Sunday, November 8, 2020

 Tâm lý chiến


Ông anh của tui trước 75 là sĩ quan hải quân cấp bậc đại uý. Ổng thuộc loại hiền, đi lính là do ... thi rớt đại học. Lúc đó chọn vô sĩ quan Thủ Đức là lẽ đương nhiên, thi vô sĩ quan Đà Lạt thì sợ... đi lính suốt đời. Chọn đi học binh chủng không quân thì thi vô rất gắt. Tui nhớ ổng kể mắt cận mắt viễn gì cũng rớt. Họ cho ngồi lên cái ghế, nó quay tròn mấy vòng, bước xuống đi không lạng quạng mới được thi tiếp. Kế đến là... cởi truồng hết, bác sĩ khám cậu nhỏ phải ngon lành mới được. Nói chung là đủ kiểu thi. Mà mấy ngàn người,lấy có vài chục. Đó là ai dưới mét bảy là rớt từ vòng gởi xe. Bởi vậy ngày xưa mấy chị lấy được sĩ quan không quân là được binh chủng " lựa " giùm rồi. Cuối cùng ổng chọn hải quân, họ đòi tú hai B, thi viết ,bài cũng dễ, ổng đậu liền. Cao khoảng mét sáu cũng ok. Hải quân nhưng học ở Thủ Đức chớ không phải Nha Trang. Ra trường chỉ đi cái tàu nhỏ xíu , tuần tiễu trên các sông rạch miền Tây. Tưởng vô binh chủng này thì được đi biển ( ít chết ), nhưng đi ở sông ngòi thì hay bị phục kích hoặc bị gài mìn, chết nhiều lắm. Gia đình tui hồi đó lo lắng . Cũng may nhờ ổng giỏi toán nên khi Hải Quân Công Xưởng ( xưởng Ba Son, Saigon ) có lớp thi tuyển, ổng đậu , nên được về đó trông coi các học viên, chuyên sửa chữa và đóng tàu. Ổng ra trường là chuẩn uý , đủ ngày đủ tháng thành thiếu uý, rồi đủ tháng đủ ngày thành trung uý chớ không có chiến công nào cả. Lính theo ổng ít chết vì ổng kể mình trên thành xuống, đâu biết sông lạch, lính là người địa phương họ rành con nước và biết vùng nào có.... v+ , họ nói sao là nghe vậy không cãi lại, tới đó đi... giữa sông ...chẳng hạn..... Hoà đồng với lính nên ổng sống thọ qua cuộc chiến chớ khoá ổng, bạn bè là cố trung uý hết trọi.


Về Ba Son thì đơn vị thiếu một chức trưởng phòng nên ổng được chọn vào chức đó. Theo quy định trưởng phòng phải cấp bậc đại uý nên ổng được gắn lon đại uý nhưng gọi là "đại uý nhiệm chức" chớ không phải đại uý thực thụ. Tui hỏi sao kỳ vậy? Ảnh trả lời là khi cần thì họ gắn lon nhưng vẫn ăn lương trung uý. Phải đi học một khoá nào đó mới được công nhận đại uý thực thụ. Ra đường vẫn oai phong là ông đại uý, thật sự cũng không nhờ chiến công. Ổng thuộc loại " lù khù vác cái lu mà chạy ". Ở đâu cũng vậy, có những người làm những chức vụ cao chưa hẳn vì tài giỏi mà nhờ... hiền.


Được một năm thì ổng xin đi học để lấy chức đại uý thực thụ nhưng lúc đó viện trợ Mỹ cắt giảm, cấp trên cho học hàm thụ chớ không đi học tập trung. Ổng lấy bài vở về nhà cả đống. Đủ loại sách vở , tui tò mò cũng lật xem sao. Có  cuốn Binh Thư Tôn Tử. Các cuốn về chống gián điệp và người bên kia nằm vùng. Các hồi ký của tướng lãnh thế giới. Có cả cuốn cuộc đời Hitler..., và tui mê nhất là cuốn " Tam Giác Chiến gồm vận động chiến, du kích chiến và tâm lý chiến. Trong phần tâm lý chiến, đa số là những tiểu luận của các giáo sư Mỹ. Từ trước đến giờ tui cứ tưởng cộng sản hoặc các nhà độc tài là giỏi tuyên truyền, ai ngờ đọc ké những giáo trình của ông anh học, hoá ra các bậc thầy về tâm lý chiến tranh lại là mấy ông Mỹ.


Chuyện lúc mình nhỏ rồi cũng qua đi, giờ sống gần hết cuộc đời mới thấy cái " thâm " của mấy ông Mỹ. Họ tính trước thế giới cả hai mươi năm nên đôi lúc mình thấy họ " ngu " mà phải hai mươi năm sau mới biết là họ ngu.... trên đầu của mình. Cái hồi tui còn ở Nhật, nghe tin hãng Sony mua được nhiều phim trường lớn của Mỹ, tui cũng tự hào vì mình cũng tạm gọi là dân Nhật. Xem như Nhật mua cả nước Mỹ. Có ngờ đâu hai mươi năm sau, họ phát triển phim digital, toàn ghép diễn viên với cảnh trí ảo. Lúc này đoàn quân mấy trăm ngàn người, ngựa phi rầm trời..., chỉ cần một cái laptop. Phim trường giờ bỏ không. Nên trước đó 20 năm, họ bán rẻ...


Mới hôm nọ đến nhà người bạn, thấy có cái ghế massage tuyệt vời quá, ngồi cho nó vọc mà lâng lâng sung sướng. Tui chụp hình mấy tấm , định bụng khi nào có tiền sẽ sắm một cái để khỏi mất công lấy... vợ. Hôm sau mở Facebook, thấy có quảng cáo một cái ghế massage liền. Ơ hơ, tui chưa nói với ai, cũng chưa vô mạng tìm hiểu vậy mà sao nó biết ý của mình mà quảng cáo hoài. Tui chợt ngẫm nghĩ, mình chụp hình nó tới mấy chục tấm, mà cái hình này gởi vào iCloud, có thể iPhone có thuật toán phân tích sở thích qua hình ảnh rồi nó liên kết với Facebook, các hãng sản xuất chỉ chờ có vậy.


Giới trẻ sử dụng phôn nhiều, ắt hẳn các hãng công nghệ lớn có thể nắm được ý nghĩ của họ. Họ quảng cáo được thì cũng tuyên truyền được và cái tuyên truyền này thật khéo léo mà mình không thể đề phòng. 


Trong kỳ bầu cử Mỹ lần này, có vẻ bên DC họ không cần những buổi meeting ồn ào, họ chỉ cần những thuật toán thâm nhập, len lỏi vào các app mà giới trẻ hay dùng, tik tok chẳng hạn. Trước đến giờ tui vẫn không hiểu tại sao người ta ghét ổng đến như vậy. Nay một phần tui đã hiểu. Họ không cần chửi rủa ổng, họ chỉ khéo léo đưa những câu nói của ổng thành clips truyện cười, âm thầm shares khắp các app. Xem tường thuật kết quả bầu cử, họ để cái hình của ông B thì cười tươi, rực rỡ. Hình ông T thì " chàu quạu". Có nhiều hình đẹp mà họ không lấy. Đủ hiểu cái Tâm Lý Chiến nó ghê gớm như thế nào. Cả giới trẻ bên Úc cũng ghét ổng. Không tin? Bạn nào ở Úc hỏi con mình xem sao.


Thời đại này :báo chí, các hãng công nghệ cao, các phương tiện truyền thông hùng mạnh, các trí khôn nhân tạo... len lỏi khắp nơi chi phối suy nghĩ của con người. Tất cả phát xuất từ nước Mỹ. Ai nắm được nó là một lợi thế. Đôi lúc họ kiêu ngạo vì quá thành công. Tui nghĩ nó đã làm cho tổng thống một cú đau điếng trong lần bầu cử kỳ này.


Trên đời này, bất cứ điều gì cũng có hai mặt. Người tài có người tài hơn. Hổm rày truyền thông trong cuộc chiến tâm lý có vẻ thắng thế trong bối cảnh " giậu đổ bìm leo ",  đôi lúc họ tỏ ra kiêu hãnh. Kinh nghiệm của tui là cái gì lên đến " đỉnh " là tự khắc lụi tàn. Hình như truyền thông tâm lý chiến của Mỹ đã đạt " đỉnh ".

No comments:

Post a Comment