm sự về chuyện bà cùng với một số nghệ sĩ khác đã lập nên Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Nam Việt, rồi đứng ra vận động tiền bạc đóng góp từ các mạnh thường quân, khách mộ điệu và chủ hãng có hảo tâm để mua đất, xây nên ngôi Nhựt Quang Tự, còn gọi là Chùa Nghệ Sĩ, cùng với khu Nghĩa Trang Nghệ Sĩ từ năm 1949.
Bà nói đại ý :
Thấy thương lắm, giới nghệ sĩ Cải Lương lên sân khấu thì xiêm y tha thướt, cân đai rỡ ràng, điệu bộ trau chuốt, hát ca văn vẻ vậy thôi chứ ngoài đời thật thì khổ cực lắm, có nghệ sĩ tài danh khi chết đi chỉ có mảnh chiếu quấn thân vì không có áo quan để chôn ; đa số lại thất học vì yêu nghề muốn theo đuổi đam mê, theo gánh hát lênh đênh rày đây mai đó từ nhỏ để học ca tập múa cho thuần thục mới mong thành tài, nên ra ngoài đời thì nói năng cục mịch, cư xử vụng về, thấy tội lắm ...
Quả thật là phần đông khách mộ điệu Cải Lương vẫn thường bị choáng ngợp bởi ánh đèn sân khấu, nên ít thấu cảm được những góc khuất này. Họ thường chỉ được nhìn ngắm thần tượng từ xa rồi hâm mộ đắm đuối, chứ khi tiếp xúc thần tượng rồi thì sẽ khó tránh khỏi ngỡ ngàng thất vọng.
Vậy nên mới có chuyện cô thôn nữ buổi tối đi coi Cải Lương đã say sưa mê mệt chàng Lã Bố dáng vẻ oai hùng, mặt mũi khôi ngô, giáp trụ sáng ngời, sáng hôm sau bèn lén “bỏ nhà theo trai”, tìm tới chỗ con thuyền của gánh hát đang neo đậu, hỏi thăm thì được chỉ cho một anh chàng đen đúa hom hem, mình mẩy đầy lang ben hắc lào đang ngồi cởi trần phơi nắng đuổi ruồi gỡ ghẻ ...
Thực ra thì giới nghệ sĩ sân khấu, ngoài năng khiếu và khổ luyện thì vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vô bài bản, tuồng tích, đạo diễn ; sự tỏa sáng thành danh của họ nhờ rất nhiều vô bài bản, tuồng tích, đạo diễn hay mà họ may mắn gặp được hay được quyền chọn lựa, chứ nếu kém may mắn hay không được quyền chọn lựa thì cũng đành phải chịu mai một hẩm hiu ...
Sau này, có một số nghệ sĩ sân khấu kiêm luôn cả viết kịch bản và làm đạo diễn, nhưng thường khó thành công, vì trong những lĩnh vực này còn đòi hỏi phải có những tố chất và kỹ năng khác nữa.
Đối với nghệ sĩ hài Hoài Linh, thật khó có thể phủ nhận về năng khiếu diễn xuất của anh cùng với bản lĩnh sân khấu và những thủ thuật tiểu xảo trong lĩnh vực diễn hài, từ chuyện giả gái đến giả giọng khắp Bắc Trung Nam, giả giọng các ca sĩ từ Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Duy Khánh ... cho đến ... Thái Thanh ... vv ... Ngoài ra, trong một lần xem anh làm giám khảo trong chương trình Gương Mặt Thân Quen, tôi lại càng cảm phục, đến mức rưng rưng, khi nghe anh phân tích cho Hoài Lâm về cách đánh lưỡi phát âm nhả chữ “s” đặc trưng, do bị rụng răng lại vừa nhai trầu vừa hát, của nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu ... Tôi làm nghề có dính dáng chút đỉnh với nghệ thuật, nên hiểu rằng phải rất yêu nghề và chịu khó, cẩn thận và tinh tế thì mới có thể nhận xét nghiêm túc và chính xác đến như vậy. Nếu có nhiều kịch bản hay, sâu sắc và bổ ích thì tài năng của anh sẽ còn thăng hoa hơn nữa !
Nhưng khi nghe trong buổi họp báo công bố live show gần đây, Hoài Linh nói rằng “Hài mà không tục là mất gốc”, tôi ngạc nhiên, vì tôi nghĩ đến danh hài Charlie Chaplin ( vua hề Sác-lô ). Đương nhiên, so sánh Hoài Linh với Charlie Chaplin là khập khiễng, nhưng tôi đang muốn nói đến cái “gốc” của hài. Quả thật là từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam thường dùng “tục” để gây hài, ẩn nấp dưới cái kiểu lập lờ “đố tục giảng thanh”, nhưng nhiều khi quá dung tục, nhãm nhí, vô bổ, thậm chí là quá dơ dáy, thấp kém, độc hại ...
Charlie Chaplin có một tuổi thơ đầy bất hạnh với người cha nghiện rượu và người mẹ mắc bệnh tâm thần, nên đã phải lang thang lưu diễn từ khi còn rất nhỏ để kiếm sống. Đến khi thành danh, trong sự nghiệp của mình, ông đã kiêm nhiệm rất nhiều vai trò như diễn xuất, biên kịch, đạo diễn, soạn nhạc, biên tập, sản xuất cho hầu hết các phim. Phim hài của ông, như The Bond ( Công Trái - 1918 ) có nội dung tuyên truyền được tặng cho chính phủ Mỹ để gây quỹ cho Đồng Minh trong Thế Chiến I ; phim Shoulder Arms ( Vác Súng - 1918 ) được dựa trên bối cảnh chiến tranh ; phim The Kid ( Đứa Trẻ - 1921 ) mang nhiều yếu tố tự truyện, đề cập đến các vấn đề nghèo đói và chia cắt cha con ; phim The Gold Rush ( Cơn Sốt Vàng - 1925 ) được gọi là “một hài kịch hùng tráng sinh ra từ một chủ đề tàn nhẫn” ; phim Modern Times ( Thời Đại Tân Kỳ - 1936 ) là “một màn trào phúng về những giai đoạn nhất định trong đời sống công nghiệp của chúng ta”, “sự suy tưởng tàn nhẫn về sự tự động hóa cái cá nhân”, quan tâm đến hoàn cảnh người lao động, các vấn đề chính trị và hiện thực xã hội ; phim The Great Dictator ( Nhà Độc Tài Vĩ Đại - 1940 ) nhằm đả kích cả trùm phát-xít Adolf Hitler lẫn Benito Mussolini và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ; phim Monsieur Verdoux ( Quý ông Verdoux - 1947 ) lên án chủ nghĩa tư bản, chiến tranh và vũ khí hủy diệt hàng loạt, đến độ ông từng bị cáo buộc là có cảm tình với cộng sản ; phim A King In New York ( Một Vị Vua Ở New York - 1957 ) chế nhạo nền chính trị Mỹ và công kích những yếu tố văn hóa của thập niên 1950 như chủ nghĩa tiêu dùng, phẫu thuật thẩm mỹ và phim màn ảnh rộng ... vv ... Người ta còn so sánh Charlie Chaplin với Adolf Hitler như là hai biểu tượng trái ngược, tuy có nhiều điểm tương đồng như sinh cách nhau có 4 ngày, đều vươn lên từ nghèo khổ rồi trở thành nổi tiếng thế giới, cùng để kiểu ria mép bàn chải ..., nhưng một “gây cười” và một “gây khóc” cho nhân loại. Ấy vậy nhưng xem phim hài của Charlie Chaplin người ta cũng có thể “khóc”, hay “cười ra nước mắt” ...
Chắc hẳn, hài của Charlie Chaplin thấm đẫm chất Nhân Văn - Nhân Bản.
Cái “gốc” của hài là ở đó chăng !?
Hài kịch cũng có giá trị giáo dục, thanh lọc và di dưỡng, có tác dụng đả kích trực diện những thói hư tật xấu của con người cũng như xã hội, tuy sâu cay nhưng nhờ có tiếng cười nên tạo thú vị, ít gây bất mãn và thù hằn ...
Ta cứ thử lấy ví dụ như vở hài kịch “Nghêu Sò Ốc Hến”, tất cả mọi người đều có thể nhận ra, tuy là ở các mức độ khác nhau do trình độ nhận thức, những tính cách bần tiện tham lam gian giảo của Trùm Sò, Lý Trưởng, Pháp Sư ..., những tính cách cửa quyền nhũng nhiễu ngu dốt của Quan Huyện, Thầy Đề, Lính Lệ ... Mà nếu dùng chính kịch chưa chắc đã lột tả sâu cay được những tính cách đó để đả kích trực diện những thói hư tật xấu của con người cũng như xã hội Phong Kiến, và chưa chắc vở chính kịch đó không bị kiểm duyệt hay bị cấm đoán.
Hiện nay, chuyện nhà nước tìm mọi cách, bất chấp phạm pháp và vi hiến, để ngăn cấm hài kịch “Táo Quân” hàng năm cũng cho thấy sự “đáng sợ” của hài kịch, và sự “thụt lùi” của chế độ hiện tại so với chế độ Phong Kiến !
Mới đây, nghe tin Hoài Linh nhận danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú”, tôi lại càng ... lạnh người.
Bởi vì tôi biết ở Việt Nam hiện nay, các “văn nghệ sĩ - trí thức” phải tự làm hồ sơ và đơn “xin” để được nhà nước “xét duyệt” rồi “phong tặng” cho các “danh hiệu cao quý” : nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân ... vv ..., thậm chí có người còn phải chạy chọt để “mua” ...
Từ chuyện nay nhớ chuyện xưa, Học Giả Nguyễn Hiến Lê trong Hồi Ký của mình có kể rằng, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền có nhiều lần trao tặng cho Ông Kỷ Niệm Chương và Phần Thưởng ( bằng hiện kim ) để ghi nhận công lao đóng góp cho nền Văn Hóa nước nhà, và mời Ông cộng tác trong Bộ Quốc Gia Giáo Dục, nhưng Ông đã từ chối với lý do còn bất mãn với một số chính sách của chế độ và tự thấy mình chưa đóng góp được gì lớn lao cho xã hội, chính quyền cũng đành thôi mà cũng không gây khó dễ gì ...
Ở Miền Nam trước 1975, các Văn Nghệ Sĩ đều không phải “thi”, “diễn”, “xin” để được nhận các giải thưởng. Trách nhiệm xem xét và sàng lọc thuộc về công chúng và các hội đoàn xã hội, sau rốt mới đến chính quyền ...
Qua hai câu chuyện này, tôi có một số nhận xét :
1- Chính quyền thời trước đã làm đúng chức trách của mình, là phát hiện nhân tài, ghi nhận công lao, tưởng thưởng xứng đáng, và tùy tài bổ dụng ... Còn việc có nhận hay không là việc của họ, chính quyền phải tự xét lại mình có đủ tư cách để “phát hiện”, “ghi nhận”, “tưởng thưởng”, và “bổ dụng” ... hay chưa !? Cả người “cho” và người “nhận” đều giữ gìn và thể hiện được lòng tự trọng của mình.
Chính quyền thời nay thì lại đặt ra một cơ chế “xin - cho” một cách trịch thượng, tự cho mình cái quyền “toàn trị”, ban phát trên mọi lĩnh vực, phản ánh một não trạng u tối và thấp kém ... Cả người “cho” và người “xin” đều nhục cả !
2- Về phía Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức, nếu là “chân chính”, với danh dự và tự trọng, thì không ai lại đi làm cái việc “xin” danh hiệu cả.
Nay, các loại “sĩ - sư - gia - giả”, nhiều nhan nhản, có tự thấy phải “xin”, thậm chí “mua”, như vậy là đớn hèn và nhục nhã không ... !?! ...
Hay là các loại “sĩ - sư - gia - giả” rất đồng tình và thỏa mãn với những chính sách của chính quyền và tự thấy mình đã có những đóng góp lớn lao cho xã hội ... !?! ...
3- Nhìn ra thế giới, tôi chắc rằng nhà nước Pháp khi trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, nhà nước Anh khi phong tặng Tước Hiệu Hiệp Sĩ ..., không ai làm theo cái cơ chế “xin - cho” như ở ta hiện nay. Có lẽ nhờ vậy mà họ Văn Minh chăng !? Hay là bởi vì họ Văn Minh nên mới như vậy !?
4- Ở các nước Văn Minh, giới Chính Trị Gia thường hay kết thân với giới Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức, vì ở các nước đó, Văn Hóa dẫn đường cho Chính Trị ... Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức là những con người “anten” cực kỳ nhạy cảm trước những tín hiệu biến chuyển của xã hội, là những người luôn đi tiên phong trong các trào lưu tư tưởng mới ... Gần họ, giới Chính Trị tiếp thu các tín hiệu xã hội và kịp thời điều chỉnh hay vạch ra các sách lược, chiến lược, chính sách cho phù hợp với sự phát triển của xã hội !
5- Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức Việt Nam ngày nay dường như vẫn còn đang chìm đắm trong “bi kịch” với những “sầu cổ độ”, “vạn cổ sầu”, “nỗi buồn muôn năm cũ” ... của thời “tiền chiến”, vẫn cứ quanh quẩn lê la ở những “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, “quán cóc liêu xiêu” ..., để rồi mỏi mòn với “thương nhớ đồng quê”, lay lắt với “nỗi buồn phố thị” ; còn “hài kịch” thì vẫn mang hơi hướm của những “Trạng Quỳnh”, “Trạng Lợn”, “Xiển Bột”, “Ba Giai Tú Xuất” ... và ngày càng dung tục, kệch cỡm, rẻ rúng ...
Cho đến nay, người Việt Nam vẫn cứ hình dung “nghệ sĩ” là phải “lãng mạn”, “bay bướm”, “đi mây về gió” ... Họ ngạc nhiên khi thấy Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức nhạy cảm, quan tâm với thời cuộc, chính trị ... Chính quyền thì dường như lo sợ, và theo dõi, không phải để tiếp thu, học hỏi, mà để ngăn ngừa, khủng bố ...
Năm điều trên cho thấy Xã Hội Việt Nam vẫn còn cách xa “Cánh Cửa Văn Minh” lắm ! Chưa biết đến ngày nào, giới Văn Nghệ Sĩ - Trí Thức Việt Nam mới có thể đưa được Xã Hội Việt Nam đến bên “bậc thềm” của nó ... !?! ...

Hơn nữa, tôi vốn “dị ứng” với chữ “XIN”.
Như một thông lệ, người Việt mỗi khi viết đơn, hay trong các mẫu đơn in sẵn, bán sẵn, sau chữ ĐƠN thường tiếp liền theo là chữ XIN, như :
- ĐƠN XIN CHỨNG NHẬN ...
- ĐƠN XIN NHẬP HỌC ...
- ĐƠN XIN VIỆC LÀM ...
- ĐƠN XIN TẠM TRÚ / THƯỜNG TRÚ / NHẬP HỘ KHẨU ...
- ĐƠN XIN CẤP PHÉP SỬA / XÂY NHÀ ...
- ĐƠN XIN CẤP GIẤY KHAI SANH / KHAI TỬ / MAI TÁNG ...
- ĐƠN XIN ... vv ... và ... vv ...
Đủ thứ phải XIN, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi ...
Tại sao phải XIN ... !? ... Đây là thời đại DÂN CHỦ, DÂN QUYỀN ..., DÂN làm CHỦ, QUYỀN LỰC thuộc về NHÂN DÂN ... kia mà ...
Đã XIN, tất phải có người CHO, có QUYỀN LỰC để CHO ... Và người XIN phải NĂN NỈ, KHẨN CẦU, ĐÚT LÓT ... ; người CHO thì BAN PHÁT, HOẠNH HỌE, NHŨNG NHIỄU ...
Tại sao không là :
- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN ...
- ĐƠN ĐỀ NGHỊ NHẬP HỌC ...
- ĐƠN ĐỀ NGHỊ VIỆC LÀM ...
- ĐƠN YÊU CẦU TẠM TRÚ / THƯỜNG TRÚ / NHẬP HỘ KHẨU ...
- ĐƠN YÊU CẦU CẤP PHÉP SỬA / XÂY NHÀ ...
- ĐƠN YÊU CẦU CẤP GIẤY KHAI SANH / KHAI TỬ / MAI TÁNG ...
... vv ...
Và đến :
- ĐƠN KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI / THỰC THI / CHẤP HÀNH HIẾN PHÁP - PHÁP LUẬT ...
- ĐƠN KIẾN NGHỊ TỪ NHIỆM / MIỄN NHIỆM / BÃI NHIỆM CÁC CÔNG CHỨC / BAN / NGÀNH / BỘ / CHÍNH PHỦ ...
Đã ĐỀ NGHỊ, YÊU CẦU, KIẾN NGHỊ ..., thì tất phải có người có CHỨC TRÁCH, TRÁCH NHIỆM, BỔN PHẬN, PHẬN SỰ, KHẢ NĂNG, NĂNG LỰC ... giải quyết thỏa đáng những điều đó ... "Người" đó chính là nhà nước, và công chức nhà nước, công bộc ... Nếu không làm được, thì hãy tự giác TỪ NHIỆM, hay bị công dân MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM ...
Chung quy cũng chỉ là do ở cái chữ XIN, đã đẻ ra cái cơ chế XIN - CHO, làm HÈN cả một DÂN TỘC ...
( Nhân đây, Tôi
ĐỀ NGHỊ, YÊU CẦU, KIẾN NGHỊ ... :
NGƯỜI VIỆT NAM, TỪ CÔNG DÂN CHO ĐẾN CÔNG CHỨC, TỪ NAY KHÔNG DÙNG CHỮ “XIN” TRONG BẤT CỨ ĐƠN TỪ NÀO NỮA, NGOẠI TRỪ “ĐƠN XIN BỊ CÚI ĐẦU LÀM THẦN DÂN NÔ LỆ” !
Bỏ chữ “XIN” trong đơn từ, là cách để chính chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau ĐƯỢC NGẨNG ĐẦU LÀM CÔNG DÂN TỰ DO )

Nghệ Thuật cũng chia sẻ những phạm trù chung của Triết Học : VẬT CHẤT & Ý THỨC, HÌNH THỨC & NỘI DUNG, HIỆN TƯỢNG & BẢN CHẤT, NGUYÊN NHÂN & KẾT QUẢ, NGẪU NHIÊN & TẤT NHIÊN, KHẢ NĂNG & HIỆN THỰC, CÁI RIÊNG & CÁI CHUNG ...
Nghệ Sĩ, do thôi thúc nội tại, xung động nội tâm, đi giữa hai bờ VẬT CHẤT & Ý THỨC, HÌNH THỨC & NỘI DUNG, HIỆN TƯỢNG & BẢN CHẤT, NGUYÊN NHÂN & KẾT QUẢ, NGẪU NHIÊN & TẤT NHIÊN, KHẢ NĂNG & HIỆN THỰC, CÁI RIÊNG & CÁI CHUNG ... để sáng tạo.
Nguyễn Công Hoan viết Kép Tư Bền :
“Vinh dự thay, anh kép Tư Bền ! Nhưng mà khốn nạn thân anh !
Người ta biết đâu rằng hiện giờ này, ở nhà, cha anh đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hơi nữa là hết nợ, và ở trong buồng trò, anh cũng đương nẫu ruột nhầu gan.
Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền. Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh lại phải mặc trái cái áo lụng thụng thêu, lận đôi hia xanh và đội cái mũ cánh chuồn ngược. Anh đóng vai này, trông ra phết, giàu sang sung sướng. Chốc nữa, anh còn phải làm cho chủ anh bằng lòng, các bạn anh trông anh mà gắng sức, các khán quan được một phen cười vỡ bụng, vỗ rát tay kia mà !
Nhưng mà cha anh Tư Bền sắp chết ! Ban nãy, lúc anh ở nhà ra đi, đã thấy nguy lắm rồi. Thôi ! Nhưng mà mặc kệ. Anh phải quên đi, mà bông, mà đùa, mà pha trò trên sân khấu, cho chúng tôi cười, hét lên mà cười, cười đến nỗi phải lăn cả ra đất chứ ?”
Hay như Pablo Picasso vẽ những anh hề của gánh xiếc rong :




Đều là những hình ảnh chất chứa những nỗi niềm thống khổ hay bất an vô định, đối nghịch với những cảnh trí huy hoàng và sắc màu rực rỡ ...
Có câu chuyện Hà Chính Mãnh Ư Hổ, kể về những người dân đã phải vô rừng sống thà chấp nhận số phận rủi ro bị hổ ăn thịt còn hơn phải sống dưới những chính sách hà khắc của chính quyền, Hoài Linh và gia đình cũng đã từng phải rời bỏ đất nước để tránh những chính sách hà khắc “học tập cải tạo”, “đánh tư sản”, “kinh tế mới”, “lý lịch” ... của chính quyền.
Nay, cái chính quyền ấy, là cái chính quyền vẫn ngăn cấm hài kịch “Táo Quân” hàng năm, cũng là cái chính quyền vừa “phong tặng” cho anh cái danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú”, liệu đã hết hà khắc hay chưa !?!
Để trả lời cho câu hỏi đó một cách khách quan trên bình diện xã hội, cần phải liên tưởng đến một loại chế độ chính trị, mà từ cuối những năm 1940, Ivan Alexandrovich Ilyin - một nhà tư tưởng, nhà luật học và chính trị học lớn của Nga - đã viết bài báo “BÀN VỀ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ” :
“Cách đây ba mươi năm không ai có thể nghĩ đến việc đưa vào khoa luật học khái niệm “nhà nước toàn trị” : không phải vì rằng ý kiến về một nhà nước như thế chưa từng xuất hiện ( nói thế là sai ! ), mà một chế độ như thế có vẻ như không thể nào khả thi được và không ai dám làm như thế. Nếu có một kẻ nào đó “bịa” ra nó ( thí dụ như nhân vật Sigalev trong Lũ Người Quỷ Ám của Dostoievsky ! ) thì mọi người sẽ nói ngay : trên trái đất không làm gì có những kẻ bất lương và ngu xuẩn như thế, không thể có những cơ quan nhà nước khủng khiếp đến như thế, cũng không đào đâu ra phương tiện kỹ thuật để có thể xây dựng nên một cơ chế chính trị bao trùm lên tất cả, thâm nhập vào tất cả và cưỡng bức được tất cả mọi người như thế. Nhưng nay thì chế độ toàn trị đã hiện hữu như là một sự kiện lịch sử và chính trị và chúng ta buộc phải tính đến : người đã có, các cơ quan đang được xây dựng và kỹ thuật cũng đã sẵn sàng.
Chế độ toàn trị là gì ? Đấy là chế độ chính trị can thiệp một cách vô giới hạn vào đời sống của các công dân, một chế độ tìm cách quản lý và điều tiết một cách thô bạo toàn bộ hoạt động của tất cả các thần dân của mình. Từ “totus” trong tiếng Latinh có nghĩa là “toàn bộ”. Nhà nước toàn trị nghĩa là nhà nước bao trùm lên tất cả. Nó xuất phát từ quan niệm rằng sáng kiến cá nhân không những là không cần thiết mà còn có hại, tự do là khái niệm nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Có một chính quyền trung ương : chính quyền này phải biết hết, dự đoán hết, lập kế hoạch hết và chỉ đạo hết. Nhận thức pháp luật thông thường xuất phát từ quan điểm : cái gì không cấm thì đều được phép làm, trong khi chế độ toàn trị nhồi sọ vào đầu óc người ta điều ngược lại : tất cả những gì chưa có quy định thì đều bị cấm. Trong khi nhà nước bình thường bảo : mỗi người đều có lĩnh vực quan tâm riêng, trong lĩnh vực đó người ta được tự do, thì nhà nước toàn trị tuyên bố : chỉ tồn tại quyền lợi của nhà nước, mỗi người phải có trách nhiệm gắn bó với quyền lợi ấy. Trong khi nhà nước bình thường cho phép : tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do xây dựng cuộc sống theo ý mình thì nhà nước toàn trị yêu cầu : suy nghĩ theo quy định, không được theo tôn giáo, xây dựng đời sống nội tâm theo chỉ đạo của cấp trên. Nói cách khác : ở đây người ta quản lý tất, con người bị nô dịch về mọi phương diện, tự do trở thành tội lỗi và bị trừng phạt.
Như vậy bản chất của chế độ toàn trị không phải nằm ở hình thức nhà nước ( dân chủ, cộng hòa hay độc tài ) mà ở khối lượng công việc quản lý : quản lý toàn diện các mặt của đời sống. Nhưng sự quản lý toàn diện như thế chỉ có thể thực hiện được dưới một chính thể chuyên chế nhất quán, dựa trên cơ sở thống nhất về quyền lực, một chính đảng duy nhất, sự độc quyền về sử dụng lao động, tất cả mọi người phải theo dõi và tố cáo lẫn nhau và một chế độ khủng bố tàn bạo. Cách tổ chức quản lý như thế có thể khoác cho bộ máy nhà nước bất kỳ hình thức nào, đấy có thể là chế độ Xô-viết hay liên bang, cộng hòa hay bất kì hình thức nào khác cũng được. Điều quan trọng không phải là hình thức nhà nước mà là tổ chức quản lý bao trùm lên tất cả, từ một căn phòng trong thị xã cho đến một túp lều ở nông thôn, từ tâm hồn của một cá nhân cho đến một phòng thí nghiệm khoa học, từ ý tưởng bay bổng của một nhạc sĩ cho đến phòng điều trị trong một bệnh viện, một thư viện, một tờ báo, một con thuyền đánh cá cho đến phòng xưng tội trong một nhà thờ.
Như thế có nghĩa là chế độ toàn trị không dựa trên các đạo luật căn bản mà tồn tại trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của đảng. Vì không có luật cho nên chỉ thị của đảng chính là luật. Vì về hình thức các cơ quan nhà nước vẫn còn nên các cơ quan này chỉ là bình phong cho chế độ chuyên chế của đảng mà thôi. Các “công dân” cũng vẫn còn nhưng đấy thực chất chỉ là chủ thể của những nghĩa vụ ( không phải là quyền ! ) và đối tượng của các chỉ thị và nghị quyết của đảng ; nói cách khác : cá nhân con người chỉ là những cỗ máy, chỉ là những kẻ truyền bá nỗi sợ hãi và giả vờ trung thành với chế độ. Đây là một chế độ mà trong đó không có chủ thể của pháp luật, không có luật pháp, không có nhà nước pháp quyền. Ở đây nhận thức pháp lý được thay thế bằng các cơ chế tâm lý : đói khát, sợ hãi, đau khổ và nhục mạ, còn lao động sáng tạo được thay bằng lao động cưỡng bách của thời kỳ chiếm nô.
Vì vậy chế độ toàn trị không phải là chế độ nhà nước cũng chẳng phải là chế độ pháp trị. Nó được những người duy vật lập ra và tồn tại dựa trên cơ chế phi nhân và nô dịch “thể xác - tâm hồn” ; dựa trên những mệnh lệnh có tính đe dọạ giữa cai ngục và nô lệ, dựa trên những mệnh lệnh tùy tiện của cấp trên. Đấy không phải là một nhà nước có công dân, có pháp luật và chính phủ ; đấy là một xã hội đã bị thôi miên ; đấy là một hiện tượng kinh khủng và chưa từng có trong lịch sử, là một xã hội được cố kết bởi nỗi sợ hãi, bản năng và sự tàn bạo chứ không phải bởi luật pháp, tự do, lương tri, quyền công dân và nhà nước.
Nếu vẫn phải nói về hình thức của tổ chức này thì đấy không phải là pháp trị, cũng chẳng phải là vô pháp mà là chế độ chuyên chế chiếm nô rộng lớn chưa từng có và cũng bao trùm chưa từng có.
Nhà nước pháp quyền đặt cơ sở trên sự công nhận con người cá nhân, một cá nhân có tâm hồn, được tự do và tự chủ về lương tâm và công việc của mình, nghĩa là nhà nước đặt cơ sở trên sự nhận thức pháp lý đúng đắn. Chế độ toàn trị, ngược lại, dựa vào sự đe dọa. Dân chúng bị đe dọa đủ thứ : thất nghiệp, thiếu thốn, chia lìa với người thân, chết chóc, bắt bớ, tù đày, thẩm vấn, lăng mạ, đánh đập, tra tấn, lưu đầy, chết trong trại cải tạo vì đói, rét và lao động khổ sai. Dưới áp lực của những nỗi sợ hãi như thế họ còn bị thôi miên : phục tùng tuyệt đối, thế giới quan duy vật, vô thần, thường xuyên tố giác, sẵn sàng chấp nhận mọi điều dối trá và phi đạo đức, chấp nhận sống trong cảnh đói rét và làm lụng đến kiệt sức. Hơn thế nữa, họ còn bị thôi miên về nhiệt tình cách mạng và cảm giác về tính ưu việt so với tất cả các dân tộc khác ; nói một cách khác : thói tự mãn về sự điên rồ và ảo tưởng về thành công của chính mình. Dưới ảnh hưởng của sự thôi miên mang tính khủng bố như thế họ trở thành những người tin tưởng mù quáng vào chủ nghĩa cộng sản phi tự nhiên, tự cao tự đại và coi thường tất cả những gì không phải là Nga ( Xô-viết ! Cộng sản ! )
Quá trình thôi miên diễn ra đã lâu, hàng chục năm, bao nhiêu thế hế ; nó đã làm băng hoại tâm hồn con người ; họ không còn biết nguồn gốc của nó, họ không còn hiểu từ đâu ra cái thói kiêu ngạo ấy ; một số người trong bọn họ khi ra nước ngoài vẫn còn phiêu lãng trong trạng thái tâm lý toàn trị bệnh hoạn, không tin ai và khinh thường những người di cư trước đây và thỉnh thoảng lại rơi vào những cơn co giật của thói tự mãn. Đấy là hậu quả của ba mươi năm thôi miên, chỉ có thể xoá bỏ một cách từ từ. Đấy là những nét đặc trưng của cái chế độ quái gở và bệnh hoạn đó."
( Phạm Nguyên Trường dịch ).
Nếu là một Nghệ Sĩ đích thực hoạt động trong lĩnh vực Văn Hóa, có lẽ cần phải biết và hiểu :
- VĂN HÓA DẪN ĐƯỜNG CHO CHÍNH TRỊ, chứ không phải ngược lại !
- CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ PHẢI ĐƯỢC TIẾN HÀNH SONG SONG VỚI CẢI CÁCH VĂN HÓA, VÀ PHẢI DỰA TRÊN NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CẢI CÁCH VĂN HÓA ! ( - Về Trí Thức Nga - ).
- TRÍ THỨC LÀ NGƯỜI CÓ TINH THẦN PHÊ PHÁN ! ( - Về Trí Thức Nga - ).
- QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH !
- TƯỚC HỮU NGŨ, SĨ CƯ KỲ LIỆT
DÂN HỮU TỨ, SĨ VI CHI TIÊN !
Những ai luôn thích khoác lên mình những “chiếc áo” có đính những chữ “sĩ - sư - gia - giả” lấp lánh và sang trọng, xin hãy biết rằng, những chiếc áo Sĩ - Sư - Gia - Giả thật sự rất rộng và rất nặng, hàm chứa bên trong đó là TRI THỨC rất rộng lớn và TRÁCH NHIỆM rất nặng nề, nó sẽ gây vướng víu hay đè bẹp những ai không đủ “tầm vóc” ... !!! ...
“SĨ” ĐÃ ĐỚN HÈN THÌ CẢ DÂN TỘC SẼ ĐỚN HÈN !!!

No comments:

Post a Comment