Saturday, January 26, 2019

Bên thắng cuộc: chúng tôi không đại diện cho sự thù hận!


Bài của Bông Lau 

"Đó là niềm hy vọng tha thiết của tôi, và thực sự là niềm hy vọng của cả nhân loại, từ biến cố trọng thể này, một thế giới tốt đẹp hơn sẽ chớm nở từ máu và giết chóc của quá khứ, một thế giới sẽ được cấu tạo dựa trên niềm tin và sự cảm thông, một thế giới dành riêng cho phẩm giá của con người và hiện thực những ước mơ cao quý nhất cho tự do, bao dung và công lý”.-- Diễn văn của tướng MacArthur trong lễ chấp nhận sự đầu hàng của Nhật ngày 2/9/1945 .


Ngày 6 tháng 8 năm 1945 Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử lên Hiroshima và ba ngày sau thả một trái khác ở Nagasaki giết tổng cộng khoảng 120 ngàn người. Vài chục ngàn người Nhật đã bị tử vong một thời gian sau vì bị nhiễm phóng xạ.

Hoàng Đế Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15 tháng 8 năm 1945. Hai tuần lễ sau ngày 27 tháng 8 hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tiến vào vịnh Tokyo để làm lễ ký văn kiện đầu hàng của Nhật Bản.

Quyết định đầu hàng của Nhật Bản không đến dễ dàng. Phe chủ chiến vẫn muốn tiếp tục chiến đấu để phe đồng minh nhượng bộ nhiều hơn. Có lúc Hoa Kỳ đã dùng trên 1000 phi cơ trong đó có 400 pháo đài bay B-29 tái oanh tạc và hải pháo để áp lực Nhật Bản đầu hàng.
Phái đoàn Nhật Bản do Ngoại Trưởng Mamoru Shigemitsu dẫn đầu (cầm gậy). Ông chỉ có một giò vì bị khủng bố đặt bom ám sát hụt mấy năm trước đó.
Ngày 9 tháng 8 khi bom nguyên tử nổ ở Nagasaki và nội các Nhật Bản đang bàn cãi về vấn đề đầu hàng thì một phi công Mỹ, Marcus McDilda, lái chiến đấu cơ P-51 bị bắn rớt và bắt sống một ngày trước đó. Trước sự tra tấn của lính Nhật, viên phi công Mỹ đã nói láo rằng Hoa Kỳ hiện có 100 trái bom nguyên tử và mục tiêu kế tiếp là Tokyo và Kyoto là hai thành phố lớn nhứt của Nhật. Lời khai láo này đã cứu sống Marcus McDilda vì lính Nhật đã không chém đầu anh ta mà phân loại thành tù binh ưu tiên tối mật phải bảo vệ. Thiệt sự Hoa Kỳ chỉ có trái bom nguyên tử thứ 3 vào ngày 19 tháng 8 và trái thứ 4 vào tháng 9 năm 1945.

Ngày Hoàng Đế Hirohito quyết định đầu hàng cũng là lúc cung điện của ngài bị phe chủ chiến đảo chánh và đốt cháy. Hai sỹ quan chủ mưu đảo chánh sau đó đầu hàng và bị bắt.

Cuối cùng đúng 9 giờ 3 phút ngày 2 tháng 9 năm 1945 phái đoàn của Nhật Bản gồm có 11 người đặt chân lên boong chiếc Soái Hạm USS Missouri đang thả neo ở vịnh Tokyo để ký văn kiện đầu hàng. Họ được bí mật di chuyển ra chiến hạm Hoa Kỳ. Xe không treo cờ vì sợ phe chủ chiến ám sát.
Phái đoàn Nhật Bản bước lên boong chiếc Soái Hạm Missouri. Đi qua hàng quân danh dự của Hải Quân Hoa Kỳ đang đứng nghiêm chào. Chú ý: trên cột ăng ten ngang cao chót vót có một thủy thủ ngồi vắt vẻo như chim bồ câu. Quả thật đời lính thủy có nhiều mạo hiểm kỳ thú !!!
Trước đó vài ngày Hải Quân Hoa Kỳ đã thực tập buổi lễ ký văn kiện đầu hàng rất thuần thục. Họ biết dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản là Ngoại Trưởng Mamoru Shigemitsu phải mang một chân giả vì ông bị ám sát mấy năm trước đó nên cụt mất một giò.

Vài thủy thủ Mỹ phải tập làm phế nhân di chuyển một giò từ ca nô lên cầu treo để lên tới boong thứ hai của chiếc Soái Hạm Missouri. Các tướng lãnh Hoa Kỳ muốn biết chính xác thời gian di chuyển của phái đoàn Nhật Bản lên đến bàn ký kết.

Đại Tướng Douglas MacArthur Chỉ Huy Trưởng tối cao của Quân Lực Đồng Minh ở Thái Bình Dương sẽ cùng với các đại diện đồng minh là Liên Xô, Anh Quốc, Úc, Tân Tây Lan, Philippines và Trung Hoa ký nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản.

Đại Tướng Douglas MacArthur ra lịnh cho toàn thể thủy thủ mặc đồng phục trắng. Sỹ quan không mặc đại lễ, không thắt cà vạt, áo để hở cổ, không đeo huy chương và không mang súng ngắn bên hông. Ngoại trừ một số quân nhân TQLC đeo súng Colt 45 để giữ an ninh. Ông nói: “Chúng ta đã mặc đồng phục vải ka ki để chiến đấu và chúng ta sẽ mặc đồng phục này trong ngày tiếp nhận văn kiện đầu hàng của họ”.
Phái đoàn Nhật sau khi ký văn kiện đầu hàng xong đi qua hàng quân danh dự nghiêm trang chào kính. Ban nhạc Hải Quân đứng cạnh trổi nhạc. Chú ý hai sỹ quan an ninh mang Colt 45 bên hông phòng hờ cảm tử "Banzai" bất tử !!!
Phái đoàn Nhật Bản tiến lên boong trước hàng ngàn cặp mắt tò mò nhưng nghiêm trang của sỹ quan và thủy thủ Hoa Kỳ. Không có sự bày tỏ hận thù đối với người thất trận. Người thắng cuộc bảo nhau chiến tranh đã chấm dứt.

Các sỹ quan Nhật Bản cũng nghiêm trang và kỷ luật. Khi ca nô cặp hông chiếc Soái Hạm Missouri, họ chào đúng quân cách và báo cáo: “Xin phép được lên boong” (permission to come aboard). Sỹ quan Hải Quân Mỹ đứng đón ở cầu thang trang trọng trả lời theo truyền thống Hải Quân: “Sự yêu cầu được chấp thuận” (Permission granted). Và phái đoàn Nhật Bản đứng nghiêm chào kính khi ban nhạc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trổi lên bài quốc ca "The Star-Spangled Banner".

Phần đông viên chức chính phủ và sỹ quan Nhật du học ở Âu Mỹ trở về nên họ rất thông hiểu văn hóa Tây phương. Như Thống Chế Isoroku Yamamoto Chỉ Huy Trưởng của Hải Quân Nhật ở Thái Bình Dương đã du học ở đại học Harvard Hoa Kỳ. Về sau máy bay T1-323 của ông bị các khu trục cơ P-38 Mỹ phục kích bắn hạ ở đảo Solomon Nam Thái Bình Dương. Binh sỹ Nhật đã tìm thấy thi thể của Yamamoto. Bàn tay đeo găng trắng vẫn nắm chặt chuôi kiếm Katana (Samurai). Đầu gục xuống trong một tư thế suy tư.

Tướng Yoshijirō Umezu Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Hoàng Gia Nhật Bản trong phái đoàn ký văn kiện đầu hàng cũng du học từ Đan Mạch và Đức. Sau chiến tranh Umezu bị Tòa Án Quân Sự Quốc Tế vùng Viễn Đông (International Military Tribunal for the Far East) kết án tù chung thân vì tội phạm chiến tranh. Ông chết ở trong tù. Nhưng phần đông tướng lãnh và sỹ quan của quân đội Nhật không bị truy tố. Nhiều người vẫn ở trong quân đội.
Sau khi ký văn kiện đầu hàng xong khoảng 400 chiến đấu cơ bay đội hình rợp trời qua kỳ đài của chiếc Soái Hạm Missouri thả neo ở vịnh Tokyo để chào mừng và cũng để răn đe.
Buổi lễ ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng đơn giản và kéo dài đúng 23 phút. Đại Tướng Douglas MacArthur đọc một bài diễn văn ngắn trích và tạm dịch như sau:

“Chúng tôi là đại diện của các quốc gia tham chiến tập hợp nơi đây, để long trọng thỏa thuận về một nền hòa bình sẽ được phục hồi.

Các vấn đề liên quan đến lý tưởng và ý thức hệ dị biệt đã được thanh toán trên các chiến trường, và do đó không còn là cuộc thảo luận hoặc tranh cãi của chúng tôi.

Chúng tôi cũng không đại diện cho các dân tộc trên trái đất đến đây với sự nghi kỵ, ác ý hoặc thù hận.

Nhưng đối với chúng ta, người chiến thắng và kẻ chiến bại phải vượt lên ở một vị trí cao hơn, để hoàn tất nhiệm vụ cao cả mà nhân dân của chúng ta đã ủy thác.

Đó là niềm hy vọng tha thiết của tôi, và thực sự là niềm hy vọng của cả nhân loại, từ biến cố trọng thể này, một thế giới tốt đẹp hơn sẽ chớm nở từ máu và giết chóc của quá khứ, một thế giới sẽ được cấu tạo dựa trên niềm tin và sự cảm thông, một thế giới dành riêng cho phẩm giá của con người và hiện thực những ước mơ cao quý nhất cho tự do, bao dung và công lý”.

Soái Hạm USS Missouri mới toanh chỉ một tuổi. Hạ thủy vào tháng 6 năm 1944. Là cục cưng của TT. Harry S. Truman (1945-1953). Con gái cưng của Tổng Thống Truman đã ban phép lành cho chiến hạm trong ngày hạ thủy và đặt tên nơi cha cô sinh trưởng: Tiểu bang Missouri. USS Missouri đã tham dự trận Iwo Jima và các trận hải pháo vào bờ biển Nhật Bản. Hình trên là chiếc khu trục cảm tử Kamikaze đang đâm vào hông chiếc USS Missouri. Khi thu dọn đổ nát người ta tìm thấy xác phi công Nhật. Hải Quân Hoa Kỳ đã làm lễ thủy táng phi công Nhật với lá cờ Thái Dương Thần Nữ theo truyền thống của hải quân.
Trong khi buổi lễ ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945 người Mỹ đã không còn ngây thơ kể từ sau trận Trân Châu Cảng. 9 khẩu trọng pháo 406 mm, 20 khẩu đại bác 127 mm và 80 khẩu đại bác liên thanh phòng không 40 mm của chiếc Soái Hạm USS Missouri nạp đạn sẵn. Hải Quân Hoa Kỳ sợ những chiếc máy bay Kamikaze từ đâu lao xuống rinh hết hàng trăm tướng tá đồng minh đang đứng tập trung trên boong về miền cực lạc.

Phái đoàn Nhật Bản rời Soái Hạm USS Missouri đi qua hàng quân danh dự đứng nghiêm chào kính của Hải Quân Hoa Kỳ. Thế Chiến Thứ Hai đã chính thức kết thúc ở giây phút ấy. Có khoảng 70 cho đến 85 triệu người đã mạng vong. Và Nhật Bản ngày hôm nay thành một cường quốc kinh tế và là một đồng minh vô cùng gắn bó với Hoa Kỳ.

Nếu ngày ấy thiết giáp của Đại Tướng Douglas MacArthur hung hăng ủi sập cổng của Hoàng Cung Nhật Bản và lính Mỹ rầm rập tranh nhau chạy vào kéo cờ Nhật xuống như một đám thảo khấu trong rừng mới chui ra, rồi bắt sỹ quan Nhật và Hoàng Đế Hirohito đi tẩy não thì Nhật Bản đã không dễ mến như ngày hôm nay.

Nguồn: FB Bong Lau

No comments:

Post a Comment