Saturday, June 22, 2013

NGƯỜI NÀY ĐÃ GÓP PHẦN ĐẪY VN PHẢI 'NẮM  DAO ĐẰNG LƯỠI' TRONG QUAN HỆ VỚI TQ !
Thưa các bạn ,
Trong còm "NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ DỞ" , tôi đã nói về người đã 'phá bỉnh' việc bình thường hóa giửa Mỹ và VN sau năm 1975 . . . và cuối cùng , qua HN Thành đô , VN buộc phải làm hòa trong thế RẤT YẾU với TQ - mà VN đã làm cho họ mất mặt trong cuộc chiến 1979 .
ĐÚNG LÀ ĐỊNH MỆNH NGHIỆT NGÃ TIẾP TỤC THEO ĐUỔI  VN : PHẢI BẮT TAY VỚI KẺ THÙ TRUYỀN KIẾP - để dẫn đến bao HỆ LỤY tiêu cực kéo dài cho tới hôm nay .
Hôm nay , tôi xin giới thiệu bài viết về nhân vật đó : Zbigniew Brzezinski , cố vấn về an ninh quốc gia của TT Jimmy Carter . Nguồn :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/05/080501_brzezinski_vietnam_china.shtml
= = = =
"Tháng năm này đánh dấu 30 năm ngày diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Zbigniew Brzezinski (từ 20 đến 23 tháng Năm 1978).
Năm 1978 – 79, khi Mỹ - Trung chủ động tiến gần đến nhau, có thể nói hai chính khách QUAN TRỌNG NHẤT trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung là Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ và Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc.
Vai trò cố vấn chiến lược
. . .
Nếu như chiến lược détente (hòa hoản) của Kissinger đặt quan hệ Mỹ - Xô và Mỹ - Trung ngang nhau, thì Brzezinski, khi trở thành cố vấn an ninh của Tổng thống Carter, lại chọn chiến lược công khai liên minh với một trong hai cường quốc cộng sản, buộc kẻ còn lại rơi vào sự cô lập. Ảnh hưởng ngày càng tăng NGÀY CÀNG TĂNG của ông cố vấn, cùng với những tính toán của Bắc Kinh, là yếu tố quan trọng khiến sự tái lập quan hệ Mỹ - Việt trở thành BẤT KHẢ.
Khi Jimmy Carter trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc, việc PHỤC HỒI QUAN HỆ với Việt Nam được ông xem là một phần của quá trình hàn gắn vết thương cho nước Mỹ. 10 ngày sau khi nhậm chức tổng thống, Carter gặp Ủy ban Quốc hội về người Mất tích ở Đông Nam Á (Ủy ban Montgomery) và lặp lại lời hứa khi tranh cử là sẽ gửi phái đoàn đến Việt Nam để bàn vấn đề MIA. Khác với người tiền nhiệm Gerald Ford, Carter chỉ thị : KHÔNG đặt MIA làm điều kiện tiên quyết cho đàm phán.
Vấn đề tái lập quan hệ chính thức với Trung Quốc dĩ nhiên cũng nằm trên bàn nghị sự của tổng thống. Nhưng Carter chỉ trích nặng nề lập trường của Nixon – Kissinger đối với Trung Quốc: “Chúng ta không nên bợ đỡ họ như cách Nixon và Kissinger đã làm.” Ban đầu, Carter nghe theo đề nghị của Ngoại trưởng Cyrus Vance, là BÌNH THƯỜNG HÓA quan hệ với cả Bắc Kinh và Hà Nội.
Trong khi đó, đứng trên lập trường chống Liên Xô của một người Mỹ gốc Ba Lan, Brzezinski ngã về phía Trung Quốc để lên án cả Moscow và Hà Nội. Sang năm 1978, khi ảnh hưởng của Brzezinski ngày càng mạnh, Việt Nam trở thành LÁ BÀI để Mỹ lung lạc mâu thuẫn Xô – Trung.
Brzezinski lên đường Hoa du
Trong một buổi tiệc tháng 11-1977, phía Trung Quốc hỏi Brzezinski là ông có ý định thăm nước này hay không. Brzezinski rút sổ tay và đề nghị người đối diện “đặt ngày”. Ngay sau đó, viên cố vấn lại viết thư cho sứ quán Trung Quốc ở Washington, nhắc lại lần nữa mong muốn viếng thăm. Biết tin này, Ngoại trưởng Vance phản đối, như lời kể của Carter trong hồi ký:
“Bộ trưởng Vance khăng khăng nói mọi đàm phán phải được thực hiện qua ông ấy. Tôi đoán người ở Bộ Ngoại giao vẫn khó chịu với việc Ngoại trưởng William Rogers bị ngó lơ khi Henry Kissinger, trong cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon, đóng vai trò quan trọng để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống và thương thảo tuyên bố chung Thượng Hải.”
Brzezinski đã chọn nước cờ là đi thăm Bắc Kinh trong lúc Vance đang ở Moscow, làm vị ngoại trưởng bó tay. Trước mặt chủ nhà trong buổi tiếp tân ngày 22 tháng Năm, Brzezinski khẳng khái: “Tổng thống…quyết tâm hợp tác với các bạn để vượt qua những trở ngại còn lại trên con đường bình thường hóa hoàn toàn. Hoa Kỳ đã có quyết định về vấn đề này.” Phái đoàn Mỹ cung cấp luôn thông tin tình báo về các đợt chuyển quân của Liên Xô dọc đường biên giới Xô – Trung.
Trên đường quay về, Brzezinski tự ý dừng lại ở Tokyo mà không hỏi trước ý kiến tổng thống. Như một món quà nữa dành cho bằng hữu mới quen, Brzezinski thúc Nhật ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc – hiệp ước sau đó được ký vào tháng Tám.
Chuyến thăm thành công của Brzezinski tạo nên những thay đổi nền tảng trong chính sách của chính quyền Carter. Nó diễn ra vào lúc mâu thuẫn Việt – Trung sôi sục vì cuộc khủng hoảng Hoa kiều và vì chính thể Khmer Đỏ ở Campuchia. Với lập trường chống Liên Xô, Brzezinski, ngay từ đầu năm 1978, đã xem xung đột Việt Nam – Campuchia là một “cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô.” Quan điểm này dần dần chi phối Nhà Trắng để rồi quanh câu hỏi làm thân với Hà Nội, Brzezinski “liên tục nói với tổng thống là một hành động như thế sẽ bị Trung Quốc diễn giải là động thái ‘thân Xô, chống Trung.”
Brzezinski nghĩ gì về cuộc họp với Nguyễn Cơ Thạch?
Ngày 29 tháng Sáu 1978, Việt Nam là nước châu Á thứ hai, sau Mông Cổ, gia nhập COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế của các nước thuộc hệ thống XHCN). Đây là bước đầu tiên trong một loạt diễn biến ngoại giao đưa Hà Nội đến gần hơn với Moscow.
Sang tháng Bảy, Trung Quốc chấm dứt toàn bộ mọi dự án tại Việt Nam. Việt Nam đề nghị với Mỹ có thêm cuộc họp ở Paris trong tháng Tám để bàn về khả năng khôi phục quan hệ, nhưng Mỹ từ chối, nói rằng hai bên có thể gặp kín trong tháng Chín khi đoàn Việt Nam đến New York dự họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cuối cùng đã nói Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ vô điều kiện. Nhưng với tiến triển trong đàm phán bình thường hóa Mỹ - Trung, vấn đề Việt Nam không còn là ưu tiên cho chính quyền Carter. Vấn đề thuyền nhân và tin tức tình báo về khả năng Việt Nam SẮP TẤN CÔNG Campuchia cũng cho thấy đây không phải là lúc để Mỹ cải thiện quan hệ với nước cựu thù.
Sau ngày họp thứ hai với Nguyễn Cơ Thạch, chuyên gia Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Michel Oksenberg, gửi báo cáo cho Brzezinski: “Ta có thể cảm thấy THẾ YẾU của Việt Nam trong các cuộc thảo luận. Những khó khăn kinh tế, xung đột với Campuchia và căng thẳng với Trung Quốc đặt họ vào vị trí rất bất lợi.” Trong lúc khả năng tấn công Campuchia là khó tránh khỏi, có vẻ Việt Nam rất muốn sớm bình thường quan hệ với Mỹ, và đồng thời dùng cuộc thương thảo với Mỹ để có thêm những nhượng bộ từ Moscow.
Ngoại trưởng Vance gửi một báo cáo cho Tổng thống Carter, đề nghị rằng sau cuộc bầu cử quốc hội, Washington cần đi theo lộ trình bình thường hóa quan hệ với Hà Nội. Trước khi báo cáo đến tay Carter, theo thông lệ, nó phải được Brzezinski duyệt. Viên cố vấn có bút phê vào bản phúc trình rằng KHÔNG NÊN có bước đi nào cho đến khi đã lập được quan hệ với Bắc Kinh.
Sau này, Brzezinski thổ lộ với nhà báo Nayan Chanda: “Tôi cho rằng Holbrooke đến đó (gặp phái đoàn Việt Nam tại New York) để chứng tỏ rằng họ muốn làm cho việc quan hệ bình thường thêm được dễ dàng, và tôi đã BẮN RƠI đề nghị đó.” Đáng chú ý, lúc này Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận được thông điệp giận dữ từ Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa về cuộc thương lượng Việt – Mỹ.
Một cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Carter với Brzezinski và Leonard Woodcock diễn ra trong tháng Mười 1978. Chính Brzezinski yêu cầu không cho Ngoại trưởng Vance tham dự cuộc họp. Theo hồi ký của Brzezinski, khi Carter hỏi về vấn đề hòa giải với Hà Nội, cả hai cố vấn đều nói chuyện này chỉ gây nguy hiểm cho cuộc thương lượng với Trung Quốc. Bản thân Woodcock, người từng dẫn đầu phái đoàn sang Việt Nam và ủng hộ quan hệ với Hà Nội, nay đã thay đổi thay độ. Kết quả là Carter quyết định đặt Trung Quốc thành ưu tiên.
Đặng tranh thủ quan hệ với Mỹ
Mỹ và Trung Quốc chính thức phục hồi quan hệ ngoại giao vào ngày đầu tiên của năm 1979. Một tuần sau, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh. Khả năng bình thường hóa quan hệ với Mỹ nay được đặt ra với điều kiện Hà Nội rút toàn bộ quân đội ra khỏi Campuchia.
Việc Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bài học” chỉ còn là vấn đề thời gian. Chuyến thăm Washington của Đặng Tiểu Bình vừa để thắt chặt mối quan hệ song phương vừa tái tục, và cũng để thăm dò phản ứng của chính quyền Carter về khả năng Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Tổng thống Carter chính thức đón tiếp Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình tại thảm cỏ trước Tòa Bạch Ốc sáng ngày 29 tháng Giêng 1979. Nhưng thực ra, vào tối hôm trước, chủ nhà đầu tiên tiếp ông Đặng chính là Brzezinski, tại nhà riêng ở tiểu bang Virginia. Brzezinski khui chai rượu do Brezhnev tặng, và làm vị khách thích thú khi họ nâng cốc cho tình bạn Mỹ - Trung bằng món quà từ Moscow.
Trong cuộc gặp riêng với Carter, Brzezinski, Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown ngày 30 tháng Giêng, Đặng nói rõ Trung Quốc thấy cần phải “kiềm chế tham vọng của người Việt Nam và dạy cho họ bài học hạn chế thích đáng.” Đặng giải thích thêm là bài học này sẽ ngắn về thời gian, nhỏ về quy mô và không nhằm dẫn đến xung đột trực diện giữa Liên Xô và Trung Quốc. Brzezinski lo ngại Tổng thống “có thể bị Vance thuyết phục để gây sức ép tối đa buộc Trung Quốc không dùng vũ lực.”
Sáng hôm sau, Carter đưa cho Đặng lá thư viết tay nói Mỹ không đồng ý Trung Quốc đánh Việt Nam. Sau khi liệt kê chín lý do, Carter kết luận: “Hoa Kỳ không thể ủng hộ hành động này, và tôi mạnh mẽ kêu gọi ngài không thông qua nó.” Tuy vậy, nhiều nhà phân tích xem ngụ ý sâu xa của lá thư chỉ là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp tình hình ở Đông Dương.
Brzezinski viết trong hồi ký: “Tôi cảm thấy đây là cách thức đúng, vì chúng tôi không thể chính thức thông đồng với Trung Quốc để bảo trợ một hành động tương đương với sự gây hấn quân sự.”

Hai ngày sau khi trở về từ chuyến thăm Mỹ và Nhật, hôm 11 tháng Hai 1979, Đặng ra quyết định sẽ tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng Hai. Cuộc chiến năm 1979 là hoạt động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ chiến tranh Triều Tiên, với khoảng 300.000 quân tham chiến.
Trong lúc chiến sự diễn ra, Brzezinski mỗi buỗi chiều lại gặp đại sứ Trung Quốc Sài Trạch Dân để thông báo hoạt động của quân Liên Xô dọc biên giới Xô – Trung và cho hay những thông tin tình báo vệ tinh khác. Như nhận xét của Cecile Menetrey-Monchau trong cuốn sách gần đây về quan hệ Việt – Mỹ, “dù cuộc xâm lấn được gọi là ‘cuộc chiến của Đặng’ tại Trung Quốc, nó cũng có thể được gọi là ‘cuộc chiến của Brzezinski’ ở Washington, với ý nghĩa là gián tiếp đối đầu với Moscow và thắng thế trước Vance.”
Tóm lại, từ đầu năm 1978 trở đi, cùng với ảnh hưởng gia tăng của Brzezinski, Washington không còn xem Hà Nội là một nước độc lập trong vùng mà là một “Cuba phương Đông”, tiêu biểu cho tham vọng bành trướng của Liên Xô. Lập trường đối ngoại của Brzezinski tìm thấy điểm chung ở ban lãnh đạo Trung Quốc. Thêm một lần nữa, Việt Nam lại trở thành quân cờ trong bàn cờ chiến lược của các siêu cường."./.
= = =

No comments:

Post a Comment