BẠN TÔI: CHUẨN ÚY LÊ XUÂN CƯỜNG
(Trích tự truyện: Ngày Không Có Mặt Trời)
LÊ = 3 5 = 8
XUÂN = 5615 = 17 = 8
CƯỜNG = 36753 = 24 = 6
Cộng lại: 8 8 6 = 22, trả nợ dồn.
LƯU = 366 = 15 = 6
HOÀNG = 57153 = 21 = 3
KY = 21 = 3
====
Tôi gặp Cường trong trường Pháo Binh Dục Mỹ, khóa 5/70 Thủ Đức, cùng dân Quảng Ngãi, nằm cạnh nhau nên thành bạn thân. Đúng ra tôi phải gọi nó bằng anh vì Cường lớn hơn đến bốn tuổi và trưởng thành hơn tôi nhiều lắm. Anh chàng gọi tôi là thằng “cu Tiến”, hay ba hoa về nghệ thuật “tán gái”, nó nói để truyền kinh nghiệm cho mấy “thằng nhóc” chưa biết gì như tôi và thằng Hà.
Bọn tôi lúc đó tuổi mới lớn, vừa đôi mươi, nên thích nghe chuyện cua gái của mấy tay đàn anh từng trãi. Nghe Cường nói, bọn tôi “ngoác miệng” ra cười. Thú thật, chuyện yêu đương lúc đó tôi còn “ngu ngơ” lắm, vì như lời Trần Thiện Thanh: “năm hai mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai…”. Vì chưa có bồ bịch như mấy đứa chung quanh, nên suy tôn “anh chàng Cường” làm sư phụ.
Thằng Cường đẹp trai, chiếc răng khễnh cười có duyên ác liệt, dễ gây cảm tình. Con gái mà được nó “tán” thì trái tim dù đã “cửa đóng then cài” cũng bật mở.
Một tuần nó nhận không biết bao nhiêu là thư, có hôm buổi sáng chuẩn úy Phúc trung đội trưởng khóa sinh kêu Lê Xuân Cường nhận thư. Đến chiều vừa đi học về chưa kịp cởi giày thằng Long rống lên: “Cường ơi, mầy có thư của con nhỏ Hồng… một ly cà phê nữa nghe mầy”. Thằng Cường chưa kịp trả lời nó tiếp luôn: “còn cái thư con nhỏ Cúc sư phạm Qui Nhơn tao đưa hôm tập tác xạ sao im re, tính chạy hả?”.
Vài ngày là thằng Cường có thư, mà toàn thư bạn gái, không như tôi chỉ có thư của mấy thằng bạn trai, hỏi thăm bao giờ mãn khóa? chẳng có cái thư nào của con gái để “làm le” với mấy đứa, là mình cũng người lớn như ai.
Thư của Thằng Cường toàn plur hồng, plur xanh, còn thơm phức mùi nước hoa, nét chữ đẹp, lã lướt đá lên đá xuống như mây trời, có thư thì chữ tròn đều như ốc gạo. Nhìn chữ viết, hình dung người phải đẹp. Lời thư ngọt ngào: “anh ghê lắm à nghen…. chẳng tin anh đâu.....”. Cuối thư thì: “yêu anh… nhớ nhiều”, có khi còn “ghét anh.....”, rồi ký tên ngoằn ngoèo nữa mới ghê!
Cường nằm dài ra giường đọc thư cười cười, thế nào cũng đưa tôi xem, rồi kể về chủ nhân của mỗi lá thư:
“Hạnh giáo viên, nhà ở cạnh trường Thánh Tâm, nó theo đuổi mất nữa năm. Đã đẹp, con nhà giàu, lại có “bồ” là ông Trung úy Hải Quân ở Phú Thọ, lính biển hào hoa. Vậy mà Cường vẫn “qua mặt” làm ông hải quân thất tình chuyển về Nha Trang ôm nỗi buồn bị “bồ” đá.
Em Lan học đệ nhị trường Bồ Đề gặp nhau lúc tránh mưa dưới hiên quán bún bò trước đài phát thanh Quảng Ngãi là tặng luôn thằng Cường cây dù, còn hẹn ở quán Diễm Xưa vào chiều thứ bảy, làm nó phải sắp xếp thời gian, vì còn đi dạy kèm kím cơm.
Em Tuyết, Đệ Nhị trường Nữ, “bồ” đã một năm nó chở đi chơi khắp cùng trời đất, nhưng không dám bén mảng trước ngõ nhà cô nàng trong hẻm đường Võ Tánh, bởi bà mẹ “lựu đạn” giữ con gái như canh tù. Nghe đâu bà chê thằng Cường nhà nghèo, nhưng em Tuyết cứ dối mẹ đi lên nhà con bạn, cùng giải mấy bài toán
Tuyết Nhạn học đệ tam Chấn Hưng, chỉ gặp có một lần khi xem ciné ở rạp Mỹ Vân, nó tán cho vui, vậy mà bám riết, làm cu cậu không dám gặp, chỉ vì cô bé “bự” quá. Cường cười “….tao nghi hồi nhỏ nó uống sửa voi …”
Nó kể: một lần đưa Tuyết Nhạn đi ăn kem ở Mimosa, mấy thằng bạn cười hỏi: “Cường, mầy tính buôn xăng lậu hay sao mà mua thùng phi vậy?”. Từ đó nó trốn luôn. Cường cười: “Cở thằng Tiến, thằng Hà nó kẹp nách chạy như chơi, bảo đảm không biết mệt!”, bọn tôi bật cười.
Cường kể, một lần giờ tan trường có việc phải lên Nhà Thờ Mới trước sân vận động Diên Hồng, vừa tới ty Công Chánh gặp thằng Phan Biệt Động Quân trên cao nguyên về phép, mới hỏi thăm mấy câu, “bé bự” từ đâu xuất hiện, lại đi nhúc nhắc vì bị đứt một quay dép. Không chạy đâu cho thoát, nó nháy mắt chào thằng Phan thông cảm hẹn gặp lại. Cường nói thằng Phan nhìn nó cười cười, làm quê quá chừng quê! Tôi hỏi vậy sao không chia tay cho rồi? Nó nói: “từ từ…. tao chấm dứt là nó chết liền”.
Tuy nhiên chữ viết của Tuyết Nhạn đẹp tàn bạo, lả lướt như mây trời, đá lên đá xuống như rồng bay phượng múa, làm tôi và thằng Hà cầm cái thư trằm trồ: “chữ như vầy thì người phải đẹp như tiên trên trời, hoặc ít lắm cũng như Thẩm Thúy Hằng hoặc Thanh Nga chớ không chơi đâu!”.
Nó cười cười:
- Để tao giới thiệu cho… được đó Tiến, mùa đông trời lạnh, mầy khỏi cần đắp mền, đã lắm mầy ơi!
- Ngon vậy sao mầy chạy làng? Tôi cười.
- Mầy mê chữ đẹp…. thì tao giới thiệu… chớ có chạy đâu?
Hùng chen vào cười…. nham nhỡ:
- Thằng Tiến không chịu, để tao, mãn khóa theo mầy về Quảng Ngãi… tao thích “bự” để được che chở, lại êm nữa khỏi cần nệm.
Cả bọn cười vang, nhất là mấy thằng đã biết mùi con gái tha hồ ba hoa, vẽ vời, làm mấy đứa chưa biết gì như tôi và thằng Hà chỉ biết cười.
Vào Sài Gòn học Văn Khoa, Cường cũng mang theo bao nhiêu mối tình. Bây giờ hàng tuần bay về trường Pháo Binh, cũng không ít thư viết từ: Luật Khoa, Văn Khoa, Gia Long, Trưng Vương nơi thủ đô Sài Gòn hoa lệ.
Cường có nhiều ưu điểm dễ chinh phục con gái. Đẹp trai, hào hoa, đàn hay lại sở hữu giọng hát ấm, truyền cảm, sang trọng. Cường nổi tiếng cả tiểu đoàn khóa sinh với bản nhạc: “Hai Vì Sao Lạc” của Anh Việt Thu và “Tình Khúc Thứ Nhất” của Vũ Thành An, lại còn đi những đường Tango lả lướt dưới ánh đèn màu mờ ảo, trong buổi dạ tiệc cuối năm ở Câu Lạc Bộ, lúc còn là Tân Khóa Sinh ở Trug Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Chơi cờ tướng thì anh chàng cũng thuộc loại cao thủ, đứa nào nó cũng chấp không xe, không pháo thì cũng mã.
Có lần đùa vui Cường ghép tôi với em gái nó, làm tôi mừng hụt, cả nhóm được một trận cười no nê. Một hôm bất ngờ nó cười cười tuyên bố:
- “CuTiến”….Tao chấm mầy làm em rể tao rồi … chịu không?
Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn nó cười:
- Ủa…mầy có em gái hả?
- Có tao mới hỏi… “sau nầy” mầy muốn làm em rể tao không ?
Tôi có nghe lầm không vậy trời? Quá ngạc nhiên, vì lâu nay đâu nghe Cường nói có em gái, chỉ có thư của thằng em trai lớn và ông già. Tôi lắc lắc vai nó cười:
- Ủa….có em gái sao không nghe mầy nói? Mà cũng không thấy nó viết thư?
- Nó lo học…thì giờ đâu mà thư từ? Tao “kết” mầy lâu rồi…mà để đó thôi!
Tôi nghĩ chắc em gái thằng Cường phải đẹp dữ lắm:
- Nó học lớp mấy? trường Nữ hả? vậy mà lâu nay không nói, giấu kỹ quá vậy trời!
- Đương nhiên là đang đi học.
Tôi cười kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”:
- “Bạn thân” mà có em gái thì phải hỏi cho biết chớ…. mà nó có đẹp không?
- Đương nhiên là đẹp rồi.
Nghe thằng Cường nói có em gái, mấy thằng “trời đánh” chung quanh xáp tới cười tít mắt. Thằng Sơn, thằng Tuấn, giở trò “tán tỉnh” tranh nhau đòi làm em rể thằng Cường. Cả bọn cười nói lao nhao. Thằng Cường nhìn lũ “quỉ sứ” trổ tài “nịnh bợ” lắc đầu cười: “Tao có một đứa em mà thằng nào cũng đòi làm em rể…Thôi thì …để bà già đẻ nữa tao gả cho…Còn bây giờ tao chấm thằng “cu Tiến” rồi…”. Hai thằng Tuấn, Sơn “quê cơ” cười hà hà, rất ư là… tội nghiệp.
Nghe thằng Cường tuyên bố như vậy, tôi khoái chí cười đắc thắng, tự tin “vênh mặt” hỏi:
- Nó học lớp mấy? Trường Nữ hả Cường?
Nó nheo mắt nhìn tôi cười lớn:
- Lớp năm!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại lớp năm? nó học hết lớp năm rồi nghỉ hả, bao nhiêu tuổi?
- Mười tuổi chớ mấy…. em út mà!
Nó gục mặt xuống giường cười khật khật. Tôi ngớ người. Thằng Hà hai chân dậm xuống giường thình thịch cười ré lên, còn hai thằng “cà chớn” kia thì cười ha hả “chọc quê” tôi, nhìn mặt đểu đểu thấy rất ư là… nham nhở.
Chưa tha Cường vỗ vỗ vai tôi cười:
- Tao nói “sau nầy” chớ có nói bây giờ đâu đúng không? Năm năm nữa chớ mấy? “Năm tạ gạo” chớ có bao nhiêu đâu Tiến?
Tôi đập vào lưng nó cười vớt vát cho đỡ quê:
- Mầy làm tao … buồn “năm phút.”
Từ đó chuyện làm em rể thằng Cường, tôi bị bọn nó “chọc quê” cho đến ngày mãn khóa.
Trong trường Pháo Binh tôi và Cường có nhiều kỷ niệm vui. Tối hai đứa đi chơi về , tôi rủ chế mì ăn, nó quyết liệt từ chối:
- Thôi, mầy ăn đi, tao có đói đâu, bụng còn no đây này.
Tôi lấy dây điện trở cắm điện nấu nước, vừa làm xong ca mì nó ngồi dậy, tay cầm sẵn cái muỗng sà tới cười:
- Tao ăn thử mầy làm có ngon không…. chớ hôm qua dỡ…. trời sợ!
Miệng nói tay múc, nó chơi hết nữa ca mì, cười hì hì :
- Tối mai tới phiên tao nấu, bảo đảm phải ngon hơn mầy.
Nó nằm dài trên giường đọc kiếm hiệp thấy tôi vừa bước vào “cậu cả” bỏ sách xuống:
- Tiến… tao thấy quần lót mầy phơi khô rồi, ra lấy ngay không thì mất! Hôm qua thằng Toàn mất cái áo thun thấy chưa?..... nhớ lấy luôn hai áo của tao nữa nghen. Nó cười.
Bọn tôi hay vây quanh nghe anh chàng kể chuyện tán gái, lúc nào cũng vui, hấp dẫn. Trong tiểu đội chỉ có tôi và thằng Hà là chưa có bồ bịch gì, con trai với nhau thì tía lia, nhưng khi gặp con gái thì ngôn ngữ rơi rụng mất tiêu. Nó bảo cứ thử vài lần là có kinh nghiệm, rồi chê tôi và thằng Hà là hai con “gà rù”.
Chiều chúa nhật nếu không đi phép Nha Trang bọn tôi thường rủ nhau ra Dục Mỹ chơi, phải nói không nơi nào Cường không biết và không cô nào mà nó không quen.
Mỗi lần lãnh lương cuối tuần đi phép, tôi và Cường thường ghé bưu điện Nha Trang để nó gởi tiền về phụ cha mẹ lo cho các em. Cường tâm sự: “Nhà tao nghèo lắm! năm đứa em đi học, thành ra từ năm học Đệ Ngũ đến Đệ Nhất ở Quảng Ngãi ngày nghỉ tao phải đi làm thêm. Vào Sài Gòn, lên đại học tao đi bán báo, bỏ bánh mì, đạp xích lô, làm bồi bàn, dạy kèm, việc gì cũng làm, bạn bè nghỉ hè tao phải “đi cày” phụ gia đình, chớ ông già làm ruộng không hà.”
Cường rất thông minh. Ngành Pháo Binh có hai môn học đòi hỏi kiến thức toán học là: Tác Xạ Đại Cương và Địa Hình mà mấy thằng lười biếng như tôi, thằng Hà, thằng Sơn xem là của nợ. Trong lúc bọn tôi loay hoay cọng trừ nhân chia trên phiếu kế toán, hay tính yếu tố khi giải bài toán địa hình, dò tìm trong bản logarit, tra sin cosin, Tan cotan, rồi căn số bậc 2 bậc 3, rồi lũy thừa với tam thừa. Bọn tôi “đau đầu” với phiếu “chuẩn định chính xác”, giải điện văn “khí tượng Nato”, thì Cường cứ tỉnh bơ chỉ liếc qua, ngồi nhìn bọn tôi làm. Thỉnh thoảng mới góp ý: “Tốc độ gió tính vậy sai rồi, thời nổ như vậy là không chính xác vì chưa tính cao độ mục tiêu”....v.v.
Khi học thiết lập xạ bảng, chưa bao giờ nó cầm cây kim đặt Quạt Hướng Tầm vào tâm pháo đội, chỉ ngồi nhìn, vậy mà vào thực tập chỉ năm phút là nó hoàn chỉnh xạ bảng sẵn sàng tác xạ.
Gần ngày khảo hạch môn Tác Xạ Đại Cương bọn tôi lo sốt vó, đem tài liệu ra hỏi nhau chí chóe. Bao nhiêu công thức toán của Đại úy Thái giảng trên giảng đường rơi rụng mất tiêu, nhìn đâu cũng thấy chữ số nó nhảy múa tán loạn!
Vậy mà Cường cứ tỉnh bơ nằm đọc Anh Hùng Xạ Điêu, Lệnh Xé Xác thuê ngoài Dục Mỹ, làm như không liên quan gì tới thi cử. Ba giờ sáng anh em trong phòng còn đang say ngủ thì nó thức dậy nằm trong mùng bật bóng đèn nhỏ xíu, đem tài liệu ra cầm bút vẽ vẽ gạch gạch cọng trừ nhân chia, lật tới lật lui sột soạt tới sáng là xong.
Bọn tôi giải Điện Văn Khí Tượng Nato, không tính lộn tốc độ gió thì cũng quên nhiệt độ không khí, tính tới tính lui cuối cùng phải hỏi thằng Cường. Mấy đứa tận cuối phòng toàn là những tay ham chơi lè phè, thường tuyên bố: “đâu có gì khó..... về đơn vị rồi nghề dạy nghề”. Bây giờ thì đứa nầy Cường ơi chỉ tao áp dụng bảng Thị Sai M 10, thằng kia Cường ơi: “chuẩn định chính xác lồng khung như vầy đúng chưa?” nó được anh em chiếu cố kỹ, gọi tên ơi ới.
Cường rất thông minh, nghe qua là nhớ, nhìn qua là biết. Kết quả kỳ thi mãn khóa môn Tác Xạ Đại Cương chỉ thua điểm Chuẩn úy Kỳ bên trung đội ba đậu thủ khoa, và vài ba đứa ở trung đội hai, còn trung đội tôi thì nó dẫn đầu.
Khi chọn đơn vị, vì lý do gia cảnh tôi được chỉ định về tiểu đoàn 20 pháo binh. Cường chọn tiểu đoàn 22, thế là ước muốn hai đứa được về cùng đơn vị không thành.
Ngày mãn khóa tôi và Cường mang ba lô về Nha Trang chơi một ngày, hôm sau vào Cam Ranh đợi chuyến bay đi Chu Lai, hai đứa như chim sổ lồng ngồi suốt buổi trong quán nhạc ở bãi biển Nha Trang nhìn biển xanh sóng vỗ.
Về Quảng Ngãi tôi và Cường đi Tư Nguyên đốt nhang và thăm mộ Huỳnh Lê, thằng bạn thân cùng lớp với tôi ở Trần Quốc Tuấn. Lê đi khóa 6/69 Thủ Đức, vừa tử trận khi tôi còn trong trường Pháo binh. Một thằng bạn đã ra đi khi còn rất trẻ mới hai mươi, bằng tuổi tôi, cái lon Chuẩn úy chưa phai mùi quân trường.
Nguyễn Công Hoanh cũng vừa mãn khóa ở trường Thiết Giáp, gặp lại kéo nhau đến nhà bạn bè, bọn tôi đi chơi quên trời đất. Cường giới thiệu tôi với chủ nhân những cánh thư hồng thư xanh đã nói đến trong trường pháo binh.
Chung quanh nhà thằng Cường toàn là ruộng, ngôi nhà tranh giữa cánh đồng. Cha mẹ nó chất phát hiền lành, tính cách của người nông dân miền quê Quảng Ngãi. Cả nhà xem tôi như thành viên trong gia đình. Mấy đứa em, tôi thấy đứa nào cũng giống đứa nào, hình như bốn hay năm nhóc thì phải. Nhìn đứa em gái út ngồi dưới đất chơi đánh nẻ với con bạn cùng lứa mà trong trường Pháo Binh nó đòi gả cho tôi. Bất giác tôi bật cười.
Nhà Cường làm bánh xèo, nấu cháo gà, vừa mới ăn ở nhà tôi, đến nhà Hoanh lại ăn, rồi ghé nhà mấy đứa bạn gái, không thơm, thì mít, ổi. Về nhà Cường cũng lại ăn, ông bà già làm như trong Trường Pháo Binh bọn tôi bị bỏ đói không bằng, nên mỗi khi đưa nó về tới ngõ là tôi bỏ trốn: “Thôi mầy vô nhà đi, ông bà già bắt ăn nữa…. chắc chết!”
Từ ngày ra trường về Quảng Ngãi đi chơi với thằng Cường, tôi “vướng” vào chuyện yêu đương bồ bịch, ham vui nên hai đứa “tự ký” thêm mấy ngày phép, kéo dài ngày trình diện đơn vị mới.
Sau nầy cũng vì chuyện “bồ bịch”, mà tôi bị “dũa” te tua vì tôi luôn trễ phép. Tôi bị Đại úy Kiều trưởng Ban Ba tiểu đoàn 20 đòi phạt trọng cấm mấy lần, hăm he cúp phép khi tôi xong một lần tăng phái hành quân trở về.
Tôi hay trốn đi chơi, mỗi khi đơn vị bạn rút về nghỉ xả hơi là tôi “dù” chạy về thăm bạn gái. Có lần lúc trở lại nơi dưỡng quân đơn vị bạn đã di chuyển làm tôi hốt hoảng chạy đi tìm. Nếu ông tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân hay mấy ông Chi Đoàn Trưởng Thiết Giáp báo cáo đề lô vắng mặt, bỏ đơn vị, thì tôi dễ bị ra tòa án quân sự ở tù như chơi.
+ + +
Bảy ngày phép mãn khóa qua nhanh, Hoanh trình diện bộ chỉ huy thiết giáp Quân Đoàn Hai ở pleiku sớm nhất, tôi và Cường “tự ký” thêm ba ngày nữa vì nghĩ khi ra đơn vị sẽ không còn cơ hội gặp nhau, ham chơi nhưng sợ bị kỹ luật dữ lắm.
Buổi sáng ra Chu Lai trình diện tiểu đoàn 20 Pháo binh tôi lo quá chừng. Tôi suy nghĩ, bịa ra lý do trể phép sao cho hợp lý, vì Thiếu tá Trần Thanh Hào tiểu đoàn trưởng 20 Pháo Binh nổi tiếng nghiêm khắc, khó tính nhất của pháo binh Quân Đoàn Một.
Bước vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn tôi trình diện Trung Úy Hạng trưởng Ban Một, xem Sự Vụ Lệnh, ông rút hồ sơ Quân Bạ của tôi để lên bàn lật lật, rồi hỏi Quảng Ngãi nhà ở đâu? Có biết người nầy người kia không? Trung úy vui vẻ hỏi về chuyện cá nhân. Tôi mừng rơn, ông không nói gì chuyện trể phép.
Ông dẫn tôi trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng. Tôi đứng nghiêm, chào kính, xưng tên họ, cấp bậc, số quân. Thiếu Tá nhìn tôi từ đầu đến chân. Hỏi sao trể phép? Tôi trình bày lý do. Ông nhìn vào hồ sơ quân bạ, giọng nhỏ nhẹ “…Tôi biết các cậu vẫn còn máu dân chính nhiều lắm…quân đội rồi, phải làm việc đàng hoàn…”. Ông hỏi qua kết quả học tập. Thế là “tai qua nạn khỏi”. Có lẽ mấy ông cũng thông cảm với bọn sĩ quan trẻ mới ra trường, thằng nào cũng còn ham chơi.
Tôi nhẹ nhõm khi hoàn tất thủ tục trình diện, hy vọng thằng Cường cũng bình an, vì nghe nói Thiếu Tá Phan Văn Tươi tiểu đoàn trưởng 22 pháo binh rất hiền, dễ tính nhất trong bốn ông Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh của Sư Đoàn Hai.
Sau đó một tuần lễ, tôi gặp Cường, Trần Bông và Nguyễn Tấn Tô là mấy đứa bạn củng khóa 5/70 với tôi, trong buổi trình diện Trung Tá Bửu Hạp chỉ huy trưởng pháo binh Sư Đoàn Hai ở Bộ Tư Lệnh sư đoàn. Trần Bông trong Sài Gòn một mình ra miền trung, là dân thủ đô nó quen nhìn lâu đài phố xá bây giờ bị đẩy ra xứ Quảng, thấy dãy trường sơn trùng điệp nó than thở quá trời!
Ra đơn vị, bọn tôi còn phải đi thực tâp Tiền Sát Viên với một sĩ quan đàn anh, trước khi chính thức tăng phái cho quân bạn ra trận địa. Những ngày nghỉ tôi và Cường thường hẹn nhau ở Tam Kỳ. Tôi từ Chu Lai ra, Cường từ Tuần Dưỡng vào hai đứa hay ngồi hàng giờ ở quán nước nghe nhạc.
Tiểu đoàn 22 pháo binh đóng ở Tuần Dưỡng nơi Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn Năm, nằm khoảng giữa Tam Kỳ và Đà Nẵng. Thời gian chưa đi đề lô bọn nó hay vào Tam kỳ chơi, không bao lâu mà Cường đã “cua” được em Thanh có suối tóc dài, hiền lành dễ thương, đang học lớp 12 trường Trần Cao Vân, nhà có quán cơm gà ở đường Phan Chu Trinh.
Chuyện tình của Cường cũng là duyên kỳ ngộ: Em trai của Thanh tên Đạt từ Đà Nẵng về, chiếc xe đò đến Tuần Dưỡng thì hỏng máy cậu bé quá giang xe jeep của bọn Cường trên đường vào Tam kỳ. Bốn chàng sĩ quan pháo thủ, trẻ tuổi đẹp trai vui tính đã đưa Đạt đến tận nhà, từ đó Lê Xuân Cường không chỉ là thực khách thường xuyên của quán cơm gà, mà còn là khách quí của gia đình.
Cu Đạt học lớp chín, thích học đàn Guitar, vậy là Chuẩn úy Cường trở thành thầy dạy đàn cho cậu em và kiêm luôn thầy kèm Toán cho cô chị thời gian sau đó.
Thành phố Tam Kỳ chỉ có đường Phan Chu Trinh dọc Quốc Lộ số Một là dài nhất, bọn tôi đi dạo một vòng là hết, rồi cũng trở về quán nước ngồi nghe nhạc hoặc lang thang chờ Thanh tan trường. Hai đứa thường được ăn cơm gà miễn phí, Cường còn có gói thuốc capstan, tôi không hút thuốc thì một bịch kẹo bỏ vào ba lô khi giã từ
Rồi ngày tôi và Cường thật sự ra chiến trường cũng đến. Lần xuất quân đầu tiên trong đời lính, tôi và Cường lại tham dự một cuộc hành quân chung ở Duy Xuyên. Định mệnh đã sắp đặc để hai đứa tôi được gặp nhau lần cuối cùng trên cõi đời nầy, vì cuộc hành quân đó Cường đã không trở về, nó ra đi ngay trận đánh đầu tiên, khi cái lon Chuẩn Úy chưa phai mùi của quân trường.
Cuộc hành quân do hai tiểu đoàn của Trung Đoàn Năm là nổ lực chính chiếm mục tiêu. Cường là sĩ quan đề lô của Đại Đội Trinh Sát 5 đơn vị trừ bị. Tôi làm Tiền Sát Viên cho Tiểu Đoàn 77 Biệt Động Quân Biên Phòng là đơn vị tăng phái, đánh chặn hậu phía tây chận đường rút lui của việt cọng.
Sau khi vào Trung Tâm Hành Quân nghe thuyết trình xong, tôi và Cường ra dấu chào nhau vì đứa nào cũng bận rộn với nhiệm vụ mới. Lo nhận bản đồ, Đặc Lệnh Truyền Tin, kiểm tra máy PRC 25, quan sát trên Phóng Đồ Hành Quân, xác định lại vị trí những đơn vị pháo binh trực tiếp yểm trợ hỏa lực cho khu vực đơn vị mình trách nhiệm. Liên lạc với Trung Tâm Phối Yểm Hỏa Lực để xác định hệ thống tác xạ tốt trong tư thế sẵn sàng.
Khi ra sân bay trực thăng chuẩn bị đổ quân. Tôi đang nhìn vào bản đồ nghe Trung úy Phúc (Ban Ba) và Thiếu tá Thuần (Tiểu Đoàn Trưởng) xác định tọa độ bãi đáp, trục tiến quân cho các sĩ quan Đại và Trung đội trưởng. Yếu điểm nào và Đại Đội nào phải chiếm giữ, thì Cường cầm bản đồ chạy đến rất vội vã vì chỉ còn mười phút nữa là đến phiên đại đội Trinh Sát 5 lên trực thăng vào vùng.
- Tiến … có dư cây bút mỡ đỏ nào không? Tao mới làm rơi mất tiêu… nhanh lên tàu tới rồi.
Tôi lấy mấy cây bút mỡ dự phòng đưa cho Cường, nói như hét vì bị át bởi tiếng ầm ầm của động cơ trực thăng:
- Nhớ hệ thống tác xạ lớn cọng ba, nhỏ trừ năm gặp nhau nghe Cường.
- Nhớ rồi, tao đi trước nghen!
Nó cười khoát tay chào, xoay lưng chạy về phía đại đội Trinh Sát đang chia toán chuẩn bị lên tàu. Tôi nhìn theo đến khi Cường bị che khuất sau những toán lính. Không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy nhau, vì sau đó Lê Xuân Cường đã nằm lại chiến trường. Nó và tôi không còn gặp nhau nữa.
Vị trí tiểu đoàn 77 BĐQ đổ quân là một đồi tranh nằm sâu trong rừng Duy Xuyên, cách xa đơn vị của Cường 4 kilomet về hướng tây bắc. Trực thăng chuyển quân và Cobra võ trang yểm trợ bay tấp nập như ong. Phòng không địch vẽ những đường lửa chồng chéo đỏ rực cả bầu trời. Những tràng Rocket từ trực thăng theo nhau phóng “oành oành” Cuộc đổ quân được yểm trợ hỏa lực hùng hậu.
Vừa xuống bãi đáp, tôi mở máy báo tọa độ điểm đứng cho Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực Trung Đoàn Năm. Nghe tiếng Cường và mấy Tiền Sát Viên của tiểu đoàn điều chỉnh tác xạ. Hệ thống tác xạ pháo binh rất bận rộn, mũi tấn công của Trung Đoàn Năm chạm địch.
Tối hôm đầu tiên gởi điểm đứng và hỏa tập tiên liệu xong, Cường gọi tôi qua tầng số riêng nói chuyện, sau một ngày đánh đấm tưng bừng nó vẫn vui cười.
Cuộc hành quân tiếp diễn, tiểu đoàn 77 Biệt Động Quân chạm địch mấy lần, tôi kêu pháo binh yểm trợ, kết quả tiêu diệt vài đơn vị nhỏ, bắt sống hai tù binh, và thu một số vũ khí cá nhân.
Đứng trên đỉnh núi cao, tôi nhìn thật xa xuống phía đông vùng mục tiêu chính cuộc hành quân, nơi thằng Cường đang lâm trận, khói bụi mịt mù một vùng bao la.
Vào hệ thống vô tuyến là nghe tiền sát viên điều chỉnh tác xạ, đôi khi bộ chỉ huy hành quân phải tác xạ TOT vào những mục tiêu tập trung lớn của địch. Pháo binh vừa ngưng, trên bầu trời những phi tuần A 37 luân phiên vần vũ nhào lộn trên mục tiêu, những cột khói đen bốc cao cuồn cuộn, tiếng bom vang rền, chiến trường mịt mù khói lửa.
Một tuần lễ sau, như thường lệ sau khi gởi điểm đứng và hỏa tập tiên liệu, tôi đợi Cường, bảy giờ, tám giờ rồi chín giờ nó không lên máy. Tôi nghĩ đơn vị còn di chuyển, hay chuẩn bị đột kích nên im lặng vô tuyến. Sau một ngày vượt rừng lội suối đánh đấm tưng bừng, tôi rã rời đi vào giấc ngủ.
Hôm sau đơn vị chuyển quân đến tám giờ đại đội ba chạm địch, Trung úy Phúc đưa tọa độ yêu cầu tôi xin pháo binh, sau khi bắn hiệu quả chấm dứt, nghe tiếng thằng Bông gọi:
- 93 đây 31 gọi trả lời.
- 31 đây 93
- 93 đây 31 lớn cọng ba, trả lời.
Tôi qua tầng số mới:
- 31 đây 93.
- 93 đây 31 Tango ơi, thằng Charli nó “đi phép dài hạn” rồi, mầy biết chưa?
- Trời đất! bao giờ? Lúc nào?... hèn chi khi tối tao đợi nó, không thấy lên máy!
Bông cho biết đại khái thằng cường chết hôm qua, hôm nay mới vào lấy xác. Nó chỉ nói bấy nhiêu rồi chấm dứt vì đơn vị bạn đang chiếm mục tiêu. Tôi gọi danh hiệu Bông mấy lần, nhưng nó đã sang tầng số khác. Trao ống liên hợp cho người lính mang máy, tôi rụng rời, thật không hả trời? Nghe như đất dưới chân nứt ra và trời đang đổi màu sẫm lại, nhìn đâu cũng thấy Cường, nó đi, nó nói, nó cười. Ngồi xuống tôi úp mặt vào hai bàn tay: “Cường ơi!”
Có lệnh di chuyển tôi đứng lên, trước mặt cây cối núi rừng và đoàn quân nhạt nhòa. Trung úy Phúc ban Ba tiểu đoàn, nghe ai đó nói loáng thoáng, dừng lại bên đoàn quân, tôi vừa tiến lên ông hỏi:
- Bạn chết hả Tiến? đi cánh dưới phải không?
- Dạ, nó đi với Trinh Sát Năm.
- Ừ, hôm qua Trinh Sát Năm nhảy ngay trên đầu tụi nó mà... nghe báo đề lô mất tích, vậy chắc là thằng bạn của cậu rồi!
- Dạ… chưa lấy được xác Trung Úy ơi! Giọng tôi nghẹn trong cổ.
Lầm lũi đi theo đoàn quân, hình ảnh thằng Cường máu me nằm nơi xó rừng nào đó mãi ám ảnh tôi. Gởi điện văn tác xạ, điều chỉnh đạn nổ trên mục tiêu, tôi làm theo phản xạ. Cả ngày băng rừng vượt suối cơ thể rã rời, miệng đắng nghét bịch cơm sấy đỗ nước từ buổi trưa tôi không thể nào nuốt trôi.
Cuộc hành quân chấm dứt. Trên đường về Chu Lai tôi ghé lại Tam Kỳ báo hung tin cho Thanh. Tôi chứng kiến nỗi đau của người con gái khi mối tình đầu dở dang. Thanh gục xuống bàn, suối tóc dài xõa ra. Bao nhiêu lời nói của tôi lúc đó đều vô nghĩa. Tôi xốc ba lô lên vai giã từ, cảnh vật chung quanh nhạt nhòa qua màn nước mắt.
Bốn ngày phép, tôi dành một ngày ở bên mộ chơi với Cường. Nấm mộ mới cỏ non đã bắt đầu mọc, bạn tôi nằm trong đó, nhưng cách biệt ngàn trùng. Cường đã ra đi vĩnh viễn không trở về. Cường ra đi mang theo bao nhiêu kỷ niệm cùng với giấc mơ son trẻ của bọn tôi.
Tôi ngồi một mình dưới chân mộ bên lư nhan tỏa khói, cuộn phim quá vãng hiện về. Năm đó Cường hai mươi lăm tuổi, tôi hai mươi mốt. Hai mươi lăm năm, thằng Cường đi hết đoạn đường trần của kiếp nhân sinh, xong một đời người.
Tuổi trẻ chúng tôi trong chiến tranh không biết được ngày mai. Những cuộc vui ngắn sau mỗi lần từ chiến trường trở về mà hình hài còn nguyên vẹn. Nhìn mộ Cường, tôi cảm nhận kiếp người trên cỏi đời thật mong manh, hữu hạn và vô thường, tất cả là phù du.
Mấy ngày phép còn lại tôi nằm vùi buồn nản, thằng Cường luôn hiện lên trong tôi, nó theo vào giấc ngủ chập chờn.
Sau mấy ngày phép trở ra đơn vị trong trạng thái rã rời. Vừa nhận được thư Hoanh trên Pleiku báo tin, mới học xong khóa Không Trợ và đang theo bộ chỉ huy Thiết Đoàn hành quân. Mừng cho Hoanh không phải lăn lóc gian truân như đời pháo binh bọn tôi.
Cường ra đi rồi, tôi tiếp tục ba lô trên vai nổi trôi theo đời lính trận. Tôi tăng phái làm sĩ quan tiền sát viên hết đơn vị nầy đến đơn vị khác, tham gia những trận đánh trong vùng trách nhiệm
Vừa xong nhiệm vụ ở Đại Đội 2 Trinh Sát, tôi bị ném vào Quế sơn đi đề lô cho Chi đoàn 1/ 4 Chiến xa với Đại Úy Nghĩa, tham dự trận đánh tràn ngập biển người của việt cộng vào căn cứ ROS. Tôi sống sót sau ba ngày đội mưa pháo 122ly, 82, 61, 12ly7, hỏa tiển tầm nhiệt AT 3 những loại vũ khí hạng nặng, tối tân nhất mà Trung Cọng và Nga Sô đã trang bị cho việt cọng. Tôi đã đi vào cửa chết để tim ra đường sống, khi gọi pháo binh bắn tiêu hủy phủ đầu, lúc phòng tuyến bị vỡ và địch tràn ngập.
Đại úy Nghĩa Chi Đoàn Trưởng 1/ 4 chiến xa, Thiếu tá Phan Văn Tươi (Thiên Điểu) tiểu đoàn trưởng 22 pháo binh cùng rất nhiều sĩ quan và binh sĩ mà tôi quen biết, đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quế Sơn năm 1972.
Sau cuộc rút quân đẫm máu khỏi căn cứ ROS, tôi lại được chỉ định làm đề lô cho tiểu đoàn 77/ Biệt Động Quân để trở lại tái chiếm Quế Sơn. Cuộc hành quân ngoài Trung Đoàn Năm còn có thêm mấy tiểu đoàn Biệt Động Quân tăng phái, đổ quân từ nhiều hướng. Pháo binh và không quân hoạt động không ngưng nghỉ rung chuyển cả đất trời. Những trận quần thảo khốc liệt suốt ngày đêm.
Khi lá Quốc Kỳ vừa tung bay trên chi khu Quế Sơn, Tiểu Đoàn 20 Pháo Binh gọi tôi về. Hôm sau cầm Sự Vụ Lệnh trình diện Thiếu tá Lương Bá Duân Tiểu Đoàn Trưởng 66 Biệt Động Quân Biên Phòng vào một buổi chiều tàn ở đông Sơn Tịnh (trên núi Thiên Ấn) tham dự cuộc hành quân giải tỏa áp lực địch ở Mỹ Khê.
Chiến trường đông Sơn Tịnh còn đang mịt mù khói súng, tiểu đoàn 66 BĐQ được lệnh rút ra, trực thăng vận lên sân bay quận Minh Long, nhận tiếp tế để hôm sau nhảy vào thung lũng Ba Tơ giải vây cho Chi Khu đang bị cộng quân vây hãm.
Tôi đi với Đại úy Lầu tiểu đoàn phó, Thiếu Tá Duân nghỉ bệnh (Đại Úy Lầu sau lên Thiếu Tá làm tiểu đoàn trường 79 BĐQ, tử trận ở Thường Đức). Suốt hai tháng lội rừng sống chung với vắt đánh đấm tưng bừng. Những trận cận chiến dành từng ngọn đồi, giữ từng đỉnh núi, không biết bao nhiêu người lính đã gục ngã ở giao thông hào, bên bờ suối, và họ đã trở về với gia đình bằng trực thăng trong từng gói poncho.
Rồi tôi vẫn ba lô trên vai tăng phái hết đơn vị nầy đến đơn vị khác như: Chi đoàn 3/ 4 thiết kỵ, chi đoàn 1/ 4 chiến xa. Đại đội 2 trinh sát, Tiểu đoàn 68, 66, 37 Biệt động quân, và gần như tham gia hầu hết các trận đánh ở khắp chiến trường từ Quảng Nam đến Sa Huỳnh.
Đời đề lô của tôi chấm dứt vào giữa năm 1973, sau hơn hai năm làm Tiền Sát Viên ngoài chiến trường. Tôi có lệnh thuyên chuyển về Pháo Binh Tiểu khu Quảng Ngãi nhận Trung Đội Trưởng, Trung Đội 109 Pháo binh diện địa thay cho Thiếu úy Võ Hoàng về làm Sĩ Quan Quản Trị Tiếp vận của Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi. Võ Hoàng quê ở Bình Liên bạn học cùng lớp với tôi từ Đệ Thất đến Đệ Tứ ở trường Trần Quốc Tuấn, lên Đệ Tam Hoàng ban B tôi ban A nên ít gặp nhau. Võ Hoàng khóa 6/ 69 Thủ Đức.
Trong trách vụ mới của một đơn vị hỏa lực. Đời lính của tôi cuốn hút theo cường độ khốc liệt của cuộc chiến. Đã kinh qua trận mạc tôi ý thức: “Pháo Binh Quyết Định Chiến Trường”, nên với phương châm: “nhanh chóng và chính xác.” Trung đội 109 pháo binh của tôi đã góp phần vào những chiến công của quân bạn.
Tháng 10 năm 1974 Nguyễn Công Hoanh từ Pleiku về phép, Hoanh ra Bình Sơn nơi đơn vị tôi đang đóng quân. Lâu lắm, gần ba năm mới gặp lại nhau, vì mỗi đứa một chiến trường, Hoanh trên Quân Khu Hai, tôi Quân Khu Một, mỗi lần Hoanh về phép thì tôi lại đi hành quân. Gặp lại nhau đứa nào cũng trưởng thành sau thời gian dài với chiến trường trận mạc.
Gặp nhau bọn tôi nói đủ thứ đề tài: Chuyện đơn vị, chuyện tình hình chính trị rối bời ở Sài Gòn, khi bọn chính khách salon mệnh danh những đảng phái chống cộng, cùng bọn “thầy tu” áo vàng, áo đen kéo đệ tử, xuống đường tuyệt thực, đập phá, hoan hô đả đảo tranh dành quyền lực, trong tình trạng đất nước đang cơn nguy ngập bởi thù trong giặt ngoài.
Bọn tôi nói đến Hiệp Định Paris. Mỹ cắt viện trợ quân sự, tiếp liệu thiếu hụt trầm trọng. Trong khi Nga Sô và Trung Cọng lợi dụng cơ hội ngàn vàng gia tăng viện trợ gấp nhiều lần cho cọng sản Bắc Việt, khi bàn cờ chính trị của các đại cường thay đổi.
Hoanh cũng cho biết theo tin tình báo và không ảnh chụp được cho thấy nhiều đơn vị lớn của Bắc Việt được trang bị vũ khí hạng nặng, những quân cụ tối tân đã áp sát các cứ điểm trọng yếu ở Quân Khu Hai. Trong khi không quân và chiến xa không còn nhiên liệu hoạt động, nên không thể mở hành quân ngăn chận như thời gian trước đây. Thế nhưng Bộ Tổng Tham Mưu thì bất lực vì không có thực quyền, và kẻ lãnh đạo quốc gia thì lo đối phó nội bộ và bảo vệ ghế ngồi.
Bọn tôi nhắc tên bạn bè, đứa còn đứa mất. Thằng Lê gục ngã khi mới ra trường, Phạm Ngọc Trương tử trận ở Vĩnh Long, Thằng Cường ở Duy Xuyên, thằng Quan thằng Quí nằm lại cao nguyên thằng Đông, thằng Sơn ở Quảng Trị.
Hoanh cười buồn nắm tay tôi lúc giã từ: “Tụi nó chết hết rồi…chỉ còn tao với mầy…mai tao lên Pleiku… không biết bao giờ gặp lại…”
Bạn bè tôi lần lược ra đi, cho tới ngày tàn cuộc chiến chỉ còn lại vài đứa rồi cũng thân tàn ma dại sống dở, chết dở trong các trại tù bởi công việc nặng nề và đói rách tả tơi. Từ nơi đáy địa ngục đó chúng tôi còn sống sót trở về, mãi đến cuối đời tôi vẫn tin là một phép lạ.
Ra tù trong hoàn cảnh khắc nghiệt bủa vây, tôi lưu lạc vào miền nam tất bật với cuộc mưu sinh. Mãi đến năm 2002 tôi về quê tìm lại nhà thằng Cường, nhưng tất cả đã xóa mờ dấu tích. Tôi lang thang qua từng xóm nhà, những đường đất quanh co khác lạ, tôi vào từng nhà, hỏi thăm từng người, khó khăn lắm cả buổi trời mới tìm ra.
Các em của Cường không ai nhận ra tôi. Cảnh cũ đổi thay đến nỗi tôi không tìm được dấu tích nào của nhà thằng Cường ngày xưa, mà là căn nhà khác giữa không gian xa lạ, chỉ còn duy nhất tấm hình nó trên bàn thờ đã hoen ố tróc lở, khuôn mặt nhạt mờ chỉ còn thoáng nét. Ông bà già ra người thiên cổ từ lâu. Đàn em nó cũng đã thành những ông già nông dân tóc bạc, mắt đã lem hem trông lam lũ nghèo nàn.
Tôi ra nghĩa địa ngồi xuống bên mộ Cường. Ngôi mộ thấp lè tè cỏ mọc um tùm che khuất, nằm lọt thỏm giữa ngổn ngang mồ mả lô nhô. Tấm bia mang tên: Lê Xuân Cường nhạt mờ xiêu vẹo, trông điêu tàn hoang phế. Cảnh vật đổi thay nhiều quá! Hơn ba mươi năm, thằng Cường vẫn lạnh lẽo nơi nầy mặc cho thế sự đổi thay.
Tôi không còn nước mắt để khóc như ngày nó vừa ra đi. Nhưng buồn quá! Hơn ba mươi năm, thời gian có thể xóa đi từng thời khắc của cuộc đời, nhưng không xóa nỗi những kỹ niệm tuổi hai mươi của tôi với Cường, với bạn bè vì nó đã thấm sâu trong tận cùng ký ức. Tôi buồn quá ! một nỗi buồn mênh mông.
Ánh nắng chói chang phủ xuống cánh đồng. Tôi đứng lên nói với Cường lời tạm biệt. Tôi thẩn thờ lê bước trở lại nhà Cường, theo lối mòn ngoằn ngòe giữa các hàng bia mộ ngã nghiêng
Tôi đốt nén nhang, đứng trước bàn thờ Cường thật lâu, nhìn nó trong tấm hình. Hơn ba mươi năm thời gian đủ dài để những kỷ niệm tuổi thanh niên lắng đọng ngủ yên, bất giác lại ùa về. Cuộn phim quá vãng diễn ra trong tâm tưởng.
Gương mặt từng đứa hiện ra: Nguyễn Công Hoanh thiết giáp sau thời gian ra tù mang bệnh nặng vẫn phải chạy xe đạp thồ kiếm sống nuôi con, cũng đã từ giã cỏi đời. Võ Mai Hoàng Trung úy Hải Quân một thời hào hoa, bồng bềnh trên sóng biển, lại chết bởi nước lũ cuốn trôi khi vớt củi trên sông Trà Bồng để độ nhật nuôi con dạo mới ra tù. Trần Quang Hiệp lịch lãm tài hoa, bạn bè ngưỡng mộ, hai lần thăng cấp ngoài mặt trận với chiến công lẩy lừng ở chiến trường Cao Nguyên, phải giã từ vũ khí bỏ lại đôi chân nơi trận địa, cũng đã bỏ mình ngoài Biển Đông trong hành trình tìm tự do. Huỳnh Lê, Phạm Ngọc Trương vừa tuồi hai mươi đã gục ngã khi cái lon chuẩn úy chưa phai mùi quân trường. Thằng Đông chết ở Quảng Trị, thằng Quí nằm lại cao nguyên. Bọn nó nằm xuống khi tuổi vừa đôi mươi chưa từng biết yêu đương là gì. Các bạn tôi còn quá trẻ tóc vừa đang xanh.
Khi ngồi viết những dòng nầy nhóm bạn thân ngày ấy giờ chỉ còn lại mình tôi, tất cả đã ra đi về cỏi trời mênh mông, chốn bình an không hận thù, bọn nó đã gặp nhau ở thế giới bên kia. Còn mình tôi ở lại đi nốt đoạn đường trần, nợ núi sông, nợ bạn bè, tuổi đời đã đi vào bóng xế.
Thời gian qua mau quá, mới một thanh niên đầy nhựa sống, tương lai rộng mở với bao nhiêu ước vọng, tất cả đã rơi tàn theo vận nước nổi trôi.
Nhiều lần trong cơn mơ tôi thấy mình vẫn còn quần xanh áo trắng, ngồi trong lớp học của trường Trần Quốc Tuấn thân yêu, nơi đã đào tạo tôi thành người, có bạn bè với những thầy cô đáng kính. Có lần tôi thấy thầy Lý Minh Trai dạy Vạn Vật gọi tôi lên trả bài, bài “Hệ Thần Kinh Não Tủy”, bài khó nhớ nhất. Tôi lớ ngớ cầm viên phấn đứng trước bảng đen, chưa biết phải bắt đầu vẽ trước bộ phận nào. Tôi vừa sợ thầy, vừa “quê” với các bạn nữ. Tim đập loạn xạ, tôi sợ đến toát mồ hôi. Giật mình, bàng hoàn tỉnh giấc mới biết là chiêm bao.
Tôi thấy gặp lại thằng Trương, thằng Hoàng, thằng Đông, Thằng Hoanh, thằng Đủ, thằng Lê….Nhiều, nhiều lắm. Vẫn chọc phá đùa nghịch như ngày nào.
Có khi tôi thấy mình vẫn là người lính trẻ tuồi hai mươi, với ba lô, bản đồ, địa bàn, ống nhòm, hành trang ra mặt trận. Tôi thấy rừng, thấy đồi núi, thấy xóm làng quê hương, những nơi tôi đã đi qua.
Cường ơi! Bốn mươi năm, tao đứng bên lề dòng chảy của cuộc đời, nên quên mất thời gian, đôi khi không nhớ mình còn tồn tại trên cỏi đời. Giật mình đầu đã bạc, mắt đã mờ. Tao cũng đang đi vào ga cuối của cuộc hành trình. Nhưng trong tâm tưởng mầy vẫn trẻ, lịch lãm như ngày nào.
Tự nhiên mấy hôm nay nhớ mầy quá đổi, nhớ bạn bè quá đi thôi! Bài viết nầy nhắt lại chuyện cũ là một nén tâm nhang gởi đến mầy, chúc ngủ yên nhớ mày nhiều lắm….. Cường ơi!!!
Phước Tuy: năm 2013
Lưu Hoàng Kỳ
(Hình tác giả)
No comments:
Post a Comment