Friday, December 16, 2016

Tây Du Ký dưới góc nhìn của Phật giáo
 
Tháng 5 đã về, lớp lớp các em học sinh lại chuẩn bị bước vào những ngày nghĩ hè. Cũng như mọi năm, “thực đơn” hè không thể thiếu của các đài truyền hình VN chính là bộ phim Tây du ký-  một bộ phim nhiều tập luôn làm say mê hàng triệu trẻ em (và cả người lớn), có thể xem đi xem lại hoài vẫn không thấy chán. Những lúc trà dư tửu hậu, người ta lại đem chuyện đám yêu tinh con cháu Ngọc hoàng và các quan thiên đình quậy phá  trần gian để liên hệ đến những vấn đề thời sự xã hội, rồi tự an ủi với nhau rằng ngay tại cửa Phật, Đường Tăng còn phải hối lộ để lấy kinh nữa là… 

Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Thầy trò Đường tăng trên đường đi Tây trúc
 
Thực ra thì không phải đợi đến lúc lên phim, ngay từ tác phẩm văn học (truyện Tây du ký), nhiều người đã kịch liệt chỉ trích các vấn đề liên quan đến Phật giáo, nhất là đoạn Phật tổ trả lời thầy trò Đường Tăng về việc bị đòi lễ vật mới cho lấy kinh, coi nó là phỉ báng đạo Phật. Đoạn trích:
 
Phật tổ cười nói :
 
- Nhà ngươi chớ nói ồn lên ! Chuyện hai người đó đòi lễ bọn ngươi ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể lấy không được.Trước đây, các tỳ kheo thánh tăng xuống núi, cũng đem bộ kinh này đọc hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giữ cho nhà ấy : người sống được an toàn, người chết được siêu thoát, chỉ lấy được của nhà ấy ba đấu ba thăng vàng cốm đem về. Ta vẫn còn bảo bọn họ bán rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu dùng.
       (Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân, Hồi thứ 98)
 
Đem cái giọng tham tiền, buôn kinh, xách nhiễu này gắn vào lời của Phật Tổ Như Lai, tác giả Ngô Thừa Ân có còn một chút nào tôn kính đạo Phật hay không ?
 
Nhân câu hỏi này, chúng ta sẽ có dịp thảo luận về một đề tài gây nhiều hiểu lầm trải dài nhiều thế kỷ và lan rộng tại nhiều vùng địa danh trên thế giới.
 
Thật vậy, tác phẩm Tây Du K‎ý đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Việt ngữ, Nhật ngữ, Thái ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, v ...v… và đã được nhiều đạo diễn dựng thành kịch bản, thành phim điện ảnh. Nội dung Tây Du K‎‎ý đã tạo dấu ấn vào tâm tư của nhiều thế hệ và nhiều tầng lớp người thưởng ngoạn. Vì thế, chúng ta rất nên tìm hiểu coi dấu ấn và ảnh hưởng của cuốn sách này tác động vào tâm tư độc giả là tốt hay xấu và có lợi hay có hại cho người đọc.
 
1-TÂY DU K‎Ý‎ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ HƯ THỰC:
 
Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Đường tăng- một nhân vật có thật
Tây du ký là tên cuốn truyện do tác giả Ngô Thừa Ân sáng tác, chỉ dựa vào một chi tiết có thật độc nhất là "Tam Tạng pháp sư Huyền Trang được vua nhà Đường nước Trung Hoa cử sang Tây Trúc (tức là Ấn Độ) thỉnh kinh".
 
Từ chi tiết có thật độc nhất đó, tác giả đã viết ra một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, hoang đường, xúc phạm sự tôn nghiêm của Đức Phật, hạ thấp phẩm cách chư đại đệ tử Phật và nhất là bôi nhọ pháp sư Huyền Trang, khiến cho độc giả mất thiện cảm với giới tu hành nhà Phật, cản trở con đường tìm hiểu và tu tập theo Phật pháp một cách nghiêm túc.
 
Nếu tác giả dùng thể tiểu thuyết để hư cấu một câu chuyện thì không có gì đáng nói vì độc giả sẽ coi như đó chỉ là cuốn tiểu thuyết giả tưởng để giải trí.
 
Nhưng vì ông dùng thể k‎ý sự và lạm dụng tên nhân vật chính cùng với câu chuyện có thật là "Đường Tam Tạng thỉnh kinh tại Tây Trúc" trong sáng tác của ông, nên đã tạo ấn tượng vào tâm trí độc giả rằng đây là chuyện đã thật sự xảy ra, khiến cho có những người đã dùng cuốn Tây Du K‎‎ý như tài liệu để học tập, thảo luận, thậm chí có người đã viết thành những cuốn sách bình luận, ca ngợi vai trò của những con khỉ Tôn, con heo Trư trong truyện Tây Du, cố tình gán ghép triết l‎‎ý kiểu "gọt chân cho vừa giầy", gán cho cuốn sách những tư tưởng cao siêu một cách hoang đường đề cao hành động của mấy con vật hư cấu trong khi xóa tan công đức cao cả vĩ đại của ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang. 
 
 
 
Cũng vì sự xuyên tạc này của cuốn Tây Du K‎ý‎ và sự suy tôn cuốn sách một cách vô trách nhiệm của một số người khiến đã nảy sinh những hiểu lầm, đưa tới giảm thiểu sự tôn kính Phật tổ Như Lai và chư Đại Đệ Tử, đồng thời cũng hiểu lầm luôn cả giáo l‎ý‎ nhà Phật cùng với lịch sử Phật giáo.
 
Núi Hoa Sơn trong truyện Kim Dung
Một ngọn núi trong Ngũ Hành sơn
Ngay cả từ ngữ "Pháp Sư" trong nhà Phật có nghĩa là thày dạy Phật pháp, Tam Tạng. Pháp Sư là vị thày thông suốt ba kho tàng sách nhà Phật là Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng, không phải là ông thầy có pháp thuật, bày đàn bát quái cúng kiếng quỷ thần, hô gió gọi mưa.
 
Cuộc thỉnh kinh trong thực tế đã được Tam Tạng pháp sư Huyền Trang ghi lại thành bộ sách "Đại Đường Tây Vực Ký". Bộ sách này được hòa thượng Thích Như Điển dịch ra Việt ngữ, với lời đề tựa như sau:
 
"Bộ Đại Đường Tây Vực Ký này sở dĩ chúng tôi dịch trước vì nghĩ rằng chính đây là tấm bản đồ đầy đủ nhất, chi ly nhất mà đương thời từ năm 628 đến năm 645 tại Ấn Độ và Trung Hoa chưa có một người nào viết được một bộ Sử Phật Giáo như thế. Đây là kết quả của 17 năm trường mà Ngài Huyền Trang đã ở tại Ấn Độ. Đi đến đâu Ngài cũng ghi lại từ khí hậu, phong thổ cho đến tập quán và nhất là những câu chuyện liên quan đến cuộc đời đức Phật cũng như chư vị Bồ Tát, A La Hán.
 
Số nước mà Ngài đã đi qua là 110, ngày nay chúng ta có thể gọi là những tiểu bang, vì ngày xưa mỗi một vùng có một ông Vua nhỏ, hoặc tù trưởng đứng đầu. Còn ngày nay, Ấn Độ chỉ còn một nước mà thôi. Chung quanh đó có một số nước, ngoài Ấn Độ như Ba Tư, Kasmir, Tân Cương v.v... là những nước lớn ta có thể kể riêng. Nhưng tựu chung chỉ đi bộ và dùng voi ngựa mà vượt qua được những chặng đường dài gần 50 ngàn dặm ấy thì quả thật thế gian nầy chỉ có một không hai.
 
Nhờ bản đồ hành hương của Ngài qua truyện Đại Đường Tây Vực Ký này mà những học giả, những nhà Khảo Cổ người Âu Châu mới tìm đến Ấn Độ để xác nhận, tìm kiếm những di tích ấy vào cuối thế kỷ thứ 18 và cho đến nay thì bốn Thánh Địa căn bản của đức Phật từ khi Đản Sinh cho đến khi Thành Đạo, Thuyết Pháp lần đầu tiên và thị tịch Đại Bát Niết Bàn đã rõ ràng. Bây giờ các nhà Khảo Cổ người Nhật Bản vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm các di tích cũ ngày xưa cách đây trên 2500 năm về trước. Tất cả đều nhờ vào công đức của Ngài Huyền Trang đã vẽ cho chúng ta một tấm bản đồ cách đây 1375 năm. Đây là tấm bản đồ cũ nhất trong tất cả những tấm bản đồ của thế giới hiện nay".
 
Trong cuốn "Con Ngựa Già của Đường Tam Tạng", nhà khảo cổ và nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển cũng viết như sau:
 
 
Phật tổ Như lai hàng phục Tôn ngộ không
 
"Thực sự, Tây Du diễn nghĩa là một bộ truyện thần thoại, hầu hết sự kiện, tình tiết đều là bịa đặt. Nhưng chuyện thầy Trần Huyền Trang (Tam Tạng) đi từ Đông Độ qua thỉnh kinh tại Tây Phương lại là chuyện lịch sử có thật. Trần Huyền Trang là một nhân vật có thật trong lịch sử nhà Đường. Ông tên thật là Trần Vỹ, sanh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 sau TL) tại huyện Câu Thi (hiện là Huyện Yêm Sư) Tỉnh Hà Nam. Và chuyện thỉnh kinh Tây Phương cũng là chuyện có thật, đã được chính Huyền Trang thuật lại rất cặn kẽ trong bộ "Đại Đường Tây Vực Ký". Thầy chính là một nhân vật sống đã vào lịch sử một cách vinh quang. Thầy từng làm bề tôi cho vua Đương Thái Tôn (Lý Thế Dân) là bậc minh quân đem lại hiển vinh cho lịch sử Trung Quốc.
 
Sự thực thầy Huyền Trang chỉ đi một mình, cỡi một con ngựa già làm chân. Ông đi và ở suốt 17 năm bên Tây phương, gồm 2 năm đi, 2 năm về và 13 năm ở lại du học tại Ấn Độ. Đi từ năm 629 mãi đến năm 645 (thế kỷ thứ 7 sau Tây Lịch) mới về đến thành Trường An (Trung Quốc). Tính ra Huyền Trang đã rời Đại Đường đến 17 năm, đi trên năm vạn dặm đường, qua 128 quốc gia lớn nhỏ.
 
Khi về, ông đã mang về:
 
- 150 viên xá lợi (tinh cốt của Như Lai).
- 2 tượng Phật gỗ đàn tô ngân cao 4 thước (*)
- 3 tượng Phật bằng đàn hương : cao 3 thước rưỡi, 2thước 9 và 2 thước 3.
- 657 bộ kinh
- cùng một số bảo vật khác nữa, phải dùng voi, lạc đà và 24 ngựa mới chở hết.
 
Trong thời gian mười ba năm lưu trú tại Ấn độ, thầy đi viếng hầu hết các di tích của đạo Phật, đặc biệt nhất là thầy ở lại chùa Na Lan Đà, học đạo trong sáu năm. Tất cả những kinh điển của phái Đại Thừa, Tiểu Thừa, Kinh Phệ đà (Veda), các sách thuốc, sách thiên văn, địa lý, kỹ thuật v v... đều tập trung tại chùa này. Chùa do pháp sư Giới Hiền chủ trì và pháp sư có đến trên mười ngàn tín đồ theo học đạo.
 
Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Ngộ Không- nhân vật được yêu thích nhất của Tây du ký
Sau sáu năm học tập, thày Huyền Trang trở nên một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền. Chẳng những là một nhà sư đạo đức, thày Huyền Trang còn là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học chơn tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, nhất là một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng.
 
Lúc còn ở Tây Trúc, đi đến đâu, thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương. Khi về Trường An, thầy viết lại thành bộ Đại Đường Tây Vực Ký, gồm 12 quyển, trong ấy ghi lại đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán v.v. của những nước đã trải qua hoặc từng trú ngụ.

Ngày nay, những tài liệu của thầy để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ và bất kỳ ai ngày nay cũng công nhận những điều nghe thấy và ghi chép của thầy Huyền Trang rất là đích xác.
 
Từ ngày về Trường An, thầy Huyền Trang bắt tay vào công việc phiên dịch. Suốt mười chín năm ròng rã, từ năm 645 đến năm 664, thầy dịch được tất cả 75 bộ kinh, khoảng 1335 quyển từ tiếng Phạn dịch qua Hán tự, bộ Đạo Đức Kinh và một bản dịch "Đại Thừa Khởi Tín Luận" từ chữ Hán ra chữ Phạn, cùng để lại cho đời một bộ "Đại Đường Tây Vực ký" .
 
Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, thầy Huyền Trang gác bút nghìn thu tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Ngày 14 tháng 4 thi hài thầy Huyền Trang được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận đến để tiễn đưa thầy. Đám táng xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần.
 
Từ xưa đến nay chưa có vị đế vương nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai này".
 
2-CUỘC THỈNH KINH CỦA ĐƯỜNG TAM TẠNG BỊ XUYÊN TẠC
 
Sử học Phật giáo Trung hoa có ghi chép về người thật việc thật của nhân vật lịch sử Đường Tam Tạng, vị cao tăng đã một mình một ngựa từ kinh đô Tràng An nước Trung Hoa lặn lội vượt qua 50 ngàn dặm đường tới Ấn Độ thỉnh kinh. Khi đó là vào thế kỷ thứ 7, và các sự kiện chi tiết cũng được ghi lại rõ ràng trong cuốn Đại Đường Tây Vực K‎‎ý.
 
Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Diễn viên Diêm Hoài Lễ trong vai Sa Tăng
Gần một ngàn năm sau, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 16, tác giả Ngô Thừa Ân mới sáng tác cuốn Tây Du K‎ý dựa vào một sự thật độc nhất là pháp sư Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh. Ngoài ra, tất cả các chi tiết thí dụ 3 đệ tử là Tôn hành giả, Bát Giới và Sa Tăng cùng các hành vi huyền bí bất thường của họ đều là do tác giả hư cấu, bịa đặt. 
 
Xin lược trích ‎‎ý kiến của thày Thích Nhật Từ, chủ biên thư viện điện tử Đạo Phật Ngày Nay như sau:
 
"... Theo Tây Du K‎ý‎‎ thì chính Phật Tổ Như Lai và Bồ-tát Quán Thế Âm đã bắt giam Tôn Ngộ Không dưới chân núi Ngũ Hành ngót 500 năm dài và cũng chính Phật Tổ Như Lai và Bồ-tát Quán Thế Âm một lần nữa tạo ra 81 nạn cho 4 thầy trò Đường Tăng, để rồi dẫn đến kết thúc của tác phẩm chẳng có nghĩa lý gì: “Như Lai là người chủ mưu cuộc hối lộ cái "bát vàng" trước khi giao chân kinh có chữ về Đông Thổ”.
 
Trong truyện Tây Du K‎‎ý, Phật Tổ Như Lai chủ mưu cuộc hối lộ bằng cách "ném đá dấu tay," ra lệnh cho hai tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà, những vị thánh tăng hàng đầu trong hàng đệ tử Phật, đòi "quà thông cảm" với bốn thầy trò Đường Tăng. Điều đó đã làm cho ba vị đồ đệ cương trực của Đường Tăng bất bình. Nhưng vì thấy tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà "xuống nước nhỏ" (nhưng thật chất là đánh lừa), cả ba vị đã hỷ xả mà không làm lớn chuyện! Bốn thầy trò tưởng mọi việc êm xuôi, hớn hở đem kinh về. Gần về đến Đại Đường thì bổng đâu chim Đại bàng của Phật Di-lặc cướp bay lên không, rồi sau đó bỏ xuống đất. Lúc đó, thầy trò Đường Tăng mới vỡ lẽ ra là kinh mà họ khổ công mang về là "kinh vô tự."( chỉ có giấy trắng)
 
Cái gút "kinh vô tự và kinh hữu tự" mà tác giả dựng lên không mang dụng ý thiền học như nhiều người đã cố tình lý giải. Thật ra, nó nhằm tạo ra thái độ căm phẫn của độc giả đối với đức Phật và Bồ-tát, thông qua đó, bôi bác, xuyên tạc Phật giáo. Tôi cho rằng Ngô Thừa Ân đã xúc phạm một cách trịch thượng đến đức Phật, các vị Bồ-tát và các vị thánh tăng. Những điều gì mà đức Phật khuyên người ta nên từ bỏ, xa lìa thì Ngô Thừa Ân lại đem những cái đó gán lên đức Phật"
(Trích thư viện Đạo Phật Ngày Nay).
 
 
3-TAM TẠNG PHÁP SƯ HUYỀN TRANG BỊ KHỈ MẮNG:
 
Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Trư Bát Giới-nhân vật có đủ tham, sân, si...
Đạo Phật xuất hiện trên đời khởi nguồn từ sự giác ngộ thực tại của đức Phật. Ngay sau khi bừng tỉnh, Ngài trực nhận ra rằng : "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả năng giác ngộ như Ngài". Từ đó cho tới suốt gần 50 năm, đến tận ngày cuối cùng trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã tận tụy đi khắp nơi để truyền dạy giáo pháp, với nguyện vọng là "Mọi chúng sinh đều được giác ngộ giải thoát, đều thành Phật như Ngài.".
 
Tuy nhiên, kinh nghiệm chứng đắc của Ngài là do thực tập, không phải là l‎ý‎ thuyết suông mà đạt được, cho nên nếu ai chưa từng hành trì các pháp môn tu thì sẽ thấy rất khó hiểu. Vì thế, nhà Phật tạm thời phân sự tu tập thành 2 giai đoạn:
 
Giai đoạn thứ nhất là "Không làm điều xấu ác" và " Siêng làm đều tốt lành". Giai đoạn tu này để chuyển hóa nghiệp xấu thành nghiệp tốt, cùng với các tôn giáo và các nền giáo dục tạo dựng một xã hội lành mạnh, bớt khổ đau, tạo cơ duyên lành cho sự tu giải thoát sau này.
 
Giai đoạn thứ nhì là "Tự thanh tịnh tâm ‎‎ý". Đây là lúc hành giả buông xả hết tất cả mọi bám víu vào thế gian để tiến tới giác ngộ giải thoát như đức Phật.
 
Hai giai đoạn tu này thuộc về hai chân l‎‎ý, là đối với chân l‎ý‎ quy ước, có phải trái, hay dở, tốt xấu tương đối với nhau thì chuyển hóa từ xấu thành tốt. Nhưng qua giai đoạn "Tự thanh tịnh tâm ‎ý‎" là giai đoạn vượt lên trên cả sự phân biệt tốt xấu, thánh phàm, hay dở, tiêu dung Tham Sân Si, gọi là cảnh giới Bất Nhị, tạm gọi là Chân L‎‎ý Tuyệt Đối, là giai đoạn tu xuất thế gian, mới chính là bản hoài của đức Phật mong mỏi cho chúng sinh đạt tới.
 
Như thế, hai giai đoạn tu hành rất rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không đi sâu vào giáo l‎‎ý và hành trì của nhà Phật thì người ta có thể hiểu lầm, thí dụ cho rằng đạo Phật là "thế lưỡng phân", hoặc cho là "đạo Phật thì phải phá chấp". Truyền bá sự hiểu lầm như vậy sẽ gây hoang mang cho quần chúng độc giả, khiến cho có những người luôn luôn chép miệng phê phán "chấp quá, chấp quá", cho là phải vứt bỏ những quy luật sống của xã hội thì mới là "sống thiền". Đó là một sự lầm lẫn rất đáng tiếc.
 
Thực tế, hai giai đoạn tu này có những mục tiêu khác nhau và đường lối tu cũng khác nhau, tạm ví như người họa sĩ khi mới tập vẽ cũng phải dùng thước đo để tạo ra những hình ảnh đầu tiên. Nhưng khi đã qua giai đoạn sơ đẳng, họ phải buông thước, hoàn toàn phóng bút theo cảm quan, hai giai đoạn đó không thể lẫn lộn. Hoặc em bé chưa biết đi thì phải theo quy luật, dùng xe tập đi giúp em đứng vững, khi biết đi rồi thì bỏ xe. Chưa biết đi mà bỏ xe thì em bé sẽ té ngã.
 
Người tu hành trong giai đoạn chuyển xấu thành tốt thì phải nghiêm chỉnh tuân theo giới luật. Khi đã qua giai đoạn buông xả được mọi chấp trước Tham Sân Si thì mới có thể phá chấp, tự tại trong cảnh giới Bất Nhị. Đó là lúc vượt lên trên mọi quan điểm về Thánh Phàm, là lúc "Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt" (chấm dứt nói năng, nơi tâm suy nghĩ ngưng bặt).
 
Nêu ra những lời minh xác của các bậc tôn túc về con người và hành trạng của vị cao tăng là Đường Tam Tạng, để thấy rõ con người ấy hoàn toàn không giống với Đường Tam Tạng trong Tây Du K‎ý. Chưa nói đến trên thực tế, không hề có 3 đệ tử là Tôn hành giả, Bát Giới và Sa Tăng đi cùng, mà là ngài đi thỉnh kinh một mình‎ trên lưng ngựa.
 
Thế nhưng trong Tây Du K‎‎ý, Ngô Thừa Ân đã bôi nhọ hình ảnh vị cao tăng, thí dụ để cho tên đồ đệ hư cấu là con khỉ mắng vị Tam Tạng pháp sư (người thông suốt 3 kho Kinh, Luật và Luận) rằng "Ngay đến bài kinh Bát Nhã có 270 chữ nói rằng "vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ‎ý‎" mà thầy cũng không nhớ" . Hoặc đưa ra hình ảnh Đường Tam Tạng đã dối trá để đánh lừa Tôn hành giả đội chiếc mũ có vòng kim cô, rồi thường nghe lời gièm pha của Trư Bát Giới mà đọc "khẩn cô nhi chú" siết vòng kim cô vào đầu tên đệ tử tận tụy là Tôn hành giả khiến cho hắn đau đớn rên siết lăn lộn kinh hoàng... v...v,

4-GÓC NHÌN KHÁC VỀ MỘT NGHỊCH LÝ TRONG TÂY DU KÝ:

Tây du ký dưới góc nhìn của Phật giáo
Vợ chồng Ngưu ma vương trong Tây du ký
Tây du ký là tác phẩm văn học đỉnh cao, được xếp trong tứ đại tác phẩm của văn học cổ điển Trung Hoa (cùng với Hồng Lâu MộngThủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa). Một số học giả cho rằng tiểu thuyết châm biếm sự suy yếu của chính quyền Trung Hoa thời bấy giờ, con người mà cụ thể là tác giả Ngô Thừa Ân đã không còn chút niềm tin vào xã hội, tôn giáo.

          Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận khác cho rằng hình ảnh kết hợp của thầy trò Tam Tạng lại ẩn giấu một khái niệm quan trọng về tâm. Mỗi nhân vật từ Đường Tam Tạng đến con ngựa đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của tâm con người, mà biểu hiện của cái tâm chính là nhìn nhận những vấn đề tưởng chừng nghịch lý. (Tính cách của các nhân vật này nếu phân tích thì quá dài, xin hẹn dịp khác sẽ đề cập đến- ở đây xin nói đôi nét về cái tâm chung của con người)

Tề thiên náo loạn thiên cung, cõi trời nghiêng ngửa, có con mắt lửa tròng vàng, nhìn một cái biết ngay chân tướng yêu quái nhưng tại sao không phải luôn luôn dễ dàng chế ngự được yêu quái, thậm chí lắm phen cam đành thất điên bát đảo với chúng? Vì trong Tây du ký ta thấy yêu quái có hai loại:

 Loại thứ nhất là các giống chồn cáo, rắn rít, cọp beo... biến thành. Loại này luôn luôn bị Tề Thiên đập chết, không ai cứu chúng.

Loại thứ hai mà Tề Thiên vừa vung thiết bổng định đập chết, thì liền có người trời, tiên này phật kia hiện ra cản lại, xin tha mạng chúng để rồi mang về thượng giới quản lý. Loại yêu quái này xét lý lịch vốn là các con thú vật nuôi mà các vị ở cõi trời nuôi giữ, chẳng may để sổng, nên chúng lẻn xuống trần làm tinh ma quái quỷ. 

Phải chăng hình ảnh loài yêu tinh thứ nhất là ẩn dụ con người luôn luôn đương đầu với cái xấu, cái ác, các nghịch cảnh từ bên ngoài tác động vào bản thân; -cái này thì dễ loại trừ; còn loại yêu tinh thứ hai có «ô dù» cỡ bự, con ông cháu cha-chính là cái xấu, cái ác, cái chướng ngại cản ngăn nội tại?. Chúng nằm trong chính ta, và là một phần của ta. Không thể loại trừ chúng triệt để được. Giết chúng đi là giết ta ư?

Nên có người bảo: Đọc Tây du ký hóa ra không phải đọc Tây du, mà là đọc lại chính taNhân vô thập toàn, không riêng gì Đường tăng và ngay cả với Phật tổ Như Lai, Ngô Thừa Ân vẫn có ngụ ý: dù là Đấng tối cao, không hẳn Ngài là toàn bích. Suy diễn như vậy hơi quá đáng nhưng không phải hoàn toàn không có cơ sở: các chùa chiền xưa nay chủ yếu tồn tại nhờ vào cúng dường của phật tử thập phương, đôi khi đó là cái giá phải trả cho cả hai bên: phật tử thì có được đức tin, các nhà sư có thêm tài lộc để trùng tu, xây dựng chùa chiền đàng hoàng to đẹp hơn; và cuối cùng là chuyện rất đời thường: mỗi ngày ai cũng phải qua vài ba bữa cơm- có thực mới vực được đạo chứ!

ĐỌC THÊM:

  Có một thính giả gởi thư hỏi Chương Trình tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng (*): "Trong lễ Hồng Danh Sám Hối, chúng tôi niệm danh hiệu "Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật". Theo truyện Tây Du, sau khi cùng với sư phụ là thày Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh, ngài Tôn Ngộ Không được phong là Đấu Chiên Thắng Phật.Vậy Đấu Chiến Thắng Phật Tôn Ngộ Không này có phải chính là vị Phật trong kinh Hồng Danh Sám Hối không?"

Trả lời:

Chúng tôi xin thưa rằng câu "Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật" trong Hồng Danh Sám Hối là trích từ kinh Đại Bảo Tích, tôn xưng đức tu hành chân chính, chiến thắng được Tham Sân Si của bản thân, phá trừ được Ngã Chấp, thoát được mọi khổ não trong biển sinh tử, không liên hệ gì tới con khỉ trong câu chuyện bịa đặt Tây Du K‎ý do Ngô Thừa Ân sáng tác.

Nhà Phật không kêu gọi hành giả tu Phật chiến đấu với mọi người hoặc mọi thế lực bên ngoài mà phải luôn luôn thức tỉnh, tự thanh lọc tam độc Tham Sân Si, tự chiến đấu với bản thân để tiêu dung Bản Ngã, hóa giải lòng vị kỷ, sự thù hận và si mê.

Bất cứ ai hoàn tất quá trình tu chứng đó, đều trở thành Đấu Chiến Thắng Phật.

No comments:

Post a Comment